“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ tông”
Mái chùa là hình ảnh thiêng liêng, quen thuộc gắn liền với đời sống của mỗi người dân Việt. Với vẻ tĩnh mặc, thanh tịnh, nhiều người cho rằng, chùa chiền là nơi dành cho người già, không hợp với tuổi trẻ; bởi người trẻ thích sự năng động, náo nhiệt. Tuy nhiên, quan niệm đó đã dần dần được thay đổi. Ngày nay, chúng ta thấy rất nhiều bạn trẻ đến chùa, tham dự các hoạt động tại chốn thiền môn với tinh thần hào hứng, sôi động. Vậy tuổi trẻ đến chùa nhận được những lợi ích gì? Kính mời quý Phật tử và các bạn cùng đón đọc bài viết sau đây qua lời chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến.
Mục lục [Hiển thị]
- Quan niệm “trẻ vui nhà, già vui chùa” đang dần được thay đổi như thế nào?
- Lợi ích của tuổi trẻ khi đến chùa học Phật Pháp
- #1 Học Phật Pháp sẽ mang lại lợi ích cho bản thân
- Hiểu đúng ý nghĩa của việc đi chùa và hiểu về nhân quả để vững vàng trước sóng gió cuộc đời
- Giá trị tâm linh giúp các bạn tự tin đối diện với những vấn đề trong cuộc sống
- Học cách điều phục tâm qua việc tu tập Phật Pháp để được an vui
- #2 Biết làm việc thiện để dựng xây đất nước
- Tuổi trẻ biết đến Phật Pháp là phước lành của đất nước
Quan niệm “trẻ vui nhà, già vui chùa” đang dần được thay đổi như thế nào?
Có thể nói, Phật giáo không dành riêng cho bất kỳ một đối tượng nào, và Đức Phật cũng không quy định ai có thể hay không thể tu học Phật Pháp. Trong chương trình Đạo Phật & cuộc sống số 3, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Phật giáo là một triết lý giáo dục hết sức sâu sắc và toàn diện, chúng ta có thể nói Đức Phật là một nhà giáo dục vĩ đại nhất. Phật giáo không phải là đặc quyền dành cho người già mà nó dành cho toàn thể xã hội, đặc biệt cực kỳ quan trọng và cần thiết với tuổi trẻ”.
Sư Phụ cũng chia sẻ thêm, Phật giáo là “thức ăn tinh thần” cực kỳ bổ dưỡng cho mọi lứa tuổi. Đặc biệt, tuổi trẻ được hấp thu “món ăn tinh thần” này thì sẽ được nhiều lợi ích. Từ lời chia sẻ của Sư Phụ, có thể thấy, quan niệm “Trẻ vui nhà, già vui chùa” đối với Phật giáo ngày nay đang dần được thay đổi và không hoàn toàn phù hợp nữa.
Lợi ích của tuổi trẻ khi đến chùa học Phật Pháp
Có thể nói, những ai đến với Phật Pháp sẽ đều được lợi ích như lời Đức Phật đã dạy, không chỉ lợi ích cho chính mình trong công việc, cuộc sống, mà còn lợi ích cho gia đình, xã hội và đất nước.
#1 Học Phật Pháp sẽ mang lại lợi ích cho bản thân
Hiểu đúng ý nghĩa của việc đi chùa và hiểu về nhân quả để vững vàng trước sóng gió cuộc đời
Chuyện tình Lan và Điệp là một câu chuyện rất nổi tiếng, kể rằng Lan đi tu là do thất tình. Do đó, nhiều người nghĩ rằng, những người đến chùa tu hành là do chán đời, thất tình,… và điều đó trở thành định kiến trong tiềm thức của họ. Trong một buổi chia sẻ, Cô Phạm Thị Yến mong mỏi các bạn trẻ sẽ là những người tiên phong thay đổi suy nghĩ trên và chúng ta phải hiểu đúng ý nghĩa của việc đến chùa là để làm gì. Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Bây giờ, mở ra thế hệ các bạn trẻ đi chùa để tiếp thu những kiến thức mà các môn giáo dục ở trường lớp ít đề cập đến, đó là giáo dục về nhân quả”.
Vậy giáo dục nhân quả đưa đến lợi ích gì đối với các bạn trẻ? Cô Yến chia sẻ thêm: “Giáo dục nhân quả đưa chúng ta đến những suy nghĩ tự lập và có ý chí vươn lên, không bị khuất phục trước hoàn cảnh hiện tại, tiến lên làm chủ mình, làm chủ người. Đó là giáo lý của nhà Phật. Con người khi bắt đầu tu học theo đạo Phật chính thống thì con người trở nên mạnh mẽ, cương quyết, nhiều nhựa sống”.
Trong buổi chia sẻ, Cô Phạm Thị Yến cũng đưa ra ví dụ để các bạn trẻ dễ hình dung và biết cách tư duy, áp dụng nhân quả vào trong cuộc sống. Khi thất tình, thay vì các bạn nghĩ người kia không có tình nghĩa; thì khi hiểu về nhân quả, các bạn biết xoay tâm để không trách cứ, biết nhân duyên của mình và người kia chỉ đến đó thôi. Rồi các bạn tiếp tục gieo những nhân tốt đẹp mới, để có những mối tình mới, không bị đau khổ như mối tình cũ. Cho nên, khi hiểu được giáo lý nhân quả, chúng ta sẽ tự làm chủ được mình trong mọi hoàn cảnh.
Sau đó, Cô Phạm Thị Yến khẳng định về lợi ích của việc học giáo lý nhân quả: “Trong cuộc đời này, khi mỗi con người đều sống bằng sự giành giật, sống không thật tâm với nhau, không thể thật sự yêu thương nhau thì mình đến chùa, mình học giáo lý nhân quả để tự mình mạnh mẽ, tự mình không bị đổ vỡ trước sóng gió cuộc đời”.
Giá trị tâm linh giúp các bạn tự tin đối diện với những vấn đề trong cuộc sống
Lợi ích thứ hai khi các bạn trẻ đến chùa đó là lợi ích về tâm linh. Cô Phạm Thị Yến giải thích: “Về tâm linh, các bạn trẻ đến chùa có thể thân cận với chư Tăng để chư Tăng giải đáp cho các bạn những khúc mắc mà trong tâm mình còn đang vướng. Thứ nữa, được thân cận với oai lực của chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thánh Tăng có thể bảo hộ, gia trì cho mình, tiếp thêm sức mạnh cho mình để vững bước trên cuộc đời này”.
Do các bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng sống nên khi bước vào đời, các bạn cần có người dẫn dắt. Khi đến chùa, thông qua những lời dạy của Đức Phật, chư Tăng sẽ chia sẻ và phần nào giúp các bạn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công việc, cuộc sống. Từ đó giúp các bạn biết cách giải quyết những vấn đề mình gặp phải. Khi các bạn tự lực vượt qua, cộng thêm sự gia hộ của chư Phật, các bạn sẽ tự tin, vững vàng hơn trên con đường phía trước.
Học cách điều phục tâm qua việc tu tập Phật Pháp để được an vui
Mục đích của việc đến chùa không phải chỉ là để cầu khấn, cầu xin như đa số mọi người vẫn nghĩ. Điều đó không đúng với giáo lý đạo Phật. Cô Yến chia sẻ rằng, mục đích đúng nghĩa của việc đi chùa là học giáo lý của Phật và lấy đó làm tư lương để mình phát triển: “Ví như các bạn đi học ở trường để tiếp nhận kiến thức làm tư lương trong cuộc đời, thì khi đi chùa, các bạn phải học giáo lý của Phật, lấy giáo lý của Phật làm tư lương để mình phát triển. Chùa cũng giống như là trường học, chúng ta đến đây học Phật bởi vì Đức Phật là bậc đại trí tuệ. Ngài cho chúng ta biết về tâm của chúng ta, cho chúng ta biết được cách điều phục tâm mình khiến mình hạnh phúc. Thêm vào đó, chúng ta có thể biết được tâm lý của người khác và chúng ta có thể làm người khác an vui”.
#2 Biết làm việc thiện để dựng xây đất nước
Đạo Phật xuất hiện ở Việt Nam từ rất sớm; một trong những giai đoạn thịnh hưng nhất của Phật giáo là thời kỳ triều đại Lý, Trần. Nhiều vị vua khi còn rất trẻ đã biết học hỏi giáo lý nhà Phật để xây dựng và bảo vệ đất nước rất thành công như vua Lý Thái Tổ, vua Trần Thái Tông, vua Trần Nhân Tông,… Cho nên có thể nói, nếu mỗi người biết đến chùa và học Phật Pháp ngay từ khi còn trẻ, sẽ làm lợi ích cho chính mình và đem lại niềm hạnh phúc cho đất nước, xã hội. Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Trước hết, lợi ích của việc đi chùa là tự thân mình sẽ có lợi ích, tức là mình có thể tự vượt qua sóng gió cuộc đời bằng lý nhân quả. Còn đối với xã hội, nếu một người biết được nhân quả thì sẽ làm thiện, tránh làm các điều ác và sẽ làm chủ được chính mình, không tiêu cực, không buồn khổ, không thụ động và ai cũng có ý thức làm điều thiện, tránh điều ác thì chúng ta sẽ đưa đất nước này đi lên rất nhanh bằng chính nội lực của chúng ta”. Từ lời chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến, chúng ta thấy rằng, mỗi người biết làm thiện, tránh điều ác, trở thành người lương thiện thì xã hội sẽ rất tốt đẹp. Đó có lẽ cũng là mong mỏi chung của những người lãnh đạo đang chèo lái con thuyền đất nước đi đến bến bờ văn minh, giàu mạnh để sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Tuổi trẻ biết đến Phật Pháp là phước lành của đất nước
Ngày nay, chúng ta có thể chứng kiến hình ảnh nhiều bạn trẻ đến chùa để rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống bên cạnh tham gia các hoạt động Phật Pháp như: sám hối, tụng kinh, lễ Phật, ngồi thiền, công quả, sớt bát cúng dường chư Tăng,… Tại chùa Ba Vàng, mỗi tháng có hàng nghìn các bạn trong CLB Tuổi Trẻ Ba Vàng trở về chùa tham gia khóa tu học một ngày: “Tuổi trẻ khám phá vườn tâm”.
Đặc biệt, Khóa tu mùa hè của chùa cũng nhận được sự quan tâm và đón đợi của rất nhiều bạn trẻ. Trong 7 ngày tham gia khóa học hè, ngoài việc rèn luyện thể chất, các bạn còn được trau dồi thêm kỹ năng, kinh nghiệm qua các hoạt động như: giao lưu với người nổi tiếng và các diễn giả trên nhiều lĩnh vực, khám phá tài năng trong chương trình Ba Vàng’s got talent,… Đặc biệt, bài học về việc thực hành tâm hiếu hạnh của con đối với hai đấng sinh thành là điều không thể thiếu trong hành trình trưởng thành của các bạn khóa sinh.
Qua đó chúng ta thấy rằng, thế hệ trẻ đến chùa là điều đáng mừng. Bởi nếu các bạn trẻ biết tu học Phật Pháp, làm các việc thiện lành; các bạn sẽ dần hoàn thiện mình theo giá trị Chân - Thiện - Mỹ và góp phần xây dựng một đất nước tốt đẹp, thịnh cường.
Từ những lời chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến, chúng ta thấy Phật Pháp đóng vai trò không hề nhỏ trong sự phát triển của đất nước. Mong rằng, trong tương lai, thế hệ trẻ Việt Nam sẽ là những người đầy nhiệt huyết, là lực lượng tiên phong, tích cực, sáng tạo góp phần vào sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước dựa trên nền tảng Phật Pháp.
Các bài nên xem:
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.