Trong điển tích Phật giáo có rất nhiều câu chuyện kể về những quả báo thảm khốc phải chịu khi bất hiếu. Trong đó, có câu chuyện về Ngài Mục Kiền Liên trong một kiếp trước đã bất hiếu với mẹ và phải chịu quả báo 499 kiếp bị đánh, bị giết.
Trong kinh Nghiệp báo sai biệt, Đức Phật dạy:
“Điều tốt cùng tột không gì hơn hạnh hiếu, điều ác lớn nhất không gì hơn bất hiếu mẹ cha. Người phạm tội bất hiếu hiện đời bị sét đánh, sau khi chết đọa vào đại địa ngục A Tỳ. (Một ngày đêm trong địa ngục A Tỳ bằng 6.000.000 năm ở nhân gian)”.
Vậy bất hiếu cha mẹ phải nhận quả báo đáng sợ như thế nào và chúng ta cần làm sao để tránh gieo nhân ấy? Mời các bạn cùng tìm hiểu qua chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến (Pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán) trong bài viết dưới đây nhé!
Mục lục [Hiển thị]
- Nguyên nhân con cái bất hiếu cha mẹ
- Xuất phát từ cuộc sống hàng ngày
- Nguyên nhân bất hiếu theo quan điểm đạo Phật
- Quả báo của những đứa con bất hiếu
- 3 cách tư duy để tránh gieo nhân bất hiếu cha mẹ
- 1. Nhìn nhận chính mình và đặt mình vào địa vị của cha mẹ để thấu hiểu
- 2. Sám hối tội bất hiếu cha mẹ để xả bỏ oán kết nhiều đời
- 3. Giác ngộ nhân quả để hiếu thuận
Nguyên nhân con cái bất hiếu cha mẹ
Xuất phát từ cuộc sống hàng ngày
1. Sự khó khăn trong sinh hoạt do già bệnh
Theo thời gian, cha mẹ chúng ta rồi cũng sẽ già đi, cũng phải chịu sự chi phối tất yếu của già, bệnh, chết. Cha mẹ già đi, trí nhớ giảm dần, lối sinh hoạt không còn được như trước đồng nghĩa sẽ có rất nhiều bất cập trong cuộc sống.
Ví dụ: Mẹ già hay bị tiểu tiện, đại tiện ra quần do phụ nữ sau khi sinh nở dễ xảy ra hiện tượng không làm chủ được việc vệ sinh. Cho nên, khi lại gần sẽ có mùi khai làm cho con cái không ưa thích, dễ gây ra hành động bất hiếu.
Thêm nữa, cơ thể về già sẽ mắc rất nhiều bệnh. Trước kia vì con cháu mà cha mẹ đã tạo tội lỗi với các chúng sinh, gây ra nghiệp chướng nên khi già ăn nói lẩn thẩn, bệnh tật.
2. Bất đồng quan điểm sống
Giữa người lớn tuổi và những người trẻ tuổi thường hay nảy sinh những mâu thuẫn, bất đồng bởi sự nhìn nhận vấn đề trong cuộc sống khác nhau. Người trẻ có tầm hiểu biết thức thời mới, còn người già thì tư duy cuộc sống hiện tại dựa vào những điều trong quá khứ họ đã trải qua. Thế cho nên rất khó hòa đồng nhau.
Và trong cách giáo dục con trẻ cũng vậy. Với những người lớn tuổi thì lấy truyền thống gia đình làm căn bản đạo đức. Điều đó dẫn đến người trẻ thì khó chấp nhận những suy nghĩ của cha mẹ, còn cha mẹ sẽ phản ứng với cách suy nghĩ tư duy của lớp trẻ.
Lại nữa, hai vợ chồng là những người cùng lứa tuổi, suy nghĩ sẽ hợp nhau hơn, còn mẹ sẽ bị coi là cổ hủ. Cũng vì sự không hợp nhau đó, giữa cha mẹ và con cái sẽ có cách ứng xử không đúng, ngày càng khiến mối quan trở lên xa cách; từ đó, con cái có những biểu hiện của sự bất hiếu.
Nguyên nhân bất hiếu theo quan điểm đạo Phật
Theo góc nhìn của đạo Phật, tất cả mọi sự việc, hiện tượng xảy ra trong cuộc sống đều nằm trong dòng nhân quả và mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái cũng vậy. Cha mẹ sinh ra con là nhân duyên, có thiện duyên và có ác duyên.
Ví dụ: Có cha mẹ sinh con ra nhưng lại vứt bỏ con; rồi có những người con rất yêu quý cha mẹ nhưng cha mẹ thì không hoặc ngược lại. Con cái bất hiếu với cha mẹ có thể là do oán kết từ tiền kiếp, nay theo sự chi phối của dòng nghiệp nên sinh ra đã oán thù cha mẹ.
Trong nhà Phật có câu chuyện về ông vua A Xà Thế. Tiền kiếp, vua A-xà-thế là một vị đạo sư đang tu trong rừng. Khi đó, vua Bình Sa cùng các thể nữ, thê thiếp vào rừng săn bắn. Trong lúc vua đi săn thì các tỳ thiếp đến chỗ vị đạo sĩ để trò chuyện.
Khi vua quay lại, thấy như vậy thì cho rằng vị đạo sĩ đã quyến rũ những tỳ thiếp của mình. Không để cho vị đạo sĩ thanh minh, vua Bình Sa quyết định chém đầu đạo sĩ. Và vị đạo sĩ phát một lời nguyền sẽ lấy mạng ông vua ấy.
Ngay trong kiếp đó, đạo sĩ sau khi chết đầu thai luôn làm con của vua Bình Sa - chính là A Xà Thế. Vua A-xà-thế đã cướp ngôi vị, bắt nhốt, ác hại cha đến chết và bắt nhốt cả mẹ của mình. Về sau, vua A Xà Thế được Phật giáo hoá và biết được nhân quả tiền kiếp cho nên phát tâm sám hối.
Quả báo của những đứa con bất hiếu
Một kiếp quá khứ, Ngài Mục Kiền Liên - kiếp ấy tên là Tata, có một người mẹ bị mù lòa. Vợ Tata thấy mẹ chồng là một gánh nặng nên tìm cách hãm hại. Ngày này sang ngày khác, người vợ tìm cách ly gián, đâm thọc, vu cáo, xúc xiểm… rất chua cay và độc ác. Vợ Tata đã biến mẹ chồng từ một người hiền lành trở thành một bà già khó tính, ác đức trong mắt của chồng.
Tata tin vợ, nghe lời vợ đưa mẹ thả giữa rừng và giả cướp để lừa mẹ. Người mẹ mù lòa trong cơn sợ hãi, không nghĩ đến bản thân, chỉ nghĩ đến đứa con và la lớn: “Tata con ơi! Hãy chạy thoát thân đi, mẹ già rồi, hãy bỏ mặc mẹ, để mẹ đi theo nghiệp của mình. Con hãy chạy đi!”
Xúc động trước tấm lòng của mẹ, Tata hối hận, đem mẹ về nuôi dưỡng như trước để đền đáp ân đức.
(Trích bài kinh Mi Tiên Vấn Đáp số 130: “Thần Thông Của Đức Mục Kiền Liên Không Đương Cự Nổi Với Thần Lực Của Kẻ Giết Ngài”)
Cha và mẹ là hai đấng sinh thành, nuôi dưỡng và sẵn sàng hy sinh tất cả vì chúng ta. Ân đức của cha mẹ đối với con cái vô cùng to lớn khó gì có thể sánh được. Cho nên, mặc dù âm mưu của vợ chồng Tata chưa thành cùng với việc thành tâm ăn năn, sám hối nhưng quả báo đến với Tata vẫn thật thảm khốc.
Với tất cả lời nói, suy nghĩ và hành động của người con bất hiếu, cùng với hành động cuối cùng này khiến Tata (chính là Ngài Mục Kiền Liên) chịu quả báo là trong 499 kiếp đều bị đánh, bị giết. Còn người vợ kia chắc chắn phải chịu quả báo khủng khiếp hơn nhiều. Chính vì vậy, chúng ta cần tư duy để tránh nhân bất hiếu cho mình.
3 cách tư duy để tránh gieo nhân bất hiếu cha mẹ
1. Nhìn nhận chính mình và đặt mình vào địa vị của cha mẹ để thấu hiểu
Do không hiểu được ý nghĩ của cha mẹ nên những người con mới oán trách. Tuy chỉ trách nhẹ nhưng cũng làm cho chúng ta có những suy nghĩ, hình tướng của hành động bất hiếu.
Chúng ta oán trách cha mẹ trước những việc làm, lời nói của cha mẹ nhưng thực chất cha mẹ nghĩ việc làm, lời nói ấy tốt cho mình. Cho nên, đã là người tu học Phật Pháp, chúng ta cần phải hiểu người khác. Từ việc hiểu, chúng ta mới đặt mình vào địa vị của họ, mới thương người ta được. Nhất là đối với hiếu thuận, chúng ta phải hiểu được cha mẹ mình.
2. Sám hối tội bất hiếu cha mẹ để xả bỏ oán kết nhiều đời
Theo quan điểm của đạo Phật, những hành động, lời nói không đúng với chữ hiếu có thể do những oán kết giữa cha mẹ và con cái trong tiền kiếp, đến nay theo dòng nghiệp đủ duyên tác động. Con cái nhiều khi cũng xoay tâm lại để muốn yêu thương cha mẹ nhưng lại không được. Điều đó chứng tỏ tâm này theo dòng nghiệp của ác tâm trong tiền kiếp.
Đối với những trường hợp này, chúng ta nên tư duy và thành tâm sám hối với Phật. Khi về chùa, bạch các Thầy chứng minh nếu trong tiền kiếp trước cha mẹ có lỗi với mình mà mình phát lời thề nguyền không tốt với cha mẹ thì xin xả bỏ và xin phát nguyện học Phật để tu tâm biết ơn, nguyện thành người con có hiếu. Điều đó sẽ giúp chúng ta xoay tâm lại nhanh hơn. Đồng thời tu học Phật Pháp, ứng dụng lời Phật dạy để hoàn cảnh hiện tại được tốt lên.
3. Giác ngộ nhân quả để hiếu thuận
Qua câu chuyện tiền kiếp của Ngài Mục Kiền Liên ở trên, chúng ta thấy được rằng người con bất hiếu sẽ phải chịu quả báo nặng nề nhất; đó là nhân quả không thể trốn tránh được. Biết được nhân quả đó, mỗi người chúng ta cần cẩn trọng hơn trong việc ứng xử với cha mẹ. Chúng ta phải dùng trí giác ngộ; trí giác ngộ về tâm linh, về kiếp trước kiếp sau, về quả báo khổ phải thọ lãnh nếu bất hiếu; giác ngộ về công lao to lớn của cha mẹ thì sẽ thực hành được hiếu thuận.
Mong rằng bài viết trên sẽ giúp quý Phật tử và bạn đọc hiểu về nhân quả của việc bất hiếu. Từ đó, quay lại nhìn nhận bản thân, để thấu hiểu cha mẹ, tránh gieo nhân của người con bất hiếu, không bị quả báo khổ đau và tìm cách gieo nhân hiếu đạo để báo đền ân đức mẹ cha.
Các bài nên xem:
- Cách báo hiếu cha mẹ thiết thực nhất
- Người xuất gia báo hiếu cha mẹ như thế nào?
- 5 câu chuyện nhỏ – 5 bài học lớn từ tâm hiếu của Cô Phạm Thị Yến
- Vu Lan là gì? Nên làm gì để báo hiếu cha mẹ được trọn vẹn nhất
- Vì muốn báo hiếu cha mẹ nên con xả tục xuất gia tu hành
- Hiếu duyên Bồ tát Địa Tạng phát nguyện Bồ đề
Bình luận (10)
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.
Trần Thị Xoan
Đào Thị Thái
Thu Dinh
Nguyễn Thị Thu HÀ
Thu Dinh