Nghi thức hộ niệm cho người bệnh trước lúc lâm chung dành cho đạo tràng đi làm phận sự (người sắp lâm chung là Phật tử đã phát nguyện Bồ Đề tu lục hòa)

Nghi thức này áp dụng vào các thời gian khác sau khi nhập quan (ví dụ: nhập quan buổi sáng, đến tối tụng kinh cúng cơm...)

Xem thêm (ấn vào tên bài):
1. Nghi thức đám tang dành cho đạo tràng đi làm phận sự (người mất là Phật tử đã phát nguyện Bồ Đề tu Lục Hoà)
2. Tổng hợp các video về nghi thức đám ma
3. Trước khi làm lễ cần đọc: Kiến thức cơ bản cần biết trước khi tham gia các đàn lễ tâm linh để có được lợi ích

A. Lời Dẫn

Ý nghĩa và lợi ích của việc hộ niệm

Kính thưa quý đạo hữu.
Hộ niệm là một phương pháp có từ thời Đức Phật còn tại thế. Trong lịch sử Phật giáo, có rất nhiều câu chuyện về việc hộ niệm. Điển hình là câu chuyện khi Ngài Cấp Cô Độc lâm bệnh nặng sắp lâm chung. Đức Phật đã cử hai vị đại đệ tử là Tôn giả Xá Lợi Phất và Tôn giả A Nan đến để hộ niệm, nhắc lại lời dạy của Đức Thế Tôn giúp cho trưởng giả Cấp Cô Độc giác ngộ, giảm được các cơn đau trên thân thể và ra đi nhẹ nhàng tái sinh lên cung trời Đâu Suất.

Hộ niệm là giúp đỡ cho người bệnh nhớ nghĩ về những điều thiện lành (như: nhớ về Phật, Pháp, Tăng, giới, thí,… và các công đức thiện lành khi trước đã tạo). Hộ niệm là một phương pháp giúp cho người sắp lâm chung có một cận tử nghiệp thiện lành, giúp quyết định chỗ tái sinh cao tốt trong kiếp sau.

Vì vậy việc hộ niệm là vô cùng quan trọng và lợi ích cho người bệnh. Nếu người bệnh còn tỉnh táo, thì dễ dàng giác ngộ, nếu người bệnh không còn tỉnh táo, thì thần thức của họ cũng được ảnh hưởng tốt, từ công đức phước báu phát sinh trong buổi lễ và sự cảm ứng tâm linh từ người hộ niệm có thể thần thức người bệnh cũng được phần nào giác ngộ.

Người chủ sám hộ niệm cần là người giữ được niệm quy y Tam Bảo, nhất tâm nương tựa Tam Bảo, tinh tấn tu lục hòa, thường thọ giới bát quan trai, để khi đọc lời khai thị cho người bệnh và oan gia trái chủ của người bệnh hoặc đọc lời khai thị cho người bệnh, thì do công đức của pháp lục hòa, sẽ có cảm ứng tâm linh mang lại lợi ích cho người bệnh. Đại chúng tham gia hộ niệm, nếu đều tu được như vậy, thì sẽ đem lại kết quả cao cho người bệnh và gia đình tín chủ.

Mong rằng quý đạo hữu tìm hiểu thật kỹ bộ nghi thức này để biết cách thực hành đúng phương pháp hộ niệm.
Chúc quý đạo hữu tu tập hòa hợp, tinh tấn trong các phận sự được giao, tâm Bồ đề ngày càng tăng trưởng, kiên cố.

Nam mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.

B. Các Hướng Dẫn

1. Đối Tượng Được Hộ Niệm

– Người sắp lâm chung là Phật tử đã phát nguyện Bồ Đề tu lục hòa: Các Phật tử đã được phát nguyện Bồ Đề và phát nguyện tu sáu Pháp hòa kính là: 1. Thân hòa đồng trụ; 2. Khẩu hòa vô tránh; 3. Ý hòa đồng duyệt; 4. Giới hòa đồng tu; 5. Kiến hòa đồng giải; 6. Lợi hòa đồng quân.

2. Cúng Lễ

– Ngày khai đàn: nên cúng vật thực

– Ngày kết đàn: Tùy duyên có hoặc không cúng

– Hàng ngày: Tùy duyên có hoặc không cúng

Lưu ý: 

– Nếu khai đàn và hàng ngày cúng được thì tốt.

– Nếu trong quá trình làm lễ, chưa kết đàn mà người bệnh đã mất thì không làm lễ kết đàn mà chuyển sang thực hiện nghi thức trợ niệm

3. Địa Điểm Và Sắp Lễ

– Địa điểm bài trí bàn thờ: tại nơi người bệnh, vị trí phù hợp để người bệnh nhìn được về phía tôn tượng/tôn hình Phật/Bồ Tát hoặc nếu phòng bệnh quá nhỏ thì bố trí nơi gần người bệnh nhất.

– Nên an trí tôn hình Sư Phụ cùng chư Tăng đi khất thực, để Phật tử nhớ nghĩ lại công đức của mình và dễ sinh tâm hoan hỷ, để có được chính niệm quy y Tam Bảo, và pháp bố thí cúng dường Tam Bảo, sẽ có lợi ích lớn cho việc tái sinh vào cảnh giới an lành tiếp tục tu hành trong kiếp sau.

– Bài trí bàn thờ:
+ Tôn tượng hoặc tôn hình Phật, Bồ Tát.
+ Cốc gạo cắm hương (nếu sức khỏe của bệnh nhân không phù hợp với việc thắp hương thì không thắp hương và không sắp cốc cắm hương. Có thể thay cốc gạo bằng bát hương)
– Sắp lễ: hoa quả, nước lọc, nước chè, bát cơm trắng, hoặc xôi chè, hoặc cơm chay hoặc tam tịnh nhục.

4. Cúng Thí Thực
Trong quá trình hộ niệm, nên khuyến khích hướng dẫn cho gia đình cúng thí thực hàng ngày hoặc tùy duyên. Đây là pháp thí mang lại phước báu và thiện duyên cho người bệnh cũng như sau khi bỏ báo thân.

5. Vai Trò Của Gia Đình Tín Chủ Trong Buổi Hộ Niệm

– Các việc gia đình cần làm cho người bệnh:
Người bệnh sắp mất, có duyên ái nghiệp với gia đình, nên gia đình có tầm quan trọng lớn đối với người bệnh. Vì vậy gia đình cần phải theo hướng dẫn của Phật tử: tụng kinh lễ bái, khai thị cho người bệnh đúng theo lời Đức Phật dạy trong kinh; không nói các chuyện khiến người bệnh ái luyến vào gia đình, tham tiếc đời sống với gia đình; nên nói những lời có nội dung sau: yên tâm nghe kinh cầu tu hành thành Phật…, các việc còn lại mọi người sẽ tự lo được… nói chung là làm cho người bệnh được thanh thản, không lo lắng…

– Các việc trợ duyên cùng Phật tử:
Gia đình cần trợ duyên cho các Phật tử trong quá trình trước, trong và sau hộ niệm.
– Gia đình làm theo sự hướng dẫn của các Phật tử để chuẩn bị đàn tràng.
– Gia đình tham gia đầy đủ các khóa lễ.
– Gia đình thu dọn đàn tràng sau khi kết thúc khóa lễ.

C. Nghi Thức Hộ Niệm

– Trước khi vào khóa lễ, chủ sám sẽ nhắc nhở đạo hữu bệnh nhân. Vị trí: Tại giường người bệnh.

– Hướng dẫn cho gia đình tín chủ ngoài thời gian tụng kinh thì mở đường link (ấn vào tên bài)“các video hỗ trợ hộ niệm”, tại phòng bệnh để hỗ trợ hộ niệm cho người bệnh.

1. Văn Khấn Tại Các Nơi Thờ Khi Chưa/Đã Biết Rõ Là Không Đúng Pháp

Link: https://phamthiyen.com/van-khan-tai-cac-noi-tho-khi-chuada-biet-ro-la-khong-dung-phap-c4438.html 

2. Hô Chuông

(Đại chúng quỳ gối chắp tay. Đánh 3 chuông lễ 1 lễ, sau đó đánh một hồi chuông. Dứt hồi chuông, bắt đầu đánh chuông, từng tiếng thong thả. Chủ sám hô chuông)

Nghe tiếng chuông, phiền não nhẹ 
Trí tuệ lớn, Bồ Đề sanh 
Lìa địa ngục, thoát vô minh 
Nguyện thành Phật, độ chúng sinh 
Nam mô Giáo chủ cõi U Minh Bồ Tát Địa Tạng Vương
Nam mô Giáo chủ cõi U Minh Bồ Tát Địa Tạng Vương 
Nam mô Giáo chủ cõi U Minh Bồ Tát Địa Tạng Vương! (dồn hết hồi chuông)

3. Nguyện Hương

(Quỳ. Tùy duyên đọc phần dùng hương đốt hoặc hương tâm)

+ Trường hợp dùng hương nén, hương trầm…:

Nguyện đem lòng thành kính
Gửi theo đám mây hương
Phảng phất khắp mười phương

+ Trường hợp dùng hương tâm:

Nguyện ý thành, tâm kính
Biến mãn khắp mười phương

(Tiếp. Chung cho các trường hợp)

Cúng dường ngôi Tam Bảo
Thề trọn đời giữ đạo
Theo tự tính làm lành
Cùng pháp giới chúng sinh
Cầu Phật từ gia hộ
Tâm Bồ Đề kiên cố
Chí tu đạo vững bền
Xa biển khổ nguồn mê
Chóng quay về bờ giác
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát! (3 chuông)

 

4. Bạch Phật

(Quỳ, chủ lễ bạch)

Nam mô thập phương pháp giới thường trụ Tam Bảo tác đại chứng minh! Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!
Chúng con kính bạch chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng chứng minh và gia hộ. Chúng con kính thỉnh chư Thiên, chư Thần Linh, chư linh Thần hộ trì quang giáng đàn tràng ủng hộ cho chúng con.

Đệ tử chúng con thuộc đạo tràng… trong Câu lạc bộ Cúc Vàng Tập Tu Lục Hòa, hiện đang tu tập tại chùa Ba Vàng.
Hôm nay là ngày… tháng… năm…, Phật tử chúng con theo pháp lục hòa, thể theo lời thỉnh cầu của gia đình tín chủ (tên tín chủ, Pháp danh (nếu có))…, sự cho phép của chư Tăng chùa Ba Vàng, của Câu lạc bộ, sự cắt cử phân công của đạo tràng, chúng con tới tại gia chung của gia đình tín chủ, tại địa chỉ… để hộ niệm cho đạo hữu Phật tử (tên, Pháp danh)… đang mang trọng bệnh (kể tên bệnh)… và trợ duyên cho gia đình đạo hữu Phật tử tu tập công đức, tụng kinh cúng lễ, để hồi hướng phước lành cho đạo hữu được tiêu trừ nghiệp chướng, nếu còn thân mạng thì khỏe lại, nếu hết thân mạng thì nguyện mong được thân giảm trừ các sự đau đớn, tâm trí được sáng suốt, xả bỏ báo thân nhẹ nhàng trong niệm nương tựa Tam Bảo cầu Vô Thượng Bồ Đề.

Chúng con xin nương oai lực Tam Bảo, hạnh nguyện độ sinh, độ cho vong linh của chư Tăng chùa Ba Vàng, oai lực công đức Bồ Đề của Pháp lục hòa, chúng con nhất tâm thỉnh mời các chúng vong linh oan gia trái chủ đang tác động trên thân bệnh và thần trí tâm thức của đạo hữu Phật tử (tên, Pháp danh)... cùng vong linh gia tiên tiền tổ họ (họ của gia đình tín chủ)… hợp duyên với gia đình tín chủ, cùng các vong linh có duyên tại nơi đất ở của gia đình tín chủ, được vân tập về nơi pháp hội đàn tràng, cùng chúng con tu tập nghe kinh thính pháp cầu giác ngộ và thọ hưởng phẩm thực hiến cúng của gia đình tín chủ.

Chúng con xin nhất tâm thỉnh mời.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (3 chuông. 1 lễ)

5. Tán Phật

(Quỳ; pháp khí: khánh)

Đấng Pháp vương vô thượng
Ba cõi chẳng ai bằng
Thầy dạy khắp trời người
Cha lành chung bốn loài
Quy y tròn một niệm
Dứt sạch nghiệp ba kỳ
Xưng dương cùng tán thán
Ức kiếp không cùng tận

Phật chúng sinh tính thường rỗng lặng
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn
Lưới đế châu ví đạo tràng
Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời
Trước bảo tọa thân con ảnh hiện
Cúi đầu xin thệ nguyện quy y (1 chuông)

6. Đảnh Lễ Phật

(Quỳ; pháp khí: khánh)

Chí tâm đỉnh lễ: Nam mô tận hư không biến pháp giới quá, hiện, vị lai thập phương chư Phật, Tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng thường trụ Tam Bảo. (1 chuông. 1 lễ)
Chí tâm đỉnh lễ: Nam mô Sa Bà Giáo chủ Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Hộ Pháp chư Tôn Bồ Tát, Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát. (1 chuông. 1 lễ)
Chí tâm đỉnh lễ: Nam mô Tây phương Giáo chủ Cực Lạc Thế giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật, Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. (1 chuông. 1 lễ)

7. Tán Pháp

(Ngồi; khai chuông mõ; pháp khí: mõ)

Pháp Phật sâu mầu chẳng gì hơn
Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp
Nay con nghe thấy vâng gìn giữ
Nguyện hiểu nghĩa chân Đức Thế Tôn
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (3 lần. 3 chuông)

8. Tụng Kinh

(Ngồi đọc kinh)
Lưu ý: Tùy vào tình trạng sức khỏe, sự chấp trước cũng như khả năng tiếp nhận của người bệnh, mà chọn bài kinh và đọc khai thị cho người bệnh. Nếu người bệnh còn thời gian dài, thì tụng lần lượt các bài kinh, hết rồi vòng lại.

Ngày 1. Bài Kinh: Thiên Đế Thích Quy Y Tam Bảo
Link: https://phamthiyen.com/bai-kinh-thien-de-thich-tu-quy-y-tam-bao/

Ngày 2. Bài Kinh: Tụng Kinh Sám Hồng Danh
Link: https://phamthiyen.com/sam-hoi-hong-danh-phat-nguyen-bo-de/

Ngày 3. Bài Kinh: Nhân Duyên Của Giàu Và Nghèo
Link: https://phamthiyen.com/nhan-duyen-cua-giau-va-ngheo-kinh-nikaya/

Ngày 4. Bài Kinh: Phật Thuyết Kinh Trai Giới
Link: https://phamthiyen.com/bai-kinh-phat-thuyet-kinh-trai-gioi/

Ngày 5. Bài Kinh: Bốn Anh Em Ông Phạm Chí Chạy Trốn Tử Thần
Link: https://phamthiyen.com/bai-kinh-bon-anh-em-pham-chi-chay-tron-tu-than/

Ngày 6. Bài Kinh: Bố Thí Thân Mạng Cầu Vô Thượng Bồ Đề
Link: https://phamthiyen.com/bai-kinh-bo-thi-than-mang-cau-vo-thuong-bo-de/

Ngày 7. Bài Kinh: Chánh Niệm Về Niệm Chết
Link: https://phamthiyen.com/bai-kinh-chanh-niem-ve-niem-chet/

9. Khai Thị

(Quỳ. Chủ sám bạch Phật)

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Giờ này đệ tử chúng con xin đọc lời khai thị cho Phật tử (tên, Pháp danh)…, chúng con xin sự gia hộ của Tam Bảo, công đức của pháp lục hòa khiến cho tâm thức của người bệnh giác hiểu được lời khai thị. Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!
(Sau đó đến gần nơi Phật tử bệnh nhân, dù Phật tử vẫn còn tỉnh táo hay đã mê man, vẫn cất lời đọc rõ ràng. Khi đọc không chắp tay. Chủ sám đọc, cả đại chúng cùng đứng xung quanh)

– Này đạo hữu (tên, Pháp danh, gọi 3 lần)… những ngày tháng này của đạo hữu là những ngày tháng cận tử nghiệp rồi, cho nên thân thể của đạo hữu có mệt mỏi, đạo hữu tâm tưởng theo (tên chủ lễ, Pháp danh)… cùng với các đạo hữu và gia đình. Có thể có những lúc mà thân thể mệt mỏi, đạo hữu có thể ngủ thiếp đi cũng không sao nhưng đạo hữu cố gắng tỉnh táo để (tên chủ lễ, Pháp danh)… cùng với các quý đạo hữu nhắc lại lời Đức Phật dạy.

Thưa đạo hữu, hôm nay Phật tử chúng tôi, bạn đồng tu xin đọc lời khai thị cho đạo hữu nhớ và hiểu thêm như sau:

Khai thị ngày 1: Nhắc lại pháp quy y

Trong bài kinh “Thiên Đế Thích Quy Y Tam Bảo” mà các Phật tử vừa tụng, cho thấy công đức quy y Tam Bảo rất thù thắng, khiến ông trời Đế Thích, thoát khỏi sự khổ sa đọa của kiếp súc sinh, tiếp tục vui hưởng cảnh sống chư Thiên.

Nhắc lại pháp quy y
– Đạo hữu đã là Phật tử tu tập trong Câu lạc bộ Cúc Vàng, từ lúc quy y Tam Bảo, luôn được Câu lạc bộ và đạo tràng sách tấn giữ niệm quy y Tam Bảo, cho nên đến giờ phút này đạo hữu cũng chưa thất niệm quy y Tam Bảo, vẫn là người Phật tử đầy đủ công đức quy y Tam Bảo. Đạo hữu đã phát tâm Bồ Đề tu lục hòa và ít nhiều đã tập thực hành công hạnh Bồ Đề. Giờ này (tên chủ lễ, Pháp danh)… sẽ nhắc lại cho đạo hữu (tên người bệnh, Pháp danh)… nhớ lại quy y Tam Bảo!

Quy y Tam Bảo có nghĩa là gì?
– Quy y nghĩa là quay về nương tựa, Tam Bảo là ba ngôi quý báu. Quy y Tam Bảo nghĩa là quay về nương tựa ba ngôi báu.

Ba ngôi báu đó là gì?

– Ngôi báu thứ nhất đó là Phật Bảo: Đức Phật, Ngài là người có thật, sinh ra tại đất nước Ấn Độ, cách đây hơn 2600 năm rồi, vì thấy chúng sinh đau khổ nên Ngài phát nguyện tu tập để tìm ra con đường cứu khổ cho chúng ta.
Ngài có vô lượng phúc báu, trí tuệ viên mãn, lòng từ bi yêu thương tất cả chúng sinh và chỉ có nương tựa nơi Ngài mới có thể giúp chúng ta thoát khỏi đau khổ.

– Ngôi báu thứ hai đó là Pháp Bảo: Pháp là những lời dạy của Đức Phật được nói ra từ sự giác ngộ, là những phương pháp giúp chúng ta chuyển hóa được những khổ đau trong cuộc sống.
(Ví dụ: Pháp bố thí thì được thoát khỏi cảnh nghèo khổ trở nên giàu sang; pháp không sát sinh thì khiến chúng ta được nhân quả thọ mạng dài lâu; pháp lục hòa – như là Phật tử chúng ta đã tu trong Câu lạc bộ thì dẹp trừ được bản ngã, lợi ích rất là lớn khiến cho mình sống ở mọi nơi đều biết cách ứng xử, đều biết cách làm cho mọi người hòa hợp với nhau, vui vẻ với nhau.)

– Ngôi báu thứ ba là Tăng bảo: Tăng là những người từ bỏ gia đình xuất gia làm đệ tử của Đức Phật. Các Thầy sống một cuộc sống giản dị, không có vợ con, không có nhà cửa, không có tài sản riêng cho mình; các Thầy thực hành theo lời Phật dạy để mang lại lợi ích giải thoát cho mình và cho chúng sinh. Ví như chư Tăng chùa Ba Vàng, các Thầy thực hành hạnh đầu đà cao quý cầu Thánh quả, cơm ăn ngày một bữa tùy duyên thọ thực, chỉ có 3 tấm y, rách thì vá; thường sống trong rừng thực hành lời Phật dạy, rồi mang lời Phật dạy hướng dẫn cho mọi người để biết làm những việc đạo đức, giúp chuyển hóa khổ đau trong cuộc sống hiện tại và tương lai.

– Vì lợi ích cho đạo hữu, giờ này đạo hữu thành tâm cùng với chúng tôi hướng về Tam Bảo, để tụng pháp tự quy y. Nay (tên chủ lễ, Pháp danh)… sẽ nhắc lại pháp quy y, đạo hữu sẽ nói theo (hoặc tâm tưởng theo [nếu người bệnh không còn tỉnh táo]) để nhớ lại niệm quy y. Như ông Đế Thích khi ông hết thọ mạng, nghiệp của ông phải đọa làm súc sinh trong bụng con lừa, vậy mà đến phút cận tử nghiệp ông phát nguyện quy y Phật, quy y Tam Bảo ông liền tiêu trừ nghiệp súc sinh đó, ông chỉ phải thọ thai trong bụng con lừa giây lát rồi lại trở lại về cõi trời trở thành một vị Thiên tử. Cho nên phước quy y rất là lớn, khiến cho chúng ta có thể từ cõi súc sinh mà sinh thẳng lên cõi trời. Điều này đạo hữu khi tu tập trong Câu lạc bộ Cúc Vàng – Tập Tu Lục Hòa đạo hữu đã thường tu tập, rất là thuần thục trong niệm quy y rồi. Giờ này thỉnh đạo hữu tâm tưởng theo. Đạo hữu không mệt đạo hữu có thể nói theo. Đạo hữu tâm hướng về tôn tượng Phật hoặc mắt nhìn về tôn tượng Phật.

(Để không gian cho người bệnh hướng về tôn tượng/tôn hình tại ban thờ)

Chú sám nói: (Tên chủ lễ, Pháp danh)… nói trước, đại chúng nói theo sau, đạo hữu nói cùng với đại chúng.

Tam quy: Lần 1

Đệ tử chúng con chí thành xin phát nguyện:
Chúng con nguyện đời đời Quy y Phật.
Chúng con nguyện đời đời Quy y Pháp.
Chúng con nguyện đời đời Quy y Tăng. (3 khánh – 1 vái)

Tam quy: Lần 2

Đệ tử chúng con chí thành xin phát nguyện:
Chúng con nguyện đời đời quy y Phật, phúc tuệ tôn.
Chúng con nguyện đời đời quy y Pháp, ly dục tôn.
Chúng con nguyện đời đời quy y Tăng, chúng trung tôn. (3 khánh – 1 vái)

Tam quy: Lần 3
Đệ tử chúng con chí thành xin phát nguyện:
Chúng con nguyện quay về nương tựa Phật, đấng phúc trí vẹn toàn.
Chúng con nguyện quay về nương tựa Pháp, giáo Pháp dẫn con qua biển khổ.
Chúng con nguyện quay về nương tựa Tăng, Tăng đoàn hòa hợp thanh tịnh. (3 khánh – 1 vái)

Tam kết: Phát nguyện 1 lần

Đệ tử chúng con quy y Phật rồi, khỏi đọa vào địa ngục.
Đệ tử chúng con quy y Pháp rồi, khỏi đọa vào ngã quỷ.
Đệ tử chúng con quy y Tăng rồi, khỏi đọa vào súc sinh. (3 khánh – 1 vái)

Ba điều chúng ta không nên quy y, ba nơi chỗ chúng ta không nên quy y. Gọi là Tam bất quy y. Đạo hữu nên nhớ.
Đệ tử chúng con quy y Phật rồi, không quy y trời thần quỷ vật.
Đệ tử chúng con quy y Pháp rồi, không quy y ngoại đạo tà giáo.
Đệ tử chúng con quy y Tăng rồi, không quy y Thầy tà bạn ác. (3 khánh – 1 vái)

Đạo hữu đã cùng các Phật tử nhớ niệm và thực hành tự quy y Tam Bảo rồi, thì hãy nên nhất tâm an trú, niệm niệm nhớ nghĩ về việc quy y Tam Bảo, phát nguyện tiếp tục nương tựa Tam Bảo, tinh tấn thực hành công hạnh Bồ Đề cho tới ngày thành tựu Vô Thượng Bồ Đề.

Khai Thị Ngày 2. Nhắc lại về việc thực hành sám hối phát nguyện Bồ Đề (kinh: Sám Hồng Danh)

– Trong bài kinh “Sám Hồng Danh” mà các Phật tử vừa tu, là đảnh lễ chư Phật, để sám hối tội chướng, phát nguyện Bồ Đề cầu Vô Thượng Bồ Đề.

Đạo hữu hãy nhớ lại, đạo hữu đã cùng Phật tử chúng tôi tu trong Câu lạc bộ Cúc Vàng, chúng ta thường được đối trước Tam Bảo, chư Tăng để sám hối các tội lỗi trong hiện tại, sám hối các tội lỗi trong các kiếp quá khứ và phát tâm cầu Vô Thượng Bồ Đề, sám hối như vậy là tối thượng sám hối. Vừa rồi chúng ta lại cùng nhau lễ hồng danh chư Phật sám hối và phát nguyện không cầu phước báu nhân thiên, chỉ duy nhất cầu Vô Thượng Bồ Đề. Sự sám hối này là sám hối tối thượng.

Đạo hữu nên nhất tâm an trú trong niệm sám hối thanh cao, niệm niệm nhớ nghĩ về việc quy y Tam Bảo, phát nguyện tiếp tục nương tựa Tam Bảo, tinh tấn thực hành công hạnh Bồ Đề cho tới ngày thành tựu Vô Thượng Bồ Đề.

Khai Thị Ngày 3. Hướng dẫn cho Phật tử nhớ về các thiện nghiệp đã làm
(bài kinh: Nguyên Nhân Của Giàu Và Nghèo)

– Trong bài kinh “Nguyên Nhân Của Giàu Và Nghèo” mà các Phật tử vừa tụng, cho thấy phước báu phát sinh từ sự cúng dường Tam Bảo với tâm kính tín, sẽ giúp cho người cúng dường được giàu sang, tốt đẹp trong các kiếp sau.

Đạo hữu đã cùng các Phật tử trong Câu lạc bộ Cúc Vàng, thực hành nhiều sự cúng dường cao quý tới chư Tăng chùa Ba Vàng tu hạnh đầu đà như: đặt bát cúng dường, cúng dường tứ sự vật thực y áo thuốc men, cúng dường tùy ý sử dùng hộ trì Tam Bảo xây dựng chùa chiền kinh, tượng, sắm lễ cúng dường Phật, Xá Lợi.., cúng dường hồi hướng phước đến cho các chúng vong linh, tham gia từ thiện, phóng sinh… rất rất nhiều công đức bố thí cúng dường. Như vậy bước sang kiếp sau đạo hữu có được tài sản lớn, công danh lớn thuận duyên tu hành cầu Vô Thượng Bồ Đề. Vì vậy đạo hữu hãy phát tâm xả bỏ tất cả vật chất của kiếp này, không dính mắc, vì kiếp sau đạo hữu đã quá đầy đủ và bản chất chúng ta không mang đi được. Đạo hữu cũng không nên dính mắc hay bất bình về sự phân chia tài sản của người thân trong gia đình, vì đó là nhân duyên phước báu của mỗi người, nếu có dính mắc hay bất bình về sự phân chia tài sản của mọi người thì sẽ cản trở sự chuyển sinh vào chỗ cao tốt trong đời sống kế tiếp.

Đạo hữu đã cùng các Phật tử nhớ niệm về sự bố thí cúng dường mà Đức Phật dạy, sự bố thí cúng dường của chính mình rồi, thì hãy nên nhất tâm an trú, niệm niệm nhớ nghĩ về việc quy y Tam Bảo, phát nguyện tiếp tục nương tựa Tam Bảo, tinh tấn thực hành các bố thí cao quý là công hạnh Bồ Đề cho tới ngày thành tựu Vô Thượng Bồ Đề.

Khai Thị Ngày 4: Nhắc lại 5 giới và 8 giới Phật tử đã lãnh thọ (bài kinh: Phật Thuyết Kinh Trai Giới)

– Trong bài kinh “Phật Thuyết Kinh Trai Giới” mà các Phật tử vừa đọc, Đức Phật chỉ dạy người thọ trì bát quan trai giới một ngày một đêm, kết quả được sinh các cõi trời hưởng phước báu thù diệu, đời sống tuổi thọ lâu dài. Phước báu ở cõi trời đó, ở thế gian dù làm vua cũng không so sánh được.
– Đạo hữu hãy nhớ lại các giới mà mình đã lãnh thọ và giữ gìn.
– 5 giới gồm: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không nghiện ngập.
– Bát quan trai giới gồm: Không sát sinh; không trộm cắp; không dâm dục; không vọng ngữ; không nghiện ngập; không trang điểm, xông ướp hương hoa, không làm trò nhạc ca múa hát xướng và cố ý xem nghe; không nằm ngồi trên giường tòa cao tốt rộng lớn; không ăn phi thời.
– Đạo hữu khi tu tại Câu lạc bộ Cúc Vàng, đã thọ trì 5 giới, thường tu tập thọ trì bát quan trai giới. Công đức phước báu phát sinh từ giới, sẽ bảo hộ cho đạo hữu trong đời sống tiếp theo. Đạo hữu hãy thường nghĩ về giới, hoan hỷ với giới và phát nguyện đời đời kiếp kiếp đều nương tựa giới, nương tựa Tam Bảo, tinh tấn thực hành công hạnh Bồ Đề cho tới ngày thành tựu Vô Thượng Bồ Đề.

Khai thị ngày 5. Nhắc lại về sự chết, vô thường của kiếp người để Phật tử dứt bỏ sự ái chấp thân
và sự sống của cõi người
(bài kinh: Bốn Anh Em Ông Phạm Chí Chạy Trốn Tử Thần)

– Trong bài kinh “Bốn Anh Em Ông Phạm Chí Chạy Trốn Tử Thần” mà các Phật tử vừa đọc, Đức Phật chỉ dạy, khi vô thường đến mạng hết, nghiệp duyên trong cõi người đã hết, thì dù có chạy trốn cũng không được. Giác ngộ điều này, đạo hữu nếu có niệm tiếc thân xác tứ đại này thì hãy từ bỏ. Thân này vốn bất tịnh, đầy bệnh tật đau khổ. Thân tứ đại này, là tổng báo của các ác nghiệp tồn dư của các kiếp trước. Đạo hữu đã nương tựa Tam Bảo, chư Tăng chùa Ba Vàng, tùy hỷ với việc phát nguyện Bồ Đề/phát nguyện Bồ Đề, tạo lập các công đức về giới, về cúng dường bố thí, nên đạo hữu sẽ có thân công đức trong kiếp sau vô cùng tốt đẹp.

Đạo hữu hãy thường nghĩ về giới, về cúng dường bố thí, hoan hỷ với giới, với sự cúng dường bố thí và phát nguyện đời đời kiếp kiếp đều nương tựa giới, nương tựa Tam Bảo, tinh tấn thực hành cúng dường bố thí, tinh tấn thực hành công hạnh Bồ Đề cho tới ngày thành tựu Vô Thượng Bồ Đề.

Khai thị ngày 6: Nhắc lại nội dung: sách tấn (tiếp tục) phát nguyện Bồ Đề
(bài kinh: Bố Thí Thân Mạng Cầu Vô Thượng Bồ Đề)

– Trong bài kinh “Bố Thí Thân Mạng Cầu Vô Thượng Bồ Đề” mà các Phật tử vừa đọc, đó là tiền thân của Đức Phật đã xả bảo thân mạng bố thí để cứu mẹ con nhà cọp, đó là công đức bố thí ba la mật cầu Vô Thượng Bồ Đề của tiền thân Đức Phật. Như vậy đạo hữu cần giác ngộ, thân này không phải là thân cuối cùng của đạo hữu, đạo hữu còn có các thân khác nữa, vì vậy đạo hữu hãy phát nguyện xả bỏ thân tứ đại này đi, để cầu Vô Thượng Bồ Đề và nguyện rằng nhiều kiếp luôn được phát tâm Bồ Đề thực hành các ba la mật, cầu Vô Thượng Bồ Đề.

Khai thị ngày 7: Nhắc Phật tử luôn giữ niệm về Phật, Pháp, Tăng để đối diện với sự chết
(bài kinh: Chánh Niệm Về Niệm Chết)

– Trong bài kinh “Chánh Niệm Về Niệm Chết” mà các Phật tử vừa đọc, Đức Phật có dạy chánh niệm với niệm chết. Chúng sinh chúng ta có thể chết bất cứ lúc nào và để không bị chướng ngại với việc được sinh về cảnh giới tốt đẹp, thì cần phải loại trừ các pháp bất thiện ngay trong tâm ý hiện tại. Và “để đoạn tận các pháp ác, bất thiện ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh cần, tinh tấn, nỗ lực không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác”, vậy nên đạo hữu cần có ước muốn cầu Vô Thượng Bồ Đề, chánh niệm với ước muốn cầu Vô Thượng Bồ Đề.
Đạo hữu hãy tác ý đời đời kiếp kiếp nương tựa Tam Bảo, phát tâm Bồ Đề, thực hành công hạnh Bồ Đề cầu thành tựu Phật quả.

10. “Phát Tâm Bồ Đề, Công Hạnh Bồ Đề”

Chủ sám đọc: Câu lạc bộ Cúc Vàng đã phát nguyện Bồ Đề, thực hành công hạnh Bồ Đề và đạo hữu cũng rất tinh tấn trong thời gian tu tập trong Câu lạc bộ. Những ngày giờ cận tử nghiệp này, đạo hữu hãy tâm tưởng theo hoặc đạo hữu cùng nói theo để được an trú trong tâm Bồ Đề.

Sư Phụ chỉ dạy cho chúng ta biết qua các bộ kinh về Bồ Đề tâm nguyện mà các Đức Phật đã tu, chư Bồ Tát đang tu tức là nguyện giác ngộ, nguyện cho mình sẽ giác ngộ, thành tựu được như Phật và giúp mọi loài chúng sinh cũng được giác ngộ như Đức Phật. Cũng nhờ tâm nguyện Bồ Đề, mà chúng ta sẽ dần dần thoát khỏi sự ràng buộc, sai sử và các việc tội lỗi theo Ma vương. Khi đạo hữu còn tu tập tinh tấn trong Câu lạc bộ, thân chưa mang bệnh, những ngày cận tử nghiệp chưa tới, đạo hữu cũng rất tinh tấn tu hành: tụng kinh, nghe Pháp, thiền quán trong các chương trình tu tập về phát nguyện Bồ Đề. Đạo hữu cũng đã được nghe, được tư duy, được tự mình phát tâm qua gương, nguyện Bồ Đề của tiền thân Đức Phật Thích Ca, của Bồ tát Phổ Hiền, Bồ tát Địa Tạng, Bồ tát Quan Thế Âm. Cho nên đạo hữu đã cùng với Phật tử chúng tôi cũng rất thuần thục trong niệm Bồ Đề.

Giờ này (tên chủ lễ, Pháp danh)… sẽ nói trước, đạo hữu (tên người bệnh, Pháp danh)… hãy cùng với các đạo hữu Phật tử, nhất tâm nói theo sau [hoặc tâm tưởng theo (nếu người bệnh không còn tỉnh táo)] niệm phát nguyện Bồ Đề để chúng ta đời đời kiếp kiếp nhớ niệm Bồ Đề.

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Chúng con xin nguyện cùng các Phật tử trong Câu lạc bộ Cúc Vàng – Tập Tu Lục Hòa phát tâm Bồ Đề, phát nguyện thực hành công hạnh Bồ Đề:

PHÁT TÂM BỒ ĐỀ
HỘ TRÌ TAM BẢO
CHUYỂN TẢI PHẬT PHÁP
RỘNG KHẮP THẾ GIAN. (3 lần)

Chúng con nguyện hồi hướng cho Chính Pháp của Phật được tuyên dương, được hưng thịnh. (1 khánh. 1 vái)

Kính thưa đạo hữu Phật tử (tên người bệnh, Pháp danh)… đạo hữu đã cùng với Phật tử trong Câu lạc bộ Cúc Vàng thực hành công hạnh Bồ Đề chuyển tải Phật pháp rộng khắp thế gian trong khoảng thời gian mà đạo hữu ở trong Câu lạc bộ Cúc Vàng. Chúng ta thường làm các thiện phận sự rất nhiều: chúng ta thường đi giúp đỡ mọi người để mọi người biết đến Phật Pháp, giúp đỡ mọi người thực hành Phật Pháp để chuyển hóa nghiệp lực, chúng ta thường nghe Pháp, chia sẻ Pháp trên các trang mạng với tâm nguyện Phật Pháp lan rộng khắp nơi nơi. Trong Câu lạc bộ Cúc Vàng của chúng ta các Phật tử đã giác ngộ. Từ khi họ là nhân dân họ chưa biết đến Phật Pháp ở khắp trên lãnh thổ Việt Nam và rộng ra trên thế giới. Cho nên chúng ta là những người đã thực hành hạnh Bồ Đề này rồi, đạo hữu hãy hoan hỷ nguyện đời đời kiếp kiếp chúng ta sinh ra ở kiếp nào chúng ta cũng thực hành công hạnh này, chúng ta được sống trong Phật Pháp được hưởng phúc báo từ những việc làm chuyển tải Phật Pháp của chúng ta và nhân mà chúng ta đã chuyển tải Phật Pháp này khiến cho chúng ta đời đời kiếp kiếp không lạc vào dòng giống của ma, chúng ta an trú đi trên con đường thiện lành, chuyển tải Phật Pháp giác ngộ cho chúng sinh, chúng ta tích tập công đức như Đức Phật tu trong ba a Tăng kỳ kiếp lợi ích muôn loại chúng sinh. Đến khi đầy đủ công đức chúng ta sẽ thành tựu Vô thượng chánh đẳng chánh giác như Đức Phật đã chỉ dạy: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành.” Đức Phật cũng dạy: “Pháp của Phật đã có, nếu ai tinh tấn thực hành sẽ được giải thoát.”

(Tên chủ lễ, Pháp danh)… mong đạo hữu tâm thường hoan hỷ với những thiện phận sự công đức Bồ Đề mà đạo hữu đã gieo trồng. Công đức này khiến cho đạo hữu vượt qua những ngày tháng, những giây phút cuối cùng của cận tử nghiệp để chuyển sinh sang kiếp mới đầy đủ phúc duyên tinh tấn Bồ Đề cầu Vô Thượng Bồ Đề.

Giờ này đạo hữu hướng tâm cùng với (tên chủ lễ, Pháp danh)… cùng với các Phật tử chúng ta sang các nghi thức tiếp. Đó là chúng ta được dâng phẩm vật cúng Phật. Khi đạo hữu còn tinh tấn thì đạo hữu rất hay thực hành tâm cúng dường vật thực lên chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thánh Hiền Tăng, rồi cúng cho chư Thiên, chư Thần, rồi phổ tế cho các vong linh. Đây là các thiện phận sự lớn lao, phước báo to lớn để cho chúng ta nối tiếp con đường bố thí cao quý mà Đức Phật đã thành tựu và Ngài chỉ dạy cho chúng ta. Thỉnh đại chúng chúng ta cùng sang cúng thực.

11. Cúng Thực

a. Cúng thực ngày khai đàn/kết đàn

Lưu ý: Nếu trong quá trình hộ niệm mà người bệnh mất thì không cúng kết đàn và chuyển sang thực hành theo nghi thức trợ niệm

(Quỳ gối; chắp tay bạch)

* Cúng Phật

Chủ lễ: Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Chúng con kính bạch chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng, giờ này chúng con xin được dâng cúng vật thực lên chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng. (1 chuông. 1 vái)
(Mõ. Đại chúng cùng tụng chậm rãi)

Lò trầm vừa đốt,
Chiên đàn ngát thơm,
Khói hương mây tỏa
Đàn tràng trang nghiêm
Thỉnh mười phương Phật
Thỉnh chư Bồ Tát
Cùng A La Hán
Giáng đàn chứng minh
Chúng con cúng dường.
Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma Ha Tát! (3 lần. 1 chuông)

Trên trời dưới đất ai bằng Phật,
Mười phương thế giới ai sánh tày,
Con thấy tận cùng khắp thế gian,
Hết thảy không ai như Đức Phật
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! (3 lần. 3 chuông)

Cúng Dường
(Pháp khí: mõ)

Nam mô thường trụ mười phương Phật.
Nam mô thường trụ mười phương Pháp.
Nam mô thường trụ mười phương Tăng.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam mô Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật.
Nam mô mười phương ba đời hết thảy chư Phật.
Nam mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật.
Nam mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Nam mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát.
Nam mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.
Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát.
Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Nam mô Hộ Pháp chư tôn Bồ Tát.
Nam mô Lịch đại Tổ sư Bồ Tát.
Nam mô Đạo tràng hội thượng Phật Bồ Tát.
Nam mô nhất thiết chư Hiền Thánh Tăng! (3 chuông)

Chúng con kính ngưỡng dâng phẩm vật
Chư Phật, Bồ Tát chứng lòng thành
Thánh Tăng hoan hỷ đồng gia hộ
Nam mô Phổ Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát! (3 lần. 3 chuông)

Chúng con thành tâm
Cúng dường chư Phật
Cúng dường Bồ Tát,
Cúng dường Thánh Tăng
Xin nguyện chúng sinh
Tất cả công việc
Thành biện đúng Pháp! (3 chuông)

* Cúng Chư Thiên, Chư Thần Linh

(Đại chúng ngồi; chủ lễ quỳ bạch)

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Chúng con kính bạch chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng, hôm nay trong đàn lễ này, gia đình tín chủ cũng sắm sửa vật thực, dâng lên hết thảy chư vị chư Thiên, chư Thần Linh ở tại nơi đây, chư linh Thần hộ trì. Chúng con thỉnh chư Thiên, chư Thần linh, chư linh Thần hộ trì thọ hưởng cho lòng thành của gia đình tín chủ. (1 chuông. 1 vái)

(Tất cả cùng ngồi; tụng theo mõ)

Biến thực chân ngôn: Nam mô tát phạ đát tha, nga đa phạ rô chỉ đế, án tam bạt ra, tam bạt ra hồng. (3 lần. 1 chuông)
Biến thủy chân ngôn: Nam mô tô rô bà ra, đát tha nga đá ra, đát điệt tha, án tô rô tô rô, bát ra tô rô, bát ra tô rô sa bà ha. (3 lần. 1 chuông)
Phổ cúng dường: Án nga nga nẵng tam bà phạ phiệt nhật ra hồng. (3 lần. 3 chuông)
(Xong phần cúng chư Thiên, chư Thần Linh)

* Cúng Vong Linh

(Đại chúng ngồi; chủ lễ quỳ bạch)

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Chúng con kính bạch chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng chứng minh và gia hộ cho chúng con; chúng con xin thỉnh hết thảy chư Thiên, Thiện Thần, Hộ Pháp hoan hỉ ủng hộ cho chúng con. Giờ này chúng con xin tác lễ cúng cơm, cho các vong linh đã được thỉnh mời trong đàn tràng.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (1 chuông)

(Chủ sám ngồi hướng dẫn: Gia đình quỳ, cầm dâng hương hoa để thỉnh chư vong linh. Trường hợp có 1 người dự lễ: cầm 3 nén hương và 1 cành hoa; trường hợp có 2 người: 1 người cầm 3 nén hương, 1 người cầm 1 cành hoa; trường hợp có nhiều người: tùy chia số hương hoa, không kiêng số. 3 tiếng chuông. Tất cả cùng ngồi cùng tụng theo mõ)

Nam mô đại Thánh cứu bạt minh đồ bổn tôn Địa Tạng Vương Bồ Tát! (3 lần. 1 chuông)
Từ bi quảng đại diệu khó lường,
Cứu khổ đường mê Địa Tạng Vương,
Tích trượng rung thời khai địa ngục,
Thần châu chỗ chiếu hết đau thương. (1 chuông)
Bi quang cứu tế u minh giới
Pháp lực giương buồm Bát Nhã thuyền
Tiếp dẫn tinh thần cao đuốc tuệ
Đường đường khắp phóng ngọc hào quang (1 chuông)
Nam mô tiếp dẫn đạo sư đại nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát! (3 lần. 1 chuông)

U minh giáo chủ, Địa Tạng đại sư
Hoằng khai phương tiện, khắp rộng từ bi
Quá khứ phụng sự chư Phật,
Nhân hưng vạn thiện. (1 chuông)
Hiện tại vì độ quần mê,
Hóa thân Bồ Tát
Từ quang tỏa thấu đường nẻo cửu tuyền
Tuệ nhật sáng soi thiết vi u ám
Dẫn chúng sinh vào cửa chánh giác,
Độ khổ thú lên đường Bồ Đề. (1 chuông. 1 vái)

Chủ lễ: Hôm nay hiện tiền gia đình tín chủ (tên tín chủ, Pháp danh (nếu có))… khai mở đàn tràng hộ niệm cầu an. Chúng con nguyện Bồ Tát tiếp tịch phách thân nhân, dẫn dắt từng bước, từng bước quang minh.
Nhờ đại hùng lực Phật, Pháp, Tăng, Tam Bảo, từ bi, phá vỡ trùng trùng u ám. (1 chuông)
(Đại chúng cùng tụng, mõ)

Thân vàng rực rỡ tuyệt trần ai,
Khắp phóng hào quang chiếu cửu cai
Trệ phách u hồn mong tiếp dẫn
Đường mê nay hóa đóa sen khai
Nam mô dẫn đạo lộ đại nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát! (3 lần. 1 chuông)

Chủ lễ xướng đọc:
Hương hoa dâng, hương hoa thỉnh.
Nhất tâm – Nhất tâm triệu thỉnh

Nay tại nước Việt Nam, tỉnh… gia đình tín chủ (tên tín chủ, Pháp danh (nếu có))… phụng vì chính tiến chư vong linh đã thỉnh mời cùng đàn tràng đẳng đẳng hải hội nhất thiết chư vong linh.

(Đại chúng cùng tụng; pháp khí: chuông, mõ kết hợp)

Nguyện nghe tiếng mõ chuông, y lời cung thỉnh, giáng phó đạo tràng, thọ nhận cơm canh cúng dường.

Chủ lễ đọc: Dâng hương hoa thỉnh
(Chủ nhà đứng dậy cắm hương vào bát hương, cắm hoa vào lọ hoa sau đó gắp thức ăn vào bát cơm ở giữa, rồi quỳ dâng bát cơm ngang trán để dâng cúng cho vong linh. Các thành viên khác trong gia đình: người dâng nước trà, dâng sữa. Nếu như nhà chỉ có một người thì chuẩn bị một cái đĩa đặt lên đó bát cơm, cốc sữa, cốc nước trà sau đó để tín chủ quỳ, dâng lên ngang trán)

(1 tiếng chuông. Đại chúng tụng theo mõ)

Biến thực chân ngôn: Nam mô tát phạ đát tha, nga đa phạ rô chỉ đế, án tam bạt ra, tam bạt ra hồng. (3 lần. 1 chuông)
Biến thủy chân ngôn: Nam mô tô rô bà ra, đát tha nga đá ra, đát điệt tha, án tô rô tô rô, bát ra tô rô, bát ra tô rô sa bà ha. (3 lần. 1 chuông)
Phổ cúng dường: Án nga nga nẵng tam bà phạ phiệt nhật ra hồng. (3 lần. 3 chuông)

(Chủ lễ hướng dẫn: Tín chủ dâng cơm lên bàn thờ. Tín chủ về chỗ lễ một lễ theo tiếng chuông. Xong đại chúng cùng tụng chậm theo mõ)

Mong các chúng vong linh
Kết duyên cùng đàn tràng
Thọ thực phẩm vật cúng
Chứng tâm thành tín chủ
Tu học theo Phật Pháp
Giác ngộ lý nhân quả
Phát tâm đại Bồ Đề
Tinh tấn Bồ Đề nguyện
Thực hành Bồ Đề hạnh
Lợi ích chúng hữu tình. (1 chuông)
Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát!
Nam mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát!
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (3 chuông)

b. Cúng thực hàng ngày sau khai đàn

* Văn bạch:
(Chủ sám quỳ, đại chúng ngồi chắp tay)

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Chúng con kính bạch chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng chứng minh, chư Hộ Pháp, chư Thiên, chư Thần Linh, chư linh Thần hộ trì chứng giám, chư vong linh hoan hỷ, hôm nay gia đình tín chủ thành tâm sắm sửa vật thực dâng cúng:

Thượng: Xin dâng lên cúng dường thập phương chư Phật chứng minh.
Trung: Xin dâng lên cúng dường chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng chứng minh.
Hạ: Xin dâng cúng đến cho chư Thiên, chư Thần Linh tại nơi đây, chư linh Thần hộ trì.
Sau: Xin hiến cúng cho tất cả các vong linh mà chúng con đã thỉnh mời. Nguyện cho các vong linh được nương sự bố thí trong đàn lễ cúng này của gia đình tín chủ mà được thọ thực no đủ.

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (1 chuông. 1 vái)

* Tụng thần chú cúng thực
(Đại chúng ngồi, pháp khí: chuông, mõ)

Biến thực chân ngôn: Nam mô tát phạ đát tha, nga đá phả rô chỉ đế, ám tam bạt ra, tam bạt ra hồng. (3 lần. 1 chuông)
Biến thủy chân ngôn: Nam mô tô rô bà ra, đát tha nga đá ra, đát điệt tha, án tô rô tô rô, bát ra tô rô, bát ra tô rô sa bà ha. (3 lần. 1 chuông)
Phổ cúng dường: Án nga nga nẵng tam bà phạ phiệt nhật ra hồng. (3 lần. 3 chuông)

Nguyện cho các vong linh
Được thọ thực no đủ
Nghe kinh giác ngộ Pháp
Sinh lòng kính tín Phật
Nương tựa nơi Tam Bảo
Tu hành cầu thoát khổ
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (1 chuông. 1 vái)

12. Cúng Dường Tam Bảo

(Nếu gia đình phát tâm cúng dường Tam Bảo, hồi hướng phúc cho gia đình và các vong linh, thì chủ sám hướng dẫn cho đại diện gia đình quỳ bạch, nhưng đến phần đọc số tiền, thì thí chủ đọc thầm và nhắc gia đình, nếu gia đình tu tiếp, thì đọc hàng ngày cho tới ngày về chùa tác lễ hoặc gửi tịnh tài cúng dường Tam Bảo hồi hướng phúc cho gia đình và cầu siêu cho các vong linh, nếu chỉ làm một thời lễ này, thì các ngày sau không đọc. Nếu gia đình không cúng dường thì không thực hiện phần này)

Văn bạch:

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Đệ tử con tên là…, Pháp danh (nếu có), con đã hiểu rõ về lời Đức Phật dạy, nên gia đình con đã thỉnh đạo tràng đến hộ niệm cho (tên người bệnh, Pháp danh)… Hôm nay trong buổi lễ này, gia đình con xin phát nguyện cúng dường Tam Bảo về chùa Ba Vàng, phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, với tâm hộ trì Tam Bảo, mong nguyện Tam Bảo trụ mãi ở thế gian làm ruộng phước lành cho nhân thiên và hồi hướng phúc báu đến cho (tên người bệnh, Pháp danh)… và hồi hướng cho các vong linh đã được thỉnh mời về đàn tràng.

– Con xin cúng dường Tam Bảo với số tịnh tài là…, để hồi hướng phúc báo cho (tên người bệnh, Pháp danh)…
– Con xin cúng dường Tam Bảo với số tịnh tài là…, để hồi hướng phúc báo đến cho chư Thiên, chư Thần Linh, chư linh Thần hộ trì và các vong linh đã được thỉnh mời trong buổi lễ hôm nay.

Và gia đình chúng con xin vào ngày… tháng… năm… sẽ về chùa cúng dường Tam Bảo (gửi tịnh tài về chùa), để hồi hướng phúc báo đến cho gia đình và đến cho chư Thiên, chư Thần Linh, chư linh Thần hộ trì cùng các vong linh. Nguyện cho chư vị chư Thiên, chư Thần Linh, chư linh Thần hộ trì, cùng các vong linh được tăng phước, nghe kinh thính Pháp, giác ngộ Phật Pháp, kết duyên pháp lữ với chúng con, cùng nhau tu tập Phật Pháp cầu giác ngộ giải thoát.

Nam mô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma Ha Tát! Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (1 lễ)

13. Phục Nguyện

(Quỳ gối; chắp tay; chủ lễ bạch)

Nam mô thập phương pháp giới thường trụ Tam Bảo tác đại chứng minh! Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!
Đệ tử chúng con xin hồi hướng công đức tu tập trong đàn lễ này, cùng công đức tu tập lục hòa của các Phật tử trong Câu lạc bộ Cúc Vàng và các công đức gia đình tạo lập về Vô Thượng Bồ Đề và hồi hướng cho Phật tử (tên người bệnh, Pháp danh)… Nguyện cho Phật tử được tăng trưởng phúc lành, tiêu trừ nghiệp chướng, nếu còn thân mạng thì sớm được bình phục, nếu thọ mạng đã mãn thì bỏ báo thân được nhẹ nhàng, được tái sinh về cảnh giới an lành gặp Tam Bảo phát tâm Bồ Đề tu hành sớm thành đạo quả.

Hồi hướng cho các vong linh được thỉnh mời trong đàn lễ hôm nay, được tăng trưởng phước, tăng duyên, nương tựa Tam Bảo, nương tựa Câu lạc bộ Cúc Vàng tu tập sáu pháp hòa kính, cùng với các Phật tử trong Câu lạc bộ Cúc Vàng, tích tập các công đức cầu Vô Thượng Bồ Đề.

Hồi hướng cho các chư vị chư Thiên, chư Thần linh, chư linh Thần hộ trì được tăng trưởng phúc lành, tăng thêm oai lực, kết duyên pháp lữ tu hành với chúng con. Hộ trì cho gia đình tín chủ được tin sâu Tam Bảo, nương tựa vào Tam Bảo cùng đại Tăng chùa Ba Vàng, tinh tấn tu tập cầu Vô Thượng Bồ Đề. Chúng con cũng xin hồi hướng công đức, nguyện cho cả gia đình tín chủ, được tiêu trừ ách nạn, được bình an, các sự được cát tường.

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (1 chuông. 1 lễ)

14. Hồi Hướng

(Quỳ; pháp khí: mõ)

Công phu công đức có bao nhiêu
Con xin lấy đó hồi hướng về
Nguyện khắp pháp giới các chúng sinh
Thảy đều thể nhập vô sanh nhẫn. (1 chuông)
Nguyện tiêu ba chướng sạch phiền não
Nguyện được trí tuệ thật sáng ngời
Nguyện các tội chướng thảy tiêu trừ
Đời đời thường hành Bồ Tát đạo. (1 chuông)
Nguyện đem công đức tu hành này
Chan rải mười phương khắp tất cả
Hết thảy chúng con cùng các loài
Đồng được lên ngôi vô thượng giác. (1 chuông)

15. Tam Tự Quy

(Quỳ; pháp khí: khánh)

Tự quy y Phật, nguyện cho chúng sinh, hiểu thấu đạo lớn, phát tâm Vô Thượng. (1 chuông. 1 lễ)
Tự quy y Pháp, nguyện cho chúng sinh, thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như biển. (1 chuông. 1 lễ)
Tự quy y Tăng, nguyện cho chúng sinh, quản lý đại chúng, hết thảy không ngại. (3 chuông. 1 lễ)

Chủ sám: Thỉnh đại chúng chúng ta cùng ra chỗ đạo hữu bệnh nhân để nhắc nhở cho đạo hữu.

16. Lời Nhắc Phật Tử

Phật tử chúng tôi xin nhắc lại lời dạy của Sư Phụ, chư Tăng, lời sách tấn của Cô chủ nhiệm:

Trong bài kinh “Chánh Niệm Về Niệm Chết”, Đức Phật có dạy chánh niệm với niệm chết. Chúng sinh chúng ta có thể chết bất cứ lúc nào và để không bị chướng ngại với việc được sinh về cảnh giới tốt đẹp, thì cần phải loại trừ các pháp bất thiện ngay trong tâm ý hiện tại. Và “để đoạn tận các pháp ác, bất thiện ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh cần, tinh tấn, nỗ lực không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác”, vậy nên đạo hữu cần có ước muốn cầu Vô Thượng Bồ Đề, chánh niệm với ước muốn cầu Vô Thượng Bồ Đề. Đạo hữu cần nhớ pháp lục hòa, lợi ích của công đức lục hòa, các việc cúng dường, bố thí, tu tập tại chùa, tại Câu lạc bộ, các phận sự công đức đã tạo khiến đạo hữu được hoan hỷ… để nguyện cầu các kiếp sau được sinh về nơi có Phật Pháp được tiếp tục tu lục hòa cầu Vô Thượng Bồ Đề nhé.

(Nếu gia đình sắm lễ cúng thí thực thì chắp tay bạch Phật ở phần 17, để ra ngoài cúng thí thực)

17. Bạch Phật Để Ra Ngoài Cúng Thí Thực

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Chúng con kính bạch chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng chứng minh và gia hộ cho chúng con. Chúng con xin thỉnh hết thảy chư Thiên, Thiện Thần, Hộ Pháp hoan hỉ ủng hộ cho chúng con, gia đình tín chủ có sắm sửa vật thực để cúng thí thực. Chúng con xin phép được ra ngoài tác lễ cúng thí thực.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (1 chuông. 1 vái)

Quý Phật tử xem bài cúng thí thực và tại đây (ấn vào tên bài):

https://phamthiyen.com/cac-nghi-thuc-cung-thi-thuc-co-hon-c3704.html

LIÊN HỆ HỎI VỀ VIỆC TU TẬP
I. Ban tiếp nhận thông tin Câu lạc bộ Cúc Vàng: 0984243810
II. Facebook:
Phật tử Phạm Thị Yến (Tâm Chiếu Hoàn Quán)
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa:
1. Trang cá nhân
facebook.com/PhamThiYen.TamChieuHoanQuan1970
2. Fanpage
facebook.com/CLBCucVangTapTuLucHoa
facebook.com/cophamthiyentamchieuhoanquan
3. Đăng lên nhóm facebook: Tâm Sự Cùng Cô Phạm Thị Yến (Tâm Chiếu Hoàn Quán):
facebook.com/groups/PhamThiYenTCHQ
4. Cảm nhận hạnh phúc mỗi ngày
https://www.facebook.com/groups/422743472129808
III. Email: [email protected]

Điều chỉnh, bổ sung và cập nhật ngày 6 tháng 5 năm 2023

9,276 lượt xem
26/03/2022

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ