Muốn chết vì không vượt qua được cảm xúc đau khổ nên làm gì?

“Tất cả cảm xúc khổ đó đều xuất phát từ sự “bất như ý”, nghĩa là cái gì không được như mong cầu của mình thì mình sẽ xuất hiện cảm xúc đau khổ. Vì vậy, muốn vượt qua cảm xúc đau khổ, chúng ta nên áp dụng thực hành: Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, an trú trong hiện tại. Đây là thực tập tỉnh thức loại trừ khổ đau.” Cô Phạm Thị Yến
Câu hỏi: Mô Phật, thưa Cô hiện tại con bị nghĩ đến và muốn tìm cái chết dù biết rằng chết không phải là hết nhưng con muốn chấm dứt cái cảm xúc đau khổ trong lúc này. Con mong Cô giúp con vượt qua ạ!
Cô Phạm Thị Yến trả lời:

co-pham-thi-yen-27
Cô Phạm Thị Yến (Pháp danh: Tâm Chiếu Hoàn Quán) chủ nhiệm CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa

Cô chào em! Chúng ta cùng tìm hiểu về cảm xúc khổ:

Cảm xúc khổ xuất hiện khi nào?

Cảm xúc khổ xuất hiện khi trên thân bị đau đớn, bị đói, bị khát, hình tướng nhan sắc không được như ý muốn của mình,... 
Cảm xúc khổ xuất hiện khi mình bị hạn chế, bị thua kém về tài năng, bị thua kém về trí tuệ, khi mình không có đủ tiền như mong muốn, khi người mình yêu lại không yêu mình, khi bị người hiểu nhầm, vu khống, vô ơn bạc nghĩa,... Tất cả cảm xúc khổ đó đều xuất phát từ sự “bất như ý”, nghĩa là cái gì không được như mong cầu của mình thì mình sẽ xuất hiện cảm xúc đau khổ.
Ở đời này không có ai mọi sự đều được như ý mình. Nếu mình giỏi nhất trong thời điểm hiện tại, thì sau sẽ có người giỏi hơn mình; hiện tại mình đẹp nhất, rồi sau sẽ có người đẹp hơn mình,… Cho đến hiện tại mình giàu nhất, nhưng mình sẽ có thể thèm khát một sự thảnh thơi của người tu hành; mình tưởng mình yêu người này nhất, nhưng rồi mình sẽ xuất hiện cảm mến người khác,… Cho đến cái cuối cùng, điều mà ai cũng phải chấp nhận đó là già, bệnh và chết không như ý muốn: ai cũng muốn mình không già, không bệnh và không chết, nhưng ai cũng phải già, phải bệnh và phải chết.... Vậy là cả cuộc đời phải sống với sự bất như ý.

cam-xuc-dau-kho-khi-ming-cau-khong-duoc-nhu-nguyen
Cảm xúc đau khổ xuất phát từ những mong cầu không được như ý nguyện của mình

Còn “bất như ý” là còn cảm xúc khổ. Cả thế gian này, trừ các bậc tu hành đã đắc giải thoát thì ai cũng đang sống trong sự bất như ý. Vì hiện tại có không như ý thì mới mong cầu cái tốt hơn, vì mong cầu cái tốt hơn nên mới có sự phát triển. Cho nên, chúng ta thấy chúng ta không khác biệt mọi người. Chúng ta cần loại bỏ suy nghĩ “Sao tôi khổ thế?” bằng suy nghĩ “Ở đời ai cũng có nỗi khổ niềm đau, mỗi người mỗi cách, không ai giống ai, tuỳ vào mong cầu của mỗi người, ai có nhiều mong cầu thì sẽ có và cần trải qua nhiều cảm xúc khổ”.

Vượt qua cảm xúc đau khổ bằng cách nào?

Ở thế gian này luôn luôn giải quyết “bất như ý” bằng cách mong muốn một tương lai tốt hơn hiện tại. Ví dụ: quạt mát bằng tay, làm mình mệt (bất như ý), cho nên mong muốn quạt điện; Xe đạp khiến mình di chuyển vất vả, chậm chạp (bất như ý), cho nên mong muốn có ô tô;… 
Và chính thói quen giải quyết “bất như ý” bằng mong cầu một sự/cái tốt hơn hiện tại đó, áp dụng sang một số tình huống khác sẽ có thể làm chúng ta xuất hiện sự đau khổ trong hiện tại. Ví dụ, việc cải thiện mối quan hệ: 
- Mình bị người ác hại, mình cố nhẫn nhịn, người càng lấn tới,… sinh đau khổ. 
- Mình yêu người, bị người phụ tình, mình cố gắng tìm mọi cách níu kéo mà không được, sinh đau khổ. 
- Mình làm ăn thua lỗ, càng cố gắng càng thua lỗ nhiều hơn, sinh đau khổ,…
Đức Phật dạy về phương pháp diệt trừ cảm xúc khổ đau trong hiện tại, để gặt hái được kết quả tốt đẹp hơn bằng cách biết sống từng giây phút trong hiện tại theo cách tư duy: Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, an trú trong hiện tại, thật là cõi Niết bàn.

biet-cach-song-voi-tung-giay-phut
Biết cách sống với từng giây phút trong hiện tại chính là một trong những cách giải quyết cảm xúc đau khổ

Ví dụ về tình cảm: Nếu mình bị tổn thương phụ bạc, thì thường nghĩ về quá khứ: đã từng hy sinh cho họ, đã từng yêu nhau thế nào, chăm sóc ra sao,... Hành động truy tìm quá khứ này sẽ sinh ra cảm xúc khổ; và thường ước vọng về tương lai: anh/cô ấy đang vui vẻ với người khác, còn mình bị bơ vơ, mình gặp bạn bè bị cười chê,... mình mong ước tìm cách để anh/cô ấy quay lại với mình. Chính sự ước mong vọng tưởng này sinh ra cảm xúc khổ cho chúng ta.
Vì vậy, chúng ta nên áp dụng sống trong hiện tại bằng cách thực tập tỉnh thức: ta có cái thân này, cần đối xử tốt với nó: cần cho nó ăn khi cảm thấy đói; cho nó mặc khi thấy nóng/lạnh; cho nó ngủ nghỉ tập thể dục theo đúng chế độ phù hợp cho nó khoẻ,... ăn biết đang ăn; người bẩn biết người bẩn, cần đi tắm, khi tắm biết đang tắm,… Khi vọng tưởng về việc khổ kia, ta buông bỏ vọng tưởng và quay lại với công việc hiện tại... Các mối quan hệ gần: mẹ, cha, anh, em… cũng nên kiểm soát tâm, ứng xử tỉnh thức đúng với hoàn cảnh hiện tại, không kể lể việc đã qua, không bàn việc sau này,… Với tất cả việc đều như thế, kiên trì từ 3-7 hôm, cảm xúc khổ sẽ biến mất, tâm hồn sẽ vui vẻ, lạc quan và phát sinh ra trí tuệ, rồi từ trí tuệ đó sẽ phát sinh ra cách xử lý sáng suốt. Và khi đó, nếu gặp lại người đã làm ta đau khổ kia, ta sẽ ứng xử được như người bạn, vui vẻ hỏi han. Tuy bước đầu còn ngượng, nhưng cảm xúc đau khổ đã không còn nhiều, trạng thái cảm xúc đã thay đổi, nên sẽ có cách ứng xử mà người ngoài cảm thấy rất lạ, nhưng sự thật là như vậy. Đó là lộ trình thay đổi của cảm xúc, dẫn đến thay đổi tâm sẽ thay đổi cách ứng xử (theo Phật Pháp đó là thay đổi thọ dẫn đến thay đổi tưởng; tưởng dẫn đến thay đổi tâm, dẫn đến thay đổi thức). Tiếp tục thực tập tỉnh thức trong hiện tại như vậy trong khoảng một tháng, chúng ta sẽ có nhiều sự đổi mới, đây chính là kết quả của việc thực tập tỉnh thức. Tuy rằng mới thực tập gặp nhiều khó khăn do vọng tưởng về sự khổ liên tục chi phối, nhưng kiên trì sẽ làm được. Và đó là thói quen tốt giúp vượt qua và làm tiêu trừ các cảm xúc khổ.
Ví dụ về kinh tế: Khi làm ăn thua lỗ, chúng ta thường truy tìm lại quá khứ: thời hoàng kim lúc trước, nhớ tới sự sang trọng của mình lúc trước,...; thường nghĩ về tương lai: đối diện ngày mai ra sao, sinh ra khổ,… Tất cả sự truy tìm quá khứ và nghĩ về tương lai lúc này sẽ làm ta bế tắc. Bởi vậy, chúng ta nên thực hành giây phút hiện tại như trên, có thể trong một giờ, hai giờ,… thực tập một ngày vào nhiều khoảng thời gian khác nhau, thì sẽ làm tâm ta lắng xuống, từ đó phát sinh trí tuệ và sẽ có cách xử lý sáng suốt. Ví dụ có nhiều trường hợp khi làm ăn thua lỗ, họ nói là chán quá rồi và họ buông hết, nhưng sau rồi may mắn họ nghĩ ra thế này thế kia. Và sự việc thay đổi trong trường hợp này không phải là may, mà là họ BUÔNG, tức là sống trong hiện tại, nên tâm họ được thảnh thơi, không tham, không oán hận; từ đó phát sinh trí tuệ, khiến họ có tư duy sáng suốt (theo Phật Pháp cũng là thay đổi thọ dẫn đến thay đổi tưởng; tưởng dẫn đến thay đổi tâm, dẫn đến thay đổi thức và thức chính là trí).
Vậy, muốn vượt qua cảm xúc đau khổ, chúng ta nên áp dụng thực hành: Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, an trú trong hiện tại. Đây là thực tập tỉnh thức loại trừ khổ đau.

Chết có hết cảm xúc đau khổ không?

Nếu trong lúc tâm phiền não, đau khổ, thì chết sẽ đọa lạc. Khi đọa lạc xuống ba đường dữ ví như đọa làm quỷ sầu, thì chúng sầu khỏi hết kiếp, không gián đoạn. Chúng ta làm người, sự sầu khổ khi sự việc vừa xảy ra có thể gián đoạn trong ngày đầu tiên, rồi các ngày tiếp theo gián đoạn nhiều hơn và có khi hết; nhưng nếu đọa làm quỷ sầu, thì không có một giây gián đoạn cho đến hết kiếp. Và đọa làm súc sinh hay xuống địa ngục cũng vô cùng khổ đau. Tự tử cũng chính là sát sinh, sát hại mạng sống của chính mình, thì sự chịu khổ trong ba cõi sẽ thống khổ hơn. Không những chịu khổ sau khi chết, mà nếu ta tự tử, ta còn gây ra cảm xúc khổ cho người thân trong hiện tại. Quả báo của nó là khi nào được sinh về làm người, ta sẽ phải chịu nhiều sự khổ vì sự chia lìa khi tình cảm còn sâu nặng và thân thể sức khỏe của chính chúng ta không được tốt, sẽ hành khổ chính chúng ta.

Thế giới tâm linh tác động tới cảm xúc đau khổ của chúng ta

Khi một ý nghĩ thôi thúc tự tử, thường có tác động của thế giới tâm linh. Có thể kiếp trước mình làm các việc bất thiện: ép người chết; khiến người khác uất ức, đau khổ mà tìm đến cái chết,... Cho nên, nay họ có tác động lên tâm thức của mình, theo giáo lý của Phật gọi là bị phi nhân làm hại. Hiện tượng của việc này là tâm bị thôi thúc không yên, luôn nghĩ đến cái chết, hoặc xuất hiện lời nói thúc giục đi chết trong tâm trí. Trường hợp này nên phát tâm sám hối và làm các việc phúc thiện hồi hướng. Nếu tin theo Phật Pháp thì nên sám hối, tụng kinh, cúng dường Tam Bảo, hồi hướng tất cả công đức phúc lành đó cho các chúng sinh mà mình đã ác hại, khiến nay có hiện tượng như vậy.

the-gioi-tam-linh-tac-dong
Thế giới tâm linh tác động đến cảm xúc đau khổ của chúng ta khiến chúng ta luôn cảm thấy không yên và luôn nghĩ đến cái chết

Trường hợp của em không nói rõ, nên em có thể áp dụng một cách phía trên là tu tập tỉnh thức trong hiện tại, hoặc cả hai cách vừa tu tâm tỉnh thức trong hiện tại và vừa hồi hướng tâm linh.
Chúc em giác ngộ và sớm vượt qua chiến thắng cảm xúc khổ!
Các bài nên xem:
Nói sai Pháp của Phật - Sám hối thế nào cho tiêu tội?
Nói dối khi đi xin việc làm - quả báo như thế nào?
Muốn kéo dài thọ mạng nên làm thế nào?

-
aa
+
3,913 lượt xem
07/05/2020

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ