Chuyện sinh tử là điều mà con người không thể tránh khỏi trên thế gian này. “Chết” cũng giống như việc đi qua một cánh cửa đến một thế giới mà chúng ta không hề biết. Chính vì lẽ đó nên khi gia đình ai đó có người thân mất, họ thường rất hay lo lắng và thắc mắc rằng khi đi qua thế giới bên kia thì người thân có được thọ thực đầy đủ không; có biết rằng mình đã chết rồi không; hoặc xa hơn là đang ở cảnh giới nào? Bài viết sau đây sẽ trả lời phần nào thắc mắc của quý vị, xin mời theo dõi.
Mục lục [Hiển thị]
- Một Số Thắc Mắc Sau Khi Người Thân Mất
- Cúng Cơm 49 Ngày, Người Thân Có Thọ Nhận Được Không?
- Khi Sống Thích Ăn Gì Thì Nay Sẽ Cúng Món Đó Có Được Không?
- Khi Sống Người Mất Không Ăn Chay Mà Trong 49 Ngày Cúng Đồ Chay Họ Có Thọ Thực Được Không?
- Người Mất Có Biết Rằng Mình Đã Qua Đời Không?
- Thần Thức Của Người Mất Trong 49 Ngày Ra Sao?
- Sau 49 Ngày Thì Họ Đi Đâu?
Một Số Thắc Mắc Sau Khi Người Thân Mất
Câu hỏi:
1. Trong 49 ngày cúng cơm cho người mới mất thì những đồ ăn mình hiến cúng họ có thọ thực được không ạ? Mọi người nói khi sống thích ăn gì thì cúng đó có đúng không ạ? Khi sống, người mất không ăn chay mà trong 49 ngày cúng đồ chay họ có thọ thực được không ạ?
2. Bố con khi mất không trong trạng thái hôn mê sâu không biết gì và không dặn dò được vợ con câu gì. Vậy khi mất thần thức bố con có biết là mình đã chết và liệu bố con có vấn vương không siêu thoát được không ạ?
3. Trong 49 ngày thần thức của người mất như thế nào ạ? Trong 49 là thời gian để họ được siêu thoát và phân định xem họ vào cõi nào phải không ạ?
Cô Trả Lời: Cô chào em! Cô xin gửi lời chia sẻ cùng gia đình, nguyện cho hương linh của cụ được phúc lành. Cô xin trả lời những thắc mắc sau khi người thân mất:
Cúng Cơm 49 Ngày, Người Thân Có Thọ Nhận Được Không?
Các đồ lễ sau khi hiến cúng cho người mất, sau đó gia đình vẫn dùng được.
Khi Sống Thích Ăn Gì Thì Nay Sẽ Cúng Món Đó Có Được Không?
Khi bỏ thân này, thọ sinh sang thân khác ở cõi nào thì sẽ ăn được đồ ăn của cõi đó theo nghiệp. Ví dụ: Bà Thanh Đề đọa địa ngục, tuy rằng rất muốn ăn cơm, nhưng nghiệp lực đói khổ của bà đã khiến bát cơm hóa thành than lửa không ăn được. Chúng ta thấy có hương linh về nhập vào người nhà đòi ăn đòi mặc, nhưng khi mình dâng cúng lúc đó, họ tưởng như sẽ được hưởng nên họ rất vui, chúng ta hỏi họ, họ sẽ bảo là đủ rồi. Nhưng khi họ thoát ra khỏi người bị nhập, chưa chắc đồ đó họ đã dùng được.
Đức Phật dạy chúng ta cúng tế không dùng mạng chúng sinh là để cho hương linh không khởi tâm ác. Đức Phật dạy ta tụng kinh để hương linh nghe, có thể hương linh hiểu được nhân quả, biết được thiện ác mà theo tâm của người thân sẽ hoan hỷ với các điều thiện, khiến sinh thêm phúc lành cho hương linh. Đức Phật dạy ta cúng dường hồi hướng cho hương linh để hương linh có đủ phúc mà thoát khổ.
Cho nên, gia đình cúng chay, tụng kinh, cúng dường Tam Bảo để hồi hướng cho hương linh (theo kinh Vu Lan, kinh Địa Tạng, kinh Cúng Linh, Ngạ Quỷ Ngoại Bức Tường...). Nếu cúng cho hương linh bằng mạng của chúng sinh, tuy rằng hương linh không thọ được, nhưng hương linh sinh tâm hoan hỷ với việc sát sinh, sẽ làm cho hương linh bị tăng thêm nghiệp ác, nên sẽ khổ hơn. Các trường hợp hương linh nhập vào người ăn thịt uống rượu, đó chỉ là hương linh đang thoả mãn tính tham, còn đồ ăn đó là thân của người bị nhập đang thọ dụng, nên có trường hợp ăn rất nhiều mà không no bụng, vì hương linh chưa thấy hết đói.
Khi Sống Người Mất Không Ăn Chay Mà Trong 49 Ngày Cúng Đồ Chay Họ Có Thọ Thực Được Không?
Cô đã trả lời ở ý trên, Cô sẽ lấy thêm ví dụ: Nếu sau khi chết, được sinh lên trời thì họ sẽ ăn thức ăn của người trời, mà không ăn thức ăn của cõi người. Nếu sau khi người ở Việt Nam chết, mà đầu thai vào thành người của Châu Âu, thì sẽ ăn bánh mì là chính, chứ không ăn cơm là chính; nếu sau khi người chết, mà sinh làm con trâu thì ăn cỏ;... Nên nếu người sau khi chết làm hương linh, thì nên cúng chay theo lời Phật dạy.
Người Mất Có Biết Rằng Mình Đã Qua Đời Không?
Sau khi chết một thời gian không lâu, người chết đều biết là họ chết, còn việc là nhớ được những chuyện khi còn sống hay không, còn phụ thuộc vào nghiệp duyên của mỗi người. Trong kinh Pháp Cú có câu chuyện đàn khỉ bị chết trôi và được sinh lên trời, họ không biết tại sao chết, tại sao lại được sinh lên trời, nhưng họ biết họ vừa được sinh lên trời. Sau họ hỏi chúng chư Thiên, họ mới biết được (chúng chư Thiên biết được chuyện thế gian). Cũng như mình được sinh ra ở cõi đời này, một thời gian mình biết là mình ở cõi đời này, nhưng mình không biết đời trước của mình thế nào, tại sao lại chết, chỉ có số ít người biết được. Như câu chuyện của bà lão ăn xin, khi cúng dường cho ngài Xá Lợi Phất, nhờ đó được sinh Thiên; sau khi sinh Thiên bà tự biết được lý do. Ở cõi người cũng có người biết được (tìm hiểu các câu chuyện trên thế giới).
Bố em được gia đình quan tâm lo lắng, như vậy là bố đã có thiện duyên đối với mọi người trong gia đình, nên gia đình tụng kinh làm công đức hồi hướng phúc cho bố, bố sẽ được lợi ích.
Thần Thức Của Người Mất Trong 49 Ngày Ra Sao?
Đức Phật dạy sau khi bỏ thân này, chúng sinh thọ ngay thân khác trong lục đạo (đối với chúng sinh chưa chứng quả giải thoát). Nếu người sau khi mất, sinh làm ngạ quỷ, hương linh thì họ sẽ thọ dụng được đồ cúng của người cúng, tương ứng với nghiệp của họ, thần thức của họ trong tướng của ngạ quỷ.
Sau 49 Ngày Thì Họ Đi Đâu?
Nếu người sau khi mất, theo nghiệp lực sinh làm ngạ quỷ (hương linh), nếu tâm ái của họ với gia đình và tâm ái của gia đình đối với họ lớn, thì sẽ tạo thành dòng cộng nghiệp. Họ sẽ tăng thiện nghiệp hay ác nghiệp theo các việc làm thiện hay ác của người thân (do vui theo hoặc sân giận). Do đó mà nghiệp lực của họ biến đổi. Thường thì sau 49 ngày, người thân sẽ lo việc riêng của mình, sự luyến ái đối với người mất giảm dần, nên lực của nghiệp do tâm ái tạo ra, không đủ để chiêu cảm tâm của người đã mất nữa, do đó tâm người mất không biến đổi được theo tâm của người thân nữa, khi đó họ định nghiệp theo nghiệp của họ (nghiệp cũ khi còn sống và nghiệp tham ái,... từ một phía của họ với người thân). Nếu người mất nào mà có người thân có tâm luyến ái của họ mạnh, và họ cũng luyến ái người thân đó, thì cả hai sẽ ảnh hưởng tương tác nghiệp với nhau. Ví dụ: Trường hợp người yêu chết, vợ chồng yêu nhau mà chết trẻ....
Có thể sau 49 ngày họ vẫn bị định nghiệp làm ngạ quỷ, nhưng khổ hơn là cảnh của ngạ quỷ khi vừa mới mất, do cộng nghiệp xấu ác với người thân, vì người thân giết mạng sinh vật để cúng tế và mời thầy tà đạo trấn yểm; hoặc cha mẹ vừa chết, con cái bất hòa, tranh giành tài sản;... khiến tâm họ sân hận. Cho nên, trong kinh Địa Tạng có dạy: "Người vừa mất như người đi đường xa gánh nặng, người thân sao lại nỡ chất thêm cho họ nữa ư..."
Có thể sau 49 ngày, gia đình cũng tụng kinh sám hối, làm công đức hồi hướng cho họ, nhưng vẫn chưa đủ phúc để họ được sinh về cõi lành thì họ cũng được chuyển hóa bớt khổ. Và nếu gia đình làm lễ cúng dường chư Tăng hồi hướng phúc cho họ, thì cũng có thể họ được vào chùa theo chư tăng mà tu tập, như trong bài kinh "Ngạ quỷ nghe kinh", dần họ cũng được siêu thoát.
Có thể sau 49 ngày, họ được siêu thoát được sinh về cảnh giới an lành là do gia đình tụng kinh sám hối, khiến cho họ nghe hiểu kinh và cũng tự sám hối được nghiệp chướng; gia đình lại làm đủ công đức hồi hướng đủ phúc cho họ, khiến họ tăng phúc mà được siêu thoát.
Chúng ta sinh tử trong luân hồi đều do tâm ái, chỉ bao giờ đoạn sạch tâm ái thì chúng ta mới giải thoát. Muốn biết mình sau khi chết sẽ sinh về đâu thì ngay bây giờ xem mình ái với suy nghĩ, lời nói, việc làm thiện hay ác; tâm mình ái kính với người đáng kính, hay là ái với người bất thiện; tâm mình ái với đức hạnh cao quý hay hạ liệt. Mình cũng có thể quan sát những người xung quanh như vậy.
Xem thêm:
Bình luận (1)
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.
Hưng phạm