Vườn Lộc Uyển (Sarnath), hay còn gọi là vườn nai, cách thành Ba-la-nại khoảng 13km. Đây là một trong bốn Thánh tích quan trọng trong Phật giáo. Tại đây, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lần đầu tiên chuyển Pháp Luân, lần đầu thuyết Pháp độ cho người xuất gia. Và Ngài đã thuyết ra chân lý giải thoát; tức là chân lý của khổ, nguyên nhân của khổ, chỗ diệt khổ - Niết Bàn và cách diệt hết tất cả khổ.
Vườn Lộc Uyển đã trở thành điểm đến du lịch tâm linh linh thiêng của rất nhiều Tăng Ni, Phật tử, du khách trên thế giới. Đến đây, du khách có thể tham quan và chiêm bái các dấu tích của Phật giáo vẫn còn được lưu giữ lại như: Hương thất của Đức Phật, tháp Chuyển Pháp Luân, trụ đá Vua A Dục, tháp Xá Lợi,...
Mời quý vị tìm hiểu về Vườn Lộc Uyển và những câu chuyện của Đức Phật xung quanh Thánh tích này trong bài viết dưới đây nhé!
Mục lục [Hiển thị]
- Nhân duyên Đức Phật chuyển Pháp luân lần đầu tiên tại Vườn Lộc Uyển
- Những dấu tích quan trọng ở Vườn Lộc Uyển
- 1. Tháp Chuyển Pháp Luân (Tháp Chánh Pháp - Dhamekh)
- 2. Tháp Xá Lợi (Sri Dharmaràjikà)
- 3. Trụ đá vua A Dục
- 4. Hương thất Đức Phật
- 5. Đền thờ Ngài Da Xá
- Vườn Lộc Uyển: Thánh tích linh thiêng - nơi sinh ra phước báu
- CLB Cúc Vàng hành hương Ấn Độ - Vườn Lộc Uyển
Nhân duyên Đức Phật chuyển Pháp luân lần đầu tiên tại Vườn Lộc Uyển
Vườn Lộc Uyển là nơi Đức Phật lần đầu tiên thuyết ra chân lý giải thoát trong cuộc đời hành đạo và cũng là nơi Đức Phật xuất gia cho năm anh em ông Kiều Trần Như. Khi ấy, Tam Bảo (bao gồm Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo) mới xuất hiện. Trước đó, khi Đức Phật chưa có đệ tử xuất gia thì mới có Nhị Bảo, bao gồm Phật Bảo và Pháp Bảo.
Năm anh em ông Kiều Trần Như là bạn đồng tu khổ hạnh cùng Thái tử Tất Đạt Đa (Đức Phật sau này) trong sáu năm khổ hạnh rừng già. Sau đó, Đức Phật thấy Pháp tu khổ hạnh không đưa đến giải thoát, Ngài quay trở về tu theo lối tu trung đạo. Ngài đi đến nơi cội Bồ Đề, nhập thiền định, chứng đắc vô thượng Bồ Đề. Sau khi chứng đắc, Ngài ở lại cội Bồ Đề bảy tuần lễ để trải nghiệm hạnh phúc của thiền và độ cho các chúng hữu duyên ở đó.
Khi ấy, Đức Phật quán sát nhân duyên, biết được năm người họ đang ở tại Vườn Lộc Uyển và sẽ được độ tại nơi đây. Cho nên, Đức Phật đi đến đó để hóa độ cho họ. Bài Pháp về Tứ diệu đế mà Đức Thế Tôn thuyết giảng đã chiết phục được năm anh em và họ đã chứng đắc quả A-la-hán.
Những dấu tích quan trọng ở Vườn Lộc Uyển
Vườn Lộc Uyển còn lưu giữ nhiều dấu tích quan trọng gắn liền với lịch sử Phật giáo, đánh dấu nơi Đức Phật chuyển Pháp luân lần đầu. Việc lưu giữ này có công rất lớn của vua A Dục.
Vua A Dục (Ashoka) xuất hiện vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch, khoảng 200 năm sau khi Đức Phật nhập Niết bàn. Ngài là con của vua Tần Đầu Sa La (Bindusàra) xứ Cam-pa-la.
Vua A Dục quyết tâm đi tìm tất cả những Thánh tích, di tích - nơi Đức Phật đản sinh, thành đạo, nhập Niết bàn, hay những nơi Ngài từng đặt chân đến, để đánh dấu làm ấn tích cho đời sau, việc này đã được ghi chép trong sử sách.
Một số dấu tích nổi bật tại Vườn Lộc Uyển bao gồm:
1. Tháp Chuyển Pháp Luân (Tháp Chánh Pháp - Dhamekh)
Là công trình oai nghiêm nhất ở vườn Lộc Uyển (Sarnath), có kiến trúc hình trụ đứng, đường kính thiết diện mặt đáy là 28.5m và cao 43.6m. Trong thời triều đại Gupta, phần dưới của phần tháp được bao bọc bằng đá, có khắc chữ rất đẹp. Bảng điêu khắc gồm có những chữ cổ điển nhất dạng dấu hiệu Swastikas được khắc theo nhiều mẫu hình học khác nhau, với một vòng hoa sen khắc tay chạy từ trên xuống dưới. Theo như những dòng ghi chú bằng chữ khắc của Vua Mahipala triều đại Pala (năm 1026 sau Tây lịch), thì tên nguyên thủy của tháp này là Tháp Chuyển Pháp Luân (Dhammacakka stupa). Ban Khảo Cổ Ấn Độ (Archeological Survey of India – ASI) đã sử dụng bằng chứng này để bảo vệ lập luận rằng, tháp này chính là sự đánh dấu chỗ Đức Phật khai giảng bài Thuyết pháp đầu tiên.
2. Tháp Xá Lợi (Sri Dharmaràjikà)
Tháp này trước kia rất lớn, bằng tháp Dhamekh, nhưng giờ chỉ còn nền gạch phục dựng lại. Vào năm 1794, trước khi Viện Bác cổ được thành lập, ông Jagat Singh, Bộ trưởng của vua Chet Singh ở Ba-la-nại, vì thiếu vật liệu xây dựng thành phố Jagat Guni ở Ba-la-nại, đã sai người đến phá tháp và chở gạch đá về xây. Trong khi đào đá và gạch, ông tìm thấy một hộp đá, trong đó có một hộp bằng cẩm thạch đựng "Tro cốt". Đây chính là 1/8 Xá Lợi Phật sau khi làm lễ trà tỳ được an trí tại đây. Theo tục lệ Ấn Giáo, ông đã làm lễ rồi thả số Xá lợi tìm được xuống sông Hằng và từ đó, Sông Hằng cũng mang trong mình 1/8 Xá Lợi Phật.
3. Trụ đá vua A Dục
Tại Vườn Lộc Uyển, vua A Dục cũng đã xây trụ đá và hiện chúng được bảo quản dưới một mái bằng và bao bọc bởi một hàng rào sắt.
4. Hương thất Đức Phật
Đây là chùa Mulàgandhakuti nghĩa là phòng thơm, chỉ những phòng Đức Phật ở. Sở dĩ chùa này có tên ấy vì đây là nơi Ðức Phật ở trong 3 tháng đầu tiên, sau khi Ngài thành đạo Bồ đề, trong thời gian ngài ở Vườn Nai vào hạ thứ nhất trong cuộc đời Hoằng Pháp.
5. Đền thờ Ngài Da Xá
Đây chính là nơi Đức Phật thuyết Pháp cho chàng thanh niên Da Xá rồi chàng quy y. Đây cũng là nơi bố của chàng Da Xá, trong lúc đi tìm chàng đã nghe Pháp của Đức Phật rồi phát nguyện quy y Tam Bảo - trở thành nam cư sĩ tại gia đầu tiên quy y Tam Bảo của Phật Giáo.
Vườn Lộc Uyển: Thánh tích linh thiêng - nơi sinh ra phước báu
Khi đến Thánh tích Vườn Lộc Uyển, nếu chúng ta hiểu, ghi nhớ và niệm được ân đức của Đức Phật, sinh ra chấn động tâm thì sẽ được phước báo.
Như trong kinh Trường A-Hàm, Đức Phật thuyết:
“Phật bảo A-nan: Ngươi chớ lo. Các con nhà dòng dõi thường có bốn chỗ tưởng nhớ:
- Tưởng tới chỗ Phật sanh, hoan hỉ muốn thấy, nhớ mãi không quên, sanh tâm luyến mộ;
- Tưởng tới chỗ Phật thành đạo, hoan hỉ muốn thấy, nhớ mãi không quên, sanh tâm luyến mộ;
- Tưởng tới chỗ Phật chuyển pháp luân đầu tiên, hoan hỉ muốn thấy, nhớ mãi không quên, sanh tâm luyến mộ;
- Tưởng tới chỗ Phật vào Niết-bàn, hoan hỷ muốn thấy, nhớ mãi không quên, sanh tâm luyến mộ.
Này A-nan, sau khi ta diệt độ, trai hay gái con nhà dòng dõi nhớ nghĩ khi Phật giáng sinh có những công đức như thế, khi Phật đắc đạo có những thần thông như thế, khi Phật chuyển pháp luân có những sự hóa độ như thế, khi Phật diệt độ có những lời di huấn như thế. Rồi mỗi người đi đến bốn chỗ đó kính lễ, dựng chùa tháp cúng dường. Khi chết đều được sanh lên cõi trời, chỉ trừ người đắc đạo.”
Như vậy, khi viếng thăm Thánh tích Vườn Lộc Uyển - nơi ghi dấu sự kiện Đức Phật lần đầu chuyển bánh xe Pháp, chúng ta chấn động tâm khi hiểu được sự nhiệm màu của sự kiện lần đầu tiên Đức Phật thuyết ra chân lý giải thoát, hiểu được ân đức của Phật thì sẽ được công đức, phước báu rất lớn.
CLB Cúc Vàng hành hương Ấn Độ - Vườn Lộc Uyển
Hàng năm, các Phật tử CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa thường tổ chức các chuyến hành hương đến miền đất Phật để viếng thăm các Thánh tích của Ngài.
Vườn Lộc Uyển là một trong những điểm dừng chân, chiêm bái và thăm viếng của đoàn hành hương.
Đây là một nhân duyên tốt lành để giúp các Phật tử nhớ nghĩ và khởi tâm tri ân sâu sắc đến Đức Phật. Ngài vì thương tưởng đến chúng sinh nên đã từ bi chuyển bánh xe Pháp, mang đến giáo lý giác ngộ, mở ra con đường đi đến giải thoát chân thật cho chúng sinh.
Mong rằng, bài viết sẽ giúp quý vị hiểu hơn về Vườn Lộc Uyển - nơi ghi dấu sự kiện lần đầu tiên Đức Phật chuyển Pháp luân, đồng thời cũng là nơi Tam Bảo bắt đầu xuất hiện. Khi hiểu được ân đức của Đức Phật, hy vọng quý vị sẽ phát khởi được niệm tri ân sâu sắc đến lòng từ bi, thương tưởng của Đức Thế Tôn đến cho chúng sinh; nhờ công đức đó mà quý vị sẽ được nhiều phước báu.
Chúc quý vị an lạc, hạnh phúc!
Các bài nên xem:
Bình luận (500)
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.
Bưởi Diệu Bình
Hồ Thị Quyên
Mai thị liên
Vũ Thị Hương
Tâm Hảo