Câu hỏi:
Cháu chào Cô Yến, cháu có một thắc mắc xin Cô hoan hỷ giải thích cho cháu với ạ! Theo như cháu hiểu là con gái đi lấy chồng thì vẫn phải đối xử công bằng giữa nhà mẹ đẻ và nhà chồng. Tuy nhiên, nếu ở Việt Nam mà làm như thế thì sẽ dẫn đến mâu thuẫn gia đình. Chị dâu cháu luôn nhắc nhở cháu là có tiền thì phải chăm lo, vun vén cho gia đình nhà chồng trước rồi mới được nghĩ đến gia đình mẹ đẻ. Nếu như mình sống chung với bố mẹ chồng, giúp đỡ mình nhiều hơn thì cũng hợp tình hợp lý. Nhưng những trường hợp sống riêng và tự lập thì cháu thấy không được hợp lý cho lắm. Không biết cháu nghĩ như thế là đúng hay sai ạ?
Cháu mong Cô giải đáp giúp cháu. Cháu xin cảm ơn Cô ạ!
Cô Phạm Thị Yến trả lời:
Kính thưa quý đạo hữu!
Nếu chúng ta không hiểu kỹ về nhân quả thì những trường hợp như thế này làm cho chúng ta rất khó xử lý và gây ra mâu thuẫn rất nhiều.
Yến sẽ lấy một ví dụ cụ thể: Hôm nay bên nhà chồng có em chồng cưới, bên nhà mình có em trai mình cưới. Khi hai bên cưới trùng nhau thì cả xã hội đồng ý cho mình về nhà cưới em trai mình hay phải ở lại cưới em trai chồng? Thực chất, nếu như người nào bỏ về tham dự đám cưới em trai mình thì người ấy sắp sửa phải ra khỏi nhà chồng. Đó chính là phong tục.
Vậy từ đâu mà sinh ra phong tục này? Nghiệp sinh ra phong tục, nghiệp của mình sinh ra mình trú xứ ở đây với những phong tục này. Cho nên, chúng ta chỉ biết khéo léo, uyển chuyển để chuyển hóa nghiệp thì chúng ta sẽ thành công. Còn nếu chúng ta không tu chuyển nghiệp mà chỉ “bẻ gãy” phong tục đó, không tuân thủ phong tục đó thì chúng ta đang tạo ra nghiệp mới. Những người sinh ở trú xứ, bị phong tục tập quán như thế này chi phối là do kiếp trước mình có gia trưởng, có áp đặt. Cho nên những người nữ chúng ta sinh trong phong tục đó, phải tuân thủ phong tục đó thì chúng ta trước đây là những người gia trưởng. Cho nên, bây giờ chúng ta phải tu nhân làm sao để mình không gia trưởng trong mọi việc nữa bằng cách lắng nghe ý kiến của mọi người, hãy để cho mọi người đóng góp ý kiến với mình. Nếu chúng ta bình đẳng thì sẽ chuyển được nghiệp.
Cho nên, khi gặp trường hợp cả em chồng và em mình cùng cưới trùng ngày thì mình có thể xin phép bố mẹ rằng: “Mẹ ơi, bây giờ em con bên kia cưới, nhưng mà có việc này bên kia không có ai lo. Con xin lo cho bên nhà mình trước rồi con về bên kia”. Lúc bấy giờ, nếu nghiệp của mình đã chuyển thì bố mẹ chồng sẽ thuận và ai cũng sẽ đồng ý. Còn nếu nghiệp mình không chuyển thì khi mình nói ra sẽ bị cả nhà chồng chửi luôn, nếu mình chống đối lại thì sẽ hơn thua phải trái và đến mức độ là mình sẽ phải xách túi ra đi, chịu nhiều đau khổ. Vì thế, chúng ta khi quán được nghiệp thì phải nghĩ rằng: “Thôi, mình đã có nghiệp bảo thủ, chấp trước rồi, cho nên bị rơi phải gia đình cực kỳ gia trưởng. Đây là quả báo, mình phải chấp nhận rồi chuyển hóa nó dần dần”. Khi chúng ta biết đây là quả báo của chúng ta thì tâm chúng ta sẽ không đau khổ.
Cho nên, đạo Phật là đạo dạy cho chúng ta giải thoát nghiệp chứ không phải dạy cho chúng ta cách tạo nghiệp ác, tức là chống đối lại. Giống như cái cây đã cứng rồi, mình mà bắt nó nằm ngang thì nó sẽ bị gãy cành. Phong tục tập quán của chúng ta đã trở thành cây cổ thụ, ai chống lại nó thì chẳng khác bẻ gãy nó đi và mất cây luôn. Cho nên các phong tục tập quán của mình, nếu ai phẫn nộ với phong tục tập quán đó thì người đó quả thật chưa biết. Chúng ta phải tìm cách để đánh vào tâm thức của mỗi người đồng thuận để chuyển hóa nghiệp lực, tức là cả cộng đồng cùng tu nhân chuyển quả. Trước đây, Yến có đọc một bài kinh Phật dạy: không được tự ý thay đổi những phong tục, tập quán đã có từ trước, mà muốn thay đổi phải họp bàn có sự nhất trí, sau đó mới thay đổi. Tại vì khi họp bàn và nhất trí là con người có tư duy, phát triển. Cho nên trong Bát chính đạo có chính kiến, chính tư duy. Chính tư duy đồng nhau nên nghiệp cùng chuyển, phong tục tập quán cổ hủ sẽ biến mất. Cho nên, có tu thì có chuyển nghiệp, mà muốn chuyển được thì phải thay đổi tri kiến trước tiên.
Yến xin trở lại với câu hỏi của bạn, với gia đình mà có kinh tế để hỗ trợ cho cả hai bên bình đẳng được thì chúng ta cứ hỗ trợ bình đẳng. Còn nếu như bố mẹ chồng nghèo hơn, khổ hơn thì chúng ta phụ cho bố mẹ chồng; bố mẹ đẻ nghèo hơn, khổ hơn thì chúng ta phụ cho bố mẹ đẻ. Thứ nữa, nếu có những việc nhà chồng xảy ra và đồng thời nhà mình cũng xảy ra song hành như thế thì mình phải hỏi ý kiến của chồng, vì điều đó khiến mình tiêu trừ đi nghiệp bảo thủ của mình. Ví dụ như cả bố chồng và bố mình đều mất cùng một ngày thì mình phải lo cho bên bố chồng một phần nào đó rồi mình mới về nhà bố đẻ, chứ mình không thể bỏ phắt bố chồng ở đây mà quay về với bố đẻ ở kia được. Còn nếu như được sự thỏa thuận của gia đình nhà chồng thì mình nói: “Thôi, bây giờ bố hai bên cùng mất, anh về lo bố đẻ, em về lo bố đẻ”.
Nhưng những người thỏa thuận được như thế là do phước báo của họ, trước đó họ đã biết trả nghiệp gia trưởng, được bố mẹ chồng yêu quý, đến lúc này, nhà chồng sẽ thông cảm, vui vẻ để cho mình đi về lo lễ tang bên nhà mình. Còn nếu nghiệp mình chưa chuyển thì vợ chồng sẽ cãi nhau khiến cho mình đau khổ. Khi nghiệp còn là nghiệp ác thì không tính đến có lý hay không có lý. Thế nên mới có câu: “Không cũng chết, dại cũng chết mà biết thì sống”, tức là chúng ta phải biết ứng phó để mọi việc được ổn thỏa. Người biết về nghiệp, biết điều phục tâm để chuyển nghiệp thì chúng ta sẽ được an vui dần lên.
Cho nên, trong những người hợp như thế này, không phải người phụ nữ không được chăm lo, vun vén cho gia đình nhà ngoại, mà mình chuyển nghiệp thì mình có thể vun vén được.
Các bài nên xem:
Quan tâm người yêu – Bao nhiêu là đủ?
Cách hàn gắn tình cảm vợ chồng khi đã rạn nứt
Làm gì để thay đổi người chồng tệ bạc?
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.