Gọn gàng ngăn nắp được phước báu gì?

Kính thưa quý đạo hữu!
Nét sang trọng ở đời không nằm trong quần áo diện hay không diện. Con người toát lên sự sang trọng không phải ở chỗ giàu sang hay nghèo hèn. Vậy nét sang trọng, quý phái này từ đâu mà ra?

Có thể chúng ta chưa sang trọng, quý phái nhưng nhân duyên của chúng ta được học cách sang trọng, quý phái thì con người chúng ta sẽ trở nên sang trọng, quý phái. Đối với quần áo, đồ đạc, chăn màn, vật dụng,... dù rằng nghèo, nhưng nếu người ta biết gọn gàng, ngăn nắp thì cũng sẽ trở nên sang trọng, quý phái. Ngăn nắp, gọn gàng đi đôi với quý phái. Thói quen như vậy khiến cho chúng ta đi đến tất cả chỗ nào, nhìn thấy cái gì không ngăn nắp, gọn gàng, chúng ta sẽ phát hiện ra ngay và chúng ta sẽ làm nó ngăn nắp, gọn gàng. Điều đó sẽ khiến những người xung quanh nhìn nhận chúng ta. Nếu là các bạn trẻ thì sẽ được trọng dụng. Bởi vì, mình lôi thôi, bừa bãi thì cho dù mình có tài năng đến mấy, người ta nhìn vào mình, họ cũng có cảm giác mất cảm tình ngay. Nhưng nếu người ta đến chỗ mình thấy mọi thứ đều ngăn nắp thì ngay phút ban đầu gặp mặt, người ta sẽ tin tưởng mình.

Trong cuộc đời này, nhan sắc của chúng ta theo năm tháng sẽ tàn phai theo sinh, già, bệnh, chết. Nhưng người già lại có nét đẹp của người già, đó là do phước báu từ sự gọn gàng, ngăn nắp, biết ý của người ta sinh ra. Vì biết ý nên người ta sẽ biết phục vụ người khác, chính cái đó tạo ra nét đẹp. Kể cả người xấu đi chăng nữa, nếu biết gọn gàng, ngăn nắp thì người ta cũng có thể tạo cho mình một nét quý phái. Tức là tu trong đời này, người ta cũng phát xuất ra nét đó. Người mà gọn gàng, ngăn nắp thì người ta hay để ý, cho nên tự người ta sẽ trang nghiêm được người ta từ đi, đứng, ngồi. Và nét trang nghiêm cũng khiến cho người khác khi họ nhìn vào mình, tự họ sẽ có trở ngại, không dám nói ra những lời không hay, không dám xâm hại hay coi thường chúng ta. Đó chính là lợi ích của gọn gàng, ngăn nắp.

Đôi khi chúng ta cứ nghĩ rằng làm sao tôi phải phục vụ người khác. Bởi vì nghĩ như thế thành ra không làm. Thực sự đó là một cái thiệt thòi. Ví dụ như khi chúng ta ngồi vào một hàng ghế chưa ngay ngắn, chưa thẳng hàng, tự mình mình cũng không muốn ngồi xuống, tự mình mình cũng không muốn tham gia. Thế cho nên, lúc ấy, chúng ta phải bảo là: “Con thưa các bà, con xin phép để con xếp ghế lại ạ”, hoặc là lúc đó tự mình đi đến và đi xếp lại hàng ghế. Đấy là do sự tinh ý của mình, mà mình tinh ý được là xuất phát từ cái mình huân tập sự gọn gàng, ngăn nắp đã quen.

Cho nên, khi chúng ta về chùa, thấy việc gì, nhìn một cái chúng ta phải quán sát thật nhanh, thấy việc gì chưa ổn thì chúng ta làm luôn. Về nhà cũng thế, chúng ta phải dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng. Tất cả những cái đó đều sinh ra phước báu cho mình hưởng cả. Bởi thế, Phật tử chúng ta, già thì dạy con dạy cháu, trẻ thì thực hành rồi sau này dạy con dạy cháu của mình. Đã là tuổi trẻ thì đến trước, về sau (đến để phục vụ, sau để dọn dẹp). Còn khi bận công việc gì đó thì chúng ta xin phép hẳn hoi rồi ra về trước. Cho nên, người mà biết ý thì người ấy sẽ hạnh phúc. Mình biết ý thì người khác sẽ biết ý với mình và người khác sẽ nể trọng mình. Đó chính là công đức phước báu mà chúng ta nhận được!

Các bài nên xem:
Làm sao cho "bớt khổ?
Bố thí thế nào để được phúc báo?
Tinh tấn trong các duyên làm phận sự được lợi ích gì?

-
aa
+
1,008 lượt xem
11/09/2019

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ