Người xuất gia báo hiếu cha mẹ như thế nào?

Trong dân gian có câu: 
“Tu chi cho bằng tu nhà 
Thờ cha kính mẹ hơn là đi tu”

Cho nên, nhiều người quan niệm rằng người xuất gia là bất hiếu vì không thể chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ. Thế nhưng, trong nhà Phật cũng có câu: “Tâm hiếu là tâm Phật. Hạnh hiếu là hạnh Phật”. Đã là đệ tử Phật, là người xuất gia theo Phật thì không thể không có tâm hiếu. Vậy người xuất gia thực hành hiếu đạo bằng cách nào?
Để giải đáp thắc mắc đó, xin mời quý bạn đọc đến với bài viết dưới đây qua lời chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến (Pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán) - Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa.

Câu hỏi về người xuất gia báo hiếu như thế nào?

Trong buổi sinh hoạt Phật Pháp thường kỳ của CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa, một bạn đặt câu hỏi tới Cô Phạm Thị Yến với nội dung như sau: “Cháu thưa Cô, sắp tới là ngày lễ Vu Lan, là ngày báo hiếu cha mẹ. Là người tại gia, nhân ngày này, chúng cháu có món quà tặng bố mẹ, đưa bố mẹ đi ăn để tỏ lòng báo đáp công ơn cha mẹ. Còn người xuất gia là từ bỏ hết, kể cả cha mẹ đúng không Cô? Họ ở chùa tu tập, không ở nhà, không gần cha mẹ thì họ sẽ thể hiện sự báo hiếu như thế nào ạ? Mong Cô chỉ dạy giúp cháu hiểu về vấn đề này. Cháu xin tri ân công đức Cô”.

Tại sao xuất gia là đại báo hiếu?

Con đường xuất gia là con đường thanh cao, cao quý. Những người đi xuất gia cầu đạo, trước hết là mang đến hạnh phúc cho chúng sinh, nhưng vượt lên tất cả là báo hiếu trọn vẹn cho cha cho mẹ.
Cô Chủ nhiệm chia sẻ: “Nếu tâm người không có hiếu thì không xuất gia, bởi vậy phải có hiếu thì mới xuất gia, mà đã hiếu thì họ hiếu đến tận cùng. Từ đó, họ sẽ xuất gia tu tập thành đạo”.
Vậy người xuất gia thực hành hiếu hạnh với cha mẹ hiện tiền, tổ tiên quá vãng như thế nào?

#1 Người xuất gia đưa nhân duyên giải thoát luân hồi sinh tử cho cha mẹ

Pháp giới này là pháp giới nhân duyên nên khi chúng ta có tình cảm thì sinh ra ái, ái thì cùng sinh về một gia đình. Do đó, Cô Chủ nhiệm cũng chia sẻ rằng: Ngay trong hiện tại, cha mẹ có thể rất vui vẻ, ấm áp với mình, đó là ái để kiếp sau có thể gặp lại, yêu thương nhau. Nhưng nếu cha mẹ và mình cùng nhau sát mạng chúng sinh, cùng nhau làm việc ác thì kiếp sau sẽ gặp nhau để cùng trả quả báo và chịu sự khổ đau.

Và khi cha mẹ chết, cha mẹ theo nghiệp lực mà chuyển sinh thì lúc đó mình không thể giúp gì được nữa. Cho nên, cái hiếu của người tại gia, chúng ta thấy không trọn vẹn vì cha mẹ vẫn luân hồi sinh tử theo dòng nghiệp và chịu khổ đau. Hiểu về pháp giới nhân duyên thì chúng ta phải tu tập, hướng cha mẹ về nơi Tam Bảo, để nhiều đời nhiều kiếp cha mẹ có nhân duyên tu hành, thoát được luân hồi sinh tử. Vì vậy, một người con có hiếu luôn nghĩ đến cha mẹ, muốn cho cha mẹ được lợi ích nhất thì họ sẽ lựa chọn con đường xuất gia.

Để đại chúng hiểu rõ hơn, Cô tiếp tục chia sẻ: “Xuất gia là nhân duyên để cha mẹ vào trong Tam Bảo, cha mẹ được nghe học Phật Pháp, bỏ ác làm lành, giải thoát luân hồi. Cho dù ở thế gian, chúng ta cho cha mẹ ăn thật nhiều đi nữa thì cũng chỉ là nuôi mạng sống để tạo nghiệp, rồi trôi lăn trong luân hồi thôi. Nhưng nếu chúng ta để cho cha mẹ hướng về nơi Tam Bảo, yêu quý con rồi đến với Tam Bảo. Cho dù cha mẹ chỉ khởi một niệm mảy may trong Phật Pháp: “Ừ, đúng là có nhân quả!” thì nhiều đời nhiều kiếp họ cũng được vào trong Tam Bảo, thực hành giáo Pháp, được giải thoát. Cho nên, người tu đạo xuất gia là người đưa lại nhân duyên tu tập giải thoát cho cha mẹ mình”.
Do đó, Cô Chủ nhiệm khẳng định: “Hiếu của người xuất gia đối với cha mẹ là đưa đến con đường giải thoát luân hồi cho cha mẹ, cao hơn rất nhiều lần so với hiếu của người tại gia là chỉ có cơm ăn, áo mặc”.

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh vì muốn báo hiếu trọn vẹn cho cha mẹ nên Người xả tục xuất gia tu hành
Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh vì muốn báo hiếu trọn vẹn cho cha mẹ nên Người xả tục xuất gia tu hành

Bên cạnh đó, đối với trường hợp những người đi xuất gia nhưng không tu được thành đạo thì liệu họ có đang báo hiếu cha mẹ hay không? 

Về vấn đề này, Cô Phạm Thị Yến lý giải: “Trong trường hợp người xuất gia không tu hành tới nơi được mà giữa đường bỏ cuộc, tức là họ không thể nhẫn nại tu hành thành đạo thì trong thời gian họ xuất gia, họ đã cho cha mẹ hướng về nơi Tam Bảo nên họ vẫn có phần hiếu. Vì thế, chúng ta đi xuất gia, cha mẹ cũng hướng tâm về với đạo được, dù là ác tâm hay thiện tâm”.

#2 Báo ân tổ tiên bằng sự tu tập Phật Pháp

Có ông bà tổ tiên mới có cha mẹ, có cha mẹ mới có chúng ta. Vì thế, bên cạnh báo hiếu cha mẹ thì việc trả nghĩa thâm ân đối với tổ tiên rất quan trọng. Vậy người xuất gia báo hiếu tổ tiên như thế nào?
Cô Chủ nhiệm chia sẻ: “Người đi tu có thờ phụng tổ tiên vì họ luôn mang công đức tu tập của mình hồi hướng cho tổ tiên. Người ở nhà có thể chỉ cúng tổ tiên vào mùng một, tuần rằm,... nhưng người đi tu thì hồi hướng cho tổ tiên từng ngày, từng bữa ăn một. Họ cũng hướng tới công đức sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, của gia tiên tiền tổ, hướng tới tất cả chúng sinh. Vậy nên, người đi tu là người thờ tổ tiên, cha mẹ nhiều nhất”.

Từ lời Cô chia sẻ, chúng ta thấy rằng, hiếu hạnh của người xuất gia thật là cao quý. Nếu ở tại gia, chúng ta có thể giúp cha mẹ an vui một đời, nhưng người xuất gia lại có thể giúp cha mẹ, ông bà, tổ tiên được vào trong Tam Bảo, nhiều đời nhiều kiếp được an vui trong chính Pháp cho đến thoát ly luân hồi sinh tử. Cho nên, hiếu của người xuất gia là đại hiếu.

Người xuất gia có thể chăm sóc bố mẹ hay không?

Có thể nhiều người nghĩ rằng, xuất gia là rời bỏ cha mẹ để vào chùa theo Thầy, theo chúng Tăng, sớm tối câu kinh tiếng kệ; và nếu cha mẹ có ốm đau hay có duyên sự gì thì người xuất gia cũng không thể về phụng dưỡng cha mẹ được. Vậy điều này có đúng hay không?

Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Khi cha mẹ ốm đau, bệnh trọng không ai chăm sóc thì các Thầy được đón cha mẹ về chùa để chăm sóc hoặc có thể đến bệnh viện chăm cha mẹ. Đó là giới luật của chư Tăng. Giống như vua Tịnh Phạn khi bị bệnh, Đức Phật cùng với Tăng chúng đều đến bên giường bệnh để chăm bệnh cũng như giáo hóa cho vua. Đó là quy định của chư Tăng và cũng là tấm gương về việc phụng sự cha mẹ, thờ cúng tổ tiên”.

Bên cạnh đó, Cô cũng khẳng định: “Chúng ta phải tin rằng, có người con xuất gia tu hành, nỗ lực vì chúng sinh thì cha mẹ ắt sẽ có nhân duyên được người khác chăm sóc. Nếu có con còn ở tại gia thì người con đó sẽ có hiếu hơn để chăm sóc cha mẹ. Đó chính là phước báo của người tu hành”.
Từ lời Cô trạch giảng, chúng ta hiểu rằng, người đi tu mới thực sự là người con có hiếu lớn nhất. Và giới luật của chư Tăng mà Đức Phật đã chế ra cũng tạo điều kiện để người xuất gia được phụng dưỡng cha mẹ trọn vẹn nhất. Do vậy, người đi tu hoàn toàn có thể phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ, đặc biệt là lúc ốm đau.

Cô Chủ nhiệm Phạm Thị Yến cùng các Phật tử trong CLB Cúc Vàng thành kính dâng lời tri ân công đức sinh thành đến hai cụ thân sinh của Sư Phụ
Cô Chủ nhiệm Phạm Thị Yến cùng các Phật tử trong CLB Cúc Vàng thành kính dâng lời tri ân công đức sinh thành đến hai cụ thân sinh của Sư Phụ

Những câu chuyện về người con xuất gia báo hiếu cha mẹ

Có thể nói, trách nhiệm của người con là phải báo ân đức cho cha mẹ. Và người con có hiếu là người biết tìm mọi cách cho cha mẹ nương vào Phật Pháp để nhiều đời nhiều kiếp cha mẹ tu hành, thoát khỏi luân hồi sinh tử.
Chúng ta biết rằng, khi chưa xuất gia, Đức Phật là Thái tử Tất Đạt Đa - con vua Tịnh Phạn, mẹ là Ma Da. Khi Ngài thấy rõ thế gian là vô thường, cha mẹ rồi cũng sẽ bệnh và chết nên Ngài quyết chí xuất gia tầm đạo. Sau 5 năm tầm sư học đạo, 6 năm khổ hạnh rừng già, 49 ngày đêm thiền định dưới cội cây Bồ đề, Ngài đã đắc quả vị Phật Toàn Giác.

Sau này khi đã hội đủ nhân duyên, Ngài đã trở về độ cho họ hàng quyến thuộc của hoàng cung. Đặc biệt, Ngài đã độ cho người mẹ kế là Hoàng hậu Ma Ha Ba Xà Ba Đề đắc quả A La Hán, độ vua cha Tịnh Phạn vào dòng Thánh quả giải thoát trước khi nhà vua lâm chung và độ mẹ là Hoàng hậu Ma Da trên cõi Trời Đao Lợi trước khi Ngài nhập Niết bàn.

Thái tử Tất Đạt Đa tu hành thành Phật độ cho cha mình là vua Tịnh Phạn trước lúc chết đạt đạo quả giải thoát
Thái tử Tất Đạt Đa tu hành thành Phật độ cho cha mình là vua Tịnh Phạn trước lúc chết đạt đạo quả giải thoát

Không chỉ có Đức Phật, các vị Thánh đệ tử cũng là tấm gương sáng cho hàng xuất gia đời hậu lai noi theo. Đó là câu chuyện về tấm gương hiếu hạnh của Ngài Mục Kiền Liên. Bà Thanh Đề là mẹ Ngài Mục Kiền Liên, lúc còn sống đã tạo các ác nghiệp nên khi chết bà bị đọa vào cõi ngạ quỷ khổ đau. Thế nhưng, chính nhờ công đức tu hành và cúng dường Tăng chúng của Ngài Mục Kiền Liên nên đã cứu được mẹ ra khỏi ngạ quỷ và sinh lên cõi Trời.

Qua hai câu chuyện, chúng ta có thể nhận ra rằng cha mẹ chính là hai đấng sinh thành mà chúng ta phải mang ơn suốt cả cuộc đời. Đức Phật, Ngài Mục Kiền Liên và Tăng chúng, chính nhờ chí nguyện xuất gia, tu hành thành đạo mà các Ngài độ được cho cha mẹ thoát khỏi sinh tử luân hồi. Giúp cho cha mẹ không còn luân hồi khổ đau thì đó mới gọi là trọn vẹn chữ hiếu.

Câu chuyện Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ là tấm gương hiếu hạnh sáng ngời cho hàng hậu thế noi theo (ảnh minh họa)
Câu chuyện Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ là tấm gương hiếu hạnh sáng ngời cho hàng hậu thế noi theo (ảnh minh họa)

Cô Chủ nhiệm khẳng định: “Đức Phật dạy rằng: Người con đưa cha mẹ vào biển Phật Pháp là một người con chính hiếu. Bởi vì người con đó đã giúp cho cha mẹ tự mình hiểu được Phật Pháp, bỏ ác, hành thiện”.

Qua những lời chia sẻ vô cùng sâu sắc, ý nghĩa của Cô Chủ nhiệm, chúng ta đã phần nào hiểu được cách người xuất gia báo hiếu đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên. Đó mới thực sự là vẹn toàn chữ hiếu. Mong rằng, qua bài viết này, mỗi người con Phật sẽ tăng trưởng tâm hiếu hạnh trong mùa Vu Lan để báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục cao cả của tiên tổ, cha mẹ.

Hạnh Hoa

Các bài nên xem:

-
aa
+
3,808 lượt xem
10/08/2021

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. Ban quản trị

    28/06/2024
    Ban Quản trị và Chủ sở hữu Website Phạm Thị Yến tuyên bố nghiêm cấm và miễn trừ trách nhiệm đối với mọi bình luận, hình ảnh liên quan đến:
    - Chủ quyền của đất nước;
    - Các vấn đề về chính trị;
    - Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
    - Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
    Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.