Hành trình chăm sóc, yêu thương hàng trăm “đứa con” chưa bao giờ đơn giản và không phải là điều dễ dàng. Cũng vậy, tình nguyện viên ở Khóa tu mùa hè chùa Ba Vàng đang nỗ lực hàng ngày để chăm sóc cho hàng ngàn khóa sinh.
Bài viết sau đây chia sẻ những kỹ năng mà Cô Phạm Thị Yến – Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng – Tập Tu Lục Hòa hướng dẫn, giúp hành trình của tình nguyện viên trở thành một hành trình ngập tràn yêu thương, phát triển bản thân mạnh mẽ, mang lại nhiều niềm vui và lợi ích cho các bạn khóa sinh. Kính mời quý vị đón đọc!
Mục lục [Hiển thị]
- 1. Cách ổn định khóa sinh hiệu quả
- (1) Không ổn định quá sớm
- (2) Ổn định khóa sinh có nghĩa là cho khóa sinh biết vị trí
- (3) Để các em tự do trong khuôn khổ
- (4) Đưa cho khóa sinh điều các em quan tâm
- 2. Cách dỗ khóa sinh nhớ nhà: Khơi gợi tinh thần trách nhiệm
- 3. Hiểu và thương để cư xử tinh tế
- (1) Rèn luyện phản xạ quan sát tinh tế, xử lý thành công qua hiểu và thương
- (2) Khi có hiểu và thương thì sẽ không có giận hờn
1. Cách ổn định khóa sinh hiệu quả
(1) Không ổn định quá sớm
Dù ở lứa tuổi nào, các em cũng không thể ngồi một chỗ quá lâu. Vì vậy, trước một chương trình, chúng ta không nên ổn định các em khóa sinh quá sớm. Đặc biệt, không thể yêu cầu các em ngồi ngay ngắn, trật tự trong khoảng thời gian dài chờ đợi. Chúng ta cũng không làm được như vậy, cho nên không thể ép người khác làm những điều mình không làm được.
Nếu chúng ta ổn định các em quá sớm, chúng ta vừa mất công nhắc nhở mà lại khiến khóa sinh ngồi quá lâu trong tư thế không đúng với lứa tuổi, khiến các em không còn đủ sức khỏe và tinh thần tham gia chương trình. Như vậy, chúng ta có thể sẽ phá vỡ chương trình hoặc buổi chia sẻ hôm đó.
(2) Ổn định khóa sinh có nghĩa là cho khóa sinh biết vị trí
Ổn định khóa sinh là chúng ta nói trước với các em khóa sinh vị trí cần tập trung và ổn định các em trước giờ sao cho vừa đủ thời gian. Mỗi nhóm có một biển hiệu, khi cần tập trung, mỗi tình nguyện viên sẽ giơ cao biển hiệu thì các em sẽ biết để đứng vào vị trí đó.
(3) Để các em tự do trong khuôn khổ
Tức là chúng ta hãy để các em tự do một chút, không nên yêu cầu các em phải ngồi ngay ngắn, yên lặng. Khi chương trình bắt đầu, sư Phụ, chư Tăng đi vào, tự khắc các em sẽ lặng yên.
(4) Đưa cho khóa sinh điều các em quan tâm
Tình nguyện viên cần có sự linh hoạt trong giao tiếp, tìm hiểu để nắm bắt tâm lý mỗi lứa tuổi khóa sinh và đưa ra hoạt động phù hợp trong khi ổn định lớp. Bởi các em chỉ quan tâm đến những gì các em quan tâm và không quan tâm đến những gì người khác quan tâm. Vì vậy, muốn các em ổn định, chúng ta phải đưa ra điều mà các em quan tâm.
Bởi việc này là yếu tố của tâm. Tâm phải có mục tiêu, tức là phải có nơi để hướng tới. Nếu không có nơi để hướng tới thì tự nó sẽ đi tìm chứ không thể lặng yên một chỗ, chúng ta không thể yêu cầu các em ngồi lặng yên. Chúng ta phải hiểu được con người để quản trị con người, không thể bắt người khác theo ý mình. Chúng ta phải làm sao để khơi gợi tinh thần tự giác. Mà tự giác thì phải đi đôi với lợi ích, có lợi ích mới có tự giác.
Ví dụ: Chúng ta nhận định được lớp chúng ta thiên về tính cách trầm lắng hay sôi nổi thì chúng ta dồn câu chuyện của mình vào tính cách của các em. Hay có những câu chuyện gì, chúng ta sẽ kể hoặc gợi ý, để các em đưa ra ý kiến của mình, làm sao không khí được sôi nổi. Sôi nổi thì mới không bị mệt. Chúng ta cũng có thể nghĩ ra những trò chơi đơn giản để thu hút sự quan tâm của các em.
2. Cách dỗ khóa sinh nhớ nhà: Khơi gợi tinh thần trách nhiệm
Khi có những em khóa sinh khóc vì nhớ nhà, chúng ta không nên dỗ dành các em như dỗ trẻ con. Nếu vậy thì các em sẽ mãi mãi là trẻ con. Chúng ta cần đưa những tư duy phù hợp với các em để các em phát triển, làm sao để các chúng lớn hơn những gì chúng đang lớn; chứ không phải khiến chúng bé hơn những gì chúng đang bé. Mục đích của chúng ta là giúp các em tự lập, tự lo cho mình và có tinh thần lo cho người khác. Tức là chúng ta khơi gợi và kích thích ý thức tự giác, trách nhiệm để các em trưởng thành.
Ví dụ: Nếu chúng ta dỗ: “Thôi em ngủ đi, có anh đây rồi” thì các em sẽ trở thành trẻ con, sẽ khóc nhiều hơn bởi lúc ấy em không cần chúng ta, em cần mẹ.
Mặt khác, nếu chúng ta nói rằng: “Về đây em phải tập sống tự lập nhé! Sau này em còn phải bảo vệ mẹ, lo cho gia đình và đất nước. Thế nên, em cần phải sống tự lập và không để mẹ phải lo lắng cho mình nhiều nữa!” thì sẽ khiến các em lớn lên. Chúng ta phải làm sao hướng dẫn các em đúng vị trí, đúng tầm của chúng.
Chúng ta luôn có thói quen chăm sóc các em, và các em nhỏ thì cũng luôn luôn phải cần gì đó ở chúng ta. Tuy nhiên, trong mỗi người đều có tâm muốn cho đi, muốn lo cho người khác. Khi các em nhận một công việc lo cho người khác thì tinh thần trách nhiệm tự nảy sinh. Chúng ta cần khơi gợi tinh thần trách nhiệm đó.
3. Hiểu và thương để cư xử tinh tế
(1) Rèn luyện phản xạ quan sát tinh tế, xử lý thành công qua hiểu và thương
Chúng ta phải tạo cho mình thói quen và huân tập phản xạ nhìn nhận tinh tế, sâu sắc, giải quyết thành công thông qua hiểu và thương. Chỉ có hiểu và thương mới thành tựu được quan sát tinh tế để giải quyết thành công các vấn đề. Hiểu và thương là chìa khóa của cuộc đời.
Ví dụ: Khi các em làm vỡ cốc, thường có 2 kiểu phản xạ:
Kiểu thứ nhất thì sẽ trách móc, nặng nề: Làm ăn hậu đậu thế, lần sau đừng có làm, đi ra kia đi,…
Kiểu thứ hai thì sẽ nhìn ngay xuống đất xem mảnh vỡ ở đâu, nhắc nhở không được di chuyển để tránh dẫm phải thủy tinh, giúp đỡ dọn dẹp sạch sẽ,…
Kiểu người thứ hai là người đã huân tập cho mình phản xạ cư xử tinh tế, giải quyết vấn đề thành công; giúp các em không bị hoảng hốt, sợ hãi mà được an ổn, không gặp nguy hiểm, đem lại bài học về cách cư xử cho các em,… Đây là phản xạ và là sự thanh cao tốt đẹp của con người. Những điều này sẽ không thể xuất hiện nếu chúng ta không chịu rèn luyện.
>>> Đón đọc những yêu thương của Phật tử chùa Ba Vàng cho khóa sinh: Những “bàn tay thương” ở khóa tu mùa hè chùa Ba Vàng: Cha mẹ khóa sinh hãy yên tâm
(2) Khi có hiểu và thương thì sẽ không có giận hờn
Chúng ta nhắc nhở các em khóa sinh với tâm thương yêu, nhắc nhở giúp cho người thành công, sẽ giúp các em được hoan hỷ. Với mỗi lứa tuổi, chúng ta cần hiểu tâm lý để cư xử cho phù hợp.
Ví dụ, với những em khóa sinh ở lứa tuổi nhỏ (khoảng lớp 5 – lớp 7), nếu các em hờn giận thì là do người khác chưa hiểu các em. Vậy chúng ta là những người tình nguyện viên, chúng ta phải xem các em cần gì. Mình có thể hỏi: “Các em có cần giúp đỡ không?”. Đó là lời nói khiến các em giãi bày được tâm tư.
Tuy nhiên, với những độ tuổi lớn hơn, chúng ta chủ động nói như vậy lại không phù hợp. Bởi các em ở ngưỡng cửa đang trưởng thành nên sẽ cảm thấy tự giải quyết được. Chúng ta lại phải chia sẻ kiểu khác. Đầu tiên là làm quen, rồi làm thân thì các em mới chia sẻ cho mình.
Cho nên, trong mỗi khóa tu, chúng ta phải học được cách dỗ dành, sự chia sẻ bằng lời nói, sự cảm thông bằng hành động và chúng ta sẽ có nhiều cách tư duy, ứng xử. Chúng ta sẽ phát triển được cả nội tâm và bên ngoài.
Công đức làm tình nguyện viên mang lại lợi ích cho chúng ta trong kiếp này và nhiều đời nhiều kiếp về sau. Chính vì vậy, hy vọng mỗi chúng ta sẽ cố gắng tận dụng nhân duyên của mình một cách tối đa, để đời nào kiếp nào chúng ta cũng được hạnh phúc.
Không chỉ vậy, đây là cơ hội giúp chúng ta rèn luyện tâm mình. Bởi muốn rèn luyện tâm thì chúng ta phải ở nơi tâm biến động liên tục – nơi có ngoại cảnh cần phải tìm hiểu, ngoại cảnh cần phải thành tựu. Có ngoại cảnh thì chúng ta mới thành tựu được tâm của mình.
Chúc các bạn thành tựu được yếu tố hiểu, thương, quan sát tinh tế, giải quyết vấn đề theo hướng thành công trong khóa tu và học hỏi trong cả cuộc đời để chúng ta được phát triển; mang lại lợi ích cho mình và cho số đông.
Các bài nên xem:
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.