Bài kinh: Cách Nhận Biết Về Đại Chúng Chư Tăng Để Nương Tựa Tu Hành (Kinh Hội Chúng)

Một thời Thế Tôn trú ở Kiều Tát La (Kosala), dạy các Tỷ kheo:
– Có ba hội chúng này, này các Tỷ-kheo, thế nào là ba?

Hội chúng tối thượng, hội chúng không hòa hợp, hội chúng hòa hợp.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng tối thượng?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, hội chúng nào có các Tỷ-kheo trưởng lão, không có sống đầy đủ, không có biếng nhác, từ bỏ dẫn đầu về đọa lạc, đi đầu về hạnh viễn ly, tinh cần tinh tấn, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và những thế hệ kế tiếp chúng tùy thuận theo tri kiến của chúng. Hội chúng ấy không có sống đầy đủ, không có biếng nhác, từ bỏ dẫn đầu về đọa lạc, đi đầu về hạnh viễn ly, tinh cần tinh tấn, để chứng những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng tối thượng. 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng không hòa hợp?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào các Tỷ-kheo sống cạnh tranh, tranh luận, đấu tranh nhau, đả thương nhau bằng những binh khí miệng lưỡi. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng không hòa hợp.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng hòa hợp?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào các Tỷ-kheo sống hòa hợp hoan hỷ, không có luận tranh, sống như nước với sữa lẫn lộn, nhìn nhau bằng cặp mắt ái kính. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng hòa hợp.

Lúc nào, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo sống hòa hợp, hoan hỷ, không có luận tranh, như nước và sữa lẫn lộn, nhìn nhau với cặp mắt ái kính, lúc ấy, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo tạo được công đức, lúc ấy, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo sống phạm trú. Nghĩa là, với ai hân hoan với tâm giải thoát liên hệ với hỷ, thời hỷ sanh; với ai có hỷ, thân được khinh an; với thân khinh an, cảm giác được lạc thọ; với ai cảm giác lạc thọ, tâm được định tĩnh. 

Ví như, này các Tỷ-kheo, trên một ngọn núi có mưa rơi nặng hạt, nước mưa ấy chảy theo sườn dốc, làm đầy các hang núi, các khe núi, các thung lũng. Sau khi làm đầy các hang núi, các khe núi, các thung lũng, chúng làm đầy các hồ nhỏ. Sau khi làm đầy các hồ nhỏ, chúng làm đầy các hồ lớn. Sau khi làm đầy các hồ lớn, chúng làm đầy các sông nhỏ. Sau khi làm đầy các sông nhỏ, chúng làm đầy biển cả. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, lúc nào các Tỷ-kheo sống hòa hợp, hoan hỷ, không có luận tranh, như nước và sữa lẫn lộn, nhìn nhau với cặp mắt ái kính, lúc ấy, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo tạo được công đức, lúc ấy, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo sống phạm trú. Nghĩa là, với ai hân hoan với tâm giải thoát liên hệ với hỷ, thời hỷ sanh; với ai có hỷ, thân được khinh an; với ai có thân khinh an, cảm giác được lạc thọ; với ai cảm giác lạc thọ, tâm được định tĩnh.

Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba hội chúng.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Đức Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành. 

(Trích soạn từ: Bài kinh Hội Chúng Hòa thượng Thích Minh Châu – Việt dịch. Xem: Kinh Tạng Nam Truyền, Tăng Chi Bộ Kinh – Tập 1, Chương 3: Ba Pháp, 10. Phẩm Hạt Muối, tr. 315-317)

-
aa
+
23,080 lượt xem
03/05/2022

Bình luận (2)

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. Đ
    Đ

    Đỗ Thị Mai

    10/06/2023

    Con xin tri ân Tam Bảo, xin tri ân Sư Phụ cùng Đại Tăng, xin tri ân cô Chủ Nhiệm, xin tri ân các bậc tri thức đã giúp đỡ cho con tu hành

  2. L
    L

    Lê Thị Chung

    10/06/2023

    Con xin thành kính tri ân công đức trên Sư Phụ, Cô chủ nhiệm và chư Tăng chùa Ba Vàng đã giúp con tu hành ạ.