3 lý do cho thấy: không ai có thể quản lý tiền công đức ngoài chư Tăng

Pháp bố thí cúng dường là pháp đầu tiên mà người đệ tử Phật phải thực hiện được; để xả bỏ tâm tham lam và hồi hướng phước báo cho chính mình, cha mẹ, người thân,... Tiền cúng dường hay còn gọi là tiền công đức là tiền nhân dân, Phật tử đến chùa cúng, cho, tặng Tam Bảo mà đại diện là chư Tăng.
Vậy ai có thể quản lý tiền công đức này? Nếu có người nào ngoài chư Tăng xâm phạm tiền công đức, người đó có vi phạm pháp luật không và nhận quả báo gì? Mời quý vị cùng theo dõi bài viết dưới đây qua lời trạch giảng của Cô Phạm Thị Yến - Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa.

1. Chư Tăng là bậc xứng đáng được cúng dường

Để đại chúng hiểu được tại sao chư Tăng mới là bậc xứng đáng được cúng dường, Cô Phạm Thị Yến trích dẫn hai bài kinh Đức Phật dạy.

Bài kinh thứ nhất: “Hai hạng người xứng đáng được cúng dường”, kinh Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Tâm thăng bằng, phần Đất, Đức Phật dạy: Có hai hạng người đáng được cúng dường: Hữu học và vô học. Hữu học là các vị Sa môn, đang tu tập thực hành lời Đức Phật dạy. Vô học là các bậc tu hành đã đắc thánh quả giải thoát.

Bài kinh thứ hai: “Xứng đáng là ruộng phước” - kinh Nikaya, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Đáng được cung kính, phần Đáng được cung kính, Ngài dạy rằng: Vị Tỳ kheo thành tựu 6 pháp: khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, khi mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp đều không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác. Đó là vị Tỳ kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Trong cả hai bài kinh, Đức Phật đều khẳng định chư Tăng (tức các vị Sa Môn hay Tỳ kheo) là những bậc xứng đáng được cúng dường.

Thế nào là xứng đáng, Cô Chủ nhiệm chia sẻ: “Chư Tăng là bậc xứng đáng được cúng dường, vì khi chư Tăng nhận của người cúng dường, người đó sẽ được tăng phước và được nhiều lợi ích như hạnh phúc, sức khỏe, thọ mạng, công danh, tiền tài, kinh tế, hồi hướng nguyện cầu đất nước nơi họ sinh sống được bình an,...”. Cô chia sẻ thêm: “Người thế tục còn tham lam đầy rẫy, tuy rằng trong tâm có tánh Phật nhưng không hiển lộ được. Chỉ trong chư Tăng thì tánh Phật, trí Phật mới hiển lộ, bởi chư Tăng thực hành lời Phật dạy, thuyết Pháp về những điều giác ngộ cho chúng ta nghe. Cho nên, chư Tăng là người xứng đáng được cúng dường và tiền công đức chỉ có duy nhất chư Tăng mới xứng đáng được nhận, đây chính là lời khẳng định của Đức Phật”.

Như vậy, qua phần trạch giảng của Cô Phạm Thị Yến, chúng ta thấy rằng chư Tăng là những người tu tập thực hành các pháp viễn ly mà Đức Phật đã chỉ dạy để cầu chân lý, mang chân lý làm lợi cho chúng sinh. Chính vì sự cao quý đó, chư Tăng xứng đáng được nhân dân thập phương cúng dường.

2. Giới luật Phật quy định về việc chư Tăng sử dụng tài sản tích lũy của Tam Bảo

Đối với phần tài sản tích lũy của Tam Bảo mà chưa sử dụng đến, Đức Phật có dạy chư Tăng trong bài kinh “Đức Phật dạy chư Tăng cách sử dụng sinh lời tiền cho Tam Bảo” tại luật Tứ phần giới bốn. Phật nói: “Nếu vì chúng Tăng làm sinh lợi, thì các cư sĩ tín tâm nghe Phật nói rồi, vì Phật, Pháp, Tăng, cúng vô để làm của thường trụ, vật của Tam Bảo cũng nên làm cho có lợi ích; của sinh lợi cũng đem về cho Tam Bảo, để được cúng dường.

Nếu khi cho vay phải nói rành rẽ, khi trả phải trả gấp hai, cũng phải làm tờ giấy kỳ hẹn, cùng người đứng bảo đảm, ký tên ngày nào tháng nào, để tên vị Thượng Tọa, cùng tên thầy thư ký, dầu cho người cận sự tín tâm đi nữa cũng phải trả gấp hai”.

Vậy từ điều luật mà Phật chế ra cho chư Tăng, chúng ta biết rằng phần tiền công đức tích lũy có thể làm sinh lời, có thể cho vay, đem phần lời cúng dường Tam Bảo được. Cô Phạm Thị Yến khẳng định: “Đức Phật dạy chư Tăng được phép sử dụng tài sản tích lũy của Tam Bảo và quản lý, sử dụng tiền tích lũy đó nếu chưa dùng đến để sinh lời, từ đó làm lợi ích cho Tam Bảo”.

3. Pháp luật Nhà nước Việt Nam quy định về việc quản lý và sử dụng tiền công đức

Tiền công đức (hay những loại tiền khác cùng bản chất pháp lý như tiền lễ, tiền khấn, tiền dâng, tiền dâng cúng...) là tiền của cá nhân, cơ quan, tổ chức tặng cho nhà tu hành hoặc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở, tổ chức tôn giáo để nuôi dưỡng các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người thực hành tín ngưỡng, thực hiện các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng và các hoạt động khác nhằm phát triển tôn giáo, tín ngưỡng.

Về tiền công đức này, có các điều luật quy định quyền sở hữu như sau:

- Theo quy định tại khoản 6 Điều 7 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, thì tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có quyền “nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho”. Như vậy, tổ chức tôn giáo có quyền nhận tiền công đức, cúng dường Tam Bảo.

- Khoản 1 Điều 56 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: “Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên tổ chức; quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật”. Theo điều khoản này, tiền công đức là tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.

- Khoản 3 Điều 3 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: “Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo”. Như vậy, tiền công đức của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo được Nhà nước bảo hộ, bất khả xâm phạm.

- Khoản 1 Điều 205 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Sở hữu riêng là sở hữu của một cá nhân hoặc một pháp nhân”. Như vậy, tiền công đức của tổ chức tôn giáo là tiền thuộc sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo.

- Khoản 1 Điều 206 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác không trái pháp luật”. Theo đó, tổ chức tôn giáo có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tiền công đức nhằm phục vụ nhu cầu hoạt động tôn giáo và các mục đích khác không trái pháp luật.

Từ những lý do trên, nếu bất kỳ cá nhân, tổ chức nào chiếm đoạt, xâm hại tiền công đức thì đó là vi phạm pháp luật. Cá nhân hay tổ chức đó sẽ phải nhận hình thức xử phạt của luật pháp và chịu quả báo thảm khốc của nhân quả do phạm tội trộm cắp của Tam Bảo. Chỉ có chư Tăng mới có quyền quản lý phần tài sản này, vì chư Tăng đại diện cho Tam Bảo, sử dụng phần tài sản này phục vụ cho mục đích hoằng truyền Phật Pháp, làm lợi ích cho muôn loài chúng sinh.

Các bài nên xem:

-
aa
+
1,842 lượt xem
08/07/2021

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ