Nghiệp và tu chuyển nghiệp

Mục lục [Hiển thị]

I. Trạch lý thuyết

1. Nghiệp

a. Nguyên lý tác thành nghiệp

Các hành vi trên thân, khẩu, ý - 3 nơi thân khẩu ý, tạo thành ba nghiệp: nghiệp của thân, nghiệp của khẩu, nghiệp của ý.

Nghiệp thì có nghiệp đang tạo tác và nghiệp báo. Nghiệp đang tạo tác tức là các hành vi trong hiện tại của chúng ta.

Ví dụ:
- Chúng ta đang suy nghĩ, tính toán thì gọi là nghiệp hiện tại của ý.
- Chúng ta đang nói thì gọi là nghiệp hiện tại đang tạo tác của khẩu.
- Chúng ta đang làm thì gọi là nghiệp hiện tại của thân, do thân đang tạo tác.

b. 2 loại nghiệp

Nghiệp thiện: Là hành vi đang tạo tác của thân, khẩu, ý, phù hợp với việc thiện, bao gồm thập thiện và chánh kiến. Có chánh kiến, hành thập thiện thì được gọi là đang tạo tác nghiệp thiện.
- Thập thiện (thân 3, khẩu 4, ý 3): 10 điều thiện
+ Thân không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm.
+ Khẩu không nói dối, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời thêu dệt, không nói lời ác khẩu.
+ Ý không tham, không sân, không si.

Lưu ý: Không si nghĩa là trong ý nghĩ, lời nói hay việc làm không có tà kiến. Ý nghĩ không có tà kiến thì lời nói và việc làm không có tà kiến, không si mê.

Nghiệp ác: Là hành vi tạo tác 10 việc liên quan đến phạm trù đạo đức bất thiện cộng với tà kiến. Tức là thực hành các việc sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói điều thêu dệt, nói lời ác khẩu, tham, sân, tà kiến.

Chúng ta đang tạo nghiệp thiện hay bất thiện là căn cứ trên thập thiện và chính/tà kiến là như vậy.

Nghiệp thiện tác thành quả báo: phát triển các sự mang đến hạnh phúc

Nghiệp ác tác thành quả báo: suy giảm các sự mang đến hạnh phúc và tăng trưởng các sự mang đến đau khổ.

2. Thời kỳ phát tác quả báo

Đã có nghiệp rồi thì phải tạo thành quả báo. Nghiệp là thứ chúng ta đang tạo tác trong hiện tại, quả báo của nghiệp đó là nhân, rồi sẽ sinh ra quả trong các thời kỳ tiếp theo.

Thời kỳ phát tác quả báo gồm:

a. Hiện báo

- Hiện báo: Tạo tác nghiệp trong đời này và phải chịu quả báo ngay trong đời này.

+ Có những việc báo ứng trong thời gian rất gần, có những việc một thời gian lâu sau mới bị báo ứng, hay có những người đến cuối đời mới bị quả báo, nhưng vẫn gọi chung là hiện báo.

+ Ví dụ 1: Chúng ta đi ăn cắp mà bị bắt ngay thì đó gọi là hiện báo và có quả báo trong thời gian rất ngắn.

+ Ví dụ 2: Có người sát sinh rất nhiều nhưng đến cuối đời mới bị bệnh tật; hoặc có người trộm cắp, buôn bán bất thiện nhưng đến cuối đời mới bị thất thoát hết tài sản thì vẫn được gọi là hiện báo.

b. Sinh báo

- Sinh báo: Tạo tác nghiệp trong đời này nhưng đời sống kế tiếp mới chịu quả báo.

c. Hậu báo

- Hậu báo: Tạo tác nghiệp ác trong đời này nhưng nhiều đời về sau mới chịu quả báo.

3. Các dạng của quả báo

a. Quả báo có định nghiệp đau khổ

- Quả báo có định nghiệp đau khổ: Những quả báo là định nghiệp sinh ra chúng ta đã có (bẩm sinh); là những thứ khiến chúng ta sống không hòa nhập được với nơi mình sinh ra, không được hưởng hạnh phúc khi sinh ra trong giống loài của mình, định nghiệp cho chúng ta cả đời như vậy. Dù có phấn đấu đến đâu đi chăng nữa, vẫn có thời gian phải chịu đau khổ.

+ Ví dụ 1: Chúng ta vừa sinh ra, đã là những người bị bệnh bẩm sinh, hoặc não không được tốt. Hoặc chúng ta thấp quá, cao quá, đen quá,...

+ Ví dụ 2: Trong kiếp sống làm súc vật hay làm con người, hoặc bất cứ kiếp sống nào, chúng ta không thể tự phục vụ được mà phải sống lệ thuộc. Chúng ta không được hưởng hạnh phúc của chúng sinh trong loài đó.

b. Quả báo tuy định nghiệp về thân, nhưng không đau khổ

Ví dụ: Các bậc tu hành giải thoát như Ngài Mục Kiền Liên, Ngài có định nghiệp về cái chết. Đó là khi chết, phải bị lũ quỷ xô đá vào cho tan thân ra. Nhưng lúc đó, Ngài theo nguyện để cho lũ quỷ được hoan hỷ, kết duyên với các Pháp sau này.

Ngài đã chứng đắc rồi, dẫu quỷ có xô đá, Ngài cũng có thể dùng thần thông để thu thân về được. Nhưng Ngài xin nhập diệt bằng cách đó, không thu thân lại nữa. Tuy rằng có định nghiệp về thân như thế nhưng Ngài không khổ, không phiền não.

c. Quả báo khác

- Các quả báo khác, tùy tâm mà quả báo sẽ sinh (tùy tâm mong cầu mà sinh ra quả báo).

- Ví dụ:

+ Khi chúng ta còn bé, chưa biết yêu là gì, thì chúng ta chưa thể phát tác ra những quả báo khổ đau mà do kiếp trước chúng ta đã ngăn cản, ác hại người khác về đường tình duyên.

+ Khi còn bé, chưa có công việc làm ăn, chúng ta chỉ sinh ra theo nghiệp cũ chứ chưa chịu trả nghiệp nặng nề. Ví dụ, chúng ta đã từng ăn cắp, lừa đảo trong quá khứ thì bị sinh ra trong gia đình không được giàu có lắm.

Nhưng khi chúng ta bắt đầu có tham cầu về tài sản, chúng ta mới trả chính diện vào quả báo. Đó là bị lừa dối, tin nhầm người; bị chính anh em ruột, cháu chắt của mình lừa mình; bị lừa đảo mất tiền vì tin những thứ trên mạng internet; đầu tư vào nơi phá sản (có thể là ban đầu chưa lừa đảo, nhưng khi phá sản thì họ không có điều kiện để trả nợ cho mình)... và rất nhiều hình thức khác.

Quả báo này sẽ xuất hiện khi tâm sinh tham cầu. Vậy nên, chúng ta cũng chưa thể khẳng định rằng người tu đã hết nghiệp. Chỉ khi xả hết, không còn tâm sinh mong cầu thì mới hết được nghiệp.

Sống ở thế gian này, tuy là người Phật tử, hằng ngày rất chăm chỉ tu tập nhưng không thể khẳng định được về sau không có nghiệp báo. Vì đến một thời kỳ nào đó, tâm chúng ta lại sinh ra tham cầu, thì lúc bấy giờ mới lại bị nghiệp báo.

Nhưng do có tu, có tích lũy phước báo từ trước rồi nên lúc đó, nghiệp đó nhẹ đi hoặc được chuyển hóa hết. Chúng ta dễ dàng tinh tấn để chuyển hóa được nghiệp vì chúng ta đã tu tập tinh tấn thuần thục từ trước rồi, cho nên đến lúc nghiệp đến, chúng ta sẽ thuần thục hơn những người mới tu.

4. Biệt nghiệp và cộng nghiệp

a. Biệt nghiệp (nghiệp riêng)

- Biệt nghiệp là trong quá khứ hoặc hiện tại, một mình mình làm và bây giờ hoặc sau này, chỉ một mình mình chịu quả báo.

b. Cộng nghiệp (nghiệp chung)

- Cộng nghiệp là mình cùng với mọi người trong quá khứ đã làm hoặc trong hiện tại đang làm việc gì đó, để bây giờ và cả sau này, mình chịu quả báo là chung nỗi khổ với nhiều người. Quả báo này áp dụng chung cho cả nghiệp thiện lẫn nghiệp ác.

- Ví dụ: Trong 1 gia đình nọ, có một người này làm ăn rất giàu có, mọi việc rất thuận tiện, suôn sẻ, hạnh phúc; còn những người khác trong nhà thì lại rất khổ. Người giàu có này có quyền cho (giúp đỡ) những người khác trong gia đình hay không là quyết định ở họ, không bị ràng buộc.

Trong ví dụ trên:

+ Biệt nghiệp: Người giàu có trong kiếp nào đó, một mình đi làm phước, không liên quan gì những người trong nhà, không cùng đi làm phước với những người trong nhà nên kiếp này chỉ mình họ giàu, còn những người khác thì rất khổ.

+ Cộng nghiệp: Thế nhưng ở trong một kiếp khác, nhiều kiếp khác nào đó, người này đã được sự giúp đỡ của những người kia, cho nên bây giờ sinh ra trong một gia đình thì người này có duyên là phải đi giúp đỡ những người trong gia đình những lúc khó khăn.

Ngoài ra, còn có những cộng nghiệp khác, đó là cùng nhau làm thiện thì bây giờ tất cả cùng được hưởng phước thiện, quả báo thiện, hạnh phúc. Ngược lại, cộng nghiệp bất thiện thì bây giờ tất cả đang chịu đau khổ do quả báo đó.

Còn có những trường hợp, quãng thời gian này thì tất cả cùng khổ nhưng quãng thời gian sau thì tất cả cùng sướng. Bởi những người này nhiều kiếp trước, nhiều nhân duyên họ cùng nhau trong một thời kỳ làm thiện, rồi thời kỳ nào đó lại cùng làm bất thiện. Cho nên, bây giờ tùy duyên mong cầu của tất cả chung nhau, sẽ trổ ra những quả báo tương tự.

Vậy nên chúng ta lý giải được trong cuộc đời, tại sao trong gia đình lại có những lúc thăng, lúc trầm. Tại vì những người trong gia đình này, trong nhiều kiếp sống có những lúc hội tụ với nhau để làm việc thiện, có lúc hội tụ với nhau để làm việc ác.

II. Tu gì để chuyển hóa?

1. Tu là gì?

Tu là tu sửa, tu dưỡng. Tu dưỡng là chúng ta phát triển những điều tốt đẹp lên; ví dụ, chúng ta đang có tâm tính nào đã tốt đẹp thì phát triển nó lên. Còn tu sửa là sửa những gì chưa được thiện, chưa tốt đẹp.

Cơ sở để tu dưỡng và tu sửa: Dựa trên thập thiện và chánh kiến.

- Những gì chưa đủ, chưa phù hợp với thập thiện và chánh kiến thì chúng ta sửa đi để nó phù hợp với thập thiện và chánh kiến.

- Những gì đã phù hợp với thập thiện và chánh kiến thì chúng ta làm cho nó phát triển lên.

Như vậy gọi là tu dưỡng và tu sửa đạo đức.

Để tu dưỡng và tu sửa, phải làm những việc sau:

- Thứ nhất, phải thu thập kiến thức để chúng ta có lòng tin đối với nhân quả.

- Sau khi có lòng tin nhân quả thì phải quy y Tam Bảo.

- Từ quy y Tam Bảo thì phải tăng trưởng việc nghe học Phật Pháp, rồi tụng kinh để thâm nhập chánh kiến.

2. Tu những gì?

a. Thứ nhất, dừng không tạo các nghiệp ác

Dừng tạo nghiệp ác bằng cách hành thập thiện. Để hành thập thiện thì chúng ta giữ 5 giới.

b. Thứ hai, bỏ tà kiến

Muốn bỏ tà kiến thì:

- Chúng ta phải tu để tin nhân quả, sau khi tin nhân quả rồi thì chúng ta sẽ quy y Tam Bảo.

- Đã quy y Tam Bảo thì phải nương tựa Tam Bảo, chỉ học trong Tam Bảo. Không nương tựa vào trời thần, quỷ vật, thầy tà, bạn ác. Bởi người nói ra nhân quả là Đức Phật, là giáo Pháp, chư Tăng truyền lại lời Phật dạy.

- Phải học chánh Pháp của Phật chứ không học các đạo giáo ngoại đạo. Như vậy, chúng ta mới tin được sâu nhân quả, mới giữ gìn được chánh kiến. Chúng ta phát triển chánh kiến bằng cách chăm nghe Pháp và tụng kinh để hiểu, thâm nhập được chánh kiến.

Lưu ý: Hai yếu tố “dừng không tạo các nghiệp ác” và “bỏ tà kiến” rất quan trọng và gắn kết với nhau. Có những người hành được việc thiện như: không sát sinh, không trộm cắp, không nói dối, không tham, không sân; nhưng vẫn tà kiến thì là vẫn còn si.

Ví dụ có người cả đời ăn chay, không sát sinh và cho rằng như vậy mới có thể hết tham, mới đắc giải thoát. Tuy nhiên không phải. Như vậy là còn chấp vào một phía, không phù hợp với giải thoát, kiến vẫn bị lệch lạc (chỉ cần là không sát sinh thôi, không có nghĩa là phải ăn chay).

Người đã xuất gia thì phải tùy thí đắc thọ, ôm bình bát đi khất thực; gặp gì, người ta cho gì thì phải dùng nấy, không dùng chất độc thôi. Thậm chí người kế cận giải thoát, họ sẽ quán sát tùy nhân duyên, nếu duyên chỉ đến đó, kể cả thuốc độc họ vẫn dùng, không tham thân nữa. Tu như vậy mới giải thoát.

c. Thứ ba, tu để chuyển hóa cũ

Người tại gia thực hành các việc sau để chuyển hóa cũ:

- Tu Bát quan trai giữ 8 giới mỗi tháng ít nhất 1 ngày: Để giúp chúng ta giảm tham. Giữ 5 giới (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không say sưa nghiện ngập) mới là phần ngoài; còn giữ 8 giới giúp chúng ta giảm tham sâu hơn, gần người xuất gia hơn, không đắm nhiễm thế gian.

Kiếp trước có thể do mình tham đắm nên tạo tội, giờ giữ 8 giới cũng là để sám hối các tội lỗi cũ với chúng sinh.

- Sám hối các tội lỗi cũ với chúng sinh: Bằng cách tụng kinh, sám hối, cúng dường, hồi hướng, cầu siêu hóa giải oán kết, bố thí bằng nội thí, tài thí, bố thí vô uý (chuyển tải Phật Pháp bằng nhiều duyên phận sự,...).

Vì chúng ta có nợ với chúng sinh, chúng ta phải trả nợ theo lời Đức Phật dạy vì họ theo đòi chúng ta.

Ví dụ: Chúng ta từng chơi bời nên vay nợ rất nhiều. Hiện tại, chúng ta không chơi nữa, chịu khó làm ăn; như vậy là dừng nghiệp. Nhưng vẫn phải trả nợ cũ vì người ta đòi; như vậy là chuyển hóa

3. Đối tượng cần tu để chuyển hóa

a. Chuyển biệt nghiệp: Người bị nghiệp phải tu.

b. Chuyển cộng nghiệp: Tất cả những người liên quan cùng tu

4. Phân tích nghiệp và sự tu tập tích lũy phước báu trong hiện tại

a. Thứ nhất, nghiệp tích luỹ cũ nhiều hay ít, nặng hay nhẹ

- Nghiệp nặng: Nghiệp mỗi ngày tăng lên thì chúng ta biết rằng nghiệp cũ tích lũy rất nhiều và rất nặng. Đó là đang trả nghiệp nhưng mà trả dần nghiệp nặng lên.

Ví dụ: Đang đầu tư nhưng càng đầu tư càng mất. Hoặc đi khám không ra bệnh, đang có bệnh này lại xọ sang bệnh kia.

- Nghiệp vừa nặng vừa nhẹ: Người đang trả nghiệp nhưng nghiệp không nặng lên mà lúc nặng, lúc nhẹ.

Ví dụ: Trong làm ăn, lúc làm được lúc lại không.

- Nghiệp nhẹ: Có đang trả nghiệp nhưng mỗi lần lại nhẹ dần đi.

Ví dụ: Có thất thoát tài sản nhưng mỗi lần lại ít đi. Hay đang bệnh nặng nhưng cứ chữa bệnh nặng lại ra bệnh nhẹ hơn; chữa xong bệnh nhẹ lại ra bệnh nhẹ hơn nữa,...

Chúng ta phải phân tích được những nghiệp hiện tại của chúng ta là nghiệp đang tích lũy nhiều hay ít trong hiện tại.

b. Thứ hai, đối tượng tu

Phải phân tích được đối tượng tu có đầy đủ hay không, nghiệp này là biệt nghiệp hay cộng nghiệp.

Ví dụ: Trong gia đình có đứa con đi chơi phá tán tài sản, bố mẹ, anh chị phải trả nợ. Thì những người này là cộng nghiệp chung với đứa con này. Trường hợp này, đối tượng tu là đứa con và tất cả gia đình.

Nếu ít người tu chứ không được đầy đủ như vậy thì nhân duyên chuyển hóa sẽ lâu dài hơn.

Lưu ý: Khi tu cho người khác, có thể có trường hợp người bị nghiệp đó có lời thề nguyền: tình duyên, phá sản,... Ví dụ: Mẹ tu cho con mà con có lời thề nguyền riêng hay lời thề nguyền với cha mẹ thì cần con phải giải.

c. Thứ ba, công đức tu dừng nghiệp

Khi tu tập, chúng ta phải xem công đức chúng ta tạo ra để dừng nghiệp (bỏ tà kiến, giữa 5 giới, hành thập thiện) có được đầy đủ không.

d. Thứ tư, công đức tu chuyển hóa

Chúng ta cũng phải xem công đức tu để chuyển hóa là hành 8 giới, bố thí, cúng dường,... có đầy đủ không.

Có những người thắc mắc tại sao tu nhiều lần Bài 8 mà chưa chuyển. Đó mới là công đức tu, tụng kinh, sám hối và có thể tùy duyên cúng dường thôi. Nhưng nếu không giữ 5 giới, chưa tin nhân quả sâu, chưa có chánh kiến, còn đi xem bói tà kiến,... thì tạo ra công đức tu nhỏ. Như vậy, không thể nhanh chuyển hóa được. Nếu nhân duyên mà bị cản tu nữa, đặc biệt là cả nhà cản thì rất lâu chuyển (vì mình tu nhưng cả nhà tạo nghiệp).

e. Thời gian tu

Cần xem xét, trước khi xảy ra nghiệp đã tu hay xảy ra nghiệp rồi mới tu.

- Nếu trước kia đã từng tu thì đã có sự tích lũy công đức. Hiện tại tiếp tục tu thì công đức tích lũy sẽ nhanh hơn.

Ví dụ: Chúng ta lấy công đức lục hòa để hồi hướng. Nếu lúc trước chúng ta đã thực hành lục hòa thuần thục rồi, đến giờ sẽ sinh ra công đức rất nhanh.

- Nếu trước kia chưa tu, chưa tích lũy công đức, mà đến giờ phải giục từng chút vẫn chưa tu được, lại còn vừa tu vừa phạm sai lầm và không chịu sám hối thì là tạo nghiệp.

Chúng ta phải phân tích được tất cả các nhân duyên tu trong hiện tại như trên để phân tích xem nghiệp đang trên đà thế nào, tu nhanh chuyển hay lâu chuyển,... Nhận biết như vậy để không bị phiền não khi tu lâu chưa chuyển, sinh ra tâm tinh tấn tu tập cho phù hợp.

5. Có tu là có chuyển

a. Thấy chuyển nhiều

Phụ thuộc vào nội dung Phần II.4:

- Do cả gia đình cùng tu

- Tu đầy đủ các công đức (dừng nghiệp, chuyển hóa)

- Nghiệp nhẹ, thời gian tu tích lũy được nhiều công đức,...

b. Thấy chuyển ít

Do nghiệp quá khứ tích lũy thì nhiều mà duyên tu hiện tại thì không có được bao nhiêu.

c. Trước thấy chuyển, sau lại thấy bị lại

- Nếu biệt nghiệp - tu chuyển hóa cho mình: Tu chưa đủ phước báo để không bị tái phát, tức mới tu đủ công đức để chuyển phần đó thôi.

Ví dụ: Bị u ở tử cung, tu tập đã chuyển hóa. Sau đó lại phát sinh u ở vị trí khác. Như vậy là do mới tu đủ công đức chuyển hóa cái u ban đầu, chưa đủ công đức để không bị tái phát.

Cho nên thường thường các Phật tử đã tu là phải tu tinh tấn kiên trì và không lười mỏi. Ngày nào chúng ta cũng tu, ngày nào chúng ta cũng hồi hướng thì mới có thể duy trì phước báu cho chúng ta được và có thể đủ phước tiêu trừ các nghiệp sắp xảy đến.

Người tu là phải nằm trong chánh niệm. Nếu mất chánh niệm, tức là chúng ta không tu liên tục, không duy trì được phước báu liên tục mà lại tạo tác tội lỗi thì nghiệp sẽ đến.

- Nếu cộng nghiệp - tu chuyển hóa cho mình: Do những người cộng nghiệp hiện tại với mình tạo nghiệp, mà không tu hồi hướng cho họ.

Ví dụ: Mẹ thất thoát tài sản đã tu chuyển hoá, nhưng không hồi hướng thường xuyên, nên cộng nghiệp thất thoát tài sản với con, nên khi con thất thoát tài sản, mẹ và gia đình liên lụy theo. Hoặc tu nghiệp thất thoát tài sản cho con, chuyển lần này rồi, nhưng con không tu, nên lần sau con lại thất thoát tài sản liên lụy tới mẹ.

Vì vậy phải tu liên tục cộng nghiệp.

- Tu chuyển cho người khác nhưng sau đó tái phát là do: Thời gian đó họ lại tạo nghiệp; bản thân tu lười đi hoặc khi bị nghiệp thì phát nguyện sẽ tinh tấn trọn đời hoặc thời gian nào đó để hồi hướng, sau khi chuyển hóa lại giải đãi.

Ví dụ: Tu để chuyển hóa chồng ngoại tình nhưng chồng vẫn còn duyên nghiệp đó, mà chúng ta chưa tu cho chồng vào chánh Pháp, chồng vẫn tham sắc. Như vậy là chỉ tu chuyển được một thời gian, chưa hết được nghiệp tà dâm của chồng thì lúc khác sẽ lại tái phát.

d. Thấy không chuyển

Đang tu chưa thấy chuyển, mà thấy tăng thêm thì thực ra là có chuyển. Do nghiệp đang trên đà phát triển, cho nên chúng ta tu chỉ giảm được phần phát triển đó thôi.

Ví dụ: Nếu không tu, đáng lẽ định nghiệp của chúng ta là bị lừa mất 1 tỷ. Nhưng có tu thì chỉ bị lừa 200 triệu.

Chúng ta đang ở dạng bị quả báo tăng dần của các hành vi kiếp trước, là hành vi từ thấp đến cao, từ ác ít đến ác nhiều; cho nên đến bây giờ chúng ta đang vào thời kỳ trả quả như vậy.

Cho nên chúng ta phải nhất quyết kiên trì và tăng trưởng tu tập lên để giảm dần ở một thời điểm nào đó. Sau khi công đức phước báu được tích lũy nhiều, cân bằng với nghiệp đó, thì bắt đầu nghiệp mới có thể giảm đi.

III. Mong cầu chuyển hóa phải phù hợp

1. Trường hợp thông thường chuyển hoá ngay kiếp này

Dấu hiệu để nhận thấy sự chuyển hóa ngay kiếp này thì chúng ta phải thấy được các nhân duyên có thể chuyển hoá.

Ví dụ: Chúng ta mắc bệnh này, người khác cũng mắc bệnh này và người ta đã khỏi, chúng ta chỉ là chưa gặp thầy, gặp thuốc. Hoặc chúng ta làm công việc này chưa phát triển, nhưng người khác vẫn đang phát triển.

Tức là, đó là những nghiệp có nhân duyên chuyển hóa. Đó là những nghiệp thông thường, chúng ta mong cầu tu tập được chuyển hóa là rất phù hợp.

2. Trường hợp hy hữu chuyển hoá ngay kiếp này

Nghiệp mà chúng ta tưởng chừng không thể chuyển hóa được trong kiếp này mà có thể chuyển hóa được.

Ví dụ: Thai nhi bị dị tật và có những người đã tu tập để chuyển hóa dị tật trong thai được. Hoặc muốn cầu con trai được con trai, muốn cầu con gái được con gái hình tướng tốt đẹp. Hoặc người bị tai nạn hay mắc bệnh đáng ra phải tử vong nhưng tu tập chuyển hóa nên không tử vong.

Đó là những trường hợp hy hữu được chuyển hóa trong kiếp này.

3. Trường hợp định nghiệp, chuyển hoá theo tuỳ nhân duyên

Với trường hợp định nghiệp, chúng ta không thể chuyển hóa chính sự việc đó mà phải tu tập để phát sinh nhân duyên khác, chuyển hóa việc này cho phù hợp. Nếu mong cầu không phù hợp thì không thể chuyển hóa nghiệp của mình được.

Ví dụ: Chúng ta bị thất thoát tài sản do cho người khác vay tiền. Nhưng người vay đã bị bỏ tù, hết tài sản, không có khả năng trả tiền nữa thì chúng ta không thể cứ đòi tu để lấy lại tài sản được. Hoặc chúng ta mua đất cát của một công ty nọ, nhưng bây giờ Tổng giám đốc đã bị bắt đi tù, dẫu có kiện lên Trung ương đi nữa cũng không còn tài sản để trả lại cho mình.

Thay vào đó, chúng ta phải tu nghiệp thất thoát tài sản để phát sinh nhân duyên có các công việc mới, phù hợp để chúng ta có thể trả được món nợ mà chúng ta đã từng vay để đầu tư vào chỗ kia.

4. Trường hợp tiêu trừ ác nghiệp và hưởng hạnh phúc trong kiếp sau

Có những trường hợp, phải tu tập để chuyển hóa nghiệp lực, tiêu trừ ác nghiệp để hưởng hạnh phúc trong kiếp sau. Chúng ta tu tập mong cầu nếu còn thân mạng thì xin cho các phương pháp chữa bệnh và tiêu trừ nghiệp chướng để khi bỏ báo thân được nhẹ nhàng, bớt khổ đau. Nếu không còn thọ mạng, xin phát sinh nhân duyên sớm bỏ được báo thân, sinh về cảnh giới an lành và được sống hạnh phúc tu tập Phật Pháp, hiện tại được giảm các hành vi đau khổ.

Ví dụ: Những người đang bị quả báo rất khổ và khả năng kéo dài (bệnh khổ đã huỷ hoại tứ đại, bệnh down, trầm kha về não,...); người tuổi cao, bệnh nặng, ốm nằm lâu ngày,... mà không có cơ hội để sửa chữa nữa; người mắc trọng tội phải tử hình,...

ĐỀ MỤC THIỀN QUÁN

1. Đã/đang tu để chuyển hóa gì?

2. Duyên tu đã đủ chưa hay thiếu nhân duyên gì

3. Chuyển hóa ra sao?Tư duy nhân duyên khiến chuyển hóa nhanh/chậm hoặc chưa thấy chuyển hóa.

4. Phát sinh tinh tấn để dừng nghiệp và chuyển các nghiệp đang chi phối và tiêu trừ nghiệp từ sớm khiến không xảy ra hoặc nhẹ đi.

Các bài nên xem:

-
aa
+
4,334 lượt xem
10/04/2023

Bình luận (1)

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. H
    H

    Hoà Trần thị

    03/01/2024
    Con xin tri ân công đức trên Sư Phụ ạ