Angulimala là ai? Hành trình kỳ diệu từ tướng cướp thành Thánh nhân

Angulimala là một vị thánh Tăng nổi tiếng trong kinh điển Phật giáo. Nhưng trước đó, Ngài từng là nỗi khiếp sợ của cả một vùng dân chúng, với quá khứ giết người hàng loạt một cách dã man. Đến khi được gặp, tu hành theo Đức Phật, Ngài đã chứng đắc Thánh quả A-la-hán, giải thoát khỏi mọi đau khổ, phiền não.

Vậy làm thế nào một tên cướp với hàng loạt tội ác có thể đạt được giác ngộ và trở thành bậc Thánh? Hãy cùng khám phá hành trình “lạ thường” của Ngài Angulimala qua bài viết sau đây.

Angulimala là ai?

Chàng trai hiền lành, chính trực trở thành tướng cướp khét tiếng

Angulimala trước kia có tên là Ahimsaka, con của một vị Bà-la-môn tại vương quốc Kiều Tát La (Kosala) dưới triều vua Ba Tư Nặc (Pasenadi).

Trước khi trở thành một tên cướp khét tiếng, Ahimsaka vốn là người có trí tuệ, tài năng vượt trội và đầy đủ các đức tính tốt đẹp. Chàng luôn mong muốn sẽ trở thành một vị Bà-la-môn xuất chúng, phụ trách các việc tế tự lễ nghi cho nhà vua và mang lại lợi ích cho muôn dân. Cha mẹ chàng cũng mong muốn Ahimsaka sẽ trở thành người đứng đầu trong giáo phái Bà-la-môn.

Ahimsaka có trí tuệ, tài năng vượt trội và đầy đủ các đức tính tốt đẹp (ảnh minh họa)

Ahimsaka có trí tuệ, tài năng vượt trội và đầy đủ các đức tính tốt đẹp (ảnh minh họa)

Vì thế, chàng đã được cha mẹ gửi đến một vị thầy Bà-la-môn tên là Mani để học hỏi. Vị thầy này có kiến thức uyên thâm, nổi tiếng ở thành phố Takkasila. Sau nhiều năm theo thầy học đạo, Ahimsaka trở thành một người học trò xuất sắc, lại rất cung kính và phụng sự thầy; tính tình hiền hòa, cương nhu đầy đủ nên được thầy Mani rất quý mến.

Ahimsaka vốn có khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú nên đã khiến cho người vợ trẻ của thầy Mani đem lòng yêu mến chàng. Nhân lúc thầy Mani đi xa, cô ta tìm cách quyến rũ Ahimsaka, ép Ahimsaka có mối quan hệ tình cảm với mình, nhưng đã bị chàng từ chối. 

Lo lắng Ahimsaka sẽ thưa chuyện này với chồng, cô ta đã tìm cách vu oan cho Ahimsaka, rằng chàng có hành động bất chính với mình, khiến thầy Mani rất tức giận và muốn tìm cách triệt hạ Ahimsaka.

Thấy mình đã già, không có sức để so với Ahimsaka, lại thêm dạy cho Ahimsaka hết các võ thuật rồi, ông thầy Mani quyết định tìm cách hạ thủ trước. Ông ta nghĩ, nếu tự tay đầu độc hoặc giết Ahimsaka thì tiếng ác bị vang xa, từ đó mà bổng lộc cũng tiêu vong, nên giết Ahimsaka mà không phải tự ra tay mới là thượng sách. Ông ta ra điều kiện, nếu Ahimsaka giết đủ 1000 người, mỗi người cắt một ngón tay út xâu vào chuỗi để làm bằng chứng, thì ông ta mới truyền cho Ahimsaka bí thuật cuối cùng. 

Vì là người kính thầy, trọng đạo, luôn mong mỏi trở thành một Bà-la-môn thông đạt, lại không muốn phụ lòng tin của cha mẹ, sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi ích cho nhiều người; cho nên, tuy lăn tăn suy nghĩ nhưng Ahimsaka cũng vẫn làm đúng như lời thầy Mani dặn, quyết chí ra đi, giết cho đủ 1000 mạng người để quay về học được môn học bí truyền.

Ông thầy Mani lên kế hoạch hãm hại Ahimsaka (ảnh minh họa)

Ông thầy Mani lên kế hoạch hãm hại Ahimsaka (ảnh minh họa)

Có thể thấy, Ahimsaka là một học trò hết mực tin tưởng thầy, nghe theo mọi điều thầy dạy và là người biết hy sinh sự vị kỷ của bản thân. Tuy nhiên, vì gặp phải người thầy tà nên Ahimsaka đã bước vào con đường sai lầm, bị tha hóa và khiến cuộc đời trượt dài trên tội lỗi.

Lúc mới đầu, chàng cũng cảm thấy rất sợ hãi. Nhưng sau này, khi việc giết người đã trở thành một thói quen, Ahimsaka thấy mình như một cỗ máy, giết người mà không khởi lên bất kỳ ý niệm nào. Chàng giết người giỏi đến mức quan quân triều đình cũng không bắt được. 

Trong Kinh Aṅgulimāla (Aṅgulimālasutta) có viết: “Trên đường này, có mười người, hai mươi người, ba mươi người, bốn mươi người, năm mươi người, tụ họp lại, tụ họp lại rồi cùng đi. Tuy vậy, họ vẫn rơi vào tay của tên cướp Angulimala.”

Cứ giết được một mạng người, Ahimsaka lại cắt một ngón tay phơi khô rồi đeo vào cổ để làm chứng. Từ đó, Ahimsaka có biệt danh là Angulimala; có nghĩa là kẻ cướp giết người, cắt đầu ngón tay xâu thành vòng đeo ở cổ.

Tên cướp giết người không gớm tay được Phật độ thành Thánh

Angulimala giết hại quá nhiều người khiến cho dân chúng sợ hãi bỏ đi hết. Sau nhiều ngày lùng sục nhưng chẳng tìm được một ai, hắn đành định giết mẹ mình để cho đủ 1000 người và nhanh chóng học được “bí kíp” của thầy. Hôm đó, Đức Phật nhập đại bi định, sau khi quán sát chúng sinh hữu duyên để tế độ, Ngài thấy Angulimala. Ngài biết Angulimala chỉ cần nghe vài câu thuyết ngôn, ông ta sẽ có thể phát sinh đức tin trong sạch, từ bỏ mọi hành động tội lỗi, về sau sẽ chứng đắc Thánh quả A-la-hán cùng với thắng trí. Ngài đã quyết định đến độ cho ông. 

Khi Angulimala sắp xuống tay thì hắn gặp Đức Phật, hắn đã quyết định sẽ giết Phật thay cho mẹ. Angulimala chạy đuổi theo Phật, nhưng hắn chạy nhanh đến đâu cũng không thể đuổi kịp Ngài. Tức giận, hắn quát lớn: “Này ông Sa-môn kia, sao tôi gọi mà ông không chịu dừng lại!”. Đức Phật đáp: “Này Angulimala! Như Lai đã dừng lại lâu rồi! Như Lai đã dừng lại đao, dừng lại trượng, dừng lại và từ bỏ tất cả mọi sự giết hại đối với chúng sanh; dừng lại con đường tội ác! Còn con, chính con mới là người chưa chịu dừng đao, trượng, chưa chịu dừng lại sự sát hại chúng sanh, chưa chịu dừng lại con đường tội ác!”

Khi nghe được những lời đó, Angulimala bừng tỉnh, nhận ra con đường tội ác mà mình đang đi, ăn năn và quỳ xuống, xin Đức Phật cho đi xuất gia.

Angulimala đuổi theo đòi giết Đức Phật để cắt lấy ngón tay thứ 1000 (ảnh minh họa)

Angulimala đuổi theo đòi giết Đức Phật để cắt lấy ngón tay thứ 1000 (ảnh minh họa)

Khi biết tướng cướp khét tiếng Angulimala nay đã gia nhập Tăng đoàn của Đức Phật, trở thành một vị Tỳ kheo, vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) liền cung kính, chắp tay đảnh lễ và xin phụng sự Tôn giả Angulimala; mặc dù trước kia vua đã muốn dẫn quân truy bắt tên cướp Angulimala. Rồi vua Ba Tư Nặc tán thán Đức Phật và Pháp của Ngài đã nhiếp phục, làm cho an tịnh được tên tướng cướp - điều mà gậy, kiếm không thể nào làm được.

Angulimala được Đức Phật hóa độ và gia nhập Tăng đoàn (ảnh minh họa)

Angulimala được Đức Phật hóa độ và gia nhập Tăng đoàn (ảnh minh họa)

Sau này, Tôn giả Angulimala bị dân chúng trả thù bằng cách đánh đập, ném đá nhưng Ngài đã chịu đựng cho tới chết để chứng minh cho sự hối hận và lòng hướng thiện của mình. Ngài đã quay đầu lại tu hành, đã chịu quả báo và chứng đắc quả vị A-la-hán giải thoát.

Tôn giả Angulimala bị dân chúng đánh đập, ném đá (ảnh minh họa)

Tôn giả Angulimala bị dân chúng đánh đập, ném đá (ảnh minh họa)

Như vậy có thể thấy, bằng tất cả tấm lòng chân thật cầu đạo giải thoát, Angulimala đã hết mực nghe lời dạy và tin tưởng vào thầy Bà-la-môn, dù lúc đầu đã đi sai đường khiến xa rời mục đích cao thượng. Nhưng sau này, với đức tính đó, Ngài vẫn có nhân duyên được Đức Phật độ, thậm chí còn trở thành một thánh Tăng giải thoát.

Cho nên, tâm vâng lời và tâm chân thật cầu đạo là vô cùng quan trọng. Những tâm cao quý đó sẽ giúp chúng ta tìm được vị thầy chân chính, chỉ dạy cho mình được đi trên con đường hạnh phúc.

Lời nguyện chân thật của Angulimala mang lại hạnh phúc cho chúng sinh

Một hôm, trên đường khất thực trở về, Tôn giả Angulimala thấy một thiếu phụ sắp lâm bồn. Người phụ nữ ấy đau đớn, vật vã mãi nhưng vẫn không sinh được. Tôn giả lo lắng nhìn người phụ nữ kêu gào. Ngài liền về bạch xin Phật chỉ cách để giúp người thiếu phụ đó được an toàn. Đức Phật đã chỉ dạy Tôn giả Angulimala đến chỗ người đàn bà ấy và phát lời nguyện chân thật: “Này bà chị, vì rằng tôi từ khi sanh ra chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sanh, mong rằng với sự thật ấy, bà được an toàn, và sanh đẻ được an toàn!”. Biết trong kiếp này mình đã giết rất nhiều người, Tôn giả lo lắng Ngài sẽ tự nói dối. Khi đó, Đức Phật đã dạy rằng: “Này Angulimala! Từ khi sinh ra, tức là kể từ ngày con được sinh ra trong dòng dõi giáo pháp Thánh tộc.”

Y theo lời dạy của Thế Tôn, Tôn giả liền hoan hỷ thực hành theo và quả thực, người thiếu phụ đó đã sinh con an toàn. 

Angulimala nghe lời Phật đến phát nguyện lời chân thật để hồi hướng phước lành cho thiếu phụ đang trong cơn пguу kịch (ảnh minh họa)

Angulimala nghe lời Phật đến phát nguyện lời chân thật để hồi hướng phước lành cho thiếu phụ đang trong cơn пguу kịch (ảnh minh họa)

Tháp Angulimala ở Ấn Độ – CLB Cúc Vàng viếng thăm Thánh tích

Hiện nay, ở Ấn Độ vẫn còn lưu giữ Tháp Angulimala để Nhân dân, Phật tử khắp nơi trên thế giới chiêm bái, nhớ tưởng đến Ngài. Di tích này được xác định bởi ngài Sir Cunningham - nhà khảo cổ học nổi tiếng của nước Anh, có đóng góp rất to lớn trong việc khai quật di tích Phật giáo.

Tháp Angulimala ở gần thành Xá Vệ, được làm bằng gạch, có hầm chui ở giữa và có đánh dấu nơi Đức Phật thuyết Pháp cho Ngài Angulimala.

Hình ảnh Tháp Ngài Angulimala tại Ấn Độ

Hình ảnh Tháp Ngài Angulimala tại Ấn Độ

Hằng năm, Phật tử trong CLB Cúc Vàng đều có những hành hương đến miền đất Phật - Ấn Độ để viếng thăm các Thánh tích của Phật giáo. Khi được tận mắt chứng kiến và đảnh lễ những Thánh tích xuất hiện trong lời kinh được học, các Phật tử trong câu lạc bộ được tăng trưởng tín tâm, hoan hỷ trong việc thực hành giáo Pháp của Đức Như Lai.

Trong chuyến hành hương, các Phật tử cũng tới viếng thăm Thánh tích Tháp Angulimala và được Cô Phạm Thị Yến (Tâm Chiếu Hoàn Quán) - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cúc Vàng chia sẻ về cuộc đời và sự nghiệp tu hành của Thánh Tăng Angulimala, từ đó hiểu sâu sắc hơn về nguyện lực độ sinh của Ngài. 

Đoàn hành hương Phật tử CLB Cúc Vàng đến thăm Tháp Angulimala

Đoàn hành hương Phật tử CLB Cúc Vàng đến thăm Tháp Angulimala

Đoàn hành hương chụp ảnh lưu niệm tại Tháp Angulimala - Ấn Độ

Đoàn hành hương chụp ảnh lưu niệm tại Tháp Angulimala - Ấn Độ

Mong rằng, qua bài viết này, quý độc giả sẽ hiểu được hơn về cuộc đời của Tôn giả Angulimala cũng như sự vi diệu của Phật Pháp - có thể cảm hóa và đem lại hạnh phúc cho muôn loài chúng sinh. Hy vọng quý vị sớm được một lần đặt chân đến miền đất Phật, viếng thăm các Thánh tích Phật giáo linh thiêng để tăng trưởng niềm tin, tích lũy phước báu.

Các bài nên xem:

-
aa
+
62 lượt xem
04/01/2025

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. Ban quản trị

    28/06/2024
    Ban Quản trị và Chủ sở hữu Website Phạm Thị Yến tuyên bố nghiêm cấm và miễn trừ trách nhiệm đối với mọi bình luận, hình ảnh liên quan đến:
    - Chủ quyền của đất nước;
    - Các vấn đề về chính trị;
    - Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
    - Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
    Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.