Rút chân nhang như thế nào cho đúng?

Theo phong tục tập quán của người Việt Nam thì vào những ngày cuối năm, bắt đầu từ 23 tháng Chạp tới 30 tháng Chạp, mọi người thường rút chân nhang trên bàn thờ, dọn dẹp bàn thờ. Một số người cũng quan niệm rằng việc rút chân nhang sẽ ảnh hưởng tới phúc báo hoặc ảnh hưởng tới phần tâm linh của gia đình. Quan niệm này có đúng hay không? Mời quý Phật tử cùng đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về việc bốc chân nhang?

Câu hỏi: 
Em chào chị Yến! Có phải cả năm đến ngày ông Công, ông Táo thì mới được rút chân nhang không ạ? Hay rút ngày nào thì hợp? Em nghe nhiều người bảo rằng càng để bát nhang um tùm thì càng linh thiêng, càng nhiều tài lộc có đúng không ạ? Em cảm ơn chị!

Cô Phạm Thị Yến trả lời: 
Kính thưa quý đạo hữu! 
Trong các bài cúng ở chùa, chúng ta thường nghe nói rằng: “Ba đức, sáu vị. Cúng Phật và Tăng. Pháp giới hữu tình. Thảy đều cúng dường”. 
“Ba đức” ở đây gồm có: đức sạch sẽ, đức thanh tịnh và đức đúng Pháp.

Rút chân nhang có mang lại phúc báu cho gia đình?

Đức sạch sẽ

Tất cả những đồ cúng dường, cúng lễ ở ban thờ đều phải được rửa sạch sẽ, bát hương cũng phải lau sạch, chân nhang cũng phải nhổ sạch, chỉ để lại ba chân nhang. Bởi vì, khi mình cúng khấn, các hương linh đủ duyên được về sẽ thọ thực mùi thơm từ hoa quả, mùi hương từ nhang. Khi chúng ta thắp nhang, chúng ta thắp phần hương thơm của nhang để tỏa hương cúng Phật, cúng các hương linh thì chúng ta được phước báu, chứ không phải để lại chân nhang thì chúng ta sẽ được phước. Chúng ta không được tin theo những điều mê tín như thế.

Ngày xưa, khi có một vị nào đó thỉnh Đức Phật đến để cúng dường Phật cùng chúng Tăng, họ cũng dâng nước để rửa tay cho Phật trước khi cúng dường vật thực. Chính vì sạch sẽ như vậy nên phát sinh ra phước báu cho họ. Cũng vậy, nếu chúng ta dọn dẹp ban thờ sạch sẽ thì sẽ được phước báu, còn nếu để um tùm chân nhang thì ban thờ sẽ bị bẩn thỉu, chúng ta sẽ không được phước.

Bản thân Yến lúc trước còn ở nhà, vì không có thời gian nhiều để dọn dẹp ban thờ nên hôm nào lên thắp hương cũng rút luôn ba chân nhang của hôm trước, rồi thắp ba chân nhang của hôm nay lên. Cho nên, lúc nào trên ban thờ cũng chỉ tồn tại ba chân nhang. Cũng chính vì thế nên ban thờ ngày nào cũng sạch, mình chỉ lau qua một chút thôi.

Báo hiếu với cha mẹ mang lại phúc báu

Đức thanh tịnh

Chúng ta cúng lễ cho tổ tiên với tâm biết ơn, hiếu thuận. Khi cúng lễ, chúng ta khởi tâm “Vì ai mà đã có mình?”. Đó chính là tâm thanh tịnh, chứ không phải là “hôm nay mày nhớ mua con gà lên cúng bà, bà mới phù hộ cho; không mua thì bà bẻ chân”. Muốn có đức thanh tịnh thì mình phải có tâm hiếu. Trước khi cúng lễ cho tổ tiên, mình hãy có hiếu với bố mẹ đang còn sống, đừng có mâm cao cỗ đầy lên cúng cho tổ tiên nhưng lại bất hiếu với cha mẹ hiện tiền của mình. Hoặc là mẹ già thì nằm ốm ở giường, còn con thì mê tín, cứ nghĩ rằng cúng cho tổ tiên thì tổ tiên phù hộ cho mình nên chửi mẹ: “Bà léo nhéo gì. Bà nằm yên đó, tôi còn cúng đây!”. Người như vậy cho dù cúng bao nhiêu cũng không được chút phước báu nào. Cho nên, muốn “ăn” được phước của tổ tiên thì phải hiếu thuận với cha mẹ hiện tiền.

Cúng dường Tam Bảo hồi hướng cho gia tiên để họ tăng phúc

Đức đúng Pháp

Người chết ăn được cái gì, sử dụng cái gì thì mình cúng cái đó. Đối với người chết, chúng ta không thể cúng lễ bằng máu thịt của chúng sinh được mà phải cúng bằng đồ chay tịnh. Và người chết cũng rất cần những phước báu mà người còn sống như chúng ta tạo ra, cho nên chúng ta khi cúng lễ thì nên phát tâm cúng dường Tam Bảo để hồi hướng phúc lành đến cho gia tiên tiền tổ, để họ được tăng phúc thành Thần hoặc là về cõi trời và gia hộ cho chúng ta.

Còn nếu họ là quỷ đói, chúng ta cúng dường thức ăn cho họ và cúng dường Tam Bảo để hồi hướng phước cho họ thì họ có phước để thọ thực thức ăn này. Nhưng nếu chúng ta cúng dường nhiều thức ăn nhưng không cho họ phước thì họ sẽ không ăn được. Ví như trong bài kinh Chuyện Ông Chủ Thợ Dệt - Kinh Nikaya, ông chủ thợ dệt này rất cung kính Tam Bảo, ông đã phát tâm cúng dường chư Tăng trong tháng an cư kiết hạ. Tuy nhiên, bà vợ của ông ấy lại rất keo rít, đã không cúng cho chư Tăng lại còn chửi ông ấy rằng: “Mong mọi thức uống ăn mà ông cúng các Tỷ-kheo đệ tử chân chánh của đức Phật sẽ trở thành phân dơ và y phục sẽ thành những tấm sắt nóng bỏng trong kiếp sau”. Sau khi chết, ông chủ thợ dệt này được phước báu vì cúng dường chư Tăng nên được làm thần, còn bà vợ thì thành quỷ đói, phải ăn phân dơ, nước tiểu và luôn trong trạng thái cơ thể trần truồng, khổ sở. Khi quỷ đói đến chỗ vị thần này xin đồ ăn và xin đồ mặc thì đồ ăn biến thành phân dơ, đồ mặc biến thành sắt nung nóng. Đó chính là quả báo đau khổ mà bà vợ ấy phải chịu.

Cho nên, trước khi chúng ta muốn cúng cho gia tiên thì nên cúng dường Tam Bảo để hồi hướng phúc lành đó đến cho gia tiên tiền tổ của mình được phúc báu để về đàn tràng thọ thực.

Sáu vị

Sáu vị là đắng, cay, chua, chát, mặn, ngọt. Thường thì chúng ta hay nấu một bát canh, pha một cốc nước chè, trong đó bốc lên những mùi hương đủ sáu vị hương đó. Nhờ đó, mình mong mỏi cho hương linh nhà mình được no đủ. Cho nên, Yến thường cúng đồ cúng rất đơn giản, cúng bát cơm và cốc nước, còn đâu đặt tiền cúng dường hồi hướng cho các hương linh để họ được ăn uống những đồ mình đã cúng.

Cho nên, chúng ta nên thờ cúng như thế để hương linh được phước, mà mình cũng được hưởng phước. Còn về việc rút chân nhang thì mình phải ở trong đức sạch sẽ. Ngày nào cũng nên rút và cúng lễ như trên thì sẽ được phước báu. Còn nếu chúng ta không có thời gian thì chúng ta để nhiều nhiều rồi thích rút vào ngày nào, giờ nào cũng được. Và mình với tâm rằng: “Con dọn ban thờ cho sạch sẽ để con dâng đồ cúng dường cho được thanh tịnh” thì mình sẽ được phước báu phát sinh.

(Trích lời Cô Phạm Thị Yến trong video Rút chân nhang như thế nào để cả năm được may mắn?)

Quý Phật tử tham khảo thêm các bài cúng khấn tại chuyên mục: Tổng hợp các nghi thức cúng lễ

Các bài nên xem: 
Bí mật đằng sau những loại hoa quả kiêng kỵ khi thờ cúng 
Hướng dẫn cách bài trí bàn thờ treo sắm lễ cúng tại gia

-
aa
+
3,095 lượt xem
14/12/2019

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ