Cầu siêu là gì? Các yếu tố cần có để việc cầu siêu được thành tựu

Cầu siêu là một nghi thức tâm linh giúp gia tiên tiền tổ, người thân đã mất được thoát khổ. Đây là cơ hội để con cháu thực hành tâm hiếu hạnh, cứu khổ cho ông bà, cha mẹ, quyến thuộc nhiều đời.

Vậy cầu siêu là gì? Những yếu tố cúng dường nào giúp việc cầu siêu được thành tựu và đem lại lợi ích lớn nhất cho kẻ còn, người mất? Hãy cùng tìm hiểu qua chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến trong bài viết dưới đây!

Cầu siêu là gì?

Cầu là tâm mong cầu, đối tượng là tâm của chúng ta; còn siêu thoát là đối tượng ở bên ngoài, đó là cảnh giới hương linh, ngạ quỷ. Cầu siêu là tâm mong cầu đến cảnh giới hương linh, ngạ quỷ, mong cầu cho người chết được siêu thoát – tức là được thoát khỏi những cảnh khổ mà họ đang mang.

Để cầu siêu cho hương linh, chúng ta cần có công đức, hoặc làm phận sự, công quả hay cúng dường Tam Bảo để sinh ra phước báu, từ đó hồi hướng đến cho các hương linh. Phước báu đó không chỉ giúp hương linh thoát khỏi cảnh khổ, mà còn hồi hướng giúp chúng ta thoát khỏi những khổ đau trong cuộc đời.

Việc này có thể ví như tâm của cha mẹ khi chăm con ốm. Cha mẹ muốn con được khỏi bệnh thì sẽ sử dụng tiền để thuê phương tiện đưa con đến bệnh viện, trả công cho bác sĩ khám sức khỏe và mua thuốc cho con. Tất cả những chi phí đó để phục vụ cho tâm mong cầu của cha mẹ và hỗ trợ cho con được khỏe mạnh.

Lễ cầu siêu vào ngày 14,30 (29 tháng thiếu) âm lịch tại chùa Ba Vàng
Lễ cầu siêu vào ngày 14,30 (29 tháng thiếu) âm lịch tại chùa Ba Vàng

Lợi ích của việc cầu siêu

1. Đối với hương linh

Tạo công đức trong lễ cầu siêu, lấy công đức phước báo đó hồi hướng cho gia tiên, tiền tổ trong cõi ngạ quỷ thì gia tiên tiền tổ được phước để tiêu trừ nghiệp chướng, bớt khổ và hạnh phúc hơn.

Các hương linh sẽ có thể được “siêu” lên, từ cõi thấp, ở trạng thái rất đau khổ lên cảnh giới cao hơn; ví dụ như địa ngục ngàn vạn năm thì được giảm nhẹ xuống chỉ còn trong địa ngục vài trăm, vài chục năm. Nếu nhẹ hơn có thể được ra khỏi địa ngục, tái sinh lên cõi ngạ quỷ hoặc súc sinh. Hoặc nhẹ hơn nữa thì có thể được tái sinh từ ngạ quỷ lên làm người hay chư Thiên,…

Để hiểu rõ hơn, chúng ta lấy ví dụ trong bài kinh “Tôn Giả Xá Lợi Phất Cứu Mẹ Tiền Kiếp”. Một hôm, Ngài Xá Lợi Phất gặp một nữ ngạ quỷ trần truồng, xấu xí, gầy guộc, thân thể nổi gân, phải ăn phân và chất thải dơ dáy,… Nữ ngạ quỷ này là mẹ của Ngài trong kiếp thứ 5 về trước. Bà xin Ngài cúng dường để hồi hướng cho bà, giúp bà được giải thoát khỏi cảnh khổ đang mang.

Sau đó, vua Bình Sa cúng dường cho Ngài 4 am thất, Ngài lại đem cúng dường Tăng chúng khắp thế gian do đức Phật làm thượng thủ và hồi hướng công đức ấy đến nữ ngạ quỷ kia. Nữ ngạ quỷ hưởng các lợi lạc này, liền được tái sanh lên thiên giới làm thiên nữ với đầy đủ mọi thứ cần dùng, đồ ăn thức uống áo quần xiêm y, cùng dung sắc chói sáng lung linh.

Qua bài kinh, chúng ta học được phương pháp để cứu độ người thân đã mất trong cõi hương linh, ngạ quỷ. Cầu siêu hương linh là đúng Pháp, đúng lời Đức Phật dạy và mang lại lợi ích chân thật.

Lễ cầu siêu giúp chúng ta cứu độ được cho người thân đã mất
Lễ cầu siêu giúp chúng ta cứu độ được cho người thân đã mất

2. Đối với người cầu siêu

Được phước từ tâm cứu độ

Trong kinh Địa Tạng, Đức Phật dạy: “Như có người nam cùng người nữ nào trong lúc sanh tiền không tu tạo phước lành mà lại gây lấy những tội ác, sau khi người này mạng chung, hàng thân quyến kẻ lớn người nhỏ vì người chết ấy mà tu tạo phước lợi, làm tất cả việc về Thánh đạo; thời trong bảy phần công đức, người chết nhờ đặng một phần, còn sáu phần công đức thuộc về người thân quyến hiện lo tu tạo đó”.

Qua văn kinh chúng ta thấy rằng, khi chúng ta làm phước hồi hướng cho người thân của mình, thì chúng ta được phần công đức lớn. Cho nên việc làm cầu siêu cho người mất sẽ sinh phước báu cho người sống. Đó là nhân quả của lòng thương mến, của sự cứu độ, giúp đỡ người mất khiến họ bớt khổ. Như vậy, quả phúc người cứu cũng được tăng trưởng.

Cứu độ các chúng hữu duyên và được chuyển hóa khổ

Các loài ngạ quỷ có duyên với chúng ta chỉ sống nhờ vào sự bố thí của ta. Chính vì vậy, nếu họ có oán đối với chúng ta, làm chúng ta đau bệnh, gặp những việc bất như ý thì khi chúng ta cầu siêu cho họ, thực hành cúng dường Tam Bảo, hồi hướng phước, sám hối, tụng kinh cầu siêu cho họ nghe,… có thể họ được siêu thoát và chúng ta được chuyển những nghiệp khổ đó.

Việc này các Phật tử CLB Cúc Vàng – Tập Tu Lục Hòa tự chứng thực rất nhiều. Quý vị có thể tìm hiểu một trong số rất nhiều câu chuyện Tại đây!

Một Phật tử chia sẻ hạnh phúc khi giúp bố chuyển hóa nhờ lễ cầu siêu
Một Phật tử chia sẻ hạnh phúc khi giúp bố chuyển hóa nhờ lễ cầu siêu

>>> Tìm hiểu câu chuyện tại link: https://www.facebook.com/groups/camnhanhanhphucmoingay/posts/520815648989256/

Các yếu tố cúng dường để việc cầu siêu được thành tựu

Để cầu siêu được thành tựu, chúng ta nên hiểu về các yếu tố giúp việc cúng dường sinh ra phước báu lớn. Điều này phụ thuộc vào ba yếu tố: người nhận cúng dường, vật dâng cúng và tâm của người cúng dường. Chúng ta phải làm sao để có đầy đủ sáu phần phước báu ở trong bài Kinh “Phước báu sáu phần” (Tăng Chi Bộ III, phẩm Chư thiên, phần Bố thí), Đức Phật đã dạy: ba phần thuộc về người nhận thí, còn ba phần thì thuộc về vật thí và tâm người bố thí.

1. Người nhận cúng dường

Trong bài kinh “Phước báu sáu phần” có đoạn: “Những người nhận phẩm vật bố thí, đã được ly tham hay đang thực hành hạnh ly tham; đã được ly sân hay đang thực hành hạnh ly sân; đã được ly si hay đang thực hành hạnh ly si. Đây là ba phần của người nhận phẩm vật bố thí”.

Để được phước báu lớn, người nhận thí (nhận đồ cúng dường) phải là người tu tập phạm hạnh hoặc là một tập thể Tăng (Tăng đoàn). Phước báu sinh ra khi cúng dường cho những người như vậy là loại phước báu giác ngộ để hồi hướng cho hương linh được siêu thoát. Còn nếu người nhận thí là những người ngoài đạo Phật, tu theo tà kiến, không hiểu về nhân quả thì không sinh ra phước báu để cầu siêu được cho các hương linh.

Năng lực tu tập của Tăng đoàn phụ thuộc vào số lượng và chất lượng. Nếu cúng dường cho số lượng chư Tăng lớn, chất lượng của chư Tăng tu tập phạm hạnh, trì giới tinh nghiêm thì phước báu sinh ra lớn. Còn nếu cúng dường ở nơi chư Tăng phạm hạnh nhưng số lượng chư Tăng nhỏ thì phước báu sinh ra nhỏ. Nếu chư Tăng ở đó không tu hành phạm hạnh, buông lung phóng dật, phạm giới thì phước báu sinh ra rất nhỏ.

Người nhận cúng dường phải là Tăng đoàn tu tập phạm hạnh mới sinh ra phước báu lớn

Người nhận cúng dường phải là Tăng đoàn tu tập phạm hạnh mới sinh ra phước báu lớn

2. Tâm của người cúng dường

Yếu tố thứ hai giúp sinh phước báu để việc cầu siêu được thành tựu là tâm tịnh tín của người dâng cúng. Người cúng dường phải là người giác ngộ nhân quả, mong cầu hạnh phúc và có tâm cung kính Tăng chúng. Người này luôn mong muốn Tăng đoàn được đầy đủ phương tiện để hoằng Pháp và tu tập mà không sẻn tiếc trong việc cúng dường.

Người giác ngộ như vậy sẽ được hoan hỷ trước khi cúng dường; tâm cũng được tịnh tín đối với Tam Bảo trong khi cúng dường – tức là hoàn toàn thanh tịnh đối với chư Tăng. Chúng ta hoàn toàn giác ngộ với sự cúng dường của mình, biết rõ phần cúng dường đó là nhiều hay ít và có tác dụng gì. Khi cúng dường, chúng ta phải có mong muốn thanh cao là mưu cầu về hạnh phúc, mong nguyện cho Phật Pháp trụ mãi ở thế gian, chúng sinh được giác ngộ. Đó là tâm tịnh tín đối với Phật – Pháp – Tăng trong khi cúng dường.
Giác ngộ như vậy rồi, sau khi cúng dường, tâm của chúng ta cũng được hoan hỷ vì thấy mình vừa mới làm được một công đức, mình được nương tựa Tam Bảo và được cứu khổ từ nơi Tam Bảo.

Với những nguồn tâm hoan hỷ, thanh tịnh, kính tín như vậy, chúng ta sẽ được phước báu lớn.

3. Vật phẩm dâng cúng dường

Thứ nhất, khi cúng dường, chúng ta phải lựa chọn vật phẩm cúng dường phù hợp với việc tu tập, hoằng Pháp của chư Tăng. Ví dụ như chúng ta tứ sự cúng dường: vật thực, y áo, giường tọa và nơi tu tập cho chư Tăng.

Thứ hai, phước báu phát sinh từ vật phẩm cúng dường còn phụ thuộc vào số lượng tịnh tài, tịnh vật cúng dường. Như trong bài kinh “Ngạ quỷ ngoại bức tường”, Kinh tạng Nam truyền – Tiểu bộ kinh tập 3 có kể câu chuyện về vua Bình Sa xây Tinh xá Trúc Lâm cúng dường đến Phật và Thánh chúng. Với công đức to lớn từ sự cúng dường Đức Phật cùng các vị Tăng theo Phật, ông hồi hướng cho tất cả chúng ngã quỷ và họ được sinh thiên. Như vậy, khi cúng dường đến Tăng đoàn có công đức với lượng cúng dường lớn thì phước báu sinh ra để hồi hướng đến cho chúng sinh rất lớn.

Chọn vật phẩm cúng dường phù hợp với việc tu tập, hoằng Pháp của chư Tăng

Chọn vật phẩm cúng dường phù hợp với việc tu tập, hoằng Pháp của chư Tăng

Hướng dẫn làm lễ cầu siêu tại chùa Ba Vàng

Thể theo lời thỉnh cầu của nhân dân, Phật tử với mong muốn siêu độ các hương linh, được sự chỉ dạy trên Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh, chùa Ba Vàng có tổ chức lễ cầu siêu trực tiếp và trực tuyến cho các đối tượng khác nhau. Sau đây là hướng dẫn, mời qúy vị bấm vào tên bài viết:
Hướng dẫn tham gia lễ cầu siêu trực tuyến và trực tiếp hàng tháng tại chùa Ba Vàng

Lễ cầu siêu được tổ chức vào ngày 14, 29 hoặc 30 âm lịch hàng tháng. Sau đây là bài tu tập trước khi về chùa cầu siêu:

1. Nghi thức làm lễ tại nhà trước khi tham dự lễ cầu siêu trực tiếp/trực tuyến

Qua những chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến, mong rằng quý đạo hữu có đầy đủ các kiến thức về việc cúng dường để cầu siêu được lợi ích và đúng Pháp nhất. Từ đó, đem công đức phước báu hồi hướng cho hương linh gia tiên tiền tổ và người thân đã mất, cũng như hồi hướng cho gia đình hiện tại được hạnh phúc, an vui.

Các bài nên xem:

-
aa
+
11,015 lượt xem
01/08/2022

Bình luận (1)

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. Ban quản trị

    28/06/2024
    Ban Quản trị và Chủ sở hữu Website Phạm Thị Yến tuyên bố nghiêm cấm và miễn trừ trách nhiệm đối với mọi bình luận, hình ảnh liên quan đến:
    - Chủ quyền của đất nước;
    - Các vấn đề về chính trị;
    - Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
    - Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
    Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.
  2. T
    T

    Trần Thị Xoan

    19/11/2022
    Em xin thành kính tri ân công đức lời Cô chỉ dạy cho chúng em ạ