Trang web phamthiyen.com là nơi đăng tải những bài viết, video hướng dẫn cách áp dụng Phật Pháp: giáo lý nhân quả và tâm linh vào cuộc sống bằng phương pháp tâm linh của đạo Phật.
Trùng tang là gì? Cách chuyển hóa nghiệp trùng tang
Trùng tang là một hiện tượng tâm linh mang đến sự bất an cho nhiều gia đình. Hiện nay, có rất nhiều quan điểm về trùng tang nhưng không phải quan điểm nào cũng đúng. Để có cái nhìn đúng đắn về hiện tượng này, kính mời quý đạo hữu tìm hiểu về hiện tượng trùng tang theo quan điểm Phật giáo và cách chuyển hóa qua chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến - Pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán trong bài viết sau đây.
Trùng tang hay chết trùng là hiện tượng sau khi gia đình có người chết, những người thân khác cũng liên tiếp chết đi trong một khoảng thời gian nhất định. Những người chết thường ra đi đột ngột, có thể là gặp tai nạn, hoặc có hiện tượng bất thường. Ví dụ: Có gia đình mất ba người cháu liên tiếp, cháu nào cũng có hiện tượng khóc thét lên rồi ngất lịm. Khi đưa đến bệnh viện thì không thể cấp cứu kịp thời. Chính vì những hiện tượng bất thường đó, cho nên gia đình nào gặp hiện tượng trùng tang cũng đều rất lo sợ.
Trùng tang là hiện tượng gia đình có liên tiếp người thân đột ngột mất đi
Tại sao lại có hiện tượng trùng tang?
1. Quan điểm dân gian
Trong dân gian lưu truyền những lý do sau gây ra hiện tượng trùng tang:
- Do thần trùng sai vong linh về bắt con cháu: Gia đình có người nhà chết đúng vào các giờ trùng, giờ không thuận (Dần, Thân, Tỵ, Hợi) sẽ dễ bị quỷ bắt đi, tra tấn khiến họ đau đớn mà khai ra người thân trong gia đình. Những người thân đó sẽ trở thành người xấu số tiếp theo.
- Do âm binh nổi loạn, về nhà bắt người sống dẫn đến hiện tượng có người chết liên tiếp trong gia đình.
Những quan điểm về thần trùng, nhốt vong là những quan điểm không đúng về nhân quả
2. Quan điểm Phật giáo
Theo quan điểm đạo Phật, hiện tượng trùng tang được gọi là chúng sinh đồng nghiệp đến thời kỳ trả quả báo. Do kiếp trước những người “chết trùng” này có cùng duyên nghiệp với nhau (có thể là cùng sát mạng chúng sinh), cho nên kiếp này sinh về trong cùng một gia đình, một dòng tộc, đến khi trổ quả, lần lượt từng người phải trả quả.
Do đồng nghiệp sát mạng chúng sinh nên sẽ phải trả quả báo
Ví dụ: Kiếp trước cùng là một nhóm cướp của giết người, người nào là chủ mưu, hành xử độc ác nhất thì người đó chết trước; những người bày mưu theo, hành xử ít ác độc hơn sẽ chết sau. Như vậy đó gọi là chết theo sự cộng nghiệp, còn chữ “trùng” chỉ có nghĩa là chết cùng nhau. Một số duyên khác dẫn đến hiện tượng chết cộng nghiệp như: Kiếp trước giết người bằng cách đẩy xuống vực thì người chủ mưu sẽ chết trước vì tai nạn; nếu kiếp trước giết người bằng cách đầu độc thì người chủ mưu trong kiếp này chết bất đắc kỳ tử, tức là đi ngủ rồi chết, hoặc lên một cơn đau bụng, đau đầu rồi chết;... Còn những người tiếp theo sẽ chết tương ứng với việc giết người kiếp xưa, phụ thuộc vào mức độ bàn bạc, hành động như thế nào. Tâm ai mạnh thứ nhì sẽ chết thứ nhì, tâm ai mạnh thứ ba sẽ chết thứ ba,... lần lượt như vậy; tâm ngang nhau sẽ chết liền cùng nhau. Vì vậy, khi trong gia đình có người chết thuộc các hiện tượng chết vì tai nạn, bất đắc kỳ tử,... người thân cũng nên lưu ý vì đó có thể là dấu hiệu gia đình có nghiệp trùng tang, cho nên phải tìm phương pháp chuyển hóa nghiệp cho gia đình.
Cách chuyển hóa nghiệp trùng tang
Đối với nghiệp trùng tang, tốt nhất là tất cả những người trong gia đình (người cộng nghiệp chết với nhau) đều tu tập thì mới đạt được kết quả cao nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ một hoặc số ít người trong gia đình biết tu cũng vẫn có thể chuyển hóa được nếu thật sự thành tâm. Sau đây là một số phương pháp tu tập giúp chuyển hóa nghiệp trùng tang.
1. Lập đàn sám hối, tu tập và làm các việc phúc thiện
Do kiếp xưa đã làm ác với chúng sinh cho nên đến nay chúng ta phải biết sám hối. Chúng ta lập đàn thỉnh các vong linh đã chết trong nghiệp trùng tang về đàn lễ để cùng nhau sám hối, đồng thời phát tâm cầu siêu cho những vong linh mà chúng ta cùng nhau hại họ khiến bây giờ chúng ta phải chịu nghiệp chết trùng. Nếu những người còn sống chưa biết tu thì chúng ta cũng xin sám hối thay cho họ. Một số phương pháp tu tập, sám hối, cầu siêu đó là: khai đàn tu tập Bài 8 - Chương trình tu tập cầu siêu hóa giải oán kết; tụng thêm kinh Sám hối Hồng danh, kinh Địa Tạng; phát nguyện Bồ đề; thỉnh các vong linh về pháp hội nghe Pháp, nghe kinh rồi cúng dường Tam Bảo hồi hướng cầu siêu cho họ. Nếu gia đình có một người hay số ít người tu, tốt nhất là nên tu ba lần 49 ngày vì nghiệp trùng tang rất nặng.
Tu tập sám hối, cúng dường cầu siêu cho các vong linh mà mình đã ác hại để chuyển hóa nghiệp trùng tang
Do trong vô thủy kiếp, chúng ta đã làm vô số việc ác, nên đến nay có rất nhiều vong linh đi theo báo oán. Nếu chúng ta không tu tập để dừng các nghiệp mới thì sẽ chiêu cảm rất nhiều vong linh xấu ác theo khởi niệm của chúng ta. Cho nên bắt buộc chúng ta phải tu để chuyển nghiệp. Ví dụ: Kiếp xưa chúng ta vì nói dối mà hại người thì kiếp này chúng ta sẽ tu tập để không nói dối nữa, để không chiêu cảm vong linh theo niệm dối trá của chúng ta. Khi chúng ta nói thật là chúng ta đã dừng nghiệp, chúng ta biết làm các việc phúc thiện là chúng ta đã chuyển nghiệp. Và khi chuyển nghiệp, có phước báu rồi, chúng ta sẽ không sợ vong linh về báo oán, khiến chúng ta còn trong nghiệp trùng tang nữa.
2. Phát đại nguyện tinh tấn tu tập, gieo duyên Phật Pháp cho người còn sống
Nếu gia đình chưa có người tin tu theo chính Pháp của Phật để chuyển hóa nghiệp trùng tang, chúng ta phải phát một đại nguyện là tinh tấn tu tập để gieo duyên Phật Pháp cho những người còn sống trong nghiệp chết trùng của gia đình. Như trong kinh Địa Tạng, Ngài Quang Mục vì muốn cứu mẹ mà phát đại nguyện: Cứu vớt tất cả chúng sinh bị tội khổ nơi địa ngục cùng ba ác đạo được thành Phật hết cả, rồi Ngài mới thành bậc Chính giác. Chúng ta cũng học Ngài, muốn chuyển hóa nghiệp trùng tang thì cũng phải phát đại nguyện, phát tâm Bồ Đề, tinh tấn tu tập Phật Pháp, chuyển tải Phật Pháp; nguyện mang công đức này giác ngộ được cho người thân và cho chúng sinh.
Phát đại nguyện tinh tấn tu tập để giác ngộ cho người thân và chúng sinh
Qua những chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến, chúng ta hiểu rằng không có thần trùng nào về bắt người sống cả; mà tất cả đều là nhân quả, nghiệp báo, do chúng ta đã từng làm các ác nghiệp nên đến nay nhận những quả báo xấu ác. Chúc quý đạo hữu sẽ có thêm được sự tín tâm để tu tập chuyển hóa nghiệp trùng tang của gia đình, đạt được bình an, hạnh phúc cho mình và người thân.
Bình luận