Khất thực”, “Sớt bát cúng dường” là những thuật ngữ có vẻ không thông dụng trong đời sống thường nhật nhưng với những người theo đạo Phật và quan tâm với Phật giáo thì không hề xa lạ, ngược lại đây là một pháp tu truyền thống trong Phật giáo, được coi là một nét đặc trưng của Phật giáo thế giới.
Mới đây, mạng xã hội có đưa hình ảnh tăng sĩ của một ngôi chùa (ở Quảng Ninh) cầm bình bát khất thực trong khuôn viên chùa với sự tham gia và cúng dường của rất đông nhân dân, Phật tử trong Đại lễ Vu Lan năm 2022. Những hình ảnh này sau đó nhận được sự quan tâm lớn và cũng nhận được nhiều quan điểm trái chiều, trong đó có ý kiến phản đối cho rằng hình ảnh nhà sư nhận tiền là phản cảm, nhưng lại có ý kiến ủng hộ cho rằng việc làm trên hoàn toàn phù hợp với giáo lý nhà Phật và Pháp luật Việt Nam. Vậy, hành động “khất thực”, “sớt bát cúng dường” là gì theo quan điểm của Phật giáo và được quy định thế nào theo pháp luật?
Mục lục [Hiển thị]
Khất thực, Sớt bát cúng dường theo Đạo Phật và truyền thống tôn giáo
Chữ “Khất” là ăn xin - còn “sĩ” là nhằm nói tới những con người có phẩm hạnh cao quý. “Khất sĩ ” là người “ăn xin” cái cao quý, lòng từ bi của chúng sinh, đánh thức tình thương vốn có ở mỗi con người. Khất thực là một trong 13 pháp tu khổ hạnh đầu đà cao quý của nhà Phật, không chỉ để nuôi thân mạng, có sức khỏe tu tập, tiến tu đạo nghiệp mà còn với mong nguyện cao thượng là gieo duyên, giúp cho nhân dân, Phật tử có cơ hội được gieo trồng hạt giống thiện lành vào ngôi Tăng Bảo.
Khất thực làm phép tu căn bản của Đạo Phật
Theo lịch sử Phật giáo, khoảng 2.600 năm về trước, sau khi Đức Phật thành đạo thì Ngài không trở về thành Ca Tỳ La Vệ mà đi giáo hóa khắp nơi, độ cho năm anh em ông Kiều Trần Như và khi các ông vua nổi tiếng vùng Ngũ Hà quy y với Phật rồi, Ngài mới quyết định đưa đại chúng về thăm lại quê nhà cùng hoàng thân quốc thích [1]. Đức Phật đã xuất hiện cùng Tăng đoàn hơn ngàn vị sư quấn y vàng rực rỡ với phong thái oai nghiêm và siêu thoát, tay ôm bình bát, lặng lẽ khoan thai trong từng bước chân an lạc thản nhiên tiến vào kinh thành Ca Tỳ La Vệ. Tăng đoàn đến từng nhà cúi đầu nghiêm cẩn. Cử chỉ khiêm nhường khiến vua Tịnh Phạn vô cùng sửng sốt và ngỡ ngàng vì thấy con trai mình đã thành Phật còn đi ăn xin.
Đức Phật giải thích cho vua cha rằng người xuất gia đâu cũng là nhà, còn chư Tăng khất thực, tuy là kẻ ăn xin đích thực nhưng khác với người ăn xin là không phải tìm cái ăn để sống vất vưởng qua ngày, mà ngoài việc nuôi thân để sống và tu tập, còn một ý nghĩa sâu xa - đó là sự gieo duyên với chúng sinh trong “bát cơm ngàn nhà”, bởi cảm nhận tình người qua việc bố thí (cho đi) của chúng sinh, là tiếp cận giá trị hạnh phúc giữa cuộc đời này rồi.
Thời Đức Phật tại thế, mỗi sáng hằng ngày, Đức Phật cùng Tăng đoàn đầu trần, chân không, ôm bình bát đến những nơi có dân chúng. Các Ngài đến từng nhà để xin thức ăn với tâm bình đẳng, không phân biệt giàu nghèo, ngon dở để nhân dân, Phật tử cúng dường chư Tăng [2]. Theo Đạo Phật, việc khất thực không chỉ mang lại lợi ích cho người khất sĩ mà còn đem lại lợi ích cho người sớt bát cúng dường:
Đối với người khất sĩ: Tâm trí được rảnh rang, ít phiền nào; không bận rộn thân và tâm; đoạn trừ tâm cống cao, ngã mạn, tu được tâm khiêm hạ; rèn luyện đức nhẫn nại và tâm chịu đựng; đoạn trừ được lòng tham; thấy cảnh khổ để hun đúc chí tu hành cho người xuất gia; tạo cơ duyên để giáo hoá chúng sinh [3].
Đối với người sớt bát cúng dường: Được kết duyên với Tam Bảo; được bố thí để gieo trồng ruộng phước, đoạn trừ lòng tham; biết đủ để được hạnh phúc an vui; khởi lên ý tưởng giải thoát, dứt trừ phiền não.
Bản chất pháp lý của hành vi “Khất thực”, “Sớt bát cúng dường” theo pháp luật
Với mục đích và tính chất của các hành động như trên, hành vi “khất thực” là hành vi “xin” và hành vi “sớt bát cúng dường” là hành vi “cho” và được thực hiện dựa trên sự tự nguyện, không ép buộc nhưng gắn với niềm tin tâm linh của cả người xin và người cho. Bộ luật Dân sự Việt Nam không có quy định cấm, hạn chế hành vi “xin” của cá nhân, tổ chức nhưng cũng không có quy định chi tiết như hành vi, giao dịch “tặng cho” nhưng các hành vi nêu trên đều là các hành vi được phép thực hiện và được pháp luật công nhận, cụ thể:
- Bộ luật Dân sự có quy định về quyền tặng cho là một quyền cơ bản của chủ sở hữu tài sản (Điều 194), quy định về giao dịch, hợp đồng tặng cho từ Điều 458 đến Điều 462.
- Luật Tín ngưỡng, tôn giáo công nhận quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho (Điều 7.1; Điều 56.1) [4].
Đồng thời các văn bản pháp luật nêu trên không có quy định cấm, hạn chế về các loại tài sản được phép dâng cúng, tặng cho. Vậy cần hiểu rằng, một chủ thể được phép “sớt bát cúng dường” (tặng cho) một chủ thể khác là vị khất sĩ, nhà tu hành (nhận tặng cho) bất kỳ tài sản nào hợp pháp, tức là bao gồm: tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai (Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015).
Hành vi dâng cúng nhà tu hành bằng hoa, thức ăn, vật phẩm hay tiền, giấy tờ có giá đều là hành vi hợp pháp.
Thực hiện hành vi Khất thực và Sớt bát cúng dường đúng pháp luật và truyền thống tôn giáo
Việc tăng sĩ ôm bình bát khất thực và Phật tử, nhân dân sớt bát cúng dường cho vị khất sĩ là pháp tu truyền thống và đặc trưng của Phật giáo. Tại Việt Nam, nhà tu hành chưa hoàn toàn được tự do khất thực trên đường phố nên các hoạt động này thường được các Chùa/Tự viện đưa vào trong các chương trình tu tập và các buổi lễ tôn giáo. Vì đây là pháp tu căn bản của Phật giáo nên các hoạt động này thường được lồng trong các chương trình, lễ hội tôn giáo và được các tổ chức, cơ sở tôn giáo đăng ký trong danh mục hoạt động tôn giáo, và vì vẫn chỉ được các cơ sở tôn giáo tổ chức trong nội bộ cơ sở tôn giáo nên về nguyên tắc, không cần phải tách bạch để đăng ký hoạt động hay phải xin phép riêng cho hoạt động này.
Thực tế không chỉ tại Việt Nam, rất nhiều ngôi chùa, tự viện khắp cả nước và các quốc gia trên thế giới đều có hoạt động này [5]. Khi cúng dường, để thể hiện sự cung kính, lòng biết ơn với các nhà tu hành, tuỳ từng quốc gia, người cúng dường sẽ thực hành các nghi thức khác nhau như: Ở Việt Nam, người sớt bát thường đứng xá, quỳ xá, quỳ vái; ở Thái Lan và một số quốc gia có đạo Phật là quốc đạo hoặc đạo phổ biến, thì người bố thí còn tháo giầy/dép, quỳ và vái lạy trang nghiêm (năm vóc sát đất) vị khất sĩ, không phân biệt người bố thí là người dân hay chính khách, lãnh đạo cấp cao. Những hình ảnh này không phải xa lạ với người theo đạo Phật hoặc quan tâm đến đạo Phật trên thế giới. Tuy nhiên, tác giả cho rằng do đặc thù tại miền Bắc Việt Nam, hoạt động này tại các chùa, tự viện chưa thực sự phổ biến nên đó là lí do còn nhiều quan điểm, ý kiến trái chiều xung quanh sự việc này.
Nhưng cần lưu ý và tôn trọng nguyên tắc: Việc thực hiện hành vi cho tặng - nhận cho tặng bằng cử chỉ, nghi thức tôn giáo thì Pháp luật không can thiệp nhưng việc thực hành nghi thức tôn giáo là quyền tự do tôn giáo thì lại được Pháp luật bảo hộ. Như vậy, việc người bố thí quỳ, vái để thực hiện hành vi dâng cúng, thể hiện sự cung kính, ngưỡng mộ nếu không trái với quy định pháp luật, và phù hợp với giáo lý, truyền thống tôn giáo, phù hợp với đức tin của người thực hành nghi thức thì họ có quyền được phép tự do thực hiện.
Do vậy, thiết nghĩ cộng đồng mạng và các nhà quản lý cũng cần phải khách quan nhìn nhận, công nhận và tôn trọng các nghi thức tôn giáo khác nhau của các tôn giáo khác nhau. Như vậy, những hình ảnh mà một số ý kiến cho rằng “phản cảm”, có thực sự “phản cảm” hay không còn phụ thuộc vào quan điểm tôn giáo, niềm tin tâm linh và kiến thức về tôn giáo, lịch sự, xã hội của mỗi người.
Nhưng theo quan điểm pháp lý của tác giả, nếu đó là hành vi được pháp luật cho phép mà bị chỉ trích, lên án thiếu cơ sở pháp lý và giáo lý của tôn giáo, thì chính những hành vi chỉ trích thiếu cơ sở đó mới là đối tượng cần quản lý và kiểm soát để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng - tôn giáo được Nhà nước công nhận và bảo hộ.
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Thanh Hà
Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội
Nguồn: Sớt bát cúng dường theo pháp luật và pháp Phật
---------
[1] Khất thực, một phép tu truyền thống của Đạo Phật, Pháp Vương Tử, Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 05, năm 2014, đăng trên https://phatgiao.org.vn/khat-thuc--mot-phep-tu-truyen-thong-cua-dao-phat-d37848.html
[2] Sớt bát cúng dường chư Tăng tích luỹ phúc báu, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, tháng 10/2021, đăng trên https://thaythichtructhaiminh.com/sot-bat-cung-duong-chu-tang-tich-luy-phuc-bau-d2971.html
[3] Các Ngài ôm bình bát đi khắp hang cùng ngõ hẹp là tạo nhân duyên với chúng sinh, để mọi người sớt vào bát, gieo hạt giống vào ruộng phước Tăng Bảo. Dẫu thí chủ chỉ cúng dường một chút thôi là họ có duyên với quý Thầy, là quý Thầy mắc nợ họ. Nếu kiếp này quý Thầy chưa có duyên để độ thì kiếp sau quý Thầy phải độ cho họ. Đó gọi là có duyên có nợ.
Hoặc những người chưa biết đến Phật Pháp, gặp quý Thầy đi khất thực, có khi họ mắng chửi một câu thì đó cũng là duyên để các Thầy độ họ. Với người xuất gia tu hành, tất cả đều là nhân duyên, dù thuận duyên hay nghịch duyên đều giúp các Thầy có duyên với chúng sinh để giáo hóa
[4] Điều 7. Quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc: … 6. Nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho.
Điều 56. Việc quản lý, sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo: 1. Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên tổ chức; quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
[5] Chùa Kiều Đàm tổ chức lễ sớt bát, cúng dường 140 chư Ni hành giả an cư trên địa bàn vào ngày 12/6/2022 (đăng trên trang phatsuonline: https://phatsuonline.com/tp-thu-duc-le-sot-bat-cung-duong-tai-truong-ha-chua-kieu-dam/)
Chùa Phước Thiện tổ chức lễ bát cúng dường 300 hành giả an cư quận Bình Tân và huyện Bình Chánh ngày 19/6/2022: (đăng trên trang phatgiaoonline: https://phatgiaoonline.com/tp-hcm-le-sot-bat-cung-duong-300-hanh-gia-an-cu-quan-binh-tan-va-huyen-binh-chanh/
Tổ đình Vạn Thọ tổ chức Lễ Sớt bát cúng dường: https://phatgiaoaluoi.com/news/Doi-song/Net-dep-sot-bat-mua-an-cu-2486/
Lễ cúng dường 10.000 vị sư tại chùa Dhammakaya (Thái Lan):https://giacngo.vn/le-cung-duong-10-000-vi-su-tai-thai-lan-post46966.html
---------
Các bài nên xem:
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.