Trên cung đường diễu hành rực rỡ sắc hoa, cả đất trời như hòa cùng nhịp hân hoan đón mừng ngày Đức Phật đản sinh.
Chiều ngày 07/4/Ất Tỵ, tại chùa Ba Vàng diễn ra lễ diễu hành xe hoa kính mừng Phật đản - là một điểm nhấn đặc biệt trong chuỗi sự kiện Đại lễ Phật đản PL.2569 - DL.2025. Chương trình như tái hiện khoảnh khắc thiêng liêng khi hơn 2.600 năm trước, Thái tử Tất Đạt Đa xuất hiện giữa nhân gian - một bậc Đại Giác Ngộ đã ra đời để mang ánh sáng chân lý cứu độ muôn loài.
Khi đó, Phạm Thiên, chư Thiên trong ba ngàn cõi mở hội vui mừng, nhạc trời reo vang, vạn loài hoan hỷ, trời người kết cờ rải hoa, người dân thành Ca Tỳ La Vệ reo ca chúc tụng, mừng Đấng Đại Giác Ngộ ra đời.
Âm vang trời người thuở xưa như vọng lại trong lòng người hôm nay, nhạc hoa khoe sắc, cờ ngũ sắc tung bay, từng đoàn xe hoa uy nghi lướt qua trong ánh mắt xúc động của bao người con Phật – như sống lại thời khắc lịch sử tại vườn Lâm Tỳ Ni.
Chương trình được tổ chức theo Thông bạch của GHPGVN về tổ chức Đại lễ Phật đản PL.2569 - DL.2025. Đây không chỉ là sự kiện tôn vinh ngày Thái tử Tất Đạt Đa đản sinh, mà còn là dịp để nuôi dưỡng tâm tri ân, gieo duyên Phật Pháp, kết nối lòng người qua tinh thần từ bi và đoàn kết.
Đặc biệt, khi tham gia hay hướng tâm đến chương trình, Nhân dân, Phật tử sẽ được tăng trưởng tâm tri ân, gieo trồng cội phước, vun bồi thiện duyên hướng đến an lạc đời này và giải thoát trong vô lượng kiếp sau.
Nhân dân, Phật tử hân hoan, phấn khởi tái hiện khung cảnh dân chúng thành Ca Tỳ La Vệ hơn 2.600 năm trước khi Đức Phật đản sinh cõi đời
Mục lục [Hiển thị]
Hân hoan buổi lễ diễu hành xe hoa kính mừng Đức Phật đản sinh
Trong khuôn viên chùa Ba Vàng, cờ hoa rực rỡ, tiếng hát vui tươi vang lên khắp nơi, hòa cùng bước chân diễu hành rộn ràng, tay vẫy cờ ngũ sắc, đèn hoa sen, đèn lồng, đèn trời mang sắc màu Phật giáo,... tạo nên một khung cảnh nô nức, hân hoan.
Khung cảnh diễu hành rực rỡ cờ hoa với tiếng hát vui tươi... Các khối diễu hành rộn ràng, rực rỡ sắc màu
Giữa dòng người là các mô hình xe hoa được thiết kế công phu, nổi bật với các biểu tượng Phật giáo như chữ Vạn, bình bát và các dấu mốc lớn trong cuộc đời Đức Thế Tôn: từ khi đản sinh, xuất gia tìm cầu chân lý giải thoát để cứu chúng sinh thoát khỏi khổ đau, đến khi thành đạo và nhập Niết bàn.
Các mô hình xe biểu tượng của Phật giáo Các mô hình xe về những dấu mốc lớn trong cuộc đời Đức Phật
Tham gia buổi diễu hành, ông Bá Nam 71 tuổi (Đà Nẵng) chia sẻ: “Ông đã tham gia diễu hành kính mừng Đức Phật đản sinh mấy năm rồi; cảm thấy rất vui vẻ, hân hoan; dù đi bộ diễu xe hoa một quãng đường khá xa nhưng ông vẫn rất khỏe và phấn chấn”.
Ông Bá Nam (Đà Nẵng) rất vui khi diễu hành kính mừng ngày Đức Phật đản sinh
Cô Hà Thị Lượng (Đắk Lắk) chia sẻ: “Các Phật tử được tập tu Pháp lục hòa nên khi tham gia chương trình, dù rất đông, rất náo nhiệt nhưng mọi người đều rất nề nếp và trang nghiêm”.
Mỗi người đều ý thức giữ gìn trật tự, không chen lấn, không ồn ào mà biết ái kính, nhường nhịn lẫn nhau. Đó chính là tinh thần lục hòa của các Phật tử trong CLB Cúc Vàng đang tập tu theo lời Phật dạy.
Cô Hà Thị Lượng (Đắk Lắk) chia sẻ niềm hân hoan khi tham gia diễu hành xe hoa kính mừng ngày Đức Thích Ca ra đời
Phật giáo gắn kết hòa bình thế giới
Giữa dòng người rộn ràng trong lễ diễu hành, những tà áo dài thướt tha, váy áo dân tộc rực rỡ từ mọi miền Tổ quốc như đang kể một câu chuyện đẹp về Việt Nam - đa dạng trong văn hóa, hòa hợp trong lòng dân. Đó là sắc phục sặc sỡ của đồng bào vùng cao, là khăn piêu duyên dáng của cô gái Thái, chiếc áo bà ba dịu dàng miền Tây,... Mỗi bộ trang phục là một mảnh ghép của đất nước, hòa chung trong bức tranh dân tộc rạng rỡ và hòa hợp.
Tất cả không có khoảng cách nào, chỉ có một tình cảm chung: niềm hoan hỷ trong ngày kỷ niệm Đức Phật đản sinh – người mang ánh sáng từ bi cho cuộc đời.
Và không chỉ là trang phục Việt, trong lễ diễu hành còn xuất hiện đa sắc màu những bộ trang phục đặc trưng của bạn bè quốc tế: Hanbok (Hàn Quốc), Sari (Ấn Độ), Sarafan (Nga),... Tất cả như cùng hòa vào khối diễu hành – cùng chung tâm nguyện học lời Phật dạy, sống thiện lành, mang lại lợi ích cho mình và người.
Nhân dân, Phật tử từ mọi vùng miền của Việt Nam tham gia diễu hành mừng ngày kỷ niệm Đức Thế Tôn đản sinh Đa dạng trang phục Việt Nam và các quốc gia trên thế giới hòa làm một trong dòng người diễu hành kính mừng ngày Đức Thế Tôn ra đời
Chị Phương Anh (Hà Nội) chia sẻ: “Không khí buổi lễ diễu hành thật sự rất đông vui, náo nhiệt. Mình thấy mọi người mặc rất đa dạng trang phục dân tộc Việt Nam, có cả trang phục thời Trần nữa. Mình có cảm giác mọi người có sự gắn kết, niềm tự hào dân tộc, mong muốn tôn vinh lên giá trị, sự hòa bình và đoàn kết của đất nước Việt Nam đến nhiều người hơn. Thật sự khi tham gia chương trình này, mình mới thấy các Phật tử yêu nước đến nhường nào. Đây đúng là tinh thần Phật Pháp đồng hành cùng dân tộc.
Không chỉ có mỗi trang phục dân tộc Việt Nam, mình còn thấy nhiều Phật tử khoác lên trang phục của bạn bè quốc tế: Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan,... Khi đi diễu hành trong dòng người như vậy, mình có cảm giác như đang ở một không gian được kết nối, gắn kết với mọi người trên thế giới. Quả thật, đạo Phật là bình đẳng, dù là ai, chỉ cần có tư duy và tâm thế cởi mở thì đều có thể đến với Phật Pháp.
Đây là lần thứ ba mình tham gia diễu hành xe hoa kính mừng ngày Đức Phật đản sinh tại chùa Ba Vàng rồi. Cảm giác lần này rất khác. Năm đầu tiên, mình chỉ là một du khách đến chùa, còn bây giờ, mình có thể hòa nhập với các Phật tử ở đây, cùng chung bước trong đoàn xe hoa để hướng tâm vui mừng đến sự kiện kỷ niệm ngày Đức Thế Tôn ra đời”.
Chị Phương Anh ở Hà Nội (áo dài đỏ) cùng các Phật tử hòa mình trong dòng người diễu hành xe hoa mừng Đức Phật đản sinh
Quả thật, đạo Phật - với tinh thần bình đẳng, từ bi và trí tuệ – đã trở thành cây cầu bắc nhịp – đưa người với người gần nhau hơn, xóa nhòa khoảng cách và đều hướng đến hòa bình chung của nhân loại. Điều này phù hợp với thông điệp của GHPGVN PL.2569 - DL.2025: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững".
Tán thán điều đáng được tán thán – Gieo trồng cội phúc cho muôn đời
1. Nhân duyên được diện kiến chư Phật và được chư Phật thọ ký
Diễu hành xe hoa để tán dương sự xuất hiện vĩ đại của Thái tử Tất Đạt Đa (Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau này); từ đó, hướng tâm nguyện cầu giáo Pháp Phật được tuyên dương, chúng sinh đầy đủ duyên lành thực hành giáo Pháp của Phật mà được thoát khổ. Và với sự hân hoan, tán dương này, nguyện mong sẽ là nhân, là duyên để một kiếp nào đó được diện kiến chư Phật và được chư Phật thọ ký như tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã được Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký.
Tán dương sự đản sinh cao quý để hướng tâm nguyện cầu giáo Pháp của Phật được tuyên dương
2. Được phước sinh lên cõi trời
Và như trong kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy: “Có suy tư, có thẩm sát, không tán thán người không xứng đáng được tán thán; có suy tư, có thẩm sát, tán thán người xứng đáng được tán thán; có suy tư, có thẩm sát, tự cảm thấy không tin tưởng đối với những chỗ không xứng đáng được tin tưởng; không suy tư, không thẩm sát, tự cảm thấy tin tưởng đối với những chỗ đáng tin tưởng.
Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời”.
Như vậy, có suy tư, có thẩm sát, tán thán người đáng được tán thán, xứng đáng được sinh lên cõi trời. Sự đản sinh của Thái tử Tất Đạt Đa là sự kiện đáng được tán thán; bởi sự kiện này mở đầu cho sự thành tựu, ban bố Pháp giải thoát tối thượng cho chúng sinh. Cho nên, sự đản sinh của Ngài là tối thắng, tối thượng. Sự đản sinh này đem đến phúc lành to lớn cho những ai hoan hỷ, tán thán, ca tụng và đảnh lễ.
Tán thán sự đản sinh hy hữu, vị tằng hữu của Thế Tôn là nhân duyên được sinh lên cõi trời
Lễ diễu hành xe hoa kính mừng ngày Đức Phật đản sinh tại chùa Ba Vàng không chỉ là một sự kiện văn hóa tâm linh đặc sắc, mà còn là dịp để mỗi người con Phật thể hiện lòng tôn kính, tri ân sâu sắc đối với bậc Thầy vĩ đại, Đấng Cha Lành của chúng sinh – Đức Thế Tôn.
Qua từng bước chân diễu hành, từng ánh đèn hoa rực rỡ và lời ca tán thán, mỗi người sẽ gieo trồng những hạt giống thiện lành, vun bồi cội phúc để hướng đến đời sống an lạc, hạnh phúc và giải thoát trong tương lai. Đồng thời, sự kiện còn là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, yêu nước và ý nghĩa cao cả của đạo Phật trong việc góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, bền vững. Chính nơi đây, giữa dòng người nô nức trong ánh sáng từ bi và trí tuệ, ta có thể cảm nhận rõ ràng nhất lời dạy của Đức Phật vẫn đang tiếp tục lan tỏa, nâng đỡ muôn người trên hành trình tìm về chân thiện mỹ.
Các bài xem thêm:
Bình luận
Quản trị trang
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Quản trị trang và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.