Cáu gắt vào chu kỳ kinh nguyệt - Nhân duyên và cách chuyển hóa

Kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý tự nhiên ở nữ giới bắt đầu từ tuổi dậy thì. Kỳ kinh nguyệt có thể đi kèm một số triệu chứng khó chịu như đau vùng bụng dưới, đau mỏi lưng,... và có sự thay đổi về tâm lý, dễ cáu gắt, tâm trạng thay đổi thất thường.
Việc dễ cáu gắt, bực bội vào kỳ kinh nguyệt gây ra nhiều rắc rối, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều chị em phụ nữ. Vậy để biết hiện tượng này có nguyên nhân do đâu và cách chuyển hóa như thế nào, mời quý độc giả cùng tìm hiểu qua lời chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến - Pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán trong bài viết dưới đây!

Tâm trạng cáu gắt vào chu kỳ kinh nguyệt - Nỗi lo của người nữ

cau-hoi-1
Bạn Nga Phương gửi câu hỏi về hiện tượng đau bụng khi đến chu kỳ kinh nguyệt trong nhóm CLB Tình Yêu - Hôn Nhân - Gia đình Phật tử

Quả thật trong những ngày kinh nguyệt, cơ thể có sự thay đổi dẫn đến những bất tiện trong sinh hoạt, cũng như tâm sinh lý không ổn định khiến các chị em thường hay cáu gắt, không làm chủ được cảm xúc, hay có những suy nghĩ tiêu cực. Bạn gái trên với mong mỏi nhận diện được nguyên nhân để từ đó điều phục được tâm mình trong những ngày kinh nguyệt đã nhận được lời giải đáp của Cô Phạm Thị Yến.

Hiện tượng cáu gắt khi đến chu kỳ kinh nguyệt

Đầu tiên, Cô Phạm Thị Yến chia sẻ về các hiện tượng khi đến kỳ kinh nguyệt của nữ giới: “Người nữ đến thời kỳ kinh nguyệt phải trải qua các cảm thọ: cơn đau quặn và đau tức bụng dưới. Các cơn đau này âm ỉ liên tục, có người một vài ngày, nhưng cũng có người bị tới hàng tuần trước ngày chính thức ra kinh. Các cảm thọ đau đớn trên thân trước trong kỳ kinh nguyệt của người nữ luôn thay đổi, nên tâm tính của người nữ cũng bị thay đổi theo. Nếu người nữ nào kiên định điều phục, nhẫn nhịn với cảm thọ đau đó được nhiều thì tâm ổn định hơn; còn người nữ nào nhẫn ít hơn, thì tâm tính bất ổn nhiều hơn. Ngoài ra cũng có những người nữ chỉ bị cơn đau hay tức nhẹ trước trong kỳ kinh nguyệt”.

sau-bung-kinh
Nhiều người nữ đến thời kỳ kinh nguyệt phải trải qua các cơn đau quặn bụng dưới

Nhân - Duyên - Quả của những triệu chứng trong chu kỳ kinh nguyệt

Gửi câu hỏi đến Cô chủ nhiệm, và bạn Nga Phương cũng tin rằng những triệu chứng trong kỳ kinh nguyệt có sự tác động của nhân quả. Vậy theo quan điểm của đạo Phật, Cô Phạm Thị Yến đã lý giải vấn đề này thế nào?

#1 Nguyên nhân dẫn đến những triệu chứng trong chu kỳ kinh nguyệt

Cô Phạm Thị Yến cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đau bụng khi đến chu kỳ kinh nguyệt dưới góc nhìn đạo Phật: “Theo sự thấy biết của Yến, nhân quả của hiện tượng đau bụng kinh ở người nữ là do “tâm tính chấp lỗi và trả thù”. Chúng ta cùng tư duy về sự thấy biết về “tâm tính chấp lỗi và trả thù”: người chấp lỗi sẽ hay để ý và nói lời thị phi, phán quyết sai lệch sự thật, việc làm tổn hại đến thân tâm của người, làm cho người tổn hại, tâm bất an và có thể tổn hại đến công ăn việc làm, thân sinh bệnh khổ”.
Theo phân tích của Cô, chúng ta thấy rằng việc đau bụng khi đến kỳ kinh nguyệt cũng không nằm ngoài nhân quả. Nếu người nữ chưa biết cảm thông, thiếu yêu thương, tha thứ, hay chấp lỗi của người và có tâm trả thù thì có thể sẽ gây ra hiện tượng đau bụng khi đến tháng.

hay-chap-loi-la-1-nhan-gay-dau-bung-kinh
Theo góc nhìn nhân quả của đạo Phật, việc hay chấp lỗi của người khác là một “nhân” gây ra hiện tượng đau bụng khi đến chu kỳ kinh nguyệt

#2 Duyên làm thân là người nữ

Như chúng ta đã biết, mọi sự vật, sự việc đều nằm trong dòng nhân quả. Cũng vậy, sinh ra là thân nữ hay thân nam đều do nhân quả nghiệp báo mà thành. Cô Phạm Thị Yến chia sẻ nhân duyên làm thân người nữ: “Đức Phật dạy trong kinh Địa Tạng, làm thân người nữ có hai nguyên nhân: một là do nghiệp mà phải mang thân người nữ; hai là do phát nguyện sinh làm thân nữ để thực hành Pháp, làm lợi ích cho mình và lợi ích chúng sinh”. Thân người nữ vốn nặng nghiệp hơn thân người nam, phải chịu những thiệt thòi, đau khổ như có chu kỳ kinh nguyệt, mang thai,...
Cô chủ nhiệm cũng chia sẻ thêm: “Trong kiếp luân hồi này, nếu chỉ xét về thân nam - thân nữ:
- Nếu đang là thân nữ, biết tu tập xả bỏ chấp lỗi, biết tha thứ thì sau sẽ có duyên sinh làm người nam.
- Nếu đang là thân nam, mà chấp lỗi, thù hằn, ác hại, trả thù thì sau sẽ có duyên sinh làm người nữ”. Hy vọng qua lời chia sẻ của Cô, chúng ta sẽ tích cực làm việc lành, biết thương yêu, tha thứ cho lỗi lầm của người khác để được nhiều lợi lạc và có sự chuyển hóa cho đời này và nhiều đời sau.

tap-song-yeu-thuong-hoc-cach-tha-thu
Để chuyển hóa được hiện tượng đau bụng khi đến chu kỳ kinh nguyệt, người nữ nên tập sống yêu thương, học cách tha thứ lỗi lầm của người khác

#3 Quả của nhân “chấp lỗi và trả thù”

Trong câu trả lời về chu kỳ kinh nguyệt của bạn Nga Phương, Cô Phạm Thị Yến cũng chỉ ra “quả” từ “nhân” chấp lỗi và trả thù ác hại: “Đau bụng kỳ kinh nguyệt; cảm thọ đau tức bụng; thân thể mệt mỏi (nhiều hay ít phụ thuộc vào cường độ chấp lỗi trả thù); ảnh hưởng đến sự làm việc; ảnh hưởng quan hệ, uy tín”. Nếu cứ mang tâm chấp lỗi để làm việc, giao tiếp sẽ không chỉ làm thân tâm mình tổn hại mà còn để lại ấn tượng tiêu cực cho đối phương.

Cách tu tập chuyển hóa những triệu chứng của người nữ khi đến chu kỳ kinh nguyệt

Cô Phạm Thị Yến đã đưa ra các phương pháp tu tập theo quan điểm nhà Phật để giúp người nữ có thể thực hành: “Trước mỗi sự việc cần tìm hiểu rõ để thông cảm, tha thứ hoặc nâng đỡ, khiến người khác không mắc lỗi (cho dù có thể dùng các hình thức đánh, mắng,... để cho người khác dừng tội lỗi, nhưng tâm phải yêu thương, giác hiểu). Cần nghe giảng Phật Pháp để biết cách tư duy nhân quả, thực hành bố thí, giúp đỡ những người xung quanh trong tất cả các duyên, sẽ khiến mình tăng trưởng tâm cảm thông, tha thứ, yêu thương. Về tâm linh, cần tu tập tạo công đức trong Tam Bảo và thế gian, để hồi hướng phúc đó đến cho các chúng sinh mà do kiếp trước tâm tính “chấp lỗi sinh trả thù” của mình đã làm hại họ, nay có thể họ đang trong cõi ngạ quỷ khổ theo báo oán mình, làm cho mình khó kham nhẫn, tính tình bất ổn”.
Theo sự hướng dẫn của Cô, người nữ nên thực hành hai việc: một là tăng trưởng tâm yêu thương, tha thứ, nâng đỡ người khác; hai là tạo các công đức trong Tam Bảo để hồi hướng phước lành đó giúp phần nào tiêu trừ được các ác nghiệp mình đã gây tạo trong các kiếp quá khứ.

ve-chua-lam-cong-qua-nghe-Phap
Về chùa làm công quả, nghe giảng Pháp sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về nhân quả, từ đó tăng trưởng tâm tha thứ, yêu thương

Người nữ đến kỳ kinh nguyệt có được đi chùa không?

Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý tự nhiên mà bất cứ người phụ nữ nào cũng phải trải qua. Tuy nhiên có một số quan niệm cho rằng, người nữ đến kỳ kinh nguyệt là thân thể bất tịnh, không nên đến chùa, không được hành lễ Phật, thắp hương, tụng kinh,... Vậy theo góc nhìn của đạo Phật, người nữ đến kỳ kinh nguyệt có được đi lễ chùa hay không?
Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Bẩn hay sạch thì chúng ta dùng tâm mình để xét. Nếu tâm mình có lành thiện thì đó là tâm thanh tịnh. Nếu mình mang các đồ dơ bẩn để vào chùa là mình có tạo tác mang đồ dơ bẩn vào chùa. Còn người nữ là có nghiệp ở cơ thể tiết ra thì không thể gọi là tâm không thanh tịnh. Cơ thể này xông lên những mùi không tốt nhưng tâm mình đi đến chùa lễ Phật, cầu Phật nên việc đó không thuộc về dơ bẩn của tâm. Cho nên, các bạn vẫn đi lễ chùa bình thường. Nhưng mình có ý, mình sẽ đứng sang một bên rìa chứ không đứng chính giữa”.
Cô cũng giải thích rằng, việc ngồi tránh sang một bên, không ngồi chính diện là để thành tựu tâm của mình, chứ không có gì dơ bẩn. Cho nên, người nữ đến kỳ kinh nguyệt vẫn có thể đến chùa và vẫn nhận được phước báu nếu có tâm cung kính và làm các việc lành thiện.

nguoi-nu-den-chu-ky-van-co-the-den-chua
Người nữ đến kỳ kinh nguyệt vẫn có thể đến chùa và tham gia các hoạt động ở chùa (ảnh minh họa)

Qua những lời chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến, chúng ta hiểu rằng, hiện tượng đau bụng, hay cáu gắt vào kỳ kinh nguyệt không chỉ do thay đổi hormone mà còn là quả của nhân chấp lỗi, trả thù ở người nữ. Từ đây, chúng ta cũng biết được lợi ích của việc tu học, thực hành Phật Pháp trong cuộc sống.
Hy vọng mỗi người sẽ chăm chỉ nghe Pháp, cùng tinh tấn thực hành lời Phật dạy để tăng trưởng tâm yêu thương, tha thứ, nhờ đó cuộc sống được bình an và hạnh phúc.
Nguyệt An
Các bài nên xem: 

-
aa
+
2,658 lượt xem
22/07/2020

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ