Bát quan trai giới (8 giới trong đạo Phật) giúp cho người thọ trì được phát sinh rất nhiều công đức, phước báu; chuyển hóa khổ đau trong hiện tại. Đặc biệt, nếu thực hành tinh nghiêm tám giới thì sẽ được sinh lên cõi Trời.
Vậy Bát quan trai giới bao gồm những giới nào? Và thực hành trì giới như thế nào để được phước báu vượt trội?
Mời quý vị tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây!
Mục lục [Hiển thị]
- Bát quan trai giới là gì?
- Lợi ích của việc tu Bát quan trai giới
- 1. Được sinh lên cõi Trời
- 2. Chuyển hóa nghiệp lực
- 3. Gieo nhân thoát khỏi Tam giới, ra khỏi luân hồi
- Phật tử cần tu tập trong ngày Bát quan trai thế nào để được lợi ích lớn?
- 1. Người tu Bát quan trai với chính kiến giải thoát sẽ có phước báu vượt trội
- 2. Trong ngày tu Bát quan trai giới cần tu tập như thế nào?
Bát quan trai giới là gì?
“Bát” là tám, “quan” là cánh cửa, “trai” là sự thanh tịnh, giới là phạm vi, giới của Phật là phạm vi đạo đức. Bát quan trai giới là tám cửa ải chặn đứng các pháp bất thiện và làm phát triển hạnh thanh tịnh, những đức tính tốt đẹp ở trong mỗi người. 8 giới Bát quan trai cũng gọi là biệt giới dành riêng cho Phật tử tại gia. Tám giới này rất gần với giới của người xuất gia, kém giới Sa-di hai giới; cho nên, cũng gọi là giới cận viên xuất gia (tức là gần với giới của người xuất gia).
Trong một ngày, chúng ta giữ những phạm vi đạo đức này thì sẽ được phước.
Tám giới Bát quan trai bao gồm:
Giới thứ nhất: Không sát sinh.
Giới thứ hai: Không trộm cướp.
Giới thứ ba: Không dâm dục.
Giới thứ tư: Không nói dối, không nói thêu dệt, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời hung ác.
Giới thứ năm: Không uống rượu và không sử dụng các chất gây nghiện.
Giới thứ sáu: Không trang điểm, thoa dầu thơm, múa hát và xem múa hát.
Giới thứ bảy: Không nằm, ngồi giường tòa cao rộng đẹp đẽ.
Giới thứ tám: Không ăn phi thời, tức là ăn một ngày một bữa và không được ăn quá giờ (thường là giờ Ngọ).
Khi giữ tám giới Bát quan trai này vào ngày tu tập, chúng ta được tập sự xuất gia một ngày một đêm. Xuất gia là “xuất thế tục gia”, tức là chúng ta rời khỏi gia đình; thứ hai là “xuất phiền não gia”, tức là chúng ta đoạn trừ những tâm phiền não của mình; thứ ba là “xuất Tam giới gia”, tức là chúng ta tu những nhân vô lậu, giải thoát.
Vậy có thể hiểu rằng, tu Bát quan trai là thực tập sống đời xuất gia trong một ngày một đêm để đoạn trừ phiền não, và gieo nhân giải thoát luân hồi sinh tử.
Lợi ích của việc tu Bát quan trai giới
Trong kinh Phật nói Kinh Bát quan trai, Đức Phật thuyết: “... Cũng như vậy, Bát quan trai của bậc Thánh phước đức không thể kể lường, chỉ nói là: có bao nhiêu là phước, bao nhiêu là công đức, bao nhiêu là quả báo mà thôi, phước đức to lớn ấy không thể tính kể được.”
Như vậy, phước báu, công đức thọ Bát quan trai giới là rất lớn, rất thù thắng.
Dưới đây là những lợi ích của việc thực hành đầy đủ tám giới trọn vẹn một ngày một đêm:
1. Được sinh lên cõi Trời
Phước báo của việc giữ gìn tám giới trong một ngày một đêm là rất lớn, khiến những ai thọ trì, tùy theo sự tinh nghiêm, tùy theo số ngày thọ trì giới, mà sẽ được hưởng hạnh phúc, an lạc tương ưng tại các cõi Trời. Như vậy, tu nhân tám giới rất nhỏ, nhưng quả phước được hưởng là vô cùng to lớn, vượt ra khỏi sự nghĩ bàn của chúng ta.
Như trong kinh Tăng Chi Bộ - phẩm Ngày trai giới, Đức Phật dạy: “Một trăm năm của một đời người, này các Tỷ-kheo, bằng một đêm một ngày của chư Thiên cõi trời Ba mươi ba. Ba mươi đêm của đêm ấy làm thành một tháng, mười hai tháng của tháng ấy làm thành một năm. Một ngàn năm chư Thiên của năm ấy làm thành thọ mạng của chư Thiên cõi trời Ba mươi ba. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo: "Ở đây, có người đàn bà hay đàn ông, sau khi thực hành ngày trai giới thành tựu tám chi phần, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên cõi trời Ba mươi ba". Do vậy, Ta nói: "Nhỏ nhoi thay, này các Tỷ-kheo, là quyền của loài người, so sánh với hạnh phúc chư Thiên”.
2. Chuyển hóa nghiệp lực
Chúng ta do tham dục mà tạo lỗi. Cho nên, bây giờ chúng ta thọ bát quan trai, từ bỏ tham dục thì đó là cách sám hối lớn nhất. Không những thế, từ bỏ tham dục cũng sinh ra công đức, phước báo nhiều nhất. Chúng ta lấy công đức đó hồi hướng cho các việc của mình để được tốt đẹp, lợi ích và có sự chuyển hóa.
Ví dụ, chúng ta đang gặp phải những khó khăn về kinh tế, có nghiệp thất thoát tài sản. Nếu chúng ta phát nguyện một tháng về chùa thọ Bát quan trai giới một ngày một đêm, trong suốt một năm hoặc ba năm và phát nguyện chân thật, thì nghiệp này sẽ được chuyển hóa.
Như trong bài kinh “Phật Nói Kinh Bát Quan Trai”, Đức Phật dạy: “...công đức của pháp Bát quan trai này không có hạn lượng, chỉ có thể nói rằng có nhiều phước, có nhiều công đức, có nhiều phước báo mà thôi. Công đức như vậy rất nhiều, không thể kể hết”.
3. Gieo nhân thoát khỏi Tam giới, ra khỏi luân hồi
Tu Bát quan trai là nhân để đưa chúng sinh đến chỗ hết khổ. Tức là ra khỏi Tam giới trong lục đạo luân hồi (bao gồm: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới). Cho nên, ai thọ nhận 8 giới Bát quan trai thì người đó có nhân để ra khỏi Tam giới, quả là giải thoát luân hồi. Bởi dục là nhân của sinh tử luân hồi; giữ giới đoạn dục sẽ giúp chúng ta có nhân duyên thoát khỏi đó.
Phật tử cần tu tập trong ngày Bát quan trai thế nào để được lợi ích lớn?
Phước báu do công đức tu tập Bát quan trai có thể dẫn chúng ta hóa sinh vào các cõi Trời. Tuy nhiên, trong kinh Tha Hóa Tự Tại Thiên, Đức Phật cũng phân biệt hai hạng người thọ Bát quan trai giới, cùng sinh về cõi Trời nhưng do gieo nhân khác nhau thì quả cũng khác nhau: “Kẻ phàm phu ngu si không học, sau khi mạng chung ở đó, sẽ sinh vào địa ngục, ngã quỷ, súc sanh. Đa văn Thánh đệ tử sau khi mạng chung ở đó không sanh vào địa ngục, ngã quỷ và súc sanh”.
1. Người tu Bát quan trai với chính kiến giải thoát sẽ có phước báu vượt trội
Như vậy, theo lời Phật dạy, chúng ta phân biệt hai hạng người tu Bát quan trai như sau:
Hạng thứ nhất là ngoại đạo, không học về chính kiến giải thoát. Họ cũng giữ được tám giới nên được sinh về cõi Trời. Tuy nhiên, khi hưởng hết phúc cõi Trời, họ sẽ bị đọa vào ba đường ác do nhân quả của tà kiến đã gieo trước đó.
Hạng thứ hai là người có chính kiến giải thoát. Đây là hạng người được Đức Phật tán thán. Người đa văn Thánh đệ tử Phật, tức là người có chánh kiến giải thoát, giữ tám giới với chính kiến, thì sẽ có phúc báu vượt trội. Sau khi hưởng hết phước ở cõi Trời, họ sẽ không sinh vào địa ngục, ngã quỷ, súc sinh; mà sẽ phát sinh nhân duyên tu tập tiếp để chứng đạo, ra khỏi Tam giới, hưởng hạnh phúc cao tột là Niết Bàn hay Tây Phương.
Cho nên, Phật tử chúng ta cần phát đại Bồ Đề tâm khi thọ giới Bát quan trai. Đại Bồ Đề tâm đó là cầu giải thoát, cầu Vô thượng Bồ đề. Và để thành tựu vô thượng Bồ Đề, chúng ta cần thực hành công hạnh Bồ Đề, đó là giữ chánh niệm quy y Tam Bảo, thực hành sáu pháp hòa kính và hạnh nguyện tuyên dương Phật Pháp, thông qua việc thực hành, phận sự và chuyển tải Phật Pháp rộng khắp thế gian. Vì mong muốn được lợi ích to lớn như vậy nên chúng ta chăm chỉ tinh tấn thọ giới.
2. Trong ngày tu Bát quan trai giới cần tu tập như thế nào?
Nếu muốn được phúc báu to lớn của ngày tu Bát quan trai giới, người thọ giới cần thực hành giới tinh nghiêm, thực hành nghiêm túc hạnh viễn ly, tức là xa rời các duyên thế tục giống như hàng xuất gia.
Như câu chuyện Cái Chết Của Sàmàvati và Màgandiyà, Các Chưởng Khố, Các Tỳ Kheo Và Vị Thần Cây trong Tích Truyện Pháp Cú có kể rằng: Mỗi mùa mưa đến, năm trăm ẩn sĩ từ Hy-mã-lạp-sơn khất thực và ngụ nơi ba chưởng khố ở trong thành. Một lần từ Hy-mã-lạp-sơn trở về thành, các ẩn sĩ ngồi nghỉ dưới gốc cây đa to trong rừng vắng. Khi ẩn sĩ xin nước uống hay nghĩ đến thức ăn nơi vị thần cây này thì lập tức đều được đáp ứng, hoặc muốn nhìn thấy thần cây cũng được nhìn thấy. Khi các ẩn sĩ hỏi nguyên nhân giúp thần cây có đại thần lực như vậy, ông khiêm tốn trả lời, đó là do khi sống, ông là người nghèo, sinh sống nhờ tìm được việc làm với ông Cấp Cô Độc. Vào ngày Bát quan trai, vì ông ta biết tin muộn nên mới bắt đầu thọ giới vào buổi chiều. Do thọ nửa ngày trai nên ông ta chỉ được hưởng nửa công đức. Khi lìa đời, ông tái sinh vào cõi Thần, nếu hôm đó, ông ta thọ trọn vẹn đủ một ngày tu Bát Quan Trai thì sẽ được sinh lên cõi Trời. Cho nên, giữ giới nào thì người thọ giới được phước báo của giới đó, tu được bao nhiêu thì sẽ hưởng phước bấy nhiêu.
Vậy, để thực hành giới được tinh nghiêm, mời quý vị tham khảo nghi thức để biết cách trì Bát quan trai giới được tinh nghiêm tại: Nghi thức tu bát quan trai giới.
Ngoài ra, người thọ giới đồng thời lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất: Trong một ngày một đêm tu Bát quan trai giới, người thọ giới cần tắt điện thoại, không liên lạc với thế tục, trừ các duyên việc liên quan đến Phật Pháp.
Thứ hai: Trong một ngày một đêm tu Bát quan trai giới, người thọ giới không bàn việc thế sự, không bàn các việc ngoài sự sách tấn nhau tu tập giới Pháp.
Thứ ba: Trong một ngày một đêm, người thọ giới không tắm, không lấy khăn lau toàn thân, mà chỉ làm các việc vệ sinh cần thiết. Người thọ giới cần nhẫn nại phạm hạnh để đoạn trừ thân kiến.
Mong rằng, qua lời chia sẻ của Phật tử Phạm Thị Yến (Pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán), quý vị sẽ hiểu được công đức, phước báu của việc tu tập Bát quan trai giới, từ đó tinh tấn thực hành lời Phật dạy để đem lại an lạc, hạnh phúc cho chính mình trong hiện tại và vô lượng kiếp về sau.
Các bài nên xem:
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.