3 bước để thành tựu phát tâm Bồ đề

Văn phát Bồ đề tâm nguyện ghi rõ, muốn được thành Phật thì “...không có con đường nào khác hơn là chúng con phải phát Bồ đề tâm kiên cố, lập các hạnh nguyện sâu dày. Bởi vì Phật dạy: “Quên mất tâm Bồ Đề mà tu hành các thiện Pháp cũng là hành động theo ma vương”; mà còn bởi vì Bồ đề tâm là gốc của đạo, là chúa tể các thiện Pháp, là nhũ mẫu của chúng sinh và các Đức Phật cũng đều do phát Bồ đề tâm mà được thành”. 

Người đệ tử Phật muốn cầu Vô thượng Bồ đề, thành tựu Chính đẳng Chính giác cứu độ chúng sinh thì phải chân thật phát Bồ đề tâm, lấy tâm Bồ đề làm gốc. Đặc biệt, khi thực hành mọi việc trong tâm Bồ đề, chúng ta không có duyên làm các việc ác.

Vậy để phát tâm Bồ đề chân thật và thực hành Bồ đề hạnh được thành tựu, người đệ tử Phật cần thực hiện những bước nào? Kính mời quý đạo hữu cùng tìm hiểu qua chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến - Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa trong bài viết sau đây.

Bước 1: Phát khởi được Bồ đề tâm 

1. Giác ngộ đời là khổ, là vô thường

Muốn thành Phật tức là chúng ta cầu Vô thượng Bồ đề, cầu cho mình ra khỏi lục đạo luân hồi, làm lợi cho mình, làm lợi cho chúng sinh. Để được như vậy, chúng ta phải phát tâm Bồ đề, tu tập các công đức để một kiếp nào đó chúng ta sẽ trở thành bậc Chính đẳng Chính giác. Và muốn phát khởi được tâm Bồ đề đó, trước tiên chúng ta phải giác ngộ được đời là bể khổ.
Giác ngộ đời là bể khổ, là vô thường để phát khởi được tâm Bồ Đề
Giác ngộ đời là bể khổ, là vô thường để phát khởi được tâm Bồ Đề

Ví dụ như trong cuộc sống gia đình, thật khó để chúng ta có được cuộc sống hạnh phúc bền lâu. Có thể vì những câu nói vô tình, vợ chồng trái ý nhau, hoặc vợ hoặc chồng không thủy chung, gia đình gặp những việc bất như ý,... mà chúng ta sẽ cảm thấy tổn thương, bức bối. Giả như có gia đình được mọi sự như ý, yêu thương hết mực thì lại không muốn rời xa, đến khi phải chia lìa sẽ rất khổ đau. Vậy nên, cuộc sống dù là bất như ý hay hạnh phúc đều khiến chúng ta rơi vào cảnh khổ. 

 
Vạn Pháp không bền, mong manh tựa mây khói, có đó lại không. Nếu nương tựa vào những thứ không bền chắc của pháp giới này, chúng ta phải chịu khổ não. Nếu nương vào ngôi nhà, khi ngôi nhà bắt đầu hoại, chúng ta buồn khổ. Nếu nương vào thân này, đến khi nó già bệnh, da dẻ nhăn nhúm, gân guốc nổi lên thì chúng ta suy sụp. 
 
Chính vì vậy, chúng ta cần khởi phát được tâm Bồ đề để dần dần ra khỏi lục đạo luân hồi, không để sự sinh diệt chi phối mình. 

2. Phát tâm muốn cứu độ chúng sinh

Khi tư duy thấy “đời là bể khổ”, chúng ta mới có thể phát được tâm Bồ đề ra khỏi tam giới; thấy được những chúng sinh xung quanh lăn lộn trong hạnh phúc thế gian, thấy họ bị thiêu đốt, từ đó phát được đại nguyện mang họ ra khỏi tam giới. Đó chính là tâm Bồ Đề. 
 
Người Phật tử cần nhớ, mấu chốt của Bồ đề tâm là tâm mong muốn cho mình thoát khổ, người khác thoát khổ. Gốc của nó là tự lợi, lợi tha.
Mấu chốt của Bồ đề tâm là tâm mong muốn cho mình thoát khổ, người khác thoát khổ
Mấu chốt của Bồ đề tâm là tâm mong muốn cho mình thoát khổ, người khác thoát khổ

Bước 2: Lập chí nguyện giải thoát, làm lợi ích cho vạn loại

Muốn thành tựu được bất kỳ việc gì trên đời, chúng ta đều phải quyết tâm và lập chí hướng cho việc đó. Cũng vậy, việc phát tâm Bồ đề làm lợi ích cho chúng sinh mà không lập nguyện với chí lớn thì không thể thành tựu được. 
 
Nếu trong việc tu học giải thoát mà ta chỉ lập chí nhỏ hẹp là đi tu để thân này khỏe hơn, kinh tế tốt đẹp, con cái ngoan ngoãn,... thì điều đó không đưa chúng ta giải thoát, không thể thành tựu Vô thượng Bồ đề. Chúng ta phải giải thoát tất cả những tâm niệm bất thiện, nhỏ hẹp; không chấp giữ những thứ là tôi, là của tôi; dần dần tu tâm bình đẳng; khi làm việc, mình với mọi người đều như nhau, người nhà hay người quen biết sơ cũng như nhau, không phân biệt.
 
Vậy thế nào là lập chí lớn? Chúng ta nên tư duy về Đức Phật: Trong hình tướng của một con người, Đức Phật thấy rõ được Tam thiên, Đại thiên thế giới chỉ trong lòng bàn tay của Ngài. Khi biết được điều đó, chúng ta phải thường tư duy với niệm rất hoan hỷ, mong sao mình có thể được như Phật, trăn trở mình phải tu thế nào để được như Phật.
 
Cho nên, chúng ta phải lập chí nguyện như vậy, sau đó bắt đầu quán sát: Vợ chồng là nhân duyên, con cái là nhân quả; chúng sinh và người thân đều bình đẳng. Khi giác ngộ được như vậy, chúng ta mới bắt đầu lập chí nguyện là chúng ta phải tu hành cho tới ngày thành tựu Vô thượng Bồ đề. 
 
Vậy nên những mong cầu về hạnh phúc gia đình là những mong cầu quá nhỏ bé, không chắc thật bởi nó là sự vô thường của thế gian. Chúng ta phải lập chí lớn lao làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, đạt được trí tuệ toàn giác như của Đức Phật khi phát tâm Bồ đề. Muốn được như vậy, không có con đường nào khác hơn là chúng ta phải phát Bồ Đề tâm kiên cố, lập các hạnh nguyện sâu dày. 
Phật tử trong CLB Cúc Vàng phát nguyện thực hành công hạnh Bồ Đề để làm lợi ích cho mình và cho chúng sinh Caption
Phật tử trong CLB Cúc Vàng phát nguyện thực hành công hạnh Bồ Đề để làm lợi ích cho mình và cho chúng sinhCaption

Bước 3: Thực hành các công hạnh Bồ đề 

1. Hiểu rõ về 8 sắc thái của tâm Bồ đề

Trong Khuyến phát Bồ đề tâm văn, Ngài Thật Hiền đại sư có viết: “Nên muốn học Như Lai thừa thì trước phải phát Bồ Đề nguyện, không thể chậm trễ. Nhưng tâm nguyện vốn có nhiều sắc thái khác nhau, nếu không trình bày thì làm sao biết mà xu hướng. Nay xin vì đại chúng nói vắn tắt. Sắc thái tâm nguyện có tám thứ đó là: chính, tà, chân, ngụy, đại, tiểu, thiên, viên”.
 
Trong tám loại sắc thái của tâm nguyện đó; người Phật tử cần phát triển hay loại bỏ những sắc thái tâm nào? Và làm cách nào để phát triển hay loại bỏ những nguồn tâm ấy?

1.1 Tâm tà - tâm chính

- Tâm tà: Tu hành để tham cái thú hiện tại, đến chùa với mục đích cho mình thanh thản, vui vẻ; hoặc theo chị em đi đây đi đó cho vui; hoặc nay đi tu để mong giàu có kiếp sau,... Những người nào phát tâm tu hành như vậy được gọi là tà, chưa phải chân chính tu hành.
 
- Tâm chính: Phát tâm đi tu mà không màng danh lợi, không vì cầu tài sản cho kiếp sau, mà thật sự thấy tai họa của sinh tử luân hồi, biết sợ hãi luân hồi đằng đẵng. Phát tâm tu hành vì muốn thoát sinh tử, muốn thành Phật độ chúng sinh hết khổ, tâm như vậy gọi là chính.
 
Như vậy, người Phật tử cần phải quay lại quán xét tâm mình để lập chí chân chính, vì lợi ích của muôn loài chúng sinh mà phát tâm tu hành. Khi đã chân thật tu học Phật, phước đức tăng trưởng thì sẽ có tài sản, không thiếu thốn nhưng chúng ta không đi tu vì mục đích nhỏ đó.

1.2. Tâm ngụy - tâm chân

- Tâm ngụy: Là dối trá, giả tu, có lỗi không sám hối trừ bỏ; người bên ngoài trau chuốt bóng bẩy, nói những lời hay nhưng trong tâm tăm tối, xấu xa; người mới đi chùa thì hăm hở, chăm chỉ nhưng sau đó thì biếng nhác, bê trễ; đi làm việc thiện nhưng xen lẫn danh lợi riêng. Tâm như vậy là ngụy tu, giả tu. 
 
- Tâm chân: Phát tâm tu hành không sợ khó, không nhàm mỏi, trước vô lượng vô biên chúng sinh cũng không thối chí, phát tâm như vậy thì gọi là chân tu. 
 
Đã là chân tu thì chắc chắn sẽ được Phật hộ trì và chắc chắn thành Phật. Vậy nên, người Phật tử phải tránh xa tâm ngụy và quán chiếu tư duy để phát sinh tâm chân cho mình.
Người chân tu trước vô lượng vô biên chúng sinh dù khó độ đến đâu nhưng cũng không bị thối chí
Người chân tu trước vô lượng vô biên chúng sinh dù khó độ đến đâu nhưng cũng không bị thối chí

1.3. Tâm tiểu - tâm đại

- Tâm tiểu: Chỉ mang đến lợi ích cá nhân, cho số ít.
- Tâm đại: Mang đến lợi ích cho số đông, nguyện độ chúng sinh đến cùng.
 
Ví dụ: Khi sinh hoạt trong đạo tràng, mình giúp đỡ ai đó mà người ta lại nói xấu mình. Theo lẽ thông thường, mình sẽ rất buồn và nghĩ họ vô ơn, phản trắc. Nhưng nếu mình có Bồ đề tâm nguyện, muốn làm lợi ích cho chúng sinh thì sẽ biết ơn người nói xấu mình, vì đã tạo môi trường cho mình tu nhẫn nhục. Mình cũng phải quán sát xem tâm mình đối với người đó trước và sau khi bị nói xấu có khác nhau không. Còn nếu mình khởi lên giận hờn, trách cứ thì mình sẽ xa đọa; như vậy là tuy làm việc thiện nhưng lại theo ma vương.
 
Không chỉ vậy, người đã phát Bồ đề tâm cần phải thay đổi suy nghĩ của mình, tâm mình sẽ quảng đại, rộng lớn hơn. Coi tất cả là chúng sinh đang cần giúp đỡ. Qua đó, chúng ta phải tư duy để làm sao mình phát được tâm đại rộng lớn: Người phát tâm Bồ đề sẽ có những tư duy quảng đại như vậy, vì tâm của họ có yêu thương, không giận hờn bởi quán được nghiệp của chúng sinh, biết rằng nếu người này vô ơn, phản trắc, đi nói xấu mình thì sẽ bị đọa lạc; cho nên họ sẽ làm cách nào đó để người kia bớt đọa lạc. Đó chính là tâm Bồ đề quảng đại, thành tựu cho mình và và thành tựu cho chúng sinh.

1.4. Tâm thiên - tâm viên

- Tâm thiên: “Nếu ngoài tâm thấy có chúng sinh, có Đạo Phật, rồi nguyện độ, nguyện thành, công phu không xả, thấy biết không tan: phát tâm như vậy gọi là thiên”.
 
Tâm thiên có nghĩa là tâm lệch một bên. Tất cả chúng sinh đều là chúng sinh trong tâm ta, tâm ta làm chủ tạo nên pháp giới này. Vậy nên người nào còn thấy đạo Phật, thấy chúng sinh ngoài tâm mình; còn chấp trước công phu, bị vướng mắc không dám xả bỏ thì người đó đang có tâm thiên lệch.
 
- Tâm viên: Tu hành mà không chấp trước, không đắm vào công phu, phát tâm vô tướng, chứng quả vô tướng, lập hạnh vô tướng. Trong kinh 42 chương Phật dạy: “Tu y vô tu mới thật là tu, chứng vô chứng chứng thật là chứng”. Về tâm viên, chúng ta phải học Pháp, mở con mắt bát nhã, mở tuệ nhãn mới thấy được thế nào là tu mà y vô tu, chứng mà như không chứng để phát tâm đầy đủ viên tròn và tránh xa tâm thiên lệch.
 
Như vậy, trong 8 tâm trên, chúng ta phải bỏ đi bốn tâm là tà, ngụy, tiểu, thiên và làm sung mãn bốn tâm là chính, chân, đại, viên. Được như vậy, ta mới có thể thực hành được các công hạnh Bồ đề để cầu Vô thượng Bồ đề.
 
Người Phật tử nên nhớ hai nguyện trong Khuyến phát Bồ đề tâm văn như sau: “Điều một, chúng con nguyện quyết chí tu hành, cần cầu Phật Pháp dù Phật đạo lâu xa cũng không nhàm mỏi, dù Phật quả khó thành cũng không nản chí, tinh tấn tu hành tất cả các Pháp, cho đến khi giác ngộ viên mãn thành Phật. Điều thứ hai chúng con nguyện tu hành từ lợi lợi tha, tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn."
 
Là người Phật tử tại gia, chúng ta một lòng nương tựa vào Phật Pháp trong tất cả hành động, suy nghĩ để giải quyết khổ, quyết chí tu hành cần cầu Phật đạo, không vì lâu xa mà nản chí rời bỏ. Trong Phật Pháp, mình tu hành được lợi ích thế nào thì sẽ giúp người khác được lợi ích như vậy. Đầy đủ được hai nguyện này thì sẽ được giác hạnh viên mãn.
Người Phật tử tại gia cần giữ vững tâm kiên cố, nương tựa vào Phật Pháp tu  hành cho đến khi giác ngộ viên mãn thành Phật
Người Phật tử tại gia cần giữ vững tâm kiên cố, nương tựa vào Phật Pháp tu
hành cho đến khi giác ngộ viên mãn thành Phật

2. Thực hành theo 10 hạnh nguyện của Đức Phổ Hiền Vương Bồ Tát

Để phát tâm Bồ đề chân thật và thành tựu Bồ đề tâm, người Phật tử cần học và phát nguyện tu hành theo 10 hạnh nguyện của Đức Phổ Hiền Vương Bồ Tát.

Thực hành 10 hạnh Phổ Hiền giúp thành tựu vô thượng Bồ đề
Thực hành 10 hạnh Phổ Hiền giúp thành tựu vô thượng Bồ đề

Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn chi tiết cho quý vị thực hành công hạnh Bồ đề theo 10 hạnh nguyện của Đức Phổ Hiền Bồ Tát qua chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến: Hướng dẫn thực hành Bồ đề tâm nguyện theo 10 hạnh nguyện của Đức Phổ Hiền Bồ Tát

------

Qua chia sẻ của Cô Chủ nhiệm Phạm Thị Yến, chúng ta hiểu rằng, để phát được tâm Bồ đề chân thật, chúng ta phải giác ngộ sự khổ của cuộc đời, của luân hồi sinh tử; từ đó lập chí nguyện tu hành mà rời bỏ. Chúng ta phải làm sung mãn những tâm chính, chân, đại, viên vì lợi ích chúng sinh cũng như học và thực hành theo 10 hạnh nguyện của Đức Phổ Hiền Vương Bồ Tát.


Chúc quý đạo hữu thực hành được những bước trên để phát tâm Bồ đề chân thật, thành tựu được Bồ đề tâm và tiến tu trên con đường cầu đạo của mình!

Các bài nên xem:

-
aa
+
6,213 lượt xem
14/08/2022

Bình luận (1)

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. N
    N

    Nguyễn Thị Sửu

    24/08/2023

    Lời cô thật sâu sắc và ý nghĩa quá! Con đã hiểu, con xin tri ân cô chủ nhiệm ạ.