Trong video “Giải đáp thắc mắc - Phần 10 - Quán thân | Niệm thân - Thiền Tứ Niệm Xứ | Bài số 31”, Cô Phạm Thị Yến sẽ giải đáp các thắc mắc liên quan đến thiền Tứ Niệm Xứ để quý Phật tử hiểu rõ hơn về phương pháp tu tập này.
Câu hỏi 1:
+ Trước khi vào buổi học thiền thì phát hiện khởi tâm niệm bất thiện và muốn thanh lý niệm đó. Việc này khiến bị phân tâm trong buổi học, vì day dứt khi chưa thanh lý được. Vậy nên xử lý thế nào?
+ Ngồi thiền và phát sinh ra thắc mắc muốn được giải đáp ngay thì có được lấy giấy bút ra để ghi lại cho đỡ quên được không?
→ Trả lời:
Ý 1:
- Khi tâm bất thiện khởi lên thì phải thanh lý ngay. Nếu chưa thanh lý được thì bỏ qua để tiếp tục vào buổi học. Nếu việc đó không liên hệ đến hiện tại thì phải bỏ qua để tiếp thu các kiến thức hiện tại. Bởi tâm bất thiện sinh ra liên tục.
- Khi ngồi thiền, ý niệm muốn thanh lý tâm bất thiện cũng thuộc về vọng tưởng; phải bỏ nó đi, quay trở lại với các đề mục chánh niệm trong hiện tại - đó gọi là tỉnh giác.
Ý 2:
- Trong lúc ngồi thiền, nếu có thắc mắc thì cũng phải bỏ qua và quay về đề mục chánh niệm. Chúng ta theo dõi, tất cả những gì khởi lên đều bỏ qua hết.
- Có những người ngồi thiền hay thiền hành mà tự khởi sinh những suy nghĩ về công việc cần giải quyết ngay thì có thể tạm thời theo vọng đó, tư duy giải quyết xong rồi thì buông. Sau đó, nếu vọng về thì phải buông để tỉnh giác trong đề mục đang tu.
----------
Câu hỏi 2: 2 người phát nguyện sẽ là đạo hữu cùng nhau tu tập Phật Pháp. Nếu không đủ duyên đi xuất gia thì sẽ ở tại gia. Nếu một người đủ duyên đi xuất gia thì người còn lại sẽ hồi hướng để người kia được kéo dài trên con đường đó. Việc này có sai Pháp không?
→ Trả lời:
- Đây là kết ái tình thân, ngược với con đường giải thoát. Giờ chỉ có phát nguyện duy nhất là cầu Vô thượng Bồ đề, không kết bạn tâm giao như vậy.
----------
Câu hỏi 3: Khi thực hành thiền tập trên tay thì chỉ cảm nhận được chuyển động từ bả vai xuống đầu gối của tay, còn từ đầu gối tay đến bàn tay thì không rõ ràng. Vậy đó là do chưa đủ tập trung, chánh niệm? Cách khắc phục thế nào?
→ Trả lời:
- Tập trung ở bàn tay đưa qua lại, chứ không phải cảm nhận cảm giác ở cánh tay. Đề bài đưa ra là phải thấy bàn tay đưa ra, vì từ khủy tay xuống thì sự chuyển động nhiều nhất ở bàn tay. Cho nên, phải thấy sự di chuyển của bàn tay, không phải cảm giác trên khủy tay.
----------
Câu hỏi 4: Trong pháp hành để tăng trưởng tri kiến phải tăng cường nghe Pháp. Vậy nghe Pháp theo lộ trình thế nào?
→ Trả lời:
- Nghe Pháp lần lượt. Nghe hết 3 quyển trong nghi thức tu tập sám hối chuyển hóa (bài tu số 8): Thượng, trung, hạ, để xác nhận tin có lục đạo luân hồi và có nghiệp. Bài tu số 8 là tu để chuyển nghiệp, giúp chúng ta xác quyết rằng có nghiệp trong tâm. Rõ ràng biết được nghiệp thì mới thành tựu về tín.
- Sau đó, nghe Pháp và tập thiền của chương trình số 1 tu an cư kiết hạ, tu hết chương trình số 2 của an cư kiết hạ, xong sau đó nhận đăng ký vào lớp tu thiền.
- Sau khi đã nghe hết thì sẽ nghe lại bộ kinh Sư Phụ giảng - kinh Mi Tiên vấn đáp. Đây là bộ kinh quan trọng, giúp giải nghi để có tri kiến.
----------
Câu hỏi 5: Khi nghe giảng về tỉnh giác thì thỉnh thoảng tác ý: ngứa thì tác ý lấy tay gãi ngứa, khát nước thì tác ý lấy tay cầm nước uống. Không biết đây có phải tự ý, không vâng lời mà làm hay không? Bên cạnh đó, có cần tập sự tỉnh giác trên thân không (ví như đi đại tiện, tiểu tiện thì chú tâm để biết mình đang làm gì)?
→ Trả lời:
- Hiện tại, thực tập biết mình đang làm gì trên tay và trên chân là được.
----------
Câu hỏi 6: Mặc dù hiện tại chưa thực sự nghĩ là mình đang khổ, nhưng đọc kinh hoặc nghe câu chuyện khổ đau xung quanh thì sợ hãi nếu không tỉnh thức, thực sự tư duy về khổ để đoạn trừ tham ưu ở đời.
→ Trả lời:
- Phải quán về khổ của luân hồi. Sinh ra trong đời này là khổ, làm bất cứ việc gì cũng khổ, dù nhiều tiền đến mấy thì mang thân này cũng là khổ. Vì sinh ra thân này nên phải chịu rất nhiều sự ràng buộc.
Phải tu tập theo các đề mục quán thì mới ngấm được sự khổ này (ngấm dần theo tư duy mỗi người).
- Có nhiều người chỉ quán khổ hoặc quán vô thường mà đắc giải thoát. Vì vậy, phải tập quán sâu. Có những việc do thực hành mà thành tựu, cũng có những việc do quán mà thành tựu.
- Quán khổ khiến tâm phát sinh Pháp viễn ly (ly dục). Quán khổ vô cùng quan trọng, khi ấy tâm mới hướng ly dục, ly ác bất thiện Pháp. Thấy cuộc đời là khổ nên không tham cầu những thứ ở đời, không tranh chấp với đời. Nếu không quán để nhàm chán thế gian thì không thể tu tập con đường giải thoát.
----------
Câu hỏi 7: Khi thiền mà bị thùy miên thì có tính là ngủ gật không?
→ Trả lời:
- Đã ngủ thì coi là ngủ gật. Tuy nhiên, nếu ngủ từ đầu buổi đến cuối buổi thì không được. Muốn ngồi thiền ít bị thùy miên thì không nên ăn tham quá.
----------
Câu hỏi 8: Ngồi thiền bị mỏi thắt lưng hoặc căng dây thần kinh, mong muốn được biết bài tập để giảm đau mỏi cột sống thắt lưng và dây thần kinh khỏe khi ngồi thiền lâu?
→ Trả lời:
- Ngồi một lúc rồi thả lỏng cơ thể, không được để người bị gồng. Nếu tự nhiên tay, chân,... cứng thì lại ngồi thả lỏng.
- Các dây thần kinh thì đã có bài tập hướng dẫn thì sẽ thực hiện theo bài đó.
- Tùy theo sức khỏe mà tìm hiểu thêm các bài thể dục.
----------
Câu hỏi 9: Đi thiền hành bị buồn ngủ, mỏi vai, tức ngực khó thở,... Trong lúc đi hành thiền thì mất tỉnh giác, lo bị mệt, sau đó lại dần khỏe lại. Hiện tượng này là thế nào?
→ Trả lời:
- Do chú tâm nên cơ thể bị gồng.
- Khi thấy cơ thể gồng thì nên đứng lại, thả lỏng rồi mới đi tiếp.
- Nếu mỏi tay thì có thể đưa hai tay chắp vào nhau rồi nâng lên cho đỡ bị dốc tay xuống lâu.
- Tuyệt đối không được để ý hơi thở, nếu không sẽ bị tức ngực. Nếu vô tình để ý hơi thở thì phải đứng lại, chú tâm vào chân, thả hết hơi thở ra.
----------
Câu hỏi 10: Thiền theo đề mục quán thì chỉ được thời gian ngắn, còn đếm hơi thở thì cảm giác hơi thở nhẹ. Không đếm được hơi thở thì giữ tâm an định có được không?
→ Trả lời:
- Không đúng. Buổi học thiền đang thực hành thân hành niệm ngoại. Quen đếm hơi thở thì đỡ mệt, đỡ phải tư duy, đỡ phải tỉnh giác trong các đề mục. Cho nên, nếu cứ tiếp tục thì tư duy bị trì trệ.
----------
Câu hỏi 11: Làm sao để duy trì nhiệt tâm tinh tấn khi tu tập phận sự trong lúc mệt mỏi? Chưa tư duy sâu khi quán khổ để tinh tấn, chưa thực sự sợ hãi khổ nên muốn biết cách để quán khổ?
→ Trả lời:
- Chưa quán được khổ thì cũng không quá ảnh hưởng, có thể quán đến nhiệt tâm tinh tấn, mục đích là để thành tựu được nhiệt tâm. Khi tu tập, ai cũng mong muốn thành tựu nhiệt tâm. Trong mỗi phận sự, nên làm sao để có sự nhiệt tâm, thành tựu được nhiệt tâm.
- Nếu người tu không có nhiệt tâm thì dễ bỏ dở, bị tham dục cuốn đi, quên mất mục đích tu tập, quên lý tưởng giải thoát,...
- Nếu thành tựu nhiệt tâm, đặt tâm đúng hướng giải thoát thì sẽ không bao giờ bị trở ngại trên con đường tu tập. Vậy nên, nhiệt tâm vô cùng quan trọng, làm việc gì cũng phải nhớ đến thành quả, phải được viên mãn.
- Đối với việc quán khổ thì cứ chăm chỉ thiền quán. Trong quá trình tu tập, không nên nhìn người xung quanh, so sánh với người khác. Chúng ta phải tiến bộ so với chính mình, giải thoát là giải thoát khỏi chính tâm của mình.
----------
Câu hỏi 12: Nếu được khen thì vui, chê thì thấy buồn. Ban đầu, có người nói giống Cô Phạm Thị Yến thì khởi tâm thích, nhưng sau đó thấy lo lắng. Nếu khởi tâm thích thì có mắc vào nghiệp trộm danh không?
→ Trả lời:
- Việc không vui khi được khen, không buồn khi chê thì là đích để hướng tới, chứ không phải ngay bây giờ phải đạt được.
- Mỗi lần như vậy, phải thanh lý nội tâm của mình.
- Để đạt đến mức khen mà không vui, chê mà không buồn thì phải tu một thời gian lâu.
----------
Câu hỏi 13: Cách tỉnh giác khi gõ bàn phím máy tính?
→ Trả lời:
- Lúc gõ bàn phím thì tỉnh giác vào nội dung. Còn nếu tỉnh giác vào bàn phím mà quên nội dung thì hỏng việc.
- Nếu công việc chỉ đơn thuần là tay chân mà không cần tư duy thì có thể chú tâm vào tay chân (thân hành).
----------
Câu hỏi 14: Khi ngồi thiền kiết già thì thấy chân bị tức và đau ở cổ chân. Tư duy và tự nhắc mình cố gắng, cảm giác đau không phải mình, không quan tâm đến cơn đau và tiếp tục quán. Tư duy như vậy có được không?
→ Trả lời:
- Việc quán về cái đau chưa phải mình thì có cách quán khác chứ không phải quán thô như vậy.
- Đau thì phải biết là đau - đó là tỉnh giác. Khi ấy, thả lỏng người và nếu không chịu được thì sẽ buông chân, ngồi bán già.
----------
Câu hỏi 15: Trước khi quán khởi lên mong muốn các hương linh có hữu duyên với bản thân được nương tựa Tam Bảo, Sư Phụ, chư Tăng và Cô Chủ nhiệm. Như vậy đúng hay sai?
→ Trả lời:
- Đề mục quán là mình có nương tựa hay không, chứ không phải câu hỏi là hương linh có nương tựa không. Vì vậy, cần phải đọc kỹ đề mục quán.
----------
Câu hỏi 16: Khi quán những hình ảnh của Sư Phụ giảng Pháp và chăm chú nghe thì có một luồng xông lên đỉnh đầu, cảm thấy rất rõ và khó quên. Liệu đây có phải hương linh tác động?
→ Trả lời:
- Khi tu tập nếu có cảm giác hay nhìn thấy vật gì thì nên bỏ qua. Khi mà cảm giác làm mình khó chịu thì mới nghĩ đến hương linh.
----------
Câu hỏi 17: Khi biết mình không làm được công việc theo chuyên môn thì khởi lên chán nản, hụt hẫng. Nhưng khi được nghe Cô chỉ dạy thì thay đổi thì có coi là nhiệt tâm trong phận sự không?
→ Trả lời:
- Được coi là nhiệt tâm trong phận sự.
----------
Câu hỏi 18: Khi giúp đỡ người thì cố gắng hết sức. Nhưng khi nhờ người giúp đỡ thì họ lại khó chịu. Khi ấy, khởi lên suy nghĩ là lần sau họ nhờ thì sẽ không nhiệt tâm như trước. Làm sao để bỏ suy nghĩ và có nhiệt tâm trong sự bố thí?
→ Trả lời:
- Bố thí chỉ mong cho tâm có được sự nhiệt tình, mong tâm có sự xả thí thì gọi là người biết Pháp bố thí. Còn nếu bố thí mà chỉ để lần sau họ giúp mình thì đó không gọi là Pháp bố thí, mà là Pháp đối đãi của dục, mong cầu dục.
Mời các bạn tìm hiểu chi tiết trong video trên!
Bình luận (10)
Quản trị trang
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Quản trị trang và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.
lê thị nương
Trương thị Dần
Hue Nguyen
Hin Trịnh Thị
Trần Thị Sanh