6 lợi ích thù thắng nhận được khi cúng dường Tam Bảo

Trong tiềm thức người Việt, đến chùa lễ Phật, cúng dường, ghi công đức là để cầu bình an, cầu may mắn và những điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình,... Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu những lợi ích mà việc cúng dường Tam Bảo mang lại.

Cúng dường” có nghĩa là cung cấp, nuôi dưỡng. “Tam Bảo” là danh từ Hán Việt, “Tam” là ba; “Bảo” là quý báu, gồm có Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Hiểu một cách đơn giản “Cúng dường Tam Bảo’’ là cung cấp, nuôi dưỡng ba ngôi quý báu: Phật, Pháp, Tăng – Tam Bảo. Mời quý đạo hữu cùng tìm hiểu những lợi ích thù thắng khi cúng dường Tam Bảo qua lời dạy của Đức Phật mà Cô Phạm Thị Yến - Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa trạch giảng sau đây.

“Cúng dường Tam Bảo’’ là cung cấp, nuôi dưỡng ba ngôi quý báu: Phật, Pháp, Tăng – Tam Bảo. (hình ảnh năm 2019)
“Cúng dường Tam Bảo’’ là cung cấp, nuôi dưỡng ba ngôi quý báu: Phật, Pháp, Tăng – Tam Bảo. (hình ảnh năm 2019)

1. Mang lại hạnh phúc gia đình đời này và nhiều đời về sau

Kinh Tăng chi bộ I, phẩm Nguồn sanh phước, phần Xứng đôi viết: Khi Thế Tôn trú giữa dân chúng Bhagga, vườn Nai, Ngài thuyết pháp cho vợ chồng gia chủ là cha mẹ của Nakula. Đức Phật dạy: Muốn cho vợ chồng được hạnh phúc đời này và nhiều đời sau được ở bên nhau, không xa lìa nhau và được hạnh phúc, thì hai vợ chồng cần có lòng tin đối với Tam Bảo, cùng tu giới, cùng nhau cúng dường Tam Bảo, cùng học tu Phật Pháp tăng trưởng trí tuệ.

Vợ chồng biết cùng nhau cúng dường Tam bảo, tu giới, học Pháp sẽ hạnh phúc đời này và nhiều đời sau
Vợ chồng biết cùng nhau cúng dường Tam bảo, tu giới, học Pháp sẽ hạnh phúc đời này và nhiều đời sau

Để các đạo hữu hiểu thế nào là có lòng tin đối với Tam Bảo, Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Chúng ta tin Tam Bảo là phước điền; tin Đức Phật là bậc đã giác ngộ, thấy biết được sự thật của vạn vật trong vũ trụ này; tin Pháp - những lời dạy của Đức Phật sẽ giúp chúng sinh thực hành đạt được hạnh phúc; tin Tăng - những người đã xuất gia theo Phật, đang thực hành lời Đức Phật dạy để giải thoát cho mình và mang giáo Pháp của Phật giúp chúng sinh thực hành để giải thoát phiền não. Đó chính là lòng tin đối với Tam Bảo”.

Theo lời dạy của Đức Phật, một gia đình muốn được hạnh phúc trước hết cần có lòng tin nơi Tam Bảo. Từ đó biết nương tựa, cúng dường Tam Bảo để đảm bảo hạnh phúc cho đời này và nhiều đời sau của gia đình. Bên cạnh đó, việc tu giới sẽ tô bồi đạo đức cho mỗi thành viên, việc cùng nhau học Pháp giúp tăng trưởng trí tuệ; đó là nền tảng cho một gia đình hạnh phúc.

2. Mang đến sức khỏe

Trong kinh Dược Sư, Đức Phật dạy: Nếu có người bệnh nào, muốn khỏi bệnh khổ thì quyến thuộc lập đàn trong 49 ngày, thỉnh mời đại chúng Tăng, trong 49 ngày cúng dường tứ sự đầy đủ. Tức là tất cả các vật dụng cho chư Tăng tu tập. Gia đình phải thọ trì tám phần trai giới, phóng sinh, tụng kinh Dược Sư, thì người bệnh ấy qua khỏi ách nạn, không còn bị hoạnh tử và bị các loài quỷ nhiễu hại. Như vậy theo lời dạy của Đức Phật, cúng dường chúng Tăng sẽ phát sinh phước báu, từ đó hồi hướng cho sức khỏe của bản thân và gia đình sẽ được qua khỏi bệnh tật.

3. Được tài sản nhiều đời

Cô Phạm Thị Yến trích kinh để trạch giảng về phước báu được tài sản khi cúng dường chư Tăng: “Bài kinh “Làm giàu” trong Đại tạng kinh Việt Nam, Tăng Chi Bộ II, chương V, phẩm Vua muôn gia, phần Trở thành giàu có kể: Một thời Đức Thế Tôn trú ở Savatthi, tại vườn ông Cấp Cô Độc, Ngài giảng về 5 phương pháp để những vị đệ tử, cư sĩ tại gia được giàu có. Trong đó, 4 pháp đầu nói về việc cần phải nỗ lực, tích cực, chăm chỉ, không chơi bời, không phung phí tài sản. Pháp thứ 5 là tổ chức cúng dường các vị Sa môn (chư Tăng). Sự cúng dường tối thượng này sẽ đưa đến phước báo vô lượng ở cõi người, cõi Trời. Đó là gốc để sản sinh ra những nhân duyên khiến công việc được hanh thông, việc tính toán được phù hợp để phát triển kinh tế”.

Thời các Đức Phật tại thế, có rất nhiều tấm gương về việc cúng dường Đức Phật cùng chư Tăng mà nhận được phước báu thù thắng về tài sản nhiều đời nhiều kiếp. Bài kinh “Hai vợ chồng nghèo”, kinh Hiền ngu, phẩm 21 ghi lại: Thuở xưa thời Đức Phật Tỳ Bà Thi, có một gia đình thiếu phụ rất nghèo khổ. Nghèo đến mức hai vợ chồng chỉ có một mảnh vải che thân. Nếu chồng đi xin ăn thì vợ trần truồng ngồi trong đống cỏ khô và ngược lại.
Khi ấy, một vị Tỳ kheo đi qua, khuyến hóa người vợ nên đến chỗ Phật nghe Pháp và thực hành bố thí, cúng dường để được phước giàu sang. Hai vợ chồng nhờ vị Tỳ kheo mang mảnh vải duy nhất của họ về cúng Phật.

Sau đó phước báo của họ đến ngay lập tức. Vợ chồng ấy được vua và hoàng hậu thưởng rất nhiều quần áo, của cải khi biết được sự bố thí lớn và thanh tịnh của họ. Sau đó mời họ đến nghe Phật thuyết Pháp. Nhờ phúc lành cúng dường này mà trong suốt 91 kiếp, người vợ sinh nơi đâu cũng có tấm lụa sinh theo, được giàu sang, sung sướng, an vui. Đến kiếp có Đức Phật Thích Ca tại thế, người vợ ấy là Tỳ kheo ni Thúc Ly. Bởi công đức nghe Pháp và có tâm tầm cầu giải thoát nên đã đắc A La Hán.

Như vậy, cúng dường Đức Phật và Tăng chúng nhận được phước báo rất lớn. Tuy nhiên, phước báo đó chỉ được phát sinh khi chư Tăng là người sử dụng. Cô Chủ nhiệm khẳng định: “Người sử dụng phần cúng dường là chư Tăng, cho nên người cúng dường sẽ được hưởng phần phước báo từ sự cúng dường đó. Bởi vì người cúng dường hứa cúng dường cho chư Tăng và chư Tăng phải là người sử dụng thì mới sinh ra phước báo cho người cúng dường. Phước báo này sẽ khiến người cúng dường được hưởng không chỉ đời này, mà còn tới nhiều đời về sau”.

Khi ông Cấp Cô Độc vừa phát tâm xây tinh xá cúng dường Đức Phật và chúng Tăng, ngay lập tức trên thiên cung xuất hiện một tòa lâu đài của ông ấy
Khi ông Cấp Cô Độc vừa phát tâm xây tinh xá cúng dường Đức Phật và chúng Tăng, ngay lập tức trên thiên cung xuất hiện một tòa lâu đài của ông ấy

4. Mang lại danh vọng - địa vị

Trong bài kinh “Phật dạy Tân Vương bổn phận làm vua”, kinh Pháp cú Thí dụ, Đức Phật có dạy năm việc được phước làm quốc vương. Một là, bố thí được làm vua. Hai là, xây dựng chùa tháp, cúng dường Tam Bảo giường chõng, màn trướng được làm vua. Ba là, thân cận, lễ kính Tam Bảo và các bậc trưởng đức nên được làm vua. Bốn là, nhẫn nhục ba nghiệp của thân, bốn nghiệp của miệng, ý không ác niệm do đó làm vua. Năm là, học hỏi, thường cầu trí tuệ nhờ đó được làm vua. Thực hành được năm việc này đời đời sẽ làm vua. Như vậy, cúng dường Tam Bảo, thân cận Tam Bảo, thực hành lời Phật dạy có phước báo được làm vua - tức là có được danh vọng cao tốt. Đó là lời dạy của Đức Phật.

Chăm chỉ bố thí, cúng dường sẽ mang đến phúc báu về danh vọng, địa vị
Chăm chỉ bố thí, cúng dường sẽ mang đến phúc báu về danh vọng, địa vị

5. Hồi hướng phước báu cho gia tiên

Trong kinh Vu Lan Bồn có câu chuyện Ngài Mục Kiền Liên sau khi đắc quả liền tìm xem mẹ mình là bà Thanh Đề sau khi chết sinh về đâu. Do lúc còn sống, bà ấy tà kiến, khinh khi xua đuổi chúng Tăng; lại thờ các tà đạo, giết trâu bò cúng tế. Cho nên khi chết, bà sinh làm ngạ quỷ đói khát rất khổ sở.
Ngài Mục Kiền Liên thương mẹ, đi khất thực dâng mẹ bát cơm. Bà rất đói nhưng không thể ăn, cơm đưa đến gần miệng liền hóa than lửa. Do tội nghiệp đã gây mà bà không thể có phúc ăn được cơm.

Ngài Mục Kiền Liên liền về bạch Phật phương cách cứu mẹ. Phật dạy: Mẹ Ngài gốc tội rất sâu, một mình Ngài không thể cứu được dù Ngài là đệ tử thần thông bậc nhất của Đức Phật. Dù là chư Thiên, các bậc thần kỳ tài giỏi đến đâu, tất cả ba cõi sáu phương tập trung vào cứu cũng không thể cứu được, không có cách nào giúp bà Thanh Đề thoát khỏi cảnh ngạ quỷ.

Đức Phật khẳng định, muốn cứu mẹ, Ngài Mục Kiền Liên phải nhờ thần lực của mười phương Tăng. Sau ba tháng an cư kiết hạ, chư Tăng đều dự ngày Rằm tháng 7 - ngày tự tứ. Do trong ba tháng an cư, chư Tăng cùng tập trung sách tấn nhau tu tập, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức nên phát sinh công đức rất lớn. Nếu vào ngày Rằm tháng 7 cúng dường đến chúng Tăng thì cha mẹ bảy đời sẽ được siêu thăng, cha mẹ hiện tiền cũng được tiêu khiên ách nạn.

Sau đó, Ngài Mục Kiền Liên làm theo lời Đức Phật dạy, bà Thanh Đề liền thoát cảnh ngạ quỷ đói khát. Qua câu chuyện trong kinh, Cô Phạm Thị Yến khẳng định: “Khi chư Tăng tập kết lại, cùng sách tấn nhau tu tập, khiến cho pháp giới được toả ra năng lượng từ bi rất lớn. Những ai cúng dường đến các Ngài tứ sự: nơi ở (tịnh xá), giường nằm, đệm lót, thuốc men,... như vậy, phước báu sẽ phát sinh đến cho người cúng dường.

Người cúng dường có thể lấy phần phước đấy hồi hướng cho gia tiên, tiền tổ, những người đã mất nhà mình thì họ sẽ được siêu sinh. Nếu hồi hướng cho cha mẹ còn sống, thì cha mẹ sẽ được “phước lực tiêu khiên ách nàn", nghĩa là tiêu trừ các nghiệp khổ trong hiện tại và được kéo dài thêm tuổi thọ. Bởi vậy, phước báo sinh ra từ việc phụng sự chư Tăng mang đến cho người cúng dường rất lớn”.
Qua chia sẻ của Cô, chúng ta hiểu rằng, cúng dường chúng Tăng không chỉ mang lại phước báu cho cha mẹ đời này mà gia tiên nhiều đời cũng được cứu khổ.

Cúng dường Tam Bảo hồi hướng mang đến lợi ích cho gia tiên
Cúng dường Tam Bảo hồi hướng mang đến lợi ích cho gia tiên

6. Báo ân đất nước

Bài kinh “Phật dạy bảy Pháp khiến đất nước không bị diệt vong”, kinh Pháp Cú kể lại câu chuyện: Thuở xưa, có vua nước Ma Kiệt Đà tên là A Xà Thế trông coi năm trăm nước nhỏ. Nước kế bên là Việt Kỳ không chịu thuần phục nên ông định đem quân sang đánh. Vua đến bạch Đức Phật, Đức Phật nói nhân dân nước Việt Kỳ thực hành bảy pháp nên không thể thắng.

Ngoài các pháp trau dồi đạo đức, hiếu dưỡng cha mẹ, vua tôi đồng lòng,... thì nhân dân nước Việt Kỳ có thực hành pháp thứ 7 là: Tôn đạo kính đức, trong nước có Sa-môn, Thánh giả, A-la-hán từ xa đến đều cúng dường các thứ quần áo, mền chõng, thuốc thang.

Như vậy, nếu thực hành cúng dường chư Tăng, tôn đạo kính đức thì chính là chúng ta đang báo ân đất nước, góp phần giúp đất nước vững mạnh.

Phật tử chùa Ba Vàng sớt bát cúng dường chư Tăng báo ân Tổ quốc, nguyện cầu đất nước bình an

Phật tử chùa Ba Vàng sớt bát cúng dường chư Tăng báo ân Tổ quốc, nguyện cầu đất nước bình an

Cô Chủ nhiệm chia sẻ: “Nếu những người lãnh đạo đất nước thường tôn kính và cúng dường tứ sự cho chư Tăng thì đất nước đó không bị nguy khốn. Ngược lại, đất nước nào có những người lãnh đạo chỉ muốn lấy đồ của chư Tăng, thì đất nước đó sẽ gặp nguy khốn. Điều này luôn luôn đúng vì đó là lời Đức Phật dạy.

Đức Phật còn dạy rằng: Chúng sinh do không biết được sự thật nên làm những điều sai trái lại tưởng là hạnh phúc, là sự thật. Còn Đức Phật, Ngài đã biết rõ sự thật gieo nhân nào sẽ gặt quả ấy. Nhân của việc vua quan, nhân dân trong nước biết tôn trọng, cúng dường, hộ trì cho chư Tăng tu tập thì đất nước đó được bền vững, không thể bị suy tàn, không kẻ thù nào có thể xâm hại được”.

Tiền cúng dường hay còn gọi là tiền công đức, mang lại phước báu cho người cúng dường khi được chư Tăng sử dụng để phục vụ đời sống tu tập và hoằng truyền Phật Pháp. Hy vọng nhân dân, Phật tử hiểu được lợi ích thù thắng của việc cúng dường mà thực hành theo lời Phật dạy, nỗ lực bảo vệ tài sản của Tam Bảo để chư Tăng có phương tiện hoằng Pháp độ sinh, mang lại lợi ích cho Pháp giới chúng sinh.

Các bài nên xem:

-
aa
+
6,097 lượt xem
07/07/2021

Bình luận (3)

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. Ban quản trị

    28/06/2024
    Ban Quản trị và Chủ sở hữu Website Phạm Thị Yến tuyên bố nghiêm cấm và miễn trừ trách nhiệm đối với mọi bình luận, hình ảnh liên quan đến:
    - Chủ quyền của đất nước;
    - Các vấn đề về chính trị;
    - Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
    - Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
    Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.
  2. P
    P

    Phùng Văn Lam

    30/11/2023
    Con xin tri ân Sư Phụ ạ
  3. N
    N

    Nguyễn Thị Sinh

    20/10/2023
    Cúng dường Tam Bảo được lợi ích vô cùng lớn! Chúng con thành kính tri ân công đức trên Sư Phụ ạ!
  4. N
    N

    Ngô Minh Thư

    25/02/2023

    Cúng dường sinh phước báu cho kiếp hiện tại và các kiếp vị lai. Xin tri ân sự chỉ dạy của Cô. Con xin thực hành để đạt được lợi ích cho mình, cho chúng sinh ạ.