Trạch Kinh Mi Tiên vấn đáp bài 62 và 63

Văn kinh:
Kinh Mi Tiên Vấn đáp bài 62: Thực hành phạm hạnh (Brahmacàri)

- Đức Thế Tôn thường thực hành phạm hạnh giống như các vị Phạm Thiên phải không, đại đức?
- Đúng vậy.
- Nếu thế thì Phật là học trò của Phạm Thiên rồi.
- Theo ý của đại vương, sự giống nhau ấy là thầy trò của nhau sao?
- Đúng vậy.
- Bần tăng nghe rằng đại vương có một con voi chúa mà đại vương đặt tên là "con voi hạnh phúc" phải chăng?
- Đúng vậy.
- Và người ta nói rằng tiếng rống của con voi ấy giống như tiếng kêu của loài chim Thứu trên Tuyết sơn?
- Đúng như vậy.
- Như thế có lẽ con voi hạnh phúc của đại vương là học trò của loài chim Thứu kia rồi!
- Thưa, không phải thế.
- Thế phạm hạnh của Đức Phật sao đại vương bảo là học trò của Phạm Thiên? Lại nữa, Đức Phật tự mình giác ngộ Chánh Pháp, Phạm Thiên không tự mình giác ngộ Chánh Pháp mà học hỏi Chánh Pháp từ Đức Thế Tôn. Lẽ ra, ai thầy ai trò đại vương phải tự biết chứ?
- Phải! Trẫm đã đặt câu hỏi lẩm cẩm mất rồi!
- Không phải lẩm cẩm đâu mà vì quá sắc bén đó thôi, tâu đại vương!
Đức vua chợt cười vui:
- Không dám đâu, thưa đại đức !

Kinh Mi Tiên Vấn đáp bài 63. Ai truyền cụ túc giới cho Đức Phật?

Đức vua hỏi:
- Phải cần có những điều kiện nào để cho những người tu lên bậc trên được gọi là thành tựu cụ túc giới, thưa đại đức?
- Phải cần có đủ thầy yết ma, thầy hòa thượng tế độ và số Tăng hội chứng minh, tâu đại vương.
- Đức Thế Tôn có cụ túc giới không?
- Ngài là bậc có cụ túc giới viên mãn nhất.

Đức vua hỏi tiếp:
- Vậy ai là thầy yết ma, thầy hòa thượng tế độ cho Đức Phật? Và tăng chúng chứng minh có bao nhiêu vị, không thấy đâu nói tới?
- Tâu đại vương! Đức Thế Tôn cụ túc giới viên mãn nhất, nhưng ngài không có ai là thầy, lấy đâu ra Tăng hội!
Đức vua quay qua mọi người:
- Xin chư vị có mặt đây làm chứng cho câu nói của đại đức Na-tiên! Khi trẫm hỏi những điều kiện tựu thành cụ túc giới, đại đức bảo là phải có đủ thầy yết ma, thầy hòa thượng tế độ cùng số Tăng hội chứng minh. Trẫm hỏi là Đức Thế Tôn có cụ túc giới không, đại đức bảo là Đức Phật cụ túc giới viên mãn nhất, thế nhưng lại bảo là cụ túc giới của Đức Phật không có yết ma, hòa thượng, không có Tăng hội! Một vị sa môn như đại đức tại sao trước sau bất nhất, lời nói sau phủ nhận lời nói trước là thế nào?
Na-tiên tỳ khưu im lặng.
Đức vua tấn công tiếp:
- Như thế, rõ ràng Đức Phật chưa có cụ túc giới, đang tu bậc thấp, chưa tu lên bậc cao!
Đại đức Na-tiên bây giờ mới hỏi:
- Đại vương, bần tăng thấy đại vương có khí độ trầm tĩnh, ăn nói trầm tĩnh; những cách nói thô tháo, cộc cằn, phùng mang, trợn mắt không có nơi đại vương; đại vương cũng không vung tay, múa chân như những kẻ say rượu... Bần tăng không rõ tại sao đại vương lại được như thế?
- Có gì đâu, vì trẫm thấy những điều ấy là xấu, là biểu hiện một nhân cách tầm thường, nông nổi... nên tự chế và bỏ dần những tính xấu ấy đi.
- Có nhiều người cũng tự chế, cũng biết đấy là xấu nhưng sao không bỏ được?
- Có lẽ họ huân tập quá sâu dày, và có những tính xấu không phải chỉ một vài kiếp mà bỏ xong!
- Đại vương hãy nghe cho rõ đây! Giới luật, ban đầu là để ngăn ngừa những vọng động thô tháo của thân và khẩu rồi dần dần đi sâu vào ý. Đức Thế Tôn sở dĩ cụ túc giới viên mãn bởi vì Ngài đã rèn luyện thân khẩu ý từ vô lượng kiếp; bởi Ngài đã huân tập các công hạnh, nhất là ba mươi ba-la-mật rốt ráo và viên mãn nhất. Lại nữa, Ngài là bậc Toàn Giác, có tuệ biết tất cả thế gian pháp; biết rõ cái nào xấu cần phải ngăn ngừa, loại bỏ; biết rõ cái nào là tốt cần phải phát huy, tăng trưởng. Mọi giới luật cũng từ đấy mà ra. Nói cách khác, Đức Phật giác ngộ giới luật, sống với giới luật ở trong tâm, nên những biểu hiện ra bên ngoài của Ngài về đi, đứng, nằm, ngồi, mặc y, thọ thực, đối nhân, xử thế... đều mẫu mực, đoan nghiêm, từ hòa, chín chắn, mô phạm... một cách tuyệt hảo và toàn bích.
Sở dĩ Đức Thế Tôn cụ túc giới viên mãn, không có ai là thầy, vì ngài đã cùng với cụ túc giới ấy là một; ngài giác ngộ cụ túc giới, đem ra giáo giới Tăng chúng, rồi Tăng chúng y cứ vào giới luật ấy để tu tập, để đi đến chỗ không còn lỗi lầm, không còn cả một tính xấu nhỏ. Các tầng Thánh quả là các cấp độ tu tập dần dần đến chỗ hoàn mỹ là vậy đó, tâu đại vương. Ví như đại vương biết những tính xấu để tự chế... là đại vương cũng bắt đầu đi theo con đường như Đức Phật đã đi; nhưng lộ trình của Đức Phật sâu dày hơn, lâu xa hơn, đã vô lượng kiếp rồi, thế thôi!
- Trẫm đã có hiểu được chút ít, mong đại đức giảng thêm: Tại sao cụ túc giới của Đức Phật là không ai hơn được?
- Điều này bần tăng nói rồi - là ba mươi pháp ba-la-mật của Ngài như bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chơn thật, quyết định, tâm từ, tâm xả của Đức Phật đã trọn vẹn và toàn hảo trên thế gian không ai bằng được; nên Ngài đã tự thành tựu cụ túc, nghĩa là pháp chưa từng sanh được sanh lên, là pháp phi thường mà thế gian chưa từng có. Không ai có đủ đức để ở trên, ở cao hơn cụ túc giới của Đức Phật, tâu đại vương.
- Cho xin nghe ví dụ được chăng?
- Đại vương là bậc tối thượng trong một nước, có ai trong nước này oai lực hơn đại vương chăng?
- Không có.
- Nếu có kẻ đòi ngồi lên đầu lên cổ của đại vương thì đại vương làm sao?
- Trẫm sẽ chém đầu.
- Cũng như thế đó là cụ túc giới của Đức Thế Tôn. Cụ túc giới của Đức Thế Tôn là có oai lực nhất. Ai có ý nghĩ truyền cụ túc giới cho Đức Phật, thì kẻ đó, vì thiếu giới đức, định đức, tuệ đức nên đầu của y sẽ bị vỡ thành bảy mảnh.
- Vậy là trẫm hiểu rồi, trên thế gian này chẳng có nhóm Tăng hội nào có đủ uy đức, oai lực để truyền giới cho Đức Thế Tôn cả.
- Không phải vậy đâu, đại vương!
Đức vua ngạc nhiên:
- Tại sao?
- Có cả thảy ba nhóm Tăng, tâu đại vương! Chính có ba nhóm Tăng này cu hội mà truyền giới cụ túc đến cho Đức Thế Tôn, đó là:
1. Nhóm ba-la-mật Tăng (Paramì sanigha)
2. Nhóm thiện Tăng (Kusala sanigha)
3. Nhóm quả Tăng (Phala sanigha)
Cho nên Đức Thế Tôn có thuyết rằng: "Người nào có tâm chơn chánh, trực hạnh, thực hiện giới, định, tuệ, đi trên con đường bốn đạo và thành tựu bốn quả - người ấy được Như Lai gọi là Tăng"
- Hay lắm vậy!

---
Phật tử Phạm Thị Yến - Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa chia sẻ với các Phật tử trong CLB.

Các bài nên xem:
Cư sĩ cũng đắc quả, xuất gia tu hạnh đầu đà làm gì? | Trạch Pháp ngày 20/9 Canh Tý
Tại sao Đức Phật không giống cha mẹ Ngài?| Kinh Mi Tiên câu 61 
Một người tu tại sao cả nhà lại được hưởng phước? | Trạch Pháp thường kỳ 20/8/Kỷ Hợi


-
aa
+
1,039 lượt xem
25/05/2019

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. Ban quản trị

    28/06/2024
    Ban Quản trị và Chủ sở hữu Website Phạm Thị Yến tuyên bố nghiêm cấm và miễn trừ trách nhiệm đối với mọi bình luận, hình ảnh liên quan đến:
    - Chủ quyền của đất nước;
    - Các vấn đề về chính trị;
    - Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
    - Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
    Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.