Kính thưa quý đạo hữu!
Trong cuộc đời của mỗi con người, chúng ta luôn tự đặt ra cho mình câu hỏi: “Làm sao cho chúng ta bớt khổ?”. Trong giáo Pháp của Phật có phần giải thoát khổ dành cho những người có trí giải thoát, đi xuất gia thực hành giáo Pháp, buông bỏ tất cả để cầu Thánh quả. Còn Phật tử chúng ta là những người Phật tử tại gia thì Phật dạy cho chúng ta để bớt khổ.
Cuộc đời chúng ta có mong cầu rất nhiều, chúng ta mong cầu không được như ý cho nên chúng ta khổ. Tại sao chúng ta mong cầu mà chúng ta không được như ý? Đó là vì trong vô lượng kiếp trước, chúng ta đã từng tham lam, sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, say sưa, nghiện ngập,... Đó chính là nguyên nhân dẫn đến các khổ trong hiện tại của người tại gia chúng ta.
Bây giờ, muốn bớt khổ thì điều đầu tiên chúng ta phải làm đó chính là dừng các nghiệp ác. Thứ nhất, không gây các nghiệp tà kiến nữa, tà kiến sẽ sinh ra quả khổ, chính kiến thì sinh ra phúc báu. Chính kiến là gì? Là mình biết được nghiệp do thân, khẩu, ý gây ra; cho nên khi mình biết như vậy, mình sẽ không oán trách người khác. Bởi thế, khi có chính kiến về nhân quả, chúng ta sẽ dừng được nghiệp; biết cách sửa đổi trên thân, khẩu, ý của mình. Mình có chúng sinh oán kết nào thì mình sẽ cúng dường, tạo phúc, hồi hướng cho họ; vậy là mình vừa dừng nghiệp, lại vừa chuyển được nghiệp. Tất cả mọi việc của chúng ta, chúng ta phải biết cách chuyển hóa ngay từ khi chúng ta chưa bị nghiệp chi phối. Cũng giống như khi chúng ta nhìn thấy dấu hiệu gió to, mây đen kéo đến thì chúng ta đi thu quần áo, cất thóc, mặc áo mưa trang bị vào,... Cho nên, người trí là người biết cách dừng nghiệp và chuyển hóa trước khi bị nghiệp chi phối. Còn khi chúng ta đã bị nghiệp chi phối thì rất khó để chuyển.
Chúng ta biết về tâm linh thì chúng ta sẽ tự tại trong cuộc đời này, tự mình làm chủ được suy nghĩ, lời nói và việc làm của mình. Khi mình làm chủ được thì tức là mình có thể chuyển hóa nghiệp; khi chuyển hóa nghiệp rồi thì những chúng sinh mà chúng ta bố thí là chúng oán kết chưa báo cho chúng ta, khi chúng ta đã hồi hướng thì chúng oán kết đó sẽ trở thành chúng hộ trì. Cho nên trong kinh Phật dạy: Dù dưới đất hay hư không, những chúng sinh nào nhận được bố thí đều phát tâm hộ trì.
Là người tu Phật không chấp nhận rằng chuyện gì cũng là nghiệp kiếp trước an bài, nghiệp kiếp này an bài kiếp sau. Đến khi nào chúng ta bị vào dòng nghiệp, bị nghiệp chi phối thì chúng ta sẽ khởi ý thiện trong từng ngày một. Cho nên Đức Phật mới dạy: Sáng khởi niệm an lành, buổi sáng được an lành; trưa khởi niệm an lành, chiều được an lành; chiều khởi niệm an lành, tối được an lành. An lành là mình giảm nghiệp đi so với nghiệp mình có từ trước mà đáng ra mình phải bị.
Bởi vậy, khi hiểu nhân quả, biết dừng nghiệp chúng ta sẽ được rất nhiều, trí tuệ của chúng ta sẽ được phát sinh, chúng ta sẽ trở thành người thiện lành và được phước báo lớn. Cho nên, muốn cho cuộc đời này bớt khổ, chúng ta phải có chính kiến về nhân quả, tư duy trong chính kiến và biết dừng nghiệp. Chúng ta phải có tư duy rằng nghiệp không cố định, nghiệp biến đổi do tâm con người vô thường, tâm vô thường thì mình làm chủ được tâm.
Khi tâm chúng ta luôn tư duy về nhân quả thì chúng ta sẽ tạo ra một dòng thiện trong tâm. Chính dòng thiện này đưa chúng ta vào dòng giải thoát, thoát khỏi tâm ác và được thiện tâm chi phối khiến chúng ta không bao giờ giận hờn và khiến ta tha thứ một cách rất nhanh và quán chiếu nhân quả cũng rất nhanh. Như vậy, ta cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện mình hại ai hay ai hại mình nữa, vì tất cả chúng sinh oán kết với ta đều theo dòng tâm thiện của ta mà được chuyển hóa, đó gọi là tự độ. Nhưng muốn tự độ được thì các bạn phải biết xả thí cúng dường, giữ gìn giới luật, tin sâu nhân quả; rồi đến một lúc nào đó việc đó đầy đủ thì chúng ta mới có được phần tự độ, tức là trong từng tâm niệm của chúng ta lúc nào khởi lên bất thiện thì chúng ta lập tức xoay lại thành thiện được ngay.
Cho nên, Phật tử chúng ta quán chiếu thế gian, chúng ta mới biết dừng nghiệp của mình. Chúng ta muốn có được chính kiến về nhân quả thì phải nghe học nhiều về Phật Pháp, sau đó thực hành và thấy được lợi ích, tức là trạch Pháp giác chi, tinh tấn giác chi sẽ sinh ra hỷ giác chi. Đó là khi mình có sự chuyển hóa từ Pháp cho nên sinh ra hỷ tâm, hỷ tâm rồi mình mới được an lạc!
Chúc các quý đạo hữu luôn luôn tinh tấn!
Các bài nên xem:
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.