Lòng từ bi vô lượng của Đức Phật khi thọ nhận món nấm độc trước lúc nhập Niết bàn

Vào đêm Rằm tháng Hai tại rừng cây Sala, thôn Pava, xứ Câu Thi Na, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nhập Niết bàn.

Đối với bậc Chánh Đẳng Giác, các Ngài có thể thị hiện nhập diệt bằng mọi nhân duyên như bay lên hư không, thiền định nhập diệt,… Nhưng đối với Đức Phật Thích Ca, Ngài đã lựa chọn nhập diệt bằng nhân duyên chịu bạo bệnh, sau khi thọ thực bữa cơm cuối cùng có món mộc nhĩ độc do người thợ sắt Cunda cúng dường.

Vậy tại sao Ngài lại chọn cách này? Xin kính mời quý Phật tử và các bạn cùng đón đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về nhân duyên nhập diệt của Đức Thế Tôn!

Câu chuyện Bữa cơm cuối cùng của Đức Phật tại nhà thợ sắt Cunda

Trong trích lược kinh tạng Nam Truyền Trường Bộ Kinh tập 2, phẩm kinh Đại Bát Niết Bàn trang 132, phần thứ 15 có đoạn: Khi Đức Phật thuyết Pháp trong hội chúng, thợ sắt Cunda nghe Pháp sinh tâm hoan hỷ và ông ta xin được dâng vật thực cúng dường Đức Phật và chúng Tỳ-kheo vào ngày hôm sau.

Trích lược văn kinh: “Và Thế Tôn buổi sáng đắp y, mang theo y bát, cùng với chúng Tỳ-kheo đến nhà thợ sắt Cunda, khi đến xong liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với thợ sắt Cunda:
– Này Cunda, loại mộc nhĩ đã soạn sẵn, hãy dọn cho Ta. Còn các món ăn khác đã soạn sẵn, loại cứng và loại mềm, hãy dọn cho chúng Tỳ-kheo.
– Xin vâng, bạch Thế Tôn!
Thợ sắt Cunda vâng lời Thế Tôn, dọn cho Thế Tôn các món mộc nhĩ đã soạn sẵn và dọn cho chúng Tỳ-kheo các món ăn khác loại cứng và loại mềm.
Rồi Thế Tôn nói với thợ sắt Cunda:
– Này Cunda, món ăn mộc nhĩ còn lại. Ông hãy đem chôn vào một lỗ. Này Cunda, Ta không thấy một ai ở cõi Trời, cõi Người, ở Ma giới, ở Phạm thiên giới, không một người nào trong chúng Sa-môn và chúng Bà-la-môn, giữa những Thiên, Nhân, ăn món mộc nhĩ này mà có thể tiêu hóa được, trừ Như Lai”.

Với trí tuệ của Bậc Toàn Giác, Đức Phật đã biết trước Cunda sẽ hái nhầm mộc nhĩ có độc để cúng dường. Ngài cũng biết rằng không một ai trong khắp Pháp giới này dù là ở cõi trời, cõi người hay ma giới có thể tiêu hóa món ăn này trừ Ngài.

Đức Phật đã biết trước tất cả, nên nếu Ngài muốn từ bỏ món ăn đó thì có thể từ bỏ một cách dễ dàng. Nhưng Ngài vẫn nói với thợ sắt Cunda soạn riêng món mộc nhĩ cho Ngài thọ dụng và soạn cho các Tỳ-kheo các món ăn khác. Sau khi dùng cơm, Thế Tôn nhiễm bệnh lỵ huyết nặng, đau đớn tột cùng. Dù vậy, Ngài vẫn thuyết Pháp cho thợ sắt Cunda khiến tâm Cunda hoan hỷ.

Ông thợ sắt Cunda dâng vật thực cúng dường Đức Phật. Ngài biết ông Cunda sẽ hái nhầm mộc nhĩ độc cúng dường Ngài
Ông thợ sắt Cunda dâng vật thực cúng dường Đức Phật. Ngài biết ông Cunda sẽ hái nhầm mộc nhĩ độc cúng dường Ngài

Rồi Ngài chánh niệm tỉnh giác, nhẫn chịu cơn bệnh, cùng với Tôn giả A Nan đi đến Kusinara. Trên đường đi, Đức Phật ngồi nghỉ dưới một gốc cây, nói Tôn giả A Nan đi lấy nước uống. Dù Tôn giả A Nan đã ba lần bạch thỉnh rằng nước sông gần đây mới có 500 cỗ xe chạy qua, nước trở thành nông cạn, khuấy động và vẩn đục; nhưng Đức Phật vẫn muốn Tôn giả A Nan đến lấy nước ở con sông đục đó. Kì diệu thay, khi Tôn giả A Nan đến lấy nước, con sông liền trong trẻo, sáng lặng và không vẩn đục.

Đó là nhân duyên Đức Phật thọ nhận món mộc nhĩ độc khiến thân bị bệnh khốc liệt và câu chuyện về phương tiện độ sinh của Đức Phật trước khi Ngài nhập Niết bàn.

Bài học Đức Phật để lại qua bữa cơm cuối cùng để hóa độ cho chúng sinh

1. Người cúng dường với tâm thanh tịnh nhận được phước báu nhiều đời

Sau khi Đức Phật thọ nhận bữa cơm mà thợ sắt Cunda cúng dường, Ngài thuyết Pháp cho Cunda. Bài pháp có nội dung là những người cúng dường bữa cơm trước khi Đức Phật thành đạo và trước khi Đức Phật nhập Niết bàn có phước báo vô cùng to lớn.

Ngài thuyết pháp để chúng ta biết đây là nhân duyên, là tâm từ bi của Đức Phật, để thợ sắt Cunda không lo lắng khi thấy mình cúng phải món mộc nhĩ độc cho Ngài.

Hai sự cúng dường được Đức Phật khẳng định là nhiều phước báu: Sự cúng dường của nàng Sujata (trước khi Đức Phật thành đạo) và Sự cúng dường của thợ sắt Cunda (trước khi Đức Phật nhập Niết bàn)
Hai sự cúng dường được Đức Phật khẳng định là nhiều phước báu: Sự cúng dường của nàng Sujata (trước khi Đức Phật thành đạo) và Sự cúng dường của thợ sắt Cunda (trước khi Đức Phật nhập Niết bàn)

Không chỉ vậy, Đức Phật đã từ bi thị hiện cho người tu và người cúng dường đời sau có tri kiến đúng đắn về việc cúng dường. Ngài đã chỉ ra cho chúng ta rằng, khi chúng ta cúng dường với tâm thanh tịnh, thành kính tín, nếu món ăn đó chẳng may có độc thì công đức của chúng ta không hề tổn giảm hay bị ảnh hưởng.

Như món ăn của ông Cunda chuẩn bị cúng dường Đức Phật, Đức Phật thọ thực xong bị bạo bệnh, nhưng ông Cunda vẫn được phước báo nhiều đời. Cho nên, chúng ta cúng dường cho những bậc tu hành với tâm thanh tịnh, cho dù việc gì xảy ra, chúng ta cũng không nên lo lắng.

2. Người bị bệnh không phải là không đắc đạo và người đắc đạo không phải là không bị bệnh

Với tuệ giác siêu việt, Đức Phật biết trước rằng sau khi Ngài nhập Niết bàn, chúng sinh thời mạt Pháp sẽ có những quan điểm sai lầm, tà kiến. Cụ thể là quan điểm rằng người tu mắc bệnh sẽ không thể đắc đạo; người tu đã đắc đạo thì sẽ không mắc bệnh trước khi xả bỏ báo thân.

Đức Phật là Bậc Toàn Giác mà đến bữa cơm cuối cùng, thân Ngài đau khốc liệt. Ngài đã thị hiện thân bệnh để đem lại chính kiến cho chúng sinh rằng, người bị bệnh không phải là không đắc đạo và người đắc đạo không phải là không bị thân bệnh.

Qua đây, chúng ta hiểu thêm rằng sự nhập diệt của các bậc tu đắc đạo, mỗi vị một nhân duyên, chứ không phải người đắc đạo nào cũng kiết già thiền định, ra đi thân không bệnh.

Đức Phật bị bệnh khốc liệt trước khi bỏ báo thân (ảnh minh họa)
Đức Phật bị bệnh khốc liệt trước khi bỏ báo thân (ảnh minh họa)

Bữa cơm cuối cùng của Đức Phật, Ngài đã thị hiện lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh, tránh cho chúng sinh sau này có những nhận xét sai lầm, phạm đến người chân tu đắc đạo khi các vị ấy xả báo thân cuối cùng bằng những nhân duyên của riêng mình.

Cùng với lòng từ bi đó, Đức Phật chỉ ra cho các vị tu hành được định tâm trong giây phút bạo bệnh cuối cùng của mình vẫn thực hành thiền định và chứng đắc ngay trong giây phút thiền định khi xả bỏ báo thân. Cho nên, đây là lòng từ bi vô lượng của Đức Phật.

3. Người làm Thầy luôn nhận hiểm nguy về mình

Trong bữa cơm cuối cùng, Đức Phật biết món mộc nhĩ có độc, cho nên Ngài nói ông Cunda mang món đó cho mình, còn những món ăn khác thì mang cúng dường các vị Tỳ-kheo. Qua việc này, chúng ta học được bài học tuyệt vời từ lòng từ bi của Đức Phật, đó là người làm Thầy luôn nhận hiểm nguy về mình và dành cho đệ tử những gì an lành.

Chúng ta muốn đi trên con đường của Đức Phật, muốn thành tựu Vô thượng Bồ đề thì chúng ta cũng thực tập như vậy – những gì khó khăn thì chúng ta làm, những gì dễ dàng, an lạc thì chúng ta phải dành cho đại chúng.

Cô Phạm Thị Yến chia sẻ về bài học về người làm Thầy qua bữa cơm cuối cùng mà ông Cunda dâng cúng Đức Phật
Cô Phạm Thị Yến chia sẻ về bài học về người làm Thầy qua bữa cơm cuối cùng mà ông Cunda dâng cúng Đức Phật

4. Bậc tu đắc đạo luôn có đầy đủ mọi phương tiện làm thanh tịnh tâm của chúng sinh

Trên đường từ nhà thợ sắt Cunda đi Kusinara, Đức Thế Tôn nghỉ dưới gốc cây và ba lần chỉ dạy Ngài A Nan đi lấy nước uống ở một dòng sông đang bị khuấy đục. Khi Ngài A Nan đặt bình bát để múc nước thì dòng sông ngay lập tức trở nên trong lành. Điều hy hữu nhiệm màu ấy là nhờ năng lực công đức của Đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn nghỉ dưới gốc cây và ba lần chỉ dạy Ngài A Nan đi lấy nước uống ở một dòng sông đang bị khuấy đục (ảnh minh họa)
Đức Thế Tôn nghỉ dưới gốc cây và ba lần chỉ dạy Ngài A Nan đi lấy nước uống ở một dòng sông đang bị khuấy đục (ảnh minh họa)

Từ đó, chúng ta có thể thấy Đức Phật thị hiện duyên này để khẳng định rằng: Người tu hành đắc đạo dù có mắc bạo bệnh thì năng lực công đức không hề tổn giảm, năng lực của tâm không bị ảnh hưởng.

Đây là sự thị hiện tuyệt vời của Đức Phật, giúp giải nghi và làm thanh tịnh tâm của chúng sinh. Khi Ngài A Nan đi múc nước cúng dường Đức Phật, Ngài vẫn là một vị Tỳ-kheo (phàm Tăng), chưa hề đắc đạo.

Qua sự kiện Đức Phật bị bạo bệnh, đương nhiên trong lòng người đệ tử cũng có những nghi ngờ. Chính sự thị hiện của Đức Phật đã khiến A Nan có đầy đủ thanh tịnh tâm đối với Đức Phật. Và với trí nhớ siêu việt, sau này A Nan đã kết tập lại kinh điển.

Chính điều này đã khẳng định rằng: Bậc tu hành đắc đạo luôn đầy đủ phương tiện làm thanh tịnh tâm chúng sinh, không làm mất tín tâm của chúng sinh cho dù bị bạo bệnh.

Qua đó, người đệ tử Phật phải thấy được rằng, Lòng từ bi của Đức Phật quả thật là vô lượng, tới giây phút cuối cùng trước khi nhập diệt mà Ngài còn độ cho chúng sinh; không phải chỉ mình ông Cunda, hay Đại đức A Nan mà là tất cả chúng sinh trong các kiếp vị lai.

CLB Cúc Vàng thực hành thiền quán cảm niệm ân đức nhân ngày kỷ niệm Đức Phật nhập Niết bàn 15/2 âm lịch

Đức Phật có thể nhập diệt bằng mọi nhân duyên như thiền định nhập diệt, bay lên hư không nhập diệt,… nhưng trong giây phút cuối cùng, Ngài đã chọn duyên bị bạo bệnh để độ chúng sinh. Ngài không phải vì Ngài mà nhập diệt, mà vì tất cả chúng sinh.

Cho nên, sự thị hiện nhân duyên nhập diệt của Đức Phật, nếu chúng ta đảnh lễ, sẽ được vô lượng phước báo, bởi vì đó là chúng ta đảnh lễ tâm từ bi của Ngài.

Nhằm giúp đại chúng tăng trưởng được tâm tri ân, hiểu sâu sắc hơn tâm từ bi vô lượng của Đức Phật, nhờ đó phát sinh phúc báu to lớn trong kiếp này và nhiều kiếp vị lai; đồng thời giúp đại chúng tinh tấn, kiên tâm hơn trong tu tập, Cô Phạm Thị Yến đã hướng dẫn, sách tấn Phật tử CLB Cúc Vàng – Tập Tu Lục Hòa thiền quán cảm niệm lòng từ bi, ân đức của Đức Phật qua bữa cơm cuối cùng trong Chương trình tu tập Quán niệm ngày Đức Phật nhập Niết Bàn.

>>> Chương trình tu tập Quán niệm ngày Đức Phật nhập Niết Bàn

Khi có quán tưởng, tư duy thì cảm thọ hạnh phúc sẽ xuất hiện trong tâm; từ đó thân có sự hoan hỷ. Khi đó, các đạo hữu buông quán niệm để cảm niệm trạng thái tâm hạnh phúc ấy.

Cứ như vậy, tu tập mỗi ngày sẽ giúp tư duy của chúng ta phát triển, cảm nhận hạnh phúc được tăng lên. Tới một lúc nào đó, khi cảm nhận hạnh phúc không rõ ràng nữa thì xuất hiện trạng thái tâm tĩnh lặng; đem đến cho chúng ta sự kỳ diệu to lớn.

Rất nhiều Phật tử trong CLB Cúc Vàng đã thực hành tu tập tại nhà theo sự sách tấn của Cô Chủ nhiệm (Ảnh năm 2021)
Rất nhiều Phật tử trong CLB Cúc Vàng đã thực hành tu tập tại nhà theo sự sách tấn của Cô Chủ nhiệm (Ảnh năm 2021)

Đức Phật dù đã nhập Niết Bàn nhưng tâm từ của Ngài vẫn còn mãi trong khắp pháp giới. Tấm gương về lòng từ bi, ân đức vô biên vì chúng sinh của Ngài là bài học quý báu không gì sánh được để hàng đệ tử noi theo.

Mong rằng nhân dịp kỷ niệm ngày Đức Phật nhập Niết Bàn, các Phật tử cùng nhau tinh tấn nỗ lực thực hành tu tập thiền quán theo sự hướng dẫn của Cô Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng để được lợi ích an vui.

Các bài nên xem:

-
aa
+
7,479 lượt xem
17/03/2024

Bình luận (1)

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. L
    L

    Lê Thị Kim Thanh

    03/03/2023

    Vâng. Con thật sự không thể kìm nén được cảm xúc khi được tận hưởng từng chữ câu chuyện về bữa cơm cuối cùng của Đức Phật đó người thợ sắt Kunda dâng cúng, con thiết nghĩ trong tâm thiên đại thiên thế giới này sẽ chỉ có Đức Phật Thích Ca mới làm được như vậy... Con chỉ muốn khóc thật nhiều để tận hưởng cảm xúc hạnh phúc này vì thật tự hào được làm con của Ngài. Vị cha lành của chúng con, cảm ơn Cô CN đã cho chúng con được đọc hiểu về đức hạnh siêu việt này của Đức Thế Tôn khi nhập diệt mãn phần. Con xin thành kính đảnh lễ giác linh của Ngài và học theo gương của Ngài, thành kính tri ân công đức chỉ dậy của Cô qua bài Pháp ạ.