(Chú thích: Trong bài tên “đồng tử Tất-bát-la-da-na” chính là Ngài Ca Diếp)
Đồng tử Tất-bát-la-da-na con của vị Bà-la-môn đại phú tên là Ni-câu-lô-đà-yết-ba, tại thành Vương xá, nước Ma-già-đà. Đồng tử Tất-bát-la-da-na, đẹp đẽ thông minh, tuy rằng sống trong sự giàu sang, nhưng đồng tử tâm ưa thích hướng về cửa Niết-bàn, thường mong cầu ra khỏi phiền não, chẳng nhiễm pháp hữu vi thế gian, không thọ nghiệp chướng, hệ phược tiêu trừ.
Đồng tử Tất-bát-la-da-na trải qua năm tháng, lần lần lớn khôn, đến tuổi trưởng thành, có thể hưởng dục lạc thế gian. Cha mẹ đồng tử thấy vậy liền bảo đồng tử:
– Này con Tất-bát-la-da-na, cha mẹ muốn chọn người con gái sánh đôi với con để về hầu hạ.
Đồng tử Tất-bát-la-da-na nghe cha mẹ nói như vậy, liền thưa:
– Kính thưa song thân, tâm con không muốn cưới vợ, ý nguyện chỉ muốn tu phạm hạnh.
Khi ấy cha mẹ đồng tử Tất-bát-la-da-na bảo đồng tử:
– Này con yêu quý của ta, việc đầu tiên trong cuộc đời này là con phải có con để nối dõi gia thế, rồi sau đó con mặc tình tu phạm hạnh. Vì sao? Vì việc này có nghe nói trong truyện Tương Thừa: Nếu người không con, không có người nối dõi thì kẻ ấy không được sinh lên trời.
Đồng tử lại thưa cha mẹ:
– Kính thưa song thân, con nay không cần việc tiếp nối sự nghiệp ở đời, cũng không cần kế tục đời sau. Con chỉ cần tu phạm hạnh.
Rồi cha mẹ đồng tử đôi ba phen nói với Tất-bát-la-da-na:
– Con yêu quý của ta cần phải lập gia đình. Vì sao? Vì cha mẹ e rằng nhà chúng ta sẽ bị tuyệt tự.
Lúc ấy đồng tử Tất-bát-la-da-na bị cha mẹ ép buộc đến ba lần nên đồng tử lấy vàng Diêm-phù-đàn bảo thợ khắc thành một hình phụ nữ. Khi người thợ khắc xong, đồng tử mang đến đưa cho cha mẹ và thưa:
– Kính thưa cha mẹ, con không thích thọ hưởng thú vui ngũ dục, nguyện tu phạm hạnh. Nếu cha mẹ quyết định cưới vợ cho con để duy trì gia thế thì cha mẹ phải tìm được người con gái có nhan sắc giống như tượng vàng Diêm-phù-đàn này.
Cha mẹ đồng tử thấy việc như vậy, ưu sầu khổ não chẳng vui, tâm nghĩ thế này: “Ta phải tìm ở xứ nào để có được một người phụ nữ hình sắc như vàng Diêm-phù-đàn?” Khi ấy đại Bà-la-môn Câu-lô-đà ngồi im lặng trên lầu, trong lòng chẳng vui.
Thuở ấy nhà này có một thầy Bà-la-môn khác, thường lai vãng đến nhà Bà-la-môn đại phú. Khi đến nhà Bà-la-môn đại phú, thầy Bà-la-môn thấy đại Bà-la-môn Câu-lô-đà ngồi im lặng buồn rầu liền hỏi:
–… Nhân giả vì cớ gì ngày nay ngồi im lặng không đáp? Từ nhỏ đến giờ ta cùng nhân giả đồng chung khổ vui, ngày nay nhân giả vì lý do gì không bày tỏ cho ta biết?
Khi ấy đại Bà-la-môn Câu-lô-đà thuật lại sự việc cho thầy Bà-la-môn hay. Nói như vậy rồi, đại Bà-la-môn lại than:
– Ngày nay ta biết xứ nào có người con gái nhan sắc như tượng vàng Diêm-phù-đàn!
Thầy Bà-la-môn nói với vị đại Bà-la-môn:
– Này thí chủ đại phú Bà-la-môn, chớ nên ưu sầu khổ não. Nhân giả đã vì tôi làm vị đại thí chủ, bao nhiêu nhu cầu như y phục, thực phẩm, đồ cần dùng… của tôi đều do nhân giả cung cấp. Tôi nay sẽ vì đại thí chủ đi tìm người con gái có nhan sắc như vàng Diêm-phù-đàn. Nhân giả chớ nghi, tôi quyết định sẽ tìm được. Tôi nay cần lương thực và người đi đường, để tôi cùng họ đi khắp bốn phương tìm kiếm.
Đại phú Bà-la-môn nghe thầy Bà-la-môn nói như vậy, liền đem lương thực và bạn đi đường, theo như lời đòi hỏi của thầy Bà-la-môn, đáp ứng một cách đầy đủ.
…Thuở ấy, cách thành Tỳ-da-ly chẳng bao xa có một thôn lớn tên là Ca-la-tỳ-ca, trong thôn có vị đại Bà-la-môn cự phú tên là Sắc-ca-tỳ-la. Bà-la-môn này giàu có của cải, người giúp việc đông đúc, cho đến nhà cửa giống như cung điện Tỳ-sa-môn ở phương Bắc. Bà-la-môn này có một người con gái tên là Bạt-đà-la, hình dung khả ái, nhan sắc tuyệt vời, người đời thích trông ngắm, thế gian không ai sánh bằng, người không cao không thấp, không mập không gầy, nước da không trắng không đen, không xanh không đỏ, tuổi độ thanh xuân, đáng làm bảo vật ngọc nữ cho thiên hạ.
… Lúc thầy Bà-la-môn đi tìm cầu người phụ nữ, mang theo tượng phụ nữ làm bằng vàng Diêm-phù-đàn, ông ta đã thấy nàng Bạt-đà-la.
… Sáng sớm hôm ấy, nàng Bạt-đà-la sau khi thức dậy, đi đến đảnh lễ dưới chân phụ thân, rồi đứng lui về một bên. Khi ấy Bà-la-môn khách đi tìm cầu người phụ nữ, thưa với Bà-la-môn cự phú Ca-tỳ-la:
– Lành thay! Thưa nhân giả, cô gái này là ai?
Ca-tỳ-la đáp:
– Cô gái này là con của tôi.
Vị Bà-la-môn khách lại hỏi:
– Thưa nhân giả, cô gái này ông bà đã đính hôn chỗ nào chưa?
Ca-tỳ-la đáp:
– Con gái tôi chưa hứa gả cho ai cả.
Khi ấy vị Bà-la-môn khách đi tìm cầu người con gái liền bạch chủ nhân Ca-tỳ-la:
– Thưa đại phú nhân giả, nước Ma-già-đà có đại Bà-la-môn tên là Ni-câu-lô-đà-yết-ba, rất giàu có của cải. Người lại có một cậu con trai tên là Tất-bát-la-da-na. Đồng tử hiểu thông các nghĩa, lại dạy cho người khác, đối với ba bộ Vi-đà đều thông suốt, lại thấu rõ luận Nhất Sự Thập Danh và các thơ luận Ni-kiền-chu, luận Vãng Sự Ngũ Minh… Một câu, nửa câu, một bài kệ, nửa bài kệ đều phân tích rõ ràng, giải rõ lời sấm thế gian, biết rõ sáu mươi loại luận, biết rõ các tướng căn bản của bậc đại nhân. Tất cả kỹ nghệ không yếu kém một nghề nào.
Bà-la-môn khách lại thưa:
– Thưa chủ nhân, nay xin nhân giả đem cô gái này gả làm vợ đồng tử Tất-bát-la-da-na.
Đại phú Bà-la-môn và các con trai ông ta nói với Bà-la-môn khách:
–… Lành thay! Thưa sứ giả đại Bà-la-môn, ta nay muốn cho sứ giả đến nhà đàng trai xem xét lễ nghi phong tục thế nào, rồi sau đó ta suy tính có gả con gái hay không?
Vị Đại Bà-la-môn khách thưa:
– Như vậy, tùy ý cho người thăm hỏi.
… Sau khi sứ giả đã thăm nhà đại Bà la môn, thấy của cải nhà đồng tử Tất-bát-la-da-na vô số, danh tiếng lẫy lừng, nên sai sứ giả đến nhà đại Bà la môn chuyển tin đồng ý gả nàng Ca-tỳ-la cho đồng tử Tất-bát-la-da-na.
… Vị Đại Bà-la-môn khách về đến nhà đại Bà-la-môn Ni-câu-lô-đà-yết-ba thưa với ông ta:
– Thưa nhân giả đại Bà-la-môn, chuyến đi hết sức tốt đẹp. Ngài nên vui vẻ, vì tôi đã tìm ra người con gái có sắc vàng như pho tượng Diêm-phù-đàn. Nàng hết sức đoan chánh, thùy mị vô song, mọi người đều thích trông ngắm.
... Đồng tử Tất-bát-la-da-na nghe nói như vậy, được người con gái hợp ý của mình, nghe rồi liền nghĩ: “Ta nay phải đi đến xem người con gái kia thật có đức hạnh, trí tuệ hay không.” Đồng tử Tất-bát-la-da-na liền đến bên cha mẹ quỳ gối thưa:
– Thưa cha mẹ, tâm con thật không thích ngũ dục, nguyện tu phạm hạnh, mà nay đấng song thân đã ép con lập gia đình. Do vậy, ngày nay con phải theo thứ lớp đi khất thực đến xứ ấy để xem người con gái kia có đúng sự thật như lời sứ giả nói hay không.
Cha mẹ liền bảo:
– Nếu thấy hợp thời, con cứ tự ý ra đi.
Rồi đồng tử từ giã quê nhà, đi khất thực theo thứ lớp, lần lần đi đến thôn Ca-la-tỳ-ca. Theo tục lệ nước này, nếu có Sa-môn hay Bà-la-môn đến khất thực, thì tự tay con gái bưng đồ ăn đến dâng.
Lúc ấy nàng Bạt-đà-la từ trong nhà mang thức ăn ra trao tận tay khách đồng tử. Lúc bấy giờ đồng tử Tất-bát-la-da-na thấy cô ta, tâm chàng tự nghĩ: “Đây chính là nàng Bạt-đà-la.” Tự tay nàng dâng thức ăn cho đồng tử rồi lại đảnh lễ dưới chân, đứng lui về một bên.
Đồng tử hỏi:
– Này nhân giả thiện nữ, nàng đã kết duyên với ai chưa?
Cô ta liền đáp:
– Thưa nhân giả đồng tử, nước Ma-già-đà có một làng nọ tên là Ma-ha Yết-ba. Xứ ấy có một thôn Bà-la-môn, trong thôn ấy có một Bà-la-môn cự phú tên là Ni-câu-lô-đà-yết-ba. Bà-la-môn này có một người con trai tên là Tất-bát-la-da-na, cha mẹ tôi đã hứa gả tôi cho đồng tử ấy.
Đồng tử Tất-bát-la-da-na liền đáp lời cô Bạt-đà-la:
– Này thiện nữ, ta nghe nói đồng tử ấy trong tâm không thích ngũ dục, chỉ muốn tu phạm hạnh.
Khi ấy nàng ta liền thưa đồng tử:
– Thật rất hoan hỷ, vì tôi cũng không thích ngũ dục, chỉ muốn tu phạm hạnh mà thôi. Ngày nay cha mẹ hứa gả tôi, đó là ý của người thế gian, tôi thật không muốn. Nay cha mẹ ép tôi, tôi cũng tùy thuận tình đời mà kết duyên với đồng tử kia vậy.
Đồng tử Tất-bát-la-da-na nghe nói vậy liền hỏi cô ta:
– Này nhân giả thiện nữ, cô từ trước đến giờ có thấy đồng tử Tất-bát-la-da-na hay chưa?
Cô ta đáp:
– Thưa thiện đồng tử, tôi chưa từng gặp mặt.
Đồng tử lại nói với cô ta:
– Này thiện nữ, ta chính là đồng tử Tất-bát-la-da-na. Ta thật không thích ngũ dục, nay trong tâm ta chỉ muốn tu phạm hạnh. Việc vợ con là ý của cha mẹ quyến thuộc. Chính cha mẹ ta đã ép ta cưới nàng làm vợ.
Nàng Bạt-đà-la nghe nói như vậy, liền bạch đồng tử:
– Hay thay! Thưa nhân giả đại đồng tử, tôi nghe lời này hết sức vui mừng. Nếu nhân giả quyết định không thích ngũ dục, nay xin nhân giả chẳng để lâu, nên mau mau đến rước tôi, chớ để khiến có người thế gian khác không phạm hạnh đến cầu tôi làm vợ.
Đồng tử Tất-bát-la-da-na nghe vậy rồi liền quay trở về nhà, đi đến bên cha mẹ, quỳ mọp bạch:
– Thưa cha mẹ, con thật sự không thích ngũ dục thế gian, chỉ muốn tu phạm hạnh. Vì song thân muốn cưới vợ cho con nhưng phải mau mau rước dâu về nhà.
Khi ấy cha mẹ đồng tử Tất-bát-la-da-na liền cùng đại Bà-la-môn Ca-tỳ-la-ca lập tờ giao kết nạp tiền sính lễ, tùy sự đòi hỏi ít nhiều, sắm đủ các thức ăn uống cao lương mỹ vị, chuỗi anh lạc vô giá, y phục diệu hảo… rồi chọn ngày lành tháng tốt đem nhiều tài bảo đi nạp lễ để rước nàng Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da về kết duyên với con mình.
Sau khi rước cô dâu về nhà, ở trong một căn phòng đã bày sẵn hai chiếc giường mà đồng tử và cô dâu ở trong phòng này, nhưng cả hai đều thúc liễm thân tâm, không xúc nhiễm với nhau.
Khi cha mẹ đồng tử Tất-bát-la-da-na biết được chuyện này mới suy tính: “Hai trẻ ở trong một phòng mà không xúc nhiễm với nhau, ta phải tìm cách nào để cho hai trẻ gần gũi nhau? Nếu cất bớt một chiếc giường, chỉ để lại một cái, hai người phải ngủ chung một giường thì tự nhiên chúng nó đụng chạm với nhau.”
Nhưng hai người vẫn không đụng chạm. Nếu đồng tử Tất-bát-la-da-na nằm ngủ, thì nàng Bạt-đà-la đứng dậy đi kinh hành. Nếu nàng Bạt-đà-la nằm ngủ thì đồng tử Tất-bát-la-da-na lại đứng dậy đi kinh hành. Cứ như vậy trải qua nhiều năm, hai người hoàn toàn không nằm ngủ chung với nhau.
Vào một hôm, chính lúc nàng Bạt-đà-la đang nằm ngủ, còn chồng của nàng thì đứng dậy đi kinh hành. Ngay khi ấy có con hắc xà sắp bò ngang qua mà nàng đang ngủ say, có một cánh tay thòng khỏi thành giường, Tất-bát-la-da-na thấy rắn nọ bò gần đến cánh tay nàng, trong tâm nghĩ: “Sợ rắn độc cắn vào tay nàng”, nên Tất-bát-la-da-na liền dùng áo bao lấy tay mình, rồi cầm cánh tay nàng Bạt-đà-la đặt lên giường. Do vì xúc chạm vào cánh tay nên nàng Bạt-đà-la liền thức dậy, lo sợ, buồn rầu, tâm sinh ngờ vực chẳng vui, liền thưa hỏi Tất-bát-la-da-na:
– Thưa thánh tử hiền thiện, lúc trước nhân giả nói với tôi lời thề kiên cố: “Ý ta không muốn thọ hưởng ngũ dục, chỉ mong tu phạm hạnh.” Vì cớ sao hôm nay thánh tử lại móng tâm như vậy?
Tất-bát-la-da-na đáp:
– Đúng như vậy! Tâm tôi không muốn ái dục.
Bạt-đà-la lại hỏi:
– Nếu thánh tử không muốn ái dục, tại sao hôm nay lại nắm tay tôi?
Lúc ấy Tất-bát-la-da-na cứ như sự thật thuật lại:
– Lúc nãy có một con hắc xà bò ngang qua đây. Ta thấy tay nàng thòng xuống dưới giường. Khi ấy tâm ta sợ rắn phun nọc độc cắn tay nàng nên dùng áo bao lấy bàn tay ta, rồi mới nắm tay nàng để trên giường. Thật sự không cố ý va chạm.
Cứ như vậy, hai người thay nhau ngủ và đi kinh hành. Trải qua mười hai năm ở trong một phòng, ngủ chung một giường mà không xúc chạm nhau. Sau một thời gian, cha mẹ Tất-bát-la-da-na qua đời. Vì gia nghiệp to lớn, lại phải đứng ra điều hành, Tất-bát-la-da-na đích thân trông coi việc bên ngoài ruộng vườn…, còn nàng Bạt-đà-la trông coi tất cả tài sản, công việc trong nhà.
… Khi Tất-bát-la-da-na đi kiểm tra đồng ruộng, vì thấy cảnh chúng sinh nơi đồng nội chịu vô lượng các thứ khổ não, như thấy sự cực nhọc của bò cày, bị nông dân đuổi mãi cho không tạm nghỉ. Thấy vậy, tâm sinh khổ não, cúi đầu làm thinh suy nghĩ thế này: “Ôi thôi! Tất cả chúng sinh chịu khổ não như vậy!
Rồi Tất-bát-la-da-na trở về nhà, trong tâm rất ưu sầu, dung mạo buồn bã, ngồi cúi đầu suy nghĩ. Nàng Bạt-đà-la thấy chồng mình ngồi cúi đầu ưu sầu tư duy như vậy, liền đến bên cạnh thưa:
– Thưa thánh tử, vì cớ gì hôm nay người ngồi cúi đầu, trong tâm ưu sầu không vui như vậy?
… Tất-bát-la-da-na nói:
–… Này thiện nữ, vào sớm mai này, ta từ nhà ra đi, kiểm tra sự canh tác, thấy các chúng sinh đi đứng qua lại chịu các khổ não không ngừng. Lại thấy những con bò cày chẳng từng tạm nghỉ. Ta thấy vậy rồi suy nghĩ thế này: “Ôi thôi! Ôi thôi! Tất cả chúng sinh chịu tất cả khổ não.” Do vậy, ta ngồi cúi đầu, trong tâm chẳng vui.
Khi ấy nàng Bạt-đà-la thưa với chồng:
– Thưa thánh tử thiện nhân, tôi nay cũng thấy việc rất đau khổ như vậy.
Người chồng hỏi:
– Này nhân giả hiền thiện, nàng thấy sự đau khổ gì?
Người vợ Bạt-đà-la theo thứ lớp trình bày về việc mè đen phơi nắng, thấy trong mè có trăm ngàn sâu lúc nhúc. Tất-bát-la-da-na mới nói với nàng Bạt-đà-la:
– Này nhân giả hiền thiện, ở tại gia khó tu phạm hạnh thanh tịnh, khó thoát khỏi khuyết điểm sai lầm tổn hại sinh linh, trọn đời không thể chấm dứt. Chi bằng một mình một bóng tu phạm hạnh mới được vừa lòng.
Nàng Bạt-đà-la thưa:
– Bạch thánh tử, rõ ràng như vậy. Hai chúng ta phải xả tục xuất gia.
Tất-bát-la-da-na liền nói với Bạt-đà-la:
– Này nhân giả hiền thiện, nàng nay nên ở tại nhà để ta đi tìm thầy. Nếu tìm được rồi sẽ báo tin cho nàng biết, nàng sẽ xả tục xuất gia sau.
Tất-bát-la-da-na liền kêu tất cả người phục dịch nam nữ trong nhà và bảo họ:
– Này tất cả các người, tiền của và những gì ta hiện có như lúa, gạo… đều thuộc quyền sở hữu của các người, ta nay đều buông bỏ, muốn xuất gia tu phạm hạnh, nhàm chán nó.
Rồi Tất-bát-la-da-na lấy chiếc áo nỉ màu trắng vô giá của mình làm thành y Tăng-già-lê và nhờ người xuống tóc. Khi xuống tóc, ông ta nói thế này:
– Ở thế gian có thể có vị Đại A-la-hán xuất gia. Ta nay theo vị ấy mà tu học.
Bấy giờ ở thế gian chưa có A-la-hán xuất gia, chỉ trừ Đức Thế Tôn Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Vào một buổi sáng ngày kia, mặt trời vừa ló dạng, Đức Thế Tôn chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng chính lúc ấy đêm hôm trước đã qua, mặt trời vừa xuất hiện, Tất-bát-la-da-na tìm lối xuất gia.
Tất-bát-la-da-na sinh trong dòng họ Đại Ca-diếp nên trong nhân gian gọi Tất-bát-la-da-na là Đại Ca-diếp. Sau khi xuất gia rồi, Đại Ca-diếp tuần tự vào trong các xóm làng, theo thứ lớp mà đi khất thực.
Một thuở nọ, Đại Ca-diếp theo thứ lớp du hành, đi đến nước Ma-già-đà, rồi đến làng Ma-già-đà, tiếp đến thôn Na-đồ-đà, thuộc thành Vương xá. Ở nơi đây Đại Ca-diếp bỗng nhiên thấy Đức Thế Tôn ở chỗ thờ thần kỳ, vị thần này tên là Đa Tử, ngồi sau Đức Thế Tôn. Thân hình Thế Tôn hết sức đoan chánh, giống như các vì sao tô điểm bầu trời ban đêm. Đại Ca-diếp thấy vậy, tâm liền thanh tịnh, không có nghi ngờ: “Ta, ngày hôm nay quyết định thấy được Giáo Sư. Ta, ngày hôm nay quyết định thấy Bậc Vô Thượng. Ta ngày hôm nay quyết định thấy Bậc Nhất Thiết Trí. Ta ngày hôm nay quyết định thấy được Thế Tôn Nhất Thiết Trí. Ta thấy được Thế Tôn. Ta thấy được Đấng Vô Ngại Tri Kiến. Ta thấy được Phật.”
Tâm Đại Ca-diếp được thanh tịnh như vậy, luôn luôn chánh niệm không tán loạn, đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, rồi ở trước Phật quỳ gối bên phải sát đất, thưa:
– Bạch Đức Thế Tôn, con là đệ tử Thanh văn của Ngài. Cúi xin Thế Tôn làm thầy con, con là đệ tử Thanh văn của Thế Tôn.
… Lúc ấy Đức Phật chỉ dạy cho Đại Ca-Diếp về các pháp nhân duyên, kính trọng, tàm quý, quán tướng sinh diệt trong thân ngũ ấm.
Trưởng lão Đại Ca-diếp được Đức Phật chỉ dạy đối với thân ngũ ấm sinh tâm bất tịnh, thường đi khất thực mà sống, trải qua bảy ngày cho đến tám ngày, y như pháp tu hành, được sinh trí tuệ.
Sau khi Đức Thế Tôn dạy cho Đại Ca-diếp như vậy rồi, từ tòa đứng dậy ra đi.
…Và nhờ tinh tấn đầu đà không bao lâu sau Ngài đắc quả A La Hán, với danh đệ nhất đầu đà.
Nói về nàng Bạt-đà-la do không tìm được Thiện sư nên theo ngoại đạo Ba-ly-bà-xà-ca xuất gia học đạo. Nàng tu tập tinh cần, thành tựu pháp ngoại đạo, chứng được Thiền thứ tư, đủ năm phép thần thông. Do thành tựu oai lực nên danh tiếng đồn khắp.
Bấy giờ Đức Thế Tôn đã cho phép phái nữ xuất gia. Khi ấy Ma-ha Ba-xà-ba-đề cùng năm trăm người phụ nữ dòng họ Thích đều được xuất gia. Bà kiến lập chúng Tỳ-kheo-ni để phát huy Phật pháp.
Lúc ấy Trưởng lão Đại Ca-diếp suy nghĩ, nhớ lại: “Ta thuở trước ra đi xuất gia, có hứa với nàng Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da, nếu tìm được Thiện giáo sư, cần phải cho nàng biết để nàng được xuất gia học đạo.” Rồi ngài lại nghĩ: “Hiện giờ nàng Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da ở đâu?” Trưởng lão nhập định tìm kiếm, dùng Thiên nhãn thanh tịnh vượt hơn mắt loài người, thấy nàng ta xuất gia tu học với ngoại đạo Ba-ly-bà-xà-ca, đang hành đạo tại bờ sông Hằng.
… Đại Ca-diếp liền kêu Tỳ-kheo-ni đắc thần thông đến giáo hóa cho quay về quy y Đức Phật.
… Sau đó nhờ tinh tấn tu mà đã đắc quả A La Hán chứng Túc Mạng thông bậc nhất bên ni chúng và được Đức Phật thọ ký:
– Này các Tỳ-kheo, trong hàng Tỳ-kheo-ni chứng Túc mạng thông thì Tỳ-kheo-ni Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da này là người bậc nhất. Phàm những điều thưa hỏi của các Tỳ-kheo-ni khác, người đều biết trước.
Bấy giờ chúng Tỳ-kheo-ni cho việc hết sức hy hữu, mọi người đều ca ngợi: “Tỳ-kheo-ni Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da này thật là hy hữu! Thật là hy hữu! Trong chúng Tỳ-kheo-ni có những vị xuất gia đã lâu, tu tập phạm hạnh, chưa ai được mau chứng thần thông như Tỳ-kheo-ni Bạt-đà-la Ca-tỳ-lê-da.”
(Trích soạn nguồn: Kinh Phật Bản Hạnh Tập, quyển 45, 46, 47, phẩm 47: Nhân duyên của Đại Ca Diếp (phần 1 và phần 2) và phẩm 48: Nhân duyên vợ chồng Bạt-đà-la. Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người Ấn độ.)
Các bài xem thêm:
Bình luận (1)
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.
Nguyễn Thị Nguyệt
NAM MÔ PHẬT BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI? CON XIN THÀNH KÍNH TRI ÂN CÔNG ĐỨC CỦA NGÀI ĐẠI CA DIẾP. CON XIN THÀNH KÍNH CÔNG ĐỨC TRÊN SƯ PHỤ CÙNG CHƯ TÔN ĐỨC TĂNG NI Ạ