Trầm cảm mang đến những ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe tinh thần và thể chất của con người, khiến chúng ta rơi vào trạng thái mệt mỏi, chán nản, tự ti, sợ hãi đám đông, thậm chí hoang tưởng,...
Vậy làm thế nào để thoát khỏi trầm cảm? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp tới quý vị dấu hiệu, nguyên nhân và các phương pháp theo lời Phật dạy, giúp thoát khỏi tình trạng này để hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
Mục lục [Hiển thị]
- Những dấu hiệu của trầm cảm thường gặp
- 1. Mất năng lượng
- 2. Chán nản, buông trôi
- 3. Trong tâm luôn cảm thấy không thoải mái
- Nguyên nhân khiến nhiều người bị trầm cảm
- 1. Quá cầu toàn và không dám đối diện với chính mình trong hiện tại
- 2. Tự ti, không dám sống thật với bản thân
- 3. Lý giải dưới góc nhìn nhân quả
- 5 cách vượt qua trầm cảm
- 1. Nhận diện bản thân trong hiện tại
- 2. Sống thật với chính mình
- 3. Nghe Pháp, thực hành bố thí và nói lời ái ngữ, chân thật
- 4. Thả lỏng cơ thể, chú tâm vào hơi thở
- 5. Rèn luyện tâm từ bi, yêu thương
Những dấu hiệu của trầm cảm thường gặp
Trầm cảm do tâm lý gây ra, khiến cho người mắc phải bị đau khổ. Dưới đây là những dấu hiệu của tình trạng trầm cảm:
1. Mất năng lượng
Người trầm cảm thường cảm thấy bị mất năng lượng trong cơ thể khi giao tiếp với người khác và phải ở một mình để lấy lại năng lượng.
Nếu phải làm việc với đông người hay đứng trước đám đông quá lâu, họ thường bị mệt, mất năng lượng trong người, chân tay bủn rủn. Các biểu hiện ấy không phải do bị đói hay hạ huyết áp gây ra. Cho nên, những người trầm cảm không thích giao tiếp nhiều.
2. Chán nản, buông trôi
Người trầm cảm có thể cảm thấy chán nản, không còn nhiệt huyết trong công việc và không muốn tham gia mọi việc. Bên cạnh đó, họ cũng thả mình vào các cuộc vui và buông trôi.
3. Trong tâm luôn cảm thấy không thoải mái
Nếu chúng ta để “tâm” của mình được hòa quyện vào thế giới xung quanh thì sẽ cảm thấy thực sự hạnh phúc. Trái lại, nếu chúng ta chỉ để “tướng” hòa quyện vào môi trường xung quanh thì sẽ không thấy thoải mái và thỏa mãn những gì mình mong muốn.
Ví dụ, một du học sinh nước ngoài, mặc dù không có đam mê hay niềm vui trong việc học, vẫn phải gồng mình cố gắng chỉ để đạt được thành tích, tiếng tăm để gửi về nhà cho gia đình được an ổn. Bạn không dám chia sẻ rằng cuộc sống ở nước ngoài rất khó khăn và chật vật. Sống trong trạng thái giả dối ấy, bạn sẽ cảm thấy rất đau khổ. Chính tâm không chân thật này khiến bạn bị stress, trầm cảm.
Nguyên nhân khiến nhiều người bị trầm cảm
1. Quá cầu toàn và không dám đối diện với chính mình trong hiện tại
Tình trạng trầm cảm bắt nguồn từ cảm giác lo âu, hoảng sợ. Những người thường có trạng thái này là do họ quá cầu toàn, luôn luôn hướng tới mục tiêu cao đẹp nhưng lại không biết cách để đạt được điều đó. Ví dụ, chúng ta muốn leo lên một đỉnh núi rất cao. Những người biết leo núi thì sẽ nhìn xuống chân và di chuyển từng bước một. Còn những người trầm cảm lại nhìn lên đỉnh núi và hoảng sợ.
Bởi vậy, khi chúng ta quá cầu toàn mà không nhìn lại chính mình ở hiện tại thì sẽ luôn cảm thấy lo âu và sợ đối diện với người khác. Điều này sẽ làm cho thần kinh của chúng ta trở nên căng thẳng.
Cho nên, nguyên nhân đầu tiên của trầm cảm là do chúng ta không nhìn lại chính mình, không phân tích được bản thân đối với đám đông là thế nào. Ví dụ, khi có một khuyết điểm, thì chúng ta phải nhìn chính mình để dần dần sửa đổi và phát triển, biết mình có tiến bộ hơn so với trước, chứ không thể nhìn cái hoàn thiện ở người khác. Nếu nhìn sự hoàn thiện ở bên ngoài, chúng ta sẽ thấy buồn và tự ti, không dám đối diện với mọi người.
2. Tự ti, không dám sống thật với bản thân
Một nguyên nhân khác gây ra tình trạng trầm cảm là tự ti, không dám sống thật với bản thân.
Ví dụ, khi chúng ta gặp nhiều khó khăn, chật vật nhưng lại không dám chia sẻ thật với gia đình và người thân. Chúng ta cố gồng mình lên nhưng bên trong tâm rất đau khổ, tức là chúng ta sống với tâm giả dối, sự tự ti. Điều này khiến chúng ta bị stress.
3. Lý giải dưới góc nhìn nhân quả
Dưới góc nhìn đạo Phật, nếu chúng ta từng gieo nhân khẩu nghiệp, có những lời nói, hành động khiến người khác mất danh dự, phỉ báng họ trước đám đông, đe dọa khiến họ lo sợ, đau khổ thì chúng ta cũng sẽ gặp nhân quả đau khổ, một trong số đó có thể là stress, trầm cảm.
Như trong kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy về quả báo của khẩu nghiệp đưa đến đau khổ: “Và người ấy nói lời thô ác, bất cứ lời gì thô bạo, thô tục, khiến người đau khổ, khiến người tức giận, liên hệ đến phẫn nộ, không đưa đến Thiền định. Người ấy nói những lời như vậy. Và người ấy nói những lời phù phiếm, nói phi thời, nói những lời phi chơn, nói những lời không lợi ích, nói những lời phi Pháp, nói những lời phi Luật, nói những lời không đáng gìn giữ; vì nói phi thời, nên lời nói không có thuận lý, không có mạch lạc, hệ thống, không có lợi ích. Như vậy, này các Tỷ-kheo, bốn phần là lầm lỗi, phạm tội của ngữ nghiệp, đã bất thiện tư niệm, dẫn đến khổ, đưa đến khổ dị thục. Như thế nào, này các Tỷ-kheo, ba phần là lầm lỗi, và phạm tội của ý nghiệp, đã bất thiện tư niệm, dẫn đến khổ, đưa đến khổ dị thục.”
5 cách vượt qua trầm cảm
1. Nhận diện bản thân trong hiện tại
Nếu chúng ta là người cầu toàn, khi có khuyết điểm, chúng ta mong cầu bản thân được hoàn thiện. Tuy nhiên, chúng ta phải quay lại hiện tại và nhận thức rằng, để hoàn thiện được khuyết điểm này thì cần thời gian. Không những thế, chúng ta cũng phải chấp nhận được việc này. Tức là chúng ta phải phân tích được rằng, hiện tại mình vẫn còn khuyết điểm thì vẫn phải tiếp tục nghe những lời góp ý hay phê phán. Khi đối diện được như vậy thì khi ra trước đám đông, chúng ta sẽ không bị ngại, không bị suy nghĩ trước những lời chê bai của người khác. Từ đó sẽ không bị lo âu, bản thân giải tỏa được tâm lý lo âu, căng thẳng mỗi khi bị chê.
Thêm vào đó, chúng ta cũng nên đối diện và giải quyết vấn đề hiện tại. Vì nếu chúng ta bỏ qua, lảng tránh mà không xử lý thì bản thân khó có thể trở nên hoàn thiện.
2. Sống thật với chính mình
Chúng ta nên sống thoải mái và chân thật; như vậy thì sẽ không bao giờ bị stress.
Ví dụ, nếu chúng ta gặp áp lực từ sự thiếu thốn, khó khăn thì nên nói thật với gia đình về hoàn cảnh và khả năng của bản thân. Khi đó, chúng ta sẽ không phải gồng lên thể hiện; mà bố mẹ sẽ hiểu và đưa ra những lời động viên, khích lệ, giúp chúng ta giảm bớt được căng thẳng và được sống thoải mái, chân thật với chính mình.
3. Nghe Pháp, thực hành bố thí và nói lời ái ngữ, chân thật
Chúng ta nên thực hành sám hối và nghe Pháp để giác ngộ. Như trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy: “Ai tâm không an trú, không biết chân diệu pháp, tịnh tín bị rúng động, trí tuệ không viên thành.”
Khi nghe Pháp, học hiểu về giáo lý mà Đức Phật đã dạy, chúng ta bắt đầu dừng những tư duy sai lầm và các nghiệp mà do tư duy sai lầm đó sinh ra cho bản thân.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên thực hành bố thí, nói lời chân thật, không nên dọa nạt, chửi bới và không gây lo lắng hay sợ hãi cho người khác. Việc này cũng giúp chúng ta giảm lo âu và sợ hãi. Như Đức Phật là bậc có lời nói chân thật và đúng chân lý nên Ngài rất tự tại. Vì vậy, nếu muốn đạt được sự tự tại, chúng ta cũng cần phải nói những lời chân thật và mang lại lợi ích cho số đông.
Như trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy: “Như bông hoa tươi đẹp. Có sắc lại thêm hương. Cũng vậy, lời khéo nói. Có làm, có kết quả”. Như vậy, nói và làm những điều thiện lành sẽ mang lại kết quả tốt đẹp cho chúng ta.
4. Thả lỏng cơ thể, chú tâm vào hơi thở
Khi có dấu hiệu mất năng lượng khi tiếp xúc giữa đám đông thì chúng ta hãy ngồi yên, thả lỏng cơ thể, hít thở khoảng ba đến năm hơi. Khi ấy, tâm của chúng ta sẽ chú ý vào việc hít thở, năng lượng trong thân sẽ tự phát sinh và sung mãn, tâm của chúng ta rất sáng. Bởi khi chú ý như vậy thì toàn bộ lo lắng, lo âu sẽ tự buông. Sau ba hơi thở, chúng ta có thể quay trở lại làm các việc khác.
Đây là một phương pháp để chúng ta xoay lại tâm, chấm dứt những vọng tưởng, ưu tư, phiền muộn đang chi phối mình. Những nhịp dừng đó sẽ giúp chúng ta có thời gian nghỉ ngơi, buông bỏ phiền não và chú tâm hơn vào công việc hiện tại.
5. Rèn luyện tâm từ bi, yêu thương
Người đang bị trầm cảm nên trau dồi cho mình tâm quảng đại, từ bi, yêu thương,... để dần vượt qua được tình trạng đó.
Trước tiên, chúng ta nên thực hành sám hối tội lỗi bằng cách tu tập để giác ngộ và đọc tụng kinh điển Phật giáo như kinh Mục Liên sám Pháp hay kinh Vu Lan. Chúng ta nên làm những việc phước thiện để hồi hướng: Tham gia phóng sinh, từ thiện,...
Trên đây là các thông tin và phương pháp giúp chúng ta vượt qua trầm cảm dựa trên chia sẻ của Phật tử Phạm Thị Yến (Pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán). Chúc các bạn tìm được niềm vui, sự an lạc và có được hạnh phúc chân thật trong cuộc sống.
Các bài nên xem:
Bình luận (500)
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.
Hạnh Thuỷ
Phạm Tựa
Hồ viên
Hằng Tân liên
Hồ Thị Hồng Tuyết