Tôn giả Ma Ha Ca Diếp (hay Đại Ca Diếp), thế danh Tất Bát La Da Na, sinh trong một gia đình Bà la môn giàu có ở nước Ma Kiệt Đà. Từ thuở niên thiếu, Ngài đã không ham thích ngũ dục, thường mong nguyện xuất gia tu hành, sống đời phạm hạnh.
Ngay lần đầu tiên khi Ngài Đại Ca Diếp đến xin học đạo, Đức Phật đã nói: Sự lưu truyền Phật Pháp trong tương lai sẽ cần tới ông rất nhiều.
Quả nhiên, sau một thời gian tu hành, Ngài trở thành một trong mười đại đệ tử gương mẫu với phẩm hạnh đầu đà đệ nhất trong giáo đoàn của Đức Phật. Ngài cũng là người chủ trì cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất sau khi Đức Phật nhập Niết bàn.
Để hiểu rõ hơn về cuộc đời của Tôn giả Đại Ca Diếp, kính mời quý vị đón đọc bài viết dưới đây!
Mục lục [Hiển thị]
Cuộc đời của Tôn giả Ma Ha Ca Diếp
Sự kiện đản sinh đặc biệt của Ngài Ma Ha Ca Diếp
Tất Bát La Da Na (sau này là Tôn giả Đại Ca Diếp) là con của một gia đình Bà la môn giàu có ở thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đà (ngày nay là phía Nam xứ Bihar - một bang ở miền Đông Ấn Độ). Trong kinh Phật Bản Hạnh Tập, quyển 45, phẩm 47 - Nhân duyên của Đại Ca Diếp, có viết: Gia đình Bà la môn này có nhiều người hầu hạ phục dịch, nhà cửa giống như cung trời Tỳ-sa-môn ở phương Bắc. Không những thế, gia đình còn thống lãnh năm trăm thôn, phân chia cho các thuộc hạ quản lý và có đến hai mươi lăm kho tiền vàng.
Một ngày nọ, khi mẹ Ngài đang du ngoạn trong vườn thượng uyển, bà liền hạ sinh Ngài ngay dưới gốc cây Tất Bát La. Khi đó, dưới gốc cây bỗng xuất hiện một thiên y tuyệt đẹp. Cha mẹ Ngài thấy vậy nên thầm nghĩ: “Thiên y này nhất định là do phước của đồng tử mà ra”. Do điềm này nên họ đặt tên cho đồng tử là Tất Bát La Da Na. Đồng tử có hình dung đoan chánh, khôi ngô, đẹp như tượng vàng, thế gian không ai sánh bằng.
Sự hạ sinh nhiệm màu đó là do trong đời quá khứ, Ngài đã gieo trồng nhiều thiện căn và công đức ở nơi chư Phật Thế Tôn. Nhờ phước duyên ấy, Ngài được chư Thiên cúng dường ngay khi vừa mới sinh ra.
Trí tuệ hơn người của Ngài Đại Ca Diếp
Ngài Ca Diếp được nuôi dạy trong một môi trường nghiêm khắc. Khi vừa tròn 8 tuổi, Ngài được thọ giới pháp Bà la môn.
Ngài được học đủ mọi kiến thức từ các nghề pháp thức, tế tự đến các môn thơ phú, toán số, hội họa, khắc ấn, bốn bộ vi đà cùng các pháp thọ ký. Ngài biện luận thế gian, thọ trì các pháp đinh trượng, các pháp đại chú thuật,... rất giỏi, Ngài học đến đâu, nhớ đến đó.
Ngoài ra, Ngài am hiểu tất cả các thứ tiếng: tiếng tướng đất chuyển động, tiếng sấm, tiếng sét, tiếng kêu của các loài cầm thú,... Ngài còn biết được mọi sự chuyển biến, biết coi các tướng. Ví dụ, khi thấy tướng trạng bay của chim, Ngài có thể biết sự việc xảy ra và các nhân duyên của sự việc.
Tất Bát La Da Na cũng tinh thông nghệ thuật xướng ca, chúc tụng, giải trừ tai ương và các nghi thức cúng tế thần Lửa cùng chư Thiên đại nhân. Tất cả các pháp của Bà la môn, Ngài đều nắm vững và thực hành viên mãn. Những điều này được ghi chép trong kinh Phật Bản Hạnh, phẩm 47: Nhân duyên của Đại Ca Diếp (phần 1).
Không những vậy, Ngài còn có khả năng tự học và truyền dạy cho người khác. Mọi vật trong thế gian không gì là không rõ, không nơi nào là không biết, Ngài rất lanh lợi, sáng suốt, trí tuệ thông minh, có tài lý luận đanh thép, căn tính nhạy bén, khôn ngoan. Ngài là người giỏi toàn diện, từ tâm linh đến tất cả kiến thức thế gian.
Tình duyên phạm hạnh của Ngài Ca Diếp
Tuy sinh ra trong gia đình rất giàu có nhưng Tất Bát La Da Na lại nhìn thấy sự đau khổ, bất tịnh và ô nhiễm trong ái dục nên muốn từ bỏ, xa lìa.
Đến tuổi lập gia đình, cha mẹ tìm mọi cách ép Ngài kết hôn. Dù không muốn, nhưng để làm vừa lòng cha mẹ, Tất Bát La Da Na đã đồng ý. Tuy nhiên, Ngài đặt ra tiêu chuẩn chọn vợ rất khắt khe. Ngài tạc ra bức chân dung người phụ nữ thật đẹp, lấy đó làm tiêu chuẩn để làm khó thân mẫu. Thế nhưng, cha mẹ Ngài vẫn tìm được cô gái đáp ứng được tiêu chuẩn đó và buộc Ngài phải thành thân. Cô gái ấy là Bạt Đà La, con gái của một gia đình Bà la môn ở thôn Ca-la-tỳ-ca.

Nàng Bạt Đà La (ảnh minh họa)
Trùng hợp lạ lùng làm sao, nàng Bạt Đà La cũng không muốn lấy chồng mà chỉ ước ao được xuất gia, sống đời phạm hạnh của một nữ đạo sĩ. Do vậy, dù mang danh nghĩa vợ chồng nhưng Ngài Tất Bát La Da Na và nàng Bạt Đà La sống với nhau như hai người bạn trong sạch; không đụng chạm, không chút ái luyến, vẩn đục. Khi nàng Bạt Đà La ngủ thì Tất Bát La Da Na đi kinh hành và ngược lại.
Về sau, Ngài xuất gia theo Đức Phật và khi đã chứng đắc, Ngài quán chiếu thấy nàng Bạt Đà La đã đi xuất gia nhưng đang tu tập dưới sự hướng dẫn của một vị Thầy ngoại đạo. Ngài bèn nhờ một vị Thánh Ni đi giáo hóa cho nàng quay về quy y Đức Phật. Nàng Bạt Đà La đã đến chỗ Đức Phật xin xuất gia. Nhờ sự tinh tấn tu hành, Tôn giả Bạt Đà La đã chứng đắc đệ nhất Túc Mạng Thông, thấy được các kiếp của vô lượng chúng sinh.
>> Xem thêm: Bài kinh: Tình Duyên Phạm Hạnh Của Ngài Ca Diếp
Sự nghiệp xuất gia tu hành và trở thành đại đệ tử đầu đà đệ nhất
Tất Bát La Da Na sinh trong dòng họ Đại Ca Diếp nên trong nhân gian gọi Ngài là Đại Ca Diếp. Sau khi cha mẹ qua đời, Ngài Đại Ca Diếp lên đường tìm Thầy xuất gia học đạo. Ngày Ngài rời nhà ra đi cũng là ngày Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni thành đạo nơi cội Bồ Đề sau 49 ngày đêm thiền định.

Ngày Tôn Giả Ca Diếp rời nhà tìm Thầy cũng là ngày Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni thành đạo (ảnh minh họa)
Ngài đã đi nhiều nơi, qua nhiều người thầy nhưng vẫn chưa tìm được bậc chân sư. Một hôm, Ngài được mách về Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni là bậc giác ngộ hiện thời. Nhưng Ngài không đến gặp Phật ngay mà đến đạo tràng Trúc Lâm nghe giảng để xem Đức Phật có thật là vị Thầy giỏi như lời đồn hay không.
Một ngày nọ, sau khi đến nghe Đức Phật giảng, trên đường trở về, Ngài Đại Ca Diếp nhìn thấy Đức Phật Thích Ca ngồi dưới một tán cây cổ thụ. Ngay khoảnh khắc ấy, Ngài cảm nhận một sức hút kỳ lạ, liền quỳ xuống và bái xin Đức Thế Tôn làm thầy.
Phật Thích Ca lúc này mới nói: “Như Lai nghe nói về ông đã lâu. Như Lai biết rằng, rồi thế nào ông cũng đến đây xin theo Như Lai tu học và hôm nay chính là ngày ông được mãn nguyện. Sự lưu truyền Phật Pháp trong tương lai sẽ cần tới ông rất nhiều”.
Sau khi thành đệ tử Phật, Ngài Đại Ca Diếp dùng 13 pháp đầu đà để thực hành “Tứ Niệm Xứ” - đoạn trừ các cấu uế trong tâm để thanh tịnh tâm, đắc được trí tuệ và giải thoát. Sau bảy ngày, đến ngày thứ tám từ khi gia nhập đạo, Ngài Ca Diếp đã đắc quả A La Hán. Với sự tinh tấn thực hành 13 Pháp hạnh đầu đà đầy đủ, Ngài được tôn xưng là đệ nhất đại đầu đà.

Ngài Đại Ca Diếp – đệ tử đệ nhất đầu đà của Đức Phật (ảnh minh họa)
Tôn giả Đại Ca Diếp có nhân duyên rất kỳ đặc. Bậc đại trí tuệ - Đức Như Lai đã nói ngay từ lần đầu tiên khi mà Ngài Ca Diếp đến xin học đạo: Sự lưu truyền Phật Pháp trong tương lai sẽ cần tới ông rất nhiều. Sau này, Ngài Ca Diếp đã lãnh hội ý của Phật trong sự kiện niêm hoa vi tiếu - khi Đức Phật đưa lên một bông hoa sen và mỉm cười. Từ đó, Ngài tiếp nhận ngụ ý kết tập kinh điển, gìn giữ Pháp đầu đà mà Đức Phật truyền trao. Sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, Ngài đã làm chủ trì trong cuộc đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất.

Ngài Ca Diếp chính là người được nhận niêm hoa vi tiếu của Đức Phật (ảnh minh họa)
Hạnh nguyện tế độ cho những người nghèo khổ của Tôn giả Ma Ha Ca Diếp
Tôn giả Đại Ca Diếp có hạnh nguyện từ bi, tế độ cho những người nghèo khổ. Khi khất thực, Ngài chỉ đến những nhà nghèo, bởi Ngài biết rằng, do thiếu phước báu nên họ mới lâm vào cảnh nghèo khổ. Ngài khất thực với mong nguyện tạo cơ hội cho họ được gieo trồng cội phước và thoát khỏi cảnh khổ đau.

Tôn giả Đại Ca Diếp có hạnh nguyện từ bi, tế độ cho những người nghèo khổ (ảnh minh họa)
Trong bài kinh Ngài Ma Ha Ca Diếp Độ Bà Lão Nghèo có kể về một bà lão ăn mày rất nghèo khổ, sống nhờ vào sự bố thí của mọi người. Hôm ấy, bà chỉ xin được một bát nước cơm đã bốc mùi để ăn. Ngài Đại Ca Diếp quán xét thấy bà sắp mạng chung. Nếu không tạo phước lành thì khi chết, bà ấy sẽ bị đọa địa ngục do ác nghiệp quá khứ. Do vậy, Ngài quyết định đến khất thực chỗ bà lão.
Bà lão nghèo nghĩ rằng bản thân bà có mỗi bát nước cơm vừa có mùi vừa không ngon lành mà còn đựng ở nơi không sạch sẽ nên không dám cúng dường Ngài và thỉnh Ngài đi nơi khác. Tuy nhiên, Ngài Đại Ca Diếp vẫn đứng yên, chờ bà lão ấy cúng dường.
Những Phật tử, nhân dân ở xung quanh chạy đến, quỳ xuống dâng đồ cúng dường nhưng Ngài đều không nhận. Thấy vậy, bà lão chợt nghĩ, chắc rằng Ngài Ca Diếp muốn tế độ cho bà. Ngay lúc ấy, bà phát sinh đức tin thanh tịnh, dâng bát cơm thiu đó để cúng dường Ngài. Ngài liền mở bình bát, đón nhận phần thức ăn rồi chú nguyện, hồi hướng phước cho bà. Trong ngày hôm đó, bà lão qua đời. Sau khi mất, bà liền được sinh thiên lên cõi trời Đao Lợi.
Qua bài kinh, chúng ta có thể thấy, Ngài Đại Ca Diếp là một trong những vị đại đệ tử Phật - bậc đầu đà đệ nhất, khi cúng dường Ngài thì sẽ được phúc báu hiện tiền ngay hiện đời.
Trong kinh Tán dương hạnh đầu đà, Đức Phật đã dạy: “Nếu hạnh đầu đà được ở đời thì thiên đạo tăng thêm, ba đường ác giảm”. Nghĩa là những ai tán thán, hộ trì hạnh đầu đà; cúng dường, đảnh lễ những bậc tu hành hạnh đầu đà thì sẽ rời được ba đường ác (địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ), được phước báo sinh Thiên.
Trên đây là những chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến - Pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán (Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa) về cuộc đời và sự nghiệp tu hành của đại đầu đà Tôn giả Ma Ha Ca Diếp. Mong rằng quý vị sẽ tinh tấn tu tập và tán thán, hộ trì người tu hạnh đầu đà để được nhiều phúc lành, hạnh phúc và an vui.
Các bài nên xem:
- Tôn giả Đại Ca Diếp và sự thật về câu chuyện niêm hoa vi tiếu
- Bài hát: Sự kiện hạ sinh - Tình duyên phạm hạnh của Tổ sư Ca Diếp
- Hạnh đầu đà khiến Phật Pháp trụ lâu dài ở thế gian
- Sớt bát cúng dường Chư Tăng thực hành hạnh đầu đà nhân ngày vía Ngài Đại Ca Diếp
- Nơi non thiêng Thành Đẳng - Tăng chúng Ba Vàng thực hành hạnh đầu đà, giữ gìn mạng mạch Phật Pháp

Bình luận (500)
Quản trị trang
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Quản trị trang và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.
Nguyễn Thuỷ
Linh Nguyen
nguyễn Thị Luyện
Đỗ Huyền
Nguyễn Thị Thanh Huyền