Cúng dường Tam Bảo: Được phước về sức khỏe, tài sản, danh vị nhiều đời

Cúng dường là một trong những phương pháp tu tập mà Đức Phật đã dạy trong kinh điển, giúp hàng đệ tử tại gia được tăng trưởng phước báu, hạnh phúc và có sức khỏe, tài sản, địa vị trong đời này và nhiều đời về sau.

Bài viết dưới đây sẽ lý giải cúng dường là gì và cách cúng dường Tam Bảo để được phước báu tối thượng theo lời dạy của Đức Phật.

Cúng dường là gì? Ý nghĩa của việc cúng dường Tam Bảo

“Cúng dường” nghĩa là cung cấp, nuôi dưỡng. “Tam Bảo” là danh từ Hán Việt, “Tam” là ba, “Bảo” là quý báu, Tam Bảo gồm có Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Như vậy, hiểu một cách đơn giản “cúng dường Tam Bảo’’ là cung cấp, nuôi dưỡng ba ngôi quý báu: Phật, Pháp, Tăng - Tam Bảo.

Phật tử dâng vật phẩm cúng dường lên Tam Bảo

Phật tử dâng vật phẩm cúng dường lên Tam Bảo

Cúng dường Phật Bảo - hướng tâm tới sự giác ngộ

Tại sao Đức Phật nhập diệt rồi mà chúng ta vẫn cúng dường Phật Bảo? Chúng ta có thể hiểu, việc cúng dường để tô đắp tượng Phật, để mọi người đến chùa có thể lễ bái. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần ý nghĩa, vẫn chưa phải là cúng dường chân thật vào Phật Bảo. Ý nghĩa thật sự của việc cúng dường Phật Bảo là cung kính sự giác ngộ của các Đức Phật và gieo duyên cho chúng ta quay về tính giác ngộ của mình, làm nó khai mở và tăng trưởng lên.

Chúng ta có thể hiểu Phật Bảo là giác ngộ. Mỗi chúng ta đều có tính giác ngộ nhưng bị vô minh, tham dục che lấp, cho nên, nếu chúng ta làm tăng trưởng tính giác ngộ thì sự vô minh, tham dục sẽ giảm đi. 

Phước báo của những người cúng dường Phật Bảo rất lớn. Như trong kinh Tăng Nhất A Hàm tập 1, Đức Phật dạy: “Có nhân duyên gì mà Như Lai đáng được người đời cúng dường?

Phàm Như Lai là bậc mà người không phục phải phục, người không hàng phải hàng, độ được người khó độ, người chưa giải thoát khiến được giải thoát, người chưa Bát-niết-bàn khiến thành Niết bàn, người không được cứu hộ khiến họ được cứu hộ, cho người mù con mắt, giúp đỡ cho người bệnh. Ngài là bậc Tôn quý đệ nhất, Ma hoặc Thiên ma, Trời và Người đời, ở trong đó là phước điền cao trọng nhất, đáng kính, đáng quý, làm người dẫn đường khiến cho người biết đường chánh, thuyết đạo dạy cho người chưa biết đạo. Do nhân duyên này, người đời nên cúng dường.”

Phật tử CLB Cúc Vàng dâng hoa cúng dường lên tôn tượng Đức Phật nhập Niết Bàn tại Ấn Độ

Phật tử CLB Cúc Vàng dâng hoa cúng dường lên tôn tượng Đức Phật nhập Niết Bàn tại Ấn Độ

Cúng dường Pháp Bảo - Lan tỏa giáo Pháp

Cúng dường, nuôi dưỡng, duy trì Pháp Bảo là việc cúng dường vào chùa để ấn tống kinh sách - những lời dạy của Đức Phật. Hiện nay, kinh sách của Đức Phật không chỉ có trên giấy, mà còn qua video, radio - tức là sử dụng các phương tiện truyền thông. Vậy nên, chúng ta cúng dường vào chùa để sắm sửa các thiết bị truyền thông cũng là cách giúp Pháp của Phật được lan rộng. 

Ngoài ra, chúng ta cúng dường để mọi người đến chùa được nghe lời Phật dạy qua các bài kinh, để giáo lý Phật Pháp được thâm nhập vào tâm của mỗi người, đó cũng là cung cấp, nuôi dưỡng Pháp Bảo.

Vì thế, cung cấp, nuôi dưỡng những lời dạy lành thiện sẽ giúp cho chúng ta phát sinh được nhiều phúc báo, phúc báo đó làm cho thế gian này được hạnh phúc.

Cúng dường Tăng Bảo - Những bậc chân thật thực hành giáo Pháp

Cúng dường Tăng Bảo là cung cấp tứ sự cho các vị Sư để các Thầy có điều kiện, môi trường thực hành lời Phật dạy; từ đó, mang Pháp Phật giảng dạy lại cho chúng ta, sách tấn chúng ta thực hành để đưa đến hạnh phúc, an vui.

Cho nên, cúng dường, nuôi dưỡng các vị Tăng chân thật tu hành mang đến phước báo lớn. 

Như trong kinh Tam Bảo, Đức Phật có dạy:

“Đệ tử đấng Thiện Thệ

Xứng đáng được cúng dường

Bố thí các vị ấy

Được kết quả vô lượng.”

Xem thêm: Tăng là gì? Những quả phúc tốt đẹp khi cung kính Tăng

Phật tử đặt bát cúng dường thực phẩm lên chư Tăng đang thực hành 13 pháp đầu đà

Phật tử đặt bát cúng dường thực phẩm lên chư Tăng đang thực hành 13 pháp đầu đà

Như vậy, Tam Bảo còn ở thế gian khiến cho chúng sinh biết quay trở về tự tính giác ngộ, quay trở về tính thiện và bỏ đi tính ác, làm cho thế gian được hạnh phúc, an vui. Cho nên, công đức của Tam Bảo rất lớn; giúp chúng sinh bớt khổ, hết khổ. 

Lợi ích của sự cúng dường Tam Bảo

Đức Phật đã dạy trong nhiều bài kinh rằng, việc cúng dường Tam Bảo đem lại công đức, phước báu thù thắng. Những phúc báu đó giúp chúng ta có được hạnh phúc, tài sản, danh vọng, địa vị,... trong đời này và nhiều đời sau. Ngoài ra, phước báu từ việc cúng dường cũng có thể hồi hướng đến gia tiên, mang đến sự an lành cho người thân đã khuất.

>> Xem thêm: 6 lợi ích thù thắng nhận được khi cúng dường Tam Bảo

Trong chuyện Lâu Đài Tinh Xá (kinh Tiểu Bộ, phẩm Đỏ Sẫm) có kể về bà Tỳ-xá-khư (Visakha) - nữ đại thí chủ đã cúng dường 900 triệu đồng tiền vàng lên Đức Phật và chúng Tăng. Do uy lực công đức của bà nên sau khi từ trần, bà đã được tái sanh lên cõi trời Hóa Lạc, đạt đến ngôi vị chánh hậu của Su-ni-mi-ta (Sunimmita) Thiên chủ.

Vì công đức cúng dường Phật và chúng Tăng quá lớn nên bà Tỳ-xá-khư được sinh lên cõi Trời (ảnh minh họa)

Vì công đức cúng dường Phật và chúng Tăng quá lớn nên bà Tỳ-xá-khư được sinh lên cõi Trời (ảnh minh họa)

Cúng dường Tam Bảo gồm những gì?

Có nhiều hình thức cúng dường Tam Bảo như có thể cúng dường các đồ ẩm thực, y áo, thuốc men, chỗ ở, hương hoa,... hoặc cũng có thể cúng dường bằng công sức để phục vụ những người về chùa an ổn tu học,...

Thời Đức Phật còn tại thế, Nhân dân, Phật tử thường đến cúng dường Đức Phật và Tăng đoàn. Như chuyện Hố Than Lửa Cây Keo (Chương I, Phẩm Kulavaka 40, Kinh Tiểu Bộ 4) có kể về vị trưởng giả, đại phú với tâm hộ trì Tam Bảo - ông Cấp Cô Độc. Ông đã dùng năm trăm bốn mươi triệu đồng tiền vàng để xây dựng tinh xá cúng dường lên Đức Phật và Tăng chúng. Ngoài ra, mỗi ngày ông đều đến tinh xá ba lần để cúng dường các thực phẩm, hương liệu, vòng hoa, vải may y,... Do công đức cúng dường đúng Pháp đó mà ông được phước báu vô lượng trong nhiều kiếp.

Ông Cấp Cô Độc dát vàng để mua đất, cúng dường Đức Phật tịnh xá Kỳ Viên (ảnh minh họa)

Ông Cấp Cô Độc dát vàng để mua đất, cúng dường Đức Phật tịnh xá Kỳ Viên (ảnh minh họa)

Hay trong kinh Đại Bát Niết Bàn, bài kinh về Thuần Đà cũng khẳng định rằng thợ sắt Thuần Đà được phước báu nhiều đời, do ông cúng dường lên Đức Phật món mộc nhĩ trước khi Ngài nhập Niết Bàn. Trong Chuyện Phạm Hạnh Của Thí Chủ Quyết Ðịnh Phước Báu Cúng Dường (trong Tích truyện Pháp cú), Đức Thế Tôn cũng dạy rằng việc cúng dường nước nóng và một bình mật mía của ông Bà-la-môn Devahita cũng được phước báo rất lớn.

Kinh Hiền Ngu cũng đề cập đến việc các vị Trời rưới hoa, đánh trống Trời và trỗi kỹ nhạc để cúng dường lên Phật: “... Đến ngày thứ tám, vua Đế Thích thỉnh Phật, ngày đó vua Đế Thích bày tòa sư tử trang trí nơi Phật ngự, thuần bằng bảo vật trên thiên cung hương trời, nhạc trời, các món ngon quý dâng Phật, một bầu không khí khác hẳn với trần gian.”

Không những thế, Tích truyện Pháp cú kể về câu chuyện anh em Tiểu Kala và Đại Kala. Tiểu Kala đã chín lần cúng dường thành quả đầu tiên của các mùa vụ lên Đức Phật và có thệ nguyện làm người đầu tiên đạt được quả vị A-la-hán. Vì vậy, Đức Phật đã dành cho Tiểu Kala địa vị theo đúng thệ nguyện. 

Ngoài ra, phần Những Ðại Ðệ Tử trong Tích truyện Pháp cú có kể, Đức Phật thọ nhận bát cháo sữa từ nàng Sujata cúng dường. Bước lên tòa Bồ-đề, Ngài nhận bó cỏ kusa của Sotthiya dâng cúng để ngồi thiền định. Sau 49 ngày đêm, Ngài đã chứng đắc quả vị Chính Đẳng Giác. Đức Phật cũng khen ngợi sự cúng dường bát cháo sữa ấy là một trong những sự cúng dường tối thượng nhất.

Nàng Sujata cúng dường bát cháo sữa lên Đức Phật khi Ngài tu theo con đường trung đạo (ảnh minh họa)

Nàng Sujata cúng dường bát cháo sữa lên Đức Phật khi Ngài tu theo con đường trung đạo (ảnh minh họa)

Đức Phật thọ nhận bó cỏ kusa, kết làm tòa báu, sau 49 ngày đêm thiền định, Ngài đã chứng đắc quả vị giải thoát (ảnh minh họa)

Đức Phật thọ nhận bó cỏ kusa, kết làm tòa báu, sau 49 ngày đêm thiền định, Ngài đã chứng đắc quả vị giải thoát (ảnh minh họa)

Cách hướng tâm khi cúng dường Tam Bảo để được nhiều phước báo nhất

Trong bài kinh Kinh Doanh Thành Công (ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương IV, phẩm Không hý luận, phần Buôn bán), Đức Phật dạy rằng, nếu chúng ta cúng dường các bậc Sa-môn nhiều hơn so với lời đã hứa, thì nhờ vậy, khi kinh doanh, chúng ta sẽ gặp nhiều nhân duyên thuận lợi, giúp được thành tựu ngoài ý muốn. 

Hoặc, nếu chúng ta cúng dường các bậc Sa-môn như đã hứa, khi kinh doanh hay buôn bán gì thì đều thành tựu như ý muốn.

Ngược lại, nếu chúng ta cúng dường Sa-môn ít hơn như đã hứa hoặc không cúng nữa, thì khi kinh doanh, làm ăn, kết quả sẽ không đạt được như mong đợi.

Do vậy, khi cúng dường Tam Bảo, chúng ta không nên có tâm tính toán, mà hãy giữ tâm thanh tịnh. Ví dụ, khi đã hứa cúng dường 10 phần, nhưng sau đó lại muốn dùng tiền để đi chơi hay mua xe mà không cúng nữa; hoặc chúng ta không muốn cúng nữa do tâm thiếu lòng cung kính, xem nhẹ Tam Bảo - đó là biểu hiện của tâm tính toán.

Tuy nhiên, qua bài kinh trên, chúng ta không nên tư duy theo cách: Dù có khả năng cúng dường 10 phần, chúng ta chỉ hứa cúng 5 phần, rồi khi cúng thì mang đủ 10 phần đến. Thay vào đó, chúng ta nên hứa đúng với khả năng thực tế của mình. Nếu sau này có điều kiện tốt hơn và muốn cúng thêm, chúng ta có thể thành tâm bạch Phật để xin được cúng dường thêm.

Cúng dường với tâm tịnh tín, không tính toán sẽ được phước báu vượt trội

Cúng dường với tâm tịnh tín, không tính toán sẽ được phước báu vượt trội

Qua bài viết, mong rằng, quý Nhân dân, Phật tử hiểu được về công đức và phước báu của việc cúng dường Tam Bảo. Từ đó, chúng ta hãy trân quý Pháp cúng dường mà Đức Phật dạy để chính mình cũng như gia đình được nhiều lợi ích, cuộc sống được an lạc, hạnh phúc.

Nếu còn điều gì thắc mắc, quý độc giả có thể để lại bình luận dưới bài viết, gửi về chuyên mục hỏi đáp để được giải đáp. Kính chúc quý vị mạnh khỏe, an lạc!

Các bài nên xem:

-
aa
+
6,705 lượt xem
28/12/2020

Bình luận (1)

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. Quản trị trang

    28/06/2024
    Quản trị trang và Chủ sở hữu Website Phạm Thị Yến tuyên bố nghiêm cấm và miễn trừ trách nhiệm đối với mọi bình luận, hình ảnh liên quan đến:
    - Chủ quyền của đất nước;
    - Các vấn đề về chính trị;
    - Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
    - Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
    Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Quản trị trang và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.
  2. B
    B

    Bùi Thị Thuận Hòa

    04/02/2025
    Con xin tri ân công đức của cô đã cho chúng con hiểu rõ về cách hướng tâm cúng dường ạ