Bài kinh: Tiền Thân Đức Phật Thích Ca Khi Phát Tâm Bồ Đề Phát Nguyện Thực Hành Sáu Ba-la-mật

Tôi nghe như thế này:
Có một lúc Đức Phật Thích Ca ngụ tại thành Vương Xá, núi Kỳ-xà-quật, cùng với sáu mươi hai ngàn vị đại tỳ-kheo. Các vị đều là những bậc A-la-hán đã dứt sạch lậu hoặc, không còn sinh khởi các phiền não, mọi việc đều được tự tại, tâm được giải thoát, trí huệ được giải thoát, như các bậc đại long tượng khéo điều phục. Các ngài đã làm xong mọi việc cần làm, buông bỏ được gánh nặng, tự thân đã được sự lợi ích, dứt hết mọi chấp hữu, đạt trí huệ chân chánh nên tâm được tự tại. Hết thảy các ngài đều đã được giải thoát, chỉ trừ ngài A-nan. 

Khi ấy Đức Phật Thích Ca, nói về chuyện Phạm chí Bảo Hải phát tâm Bồ Đề được Đức Phật Bảo Tạng Thọ Ký đặt hiệu là Đại Bi Thành Tựu.

…Này thiện nam tử, khi ấy Bồ Tát Đại Bi lại đối trước Đức Phật Bảo Tạng mà bạch phát nguyện thực hành sáu ba-la-mật. 

1. Bố Thí Ba-la-mật
“Bạch Thế Tôn! Cho đến đời vị lai, trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng, bước sang số a-tăng-kỳ kiếp lần thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng, vào nửa sau của Hiền kiếp, tuổi thọ con người là một ngàn tuổi, con sẽ đợi đến khi ấy mà tu tập hành trì đạo Bồ Tát, ở lâu trong sinh tử, nhẫn chịu mọi điều khổ não. Nhờ vào sức tam-muội của Bồ Tát nên quyết sẽ không buông bỏ những chúng sinh như vậy". 

“Bạch Thế Tôn! Nay con tự mình thực hành sáu pháp ba-la-mật để điều phục chúng sinh".

“Như lời Phật dạy, dùng tài vật để bố thí gọi là Bố thí ba-la-mật".

“Bạch Thế Tôn! Khi con thực hành pháp Bố thí ba-la-mật, nếu có chúng sinh đời đời theo con mà cầu xin các thứ cần dùng, con sẽ tùy theo chỗ cần dùng mà cung cấp cho đầy đủ, từ món ăn thức uống, thuốc men, y phục, giường ghế, nhà cửa xóm ấp, hương hoa, chuỗi ngọc; giúp cho người bệnh có đủ thuốc men, sự chăm sóc. Đối với những vật như cờ phướn, lọng che quý báu, tiền tài, lúa thóc, vải lụa, voi ngựa, xe cộ, vàng bạc, trân châu, lưu ly, pha lê, ngọc quý, ngọc bích, san hô, trân bảo cho đến các thứ nón mũ, đồ trang sức... con đều sinh lòng đại bi, đối với chúng sinh dẫu cho nghèo khó cũng mang ra bố thí hết. Tuy làm việc bố thí như vậy nhưng chẳng cầu được quả báo trong hai cõi trời, người, chỉ vì muốn thâu nhiếp điều phục chúng sinh mà thôi. Do nhân duyên ấy nên xả bỏ được hết thảy mọi sự sở hữu". 

“Nếu có những chúng sinh cầu xin quá mức, chẳng hạn như nô tỳ, xóm làng, thành ấp, vợ con, chân tay, mũi lưỡi, đầu mắt, da xương, máu thịt, thân mạng... Cầu xin những thứ như vậy thật là quá đáng. Nhưng khi ấy con vẫn sinh lòng đại bi, mang đủ những thứ như vậy mà bố thí cho tất cả, cũng không cầu được quả báo, chỉ vì để thâu nhiếp điều phục chúng sinh mà thôi". 

“Bạch Thế Tôn! So với việc thực hành pháp Bố thí ba-la-mật của con, những vị Bồ Tát trong quá khứ đã thực hành pháp Bố thí ba-la-mật thảy đều không thể theo kịp; những vị Bồ Tát trong tương lai sẽ phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề mà thực hành pháp Bố thí ba-la-mật cũng đều không thể theo kịp!"

“Thế Tôn! Trong đời vị lai con vì tu hành đạo Bồ Tát nên trong trăm ngàn ức kiếp sẽ thực hành pháp Bố thí ba-la-mật như vậy".

“Thế Tôn! Trong đời vị lai nếu có ai muốn tu hành đạo Bồ Tát, con sẽ vì người ấy khuyên dạy thực hành pháp Bố thí ba-la-mật, không để cho dứt mất". 

2. Trì Giới Ba-la-mật
“Bạch Đức Thế Tôn! Khi con bắt đầu thực hành pháp Trì giới ba-la-mật, vì cầu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề nên giữ theo đủ mọi giới luật, tu tập các pháp khổ hạnh đúng như Phật dạy, quán xét các pháp ngã và vô ngã nên năm căn chẳng bị năm trần làm hại". 

3. Nhẫn Nhục Ba-la-mật
“Bạch Đức Thế Tôn! Còn về pháp Nhẫn nhục ba-la-mật, con cũng sẽ thực hành theo như đã nói ở trên, quán xét các pháp hữu vi, lìa khỏi mọi điều lỗi lầm xấu ác; thấy rõ các pháp vô vi là vi diệu, tịch diệt; chuyên cần tinh tấn tu tập, đối với đạo Vô Thượng không sinh lòng thối chuyển". 

4. Tinh Tấn Ba-la-mật
“Bạch Đức Thế Tôn! Với pháp Tinh tấn ba-la-mật, con cũng thực hành theo đúng như vậy, không sinh lòng thối chuyển”. 

5. Phát Nguyện Thực Hành Thiền Định Ba-la-mật
“Dù ở bất cứ nơi đâu cũng tu tập tướng không, đạt được pháp tịch diệt, đó gọi là Thiền định ba-la-mật". 

6. Trí tuệ Ba-la-mật
“Bạch Đức Thế Tôn! Thấu hiểu được rằng tánh thật của các pháp xưa vốn không sinh, nay ắt không diệt, đó gọi là Bát-nhã ba-la-mật. Trong vô lượng trăm ngàn ức a-tăng-kỳ kiếp, con đã chuyên cần tinh tấn, kiên trì tu tập pháp Bát-nhã ba-la-mật như thế… 

…Khi Bồ Tát Đại Bi phát nguyện xong, tất cả đại chúng trong hội ấy, chư thiên, loài rồng, quỷ thần, càn-thát-bà, người và phi nhân, thảy đều chắp tay cung kính hướng về Bồ Tát Đại Bi, tung rải các loại hoa thơm để cúng dường, cho đến trỗi lên các loại âm nhạc, rồi lại hết lời ngợi khen xưng tán.
Sau khi ngợi khen xưng tán rồi, tất cả đều đứng lặng yên tại chỗ.”

Thiện nam tử! Các ông nên biết rằng, Bồ Tát Đại Bi kia nào phải ai xa lạ, chính là tiền thân của ta trong quá khứ, ở nơi đức Phật Bảo Tạng lần đầu tiên phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Phát tâm như vậy rồi, khuyên dạy vô lượng vô biên chúng sinh hướng đến quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Thiện nam tử! Đó chính là sự dũng mãnh tinh tấn trước nhất của ta. 

(Trích soạn từ: 500 Lời nguyện của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - trích kinh Bi Hoa)

-
aa
+
13,389 lượt xem
23/07/2021

Bình luận (1)

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. L
    L

    Lê Thị Mai

    19/10/2022
    Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni