Nhiều người muốn quy y Tam Bảo để được phúc báu, an lành, được Đức Phật gia hộ. Tuy nhiên, họ cũng có nhiều thắc mắc và tâm lý e ngại như: Quy y Tam Bảo là gì? Có quy y hộ được không? Sau khi đã quy y Tam Bảo mà lỡ phạm giới thì có mắc tội không, bao nhiêu tuổi thì quy y Tam Bảo, quy y có phải là đi tu?,...
Bài viết dưới đây sẽ giải đáp các thắc mắc trên một cách chi tiết, giúp quý vị nắm được các kiến thức cơ bản cần biết khi quy y Tam Bảo.
Mục lục [Hiển thị]
Quy y Tam Bảo là gì?
“Quy y Tam Bảo” là quay về nương tựa Tam Bảo, nương tựa nơi bậc giác ngộ là Đức Phật, nơi giáo Pháp cứu khổ và nơi các vị Tăng tu hành theo giáo Pháp của Đức Phật. Nương tựa Tam Bảo giúp chúng ta được thực hành các Pháp khiến cuộc sống giảm bớt khổ đau, được an lạc.
Như trong Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Tiểu Bộ - Tập 4, chương Một, phẩm Apannaka, bài kinh Chuyện Pháp Tối Thượng có ghi:
“Ai quy y Ðức Phật,
Chánh Pháp và chư Tăng,
Ai dùng chánh tri kiến
Thấy được Bốn sự thật,
Thấy Khổ và Khổ tập,
Thấy sự khổ vượt qua,
Thấy đường Thánh tám ngành
Ðưa đến khổ não tận.
Thật quy y an ổn,
Thật quy y tối thượng,
Có quy y như vậy
Mới thoát mọi khổ đau”.
Để hiểu rõ hơn về định nghĩa, lợi ích của việc quy y Tam Bảo, xin mời quý vị vào link sau: Tam Bảo là gì? Lợi ích của quy y Tam Bảo
Có làm lễ quy y Tam Bảo hộ được không?
Nhiều người vì một số lý do công việc hoặc gia duyên không về chùa dự lễ quy y trực tiếp, cũng không quy y Tam Bảo tại gia được nên thường mong muốn gửi thông tin tên, tuổi,... về chùa để thỉnh chư Tăng viết điệp (giấy quy y Tam Bảo) và làm lễ giúp, hoặc nhờ người thân quy y hộ.
Tuy nhiên, như vậy không được. Bởi muốn quy y Tam Bảo và phát nguyện thọ nhận, thực hành giới mà Đức Phật dạy thì chúng ta cần phải có đầy đủ các yếu tố sau:
1. Nghe quý Thầy giảng giải, hiểu rõ và phát tâm hoan hỷ khi thấy lợi ích của việc quy y Tam Bảo, trì giới: Từ đó, chúng ta mới phát sinh được nguồn tâm kính Phật, kính Pháp. Đó chính là nguyện quy y Phật, quy y Pháp (2 ngôi báu trong Tam Bảo gồm Phật, Pháp, Tăng).
2. Được thấy hình tướng chư Tăng truyền giảng giới cho mình: Khi đó, trong tâm chúng ta sẽ phát sinh được sự tôn kính, biết ơn chư Tăng và biết ơn Tam Bảo. Đó là niệm quy y Tăng.
Nếu nhất tâm và có được đầy đủ ba niệm quy y này thì chúng ta sẽ phát sinh được một nguồn năng lượng tinh tấn. Đó chính là nhân lành giúp chúng ta chăm chỉ tu tập, chuyển hóa khổ đau. Khi đó, chúng ta quy y là do giác hiểu, biết ơn và như vậy thì việc quy y mới đúng nghĩa, phát sinh được phúc báu.
Nếu chúng ta chỉ ghi tên, tuổi,... rồi gửi về chùa nhờ làm lễ quy y hộ thì chúng ta sẽ không sinh ra được trí (giác), tăng thượng tâm (từ tâm biết ơn Tam Bảo) và không có duyên để gieo nhân chăm chỉ, tinh tấn.
Bao nhiêu tuổi thì quy y Tam Bảo?
Đối với con nhỏ, gia đình nên cho các cháu làm lễ sơ quy trước. “Sơ” có nghĩa là ban đầu, sơ khai, mới hình thành. “Quy” tức “quy y Tam Bảo”, là quay về nương tựa vào Phật - Pháp - Tăng. “Sơ quy” có nghĩa là nhân duyên sơ khởi ban đầu cho các cháu nhỏ được quay về nương tựa vào Tam Bảo.
Đây là nghi lễ truyền thống của Phật giáo, có từ thời Đức Phật còn tại thế. Thời đó, có rất nhiều vua quan, tướng lãnh, các vị gia chủ, người dân,... mang con nhỏ đến xin quy y nơi Đức Phật.
Như trong Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Trung Bộ, tập 2, bài kinh Vương Tử Bồ-đề có kể câu chuyện về cuộc hội thoại giữa vương tử và bạn của mình là công tử Sanjikaputta, nói về nhân duyên vương tử được sơ quy từ nhỏ như sau:
“Lại một thời, này Sanjikaputta, Thế Tôn trú giữa dân chúng Bhagga, tại Sumsumaragira, rừng Bhesakala, vườn Lộc Uyển. Rồi người vú của ta, ẵm ta bên hông, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, người vú của ta bạch Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn, vương tử Bodhi nay xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận vương tử này làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, xin trọn đời quy ngưỡng".
Từ khi làm lễ sơ quy trở đi, vào ngày sinh nhật của con cái, hoặc vào dịp đặc biệt, gia đình nên hướng dẫn cho cháu biết tác phúc hồi hướng, lễ Phật, sám hối,... Khi cháu được thực hành các việc thiện công đức như vậy, nếu trong quá khứ giữa cháu với gia đình có những nhân duyên chưa tốt mà sinh về cùng một gia đình thì sẽ được chuyển hóa đi và kết được những mối thiện duyên mới với cha mẹ. Cháu sẽ được hạnh phúc hơn, mối quan hệ trong gia đình cũng sẽ tốt lên.
Đến một thời điểm nào đó đủ khôn lớn, có hiểu biết và mong muốn quy y Tam Bảo thì gia đình cho cháu làm lễ quy y Tam Bảo lại, như vậy mới được gọi là đắc quy y.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn đăng ký sơ quy tại chùa Ba Vàng
Khi đã quy y mà phạm giới có làm sao không?
Chúng ta là người đang thực tập giữ 5 giới của Phật tử tại gia, chưa phải đã thuần thục nên không thể tránh khỏi việc phạm giới.
Nếu chúng ta lỡ phạm giới thì phước báu không được trọn vẹn như ban đầu mà sẽ bị giảm đi theo việc làm của mình. Chúng ta giữ giới nghiêm túc bao nhiêu thì sẽ được lợi ích bấy nhiêu.
>>> Xem thêm: 5 giới là gì? Giữ giới để được sống thọ, giàu có, bình an
Khi phạm giới, chúng ta cần phải sám hối, chỉnh sửa suy nghĩ, lời nói, hành động của mình để cho giới thanh tịnh trở lại. Khi sám hối rồi thì phải sửa đổi, cố gắng không tái phạm. Nếu tái phạm thì sám hối không có tác dụng.
>>> Xem thêm: Sám hối là gì? Muốn tâm bình an, tiêu trừ tội lỗi, phải nên sám hối
Người đã quy y Tam Bảo mà phạm giới, tội có nặng hơn người chưa quy y không?
Nếu không giữ giới được thì kể cả là người đã quy y Tam Bảo, hay chưa quy y thì đều chịu quả báo như nhau, không vì quy y rồi mà tội tăng thêm, vì mọi việc đều phải theo quy luật nhân quả.
Nhưng nếu chúng ta đã quy y, giữ gìn 5 giới cấm của Phật rồi thì sẽ được năng lượng hộ trì cho mình dễ giữ giới hơn. Ví dụ: Khi chúng ta đã quy y Phật, trú niệm ở trong đó thì những người bạn không tốt sẽ ít có duyên đến gần để xui mình làm việc ác, hoặc chúng ta sẽ dễ xa rời bạn ác mà không bị sinh ra mâu thuẫn.
Quy y có phải là đi tu?
Quy y Tam Bảo không phải là đi tu (xuất gia) luôn mà chỉ là chúng ta bắt đầu tu tập, khép mình vào khuôn phép, thực tập giữ gìn giới luật - 5 giới của Phật tử tại gia theo lời Đức Phật dạy, rèn luyện, chừa bỏ những thói quen xấu,... Đó cũng chính là tu, nghĩa là tu sửa bản thân, thành tựu những phẩm chất tốt cho mình.
Ví dụ: Trước đây hay nói năng bừa bãi, nghiện ngập,... thì sau khi quy y, chúng ta chừa bỏ những hành vi xấu đó đi.
Muốn đăng ký quy y Tam Bảo phải làm thế nào?
Quý vị có thể quy y Tam Bảo tại gia (quy y Tam Bảo trực tuyến) hoặc nếu sắp xếp được thời gian thì về chùa tham gia lễ quy y Tam Bảo trực tiếp theo hướng dẫn tại đây: Hướng dẫn nhân dân, Phật tử đăng ký quy y Tam Bảo
----
Trên đây là các thắc mắc phổ biến về quy y Tam Bảo và giải đáp chi tiết, giúp quý vị nắm rõ các kiến thức cơ bản và thực hành được nhiều phúc báu, cuộc sống trở nên tốt đẹp, an vui hơn.
Quý vị có thể đăng ký tham gia CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa để được hướng dẫn tu tập và chuyển hóa những việc bất như ý trong cuộc sống, mang lại may mắn, phúc lộc cho bản thân và gia đình tại đây: ĐĂNG KÝ ĐẠO TRÀNG TRỢ GIÚP, HƯỚNG DẪN TU TẬP.
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.