Tết Trung thu hay còn gọi là Tết đoàn viên, là truyền thống văn hóa tốt đẹp từ xa xưa của dân tộc Việt Nam. Trong không khí của ngày hội trăng rằm đang đến gần, xin mời quý bạn đọc cùng tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Tết Trung thu và cách đón Trung thu được nhiều phước báu qua chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến - Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa trong bài viết dưới đây!
Mục lục [Hiển thị]
Nguồn gốc Tết Trung thu
Ở Việt Nam, dân gian truyền miệng sự tích chú Cuội để lý giải nguồn gốc của Tết Trung thu.
Ngày xửa ngày xưa, ở một ngôi làng nọ, có chàng tiều phu tên là Cuội, hàng ngày vào rừng đốn củi kiếm sống. Một ngày nọ, khi đang vào rừng, chàng bỗng phát hiện một cây đa thần có thể cứu người chết sống lại. Chàng bèn mang cây đa về trồng và cứu sống được rất nhiều người, trong đó có tiểu thư con gái của phú ông. Vậy là, chàng được phú ông gả con gái cho và 2 hai người nên vợ chồng từ đó.
Trong một lần Cuội vắng nhà, đã có chuyện không may xảy ra. Bọn cướp nhẫn tâm giết hại vợ chàng và mổ bụng, quăng ruột của người vợ đi. Không thể làm gì khác, Cuội đã dùng ruột của con chó trong nhà, đắp cho vợ, sau đó chàng mớm lá đa thì nàng liền sống lại.
Tuy nhiên tiếc thay, do mình người, ruột chó nên vợ chàng nhớ trước quên sau. Một lần quên lời chồng dặn, nàng đã tưới nước tiểu vào gốc cây đa, khiến cây bay lên trời. Chàng liền vội vàng lấy rìu bổ vào gốc cây để mong níu cây đa lại nhưng không thành. Cuối cùng, cây đã vẫn bay lên và mang theo cả Cuội lên cung trăng.
Giờ đây, mỗi khi nhìn lên cung trăng, người ta thường thấy hình ảnh một người ngồi dưới gốc cây cây cổ thụ, và sự tích chú Cuội ngồi dưới gốc cây đa trên cung trăng đã có từ thuở đó.

Cũng có lý giải khác về nguồn gốc ngày Tết đặc biệt này. Theo người dân châu Á có truyền thống lúa nước, tháng 8 là thời điểm mùa vụ đã xong, người nông dân được nhàn rỗi. Đây là khoảng thời gian tiết trời đẹp, mát mẻ, trăng Rằm tháng 8 cũng là ngày trăng đẹp nhất trong năm. Cho nên, nhân dân chọn ngày Rằm tháng 8 là ngày nghỉ ngơi, vui chơi và ăn Tết Trung thu.
Ý nghĩa Tết Trung thu
Gợi nhắc về lòng biết ơn
“Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy dòng
Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung”
(Bác Hồ gửi thư cho thiếu nhi - Trung thu năm 1951)
Trước khi Bác Hồ mất, cứ vào dịp Tết Trung thu, Bác thường đi thăm, gửi quà, gửi thư hay viết thơ tặng cho thiếu nhi. Chính vì tình yêu thương đặc biệt này mà lâu nay, Trung thu đã trở thành dịp để chúng ta tỏ lòng biết ơn tới vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Trong ngày rằm tháng Tám, chúng ta luôn có những bài hát về Bác Hồ. Đây chính là biểu hiện của tâm biết ơn, vô cùng lợi ích.
Giúp con người hướng thiện và quay về bản tâm trong sáng
Tết trung thu gợi nhớ về những kỷ niệm tuổi thơ trong sáng, gắn liền với ánh trăng, khiến không chỉ trẻ em mà những người làm cha, mẹ, ông bà cũng vô cùng hân hoan. Bởi đây là dịp họ hồi tưởng về tuổi thơ, nhớ lại những hình ảnh đón Tết Trung thu cùng gia đình, nhớ về tình bạn, những niềm vui,... khiến họ như trẻ lại.
Những hồi ức tươi đẹp ấy còn có thể giúp chúng ta quên đi nhọc nhằn ngay trong hiện tại, những điều xấu ác xung quanh; khơi gợi những tình cảm trong trắng và nguồn tâm trong sáng của tuổi trẻ.

Đạo Phật cũng dạy chúng ta phải quay về với chính mình, tu Phật để gạt bỏ đi những tâm cấu uế và quay về với bản tâm trong sáng sẵn có của mình. Vậy nên, ngày Tết Trung thu sẽ giúp chúng ta có thêm sức sống với nguồn tâm trong sáng; khiến mỗi người dường như trở nên thuần khiết và hướng thiện hơn.
Cách đón Trung thu được nhiều lợi ích và phước báu
Chúng ta, đặc biệt là người Phật tử tại gia đều tham gia và chung vui tất cả lễ hội ở thế gian nhưng có mức độ (đúng giới Pháp) và chừng mực, nếu phải tạo nghiệp ác thì sẽ không tham gia.
Không sát sinh để tránh nhân quả xấu
Giới thứ nhất của người Phật tử tại gia là: Không sát sinh. Trong các bài kinh như kinh Nghiệp báo sai biệt, kinh Nhân quả ba đời,... Đức Phật dạy rõ nhân quả của việc sát sinh hại mạng.
Vậy nên, vào ngày Tết trung thu, chúng ta nên ăn bánh kẹo để tránh nhân sát sinh. Còn trên thực tế, ngày nào sát sinh cũng đều có nghiệp không tốt, chứ không phải chỉ sát sinh vào ngày Trung thu mới là đắm nhiễm trong nhân quả không tốt.


Không nói dối để được hạnh phúc
Giới thứ tư của người Phật tử tại gia là: Không nói dối, nói lời hung ác, nói lưỡi đôi chiều, nói lời thêu dệt.
Trong ngày Trung thu, chúng ta không nên nói dối (như chú Cuội). Nếu chỉ nói dối cho vui, ai cũng biết là nói dối và mình nhận đó là nói dối thì đó chỉ là khởi tâm vui đùa. Nhưng ví dụ, các bạn trẻ đi chơi Trung thu lại nói dối là đi học thì không được, bởi điều đó khiến chúng ta đắm chìm vào những nhân quả không tốt đẹp. Vậy nên, đón Tết Trung thu mà giữ đúng giới thì rất tốt và hạnh phúc.
-----
Hy vọng qua bài viết trên, quý bạn đọc được hiểu thêm và nguồn gốc, ý nghĩa của Tết Trung thu và cách đón trung thu được nhiều lợi ích. Chúc quý vị có một mùa Trung thu ý nghĩa và hạnh phúc!
Hạnh Duyên
Các bài nên xem:
- Top bài hát đêm Trung thu đặc sắc và ý nghĩa nhất
- 3 điều nên làm khi đón Tết Trung Thu tại nhà giúp con trẻ tăng trưởng thiện duyên
- Hơn 1000 thiếu nhi vui đón Tết trung thu “Đêm trăng cổ tích” tại chùa Ba Vàng
- Bài hát: Vui Trung Thu cùng chú Cuội, chị Hằng
- Tết Trung thu: Hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của đêm Trăng rằm tháng 8
Bình luận (7)
Thanh Lê
Con xin cảm ơn những lời chia sẻ của Cô chủ nhiệm đã giúp chúng con hiểu biết về nguồn gốc, ý nghĩa của ngày tết trung thu và cách giữ gìn giới Pháp để có được phúc báu trong dịp tết trung thu. Con xin chú tâm vâng lời làm theo ạ.
Nguyễn Thị Nụ
Thật vô cùng hoan hỉ khi nghe Cô CN nói về Tết trung thu và hướng dẫn cách tổ chức đón Tết trung thu ý nghĩa và lợi ích. Con xin thành kính tri ân công đức của Cô ạ. Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.
Nguyễn Thị Kim Hoàng
Em xin tri ân Cô CN đã giảng dạy cho chúng em hưởng một mùa trung thu an lành và thanh tịnh.
Bùi thị Hải
Em xin tri ân công đức của Cô chủ nhiệm rất nhiều ạ
Họ tên Lương Xuân Thọ
Tuy đã nhiều tuổi và đón nhiều cái tết trung thu nhưng chuẩn bị cái tết trung thu năm nay qua bài viết của Cô chủ nhiệm, Phật tử hiểu được ý nghĩa và tính nhân văn của tết trung thu. Phật tử xin đọc kỹ lại để thấu hiểu thêm, Phật tử xin tri ân công đức của Cô chủ nhiệm ạ.