Hướng dẫn cách quán chiếu và thực hành để kiên cố Bồ đề tâm nguyện

Là người Phật tử hiểu về lợi ích của Bồ đề tâm nguyện, chúng ta phải giác ngộ và dũng mãnh phát tâm Bồ đề giải thoát chính mình và cứu độ chúng sinh. Tuy nhiên, trước vô lượng, vô biên chúng sinh; để giữ được tâm Bồ đề kiên cố, không nhàm mỏi quả thực rất khó. Chúng ta phải tự mình tư duy, giác biết, và nỗ lực tinh tấn mới có thể không thối chuyển tâm Bồ đề.
Sau khi đã được tham dự lễ Phát tâm Bồ đề trực tuyến ngày 19/6/Tân Sửu, bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cho các quý đạo hữu cách quán chiếu và thực hành để tâm Bồ đề của mình được kiên cố trong đời này và nhiều đời về sau qua chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến - Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa. Kính mời quý đạo hữu cùng đón đọc! 

1. Quán chiếu để không chấp thân 

Người Phật tử phát nguyện cầu Vô thượng Bồ đề nhưng không biết làm các hạnh nguyện Bồ Tát, không nương vào nhất thiết trí trí thì sẽ không vượt qua được các trở ngại mà thối mất tâm Bồ đề. Vậy thì chúng ta nên học các vị Bồ Tát quán tự tại như trong kinh Bát Nhã Ba La Mật đã viết. Đó là các Ngài quán pháp không.
Học các vị Bồ Tát quán tự tại để kiên cố tâm Bồ Đề
Học các vị Bồ Tát quán tự tại để kiên cố tâm Bồ Đề
Trong kinh “Tâm kinh trí tuệ cứu cánh rộng lớn” có phần: không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Nghĩa là chúng ta không có sở đắc, không nắm bắt được bất cứ điều gì.
Ví dụ thân của chúng ta là sắc, được tạo thành từ đất, nước, gió, lửa và liên tục sinh diệt. Cho nên, chúng ta không nắm bắt được sắc, vì nó là duyên hợp và duyên tan không dừng, ngay cả các tế bào cũng liên tục sinh diệt. Như vậy, sắc không phải của chúng ta, vì sắc luôn luôn sinh diệt, không tồn tại, cho nên chúng ta không tìm ra được cái gì là của mình ở trong sắc.
Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy; luôn luôn sinh diệt, biến đổi. Tâm của chúng ta lúc vui, lúc buồn; thức của chúng ta (nhãn thức, nhĩ thức,...) cũng liên tục biến đổi, sinh diệt, không trụ lại một chỗ. Ví dụ chúng ta nói câu trước sinh ra phước báo, nhưng khi nói đến câu sau thì câu trước đã diệt rồi. Vậy nên, chúng ta không nắm bắt được bất cứ thứ gì cả.
Các bậc Bồ Tát thường tư duy như vậy, các Ngài biết không có gì là của tôi, cho nên không có cái danh của tôi. Bởi vậy các Ngài không bị ngăn ngại, không sợ, không buồn, không giận khi bị ghét, bị chửi bới hay lăng mạ, mà các Ngài vẫn chuyển tải được chân lý. Còn chúng ta thì vì danh lợi nên không thực hành được chân lý, không chuyển tải được chân lý.
Nếu chúng ta còn chấp thân, sẽ còn phải lo cho thân, phải làm đẹp nó; thân mà hoại thì chúng ta sẽ đau khổ. Như vậy, người đệ tử Phật cần phải quán sát thật sâu: Chúng ta không đắc quả Như Lai ở tại thân này, mà chỉ dùng thân làm phương tiện để triển khai trí Bát Nhã - nhất thiết trí trí để thành tựu các công đức được thành Như Lai. Chúng ta không nên chấp thân mà phải thực hành tất cả các công đức vì lợi ích chúng hữu tình. Cho nên người không nương tựa vào nhất thiết trí trí thì không thể thực hành Bồ Tát hạnh.
Muốn hành Bồ Tát đạo thì người đó phải có được sự thực hành như sau: Nếu cần ngồi vì lợi ích chúng sinh thì sẽ ngồi, nếu cần đứng vì lợi ích chúng sinh thì sẽ đứng, nếu cần đi vì lợi ích chúng sinh thì sẽ đi. Người đó không bị bất cứ tài, sắc, danh, thực, thùy nào làm chướng ngại. Đó là hạnh Bồ Đề. Thân của chúng ta chỉ dùng làm phương tiện, vậy nên không có gì phải ngăn ngại. Nếu vì chính Pháp mà bị đánh đập, tra khảo, chúng ta cũng nguyện thực hành. Việc này rất khó, nhưng nếu mong nguyện được thành Phật, thành bậc Chính đẳng Chính giác thì nhất thiết cần phải làm như vậy.
Khi chúng ta xả thân vì lợi ích chúng hữu tình, Phật Pháp sẽ được mãi lưu truyền ở thế gian.

2. Quán chiếu để cứu khổ người thân nhiều đời nhiều kiếp

Để kiên cố tâm Bồ đề, chúng ta cần tư duy: Chúng ta nỗ lực thực hành đoạn trừ các ác nghiệp cầu giải thoát khỏi những phiền não, vô minh nhưng cần phải đồng với chúng sinh để thực hành nguyện Bồ đề đến khi thành tựu quả vị Vô thượng Bồ đề, để thật có nhân duyên cứu độ được chúng sinh trong các kiếp mê lầm sau này không có Phật Pháp.
Để quán chiếu được như vậy, trước tiên chúng ta quán chiếu đến những người thân của mình chưa biết đến Phật Pháp; quán chiếu nhân quả của chồng, vợ mình, bố mẹ hiện tại, bố mẹ đã mất, bố mẹ trong các kiếp quá khứ,... họ đang ở đâu, đang đau khổ thế nào? Nếu chúng ta tu tập chỉ cầu giải thoát cho riêng mình thì những người thân đó sẽ ra sao? Hiện tại họ đau đớn một chút chúng ta cũng cảm thấy xót xa, mong họ được hết đau. Trong khi sự đau khổ trong luân hồi sinh tử lại không dứt nếu như họ không thoát ra được, cho nên chúng ta phải quán đến những nỗi đau đó của họ.
Quán chiếu được như vậy, chúng ta sẽ nỗ lực tu tập để được thanh tịnh, từ đó có thể xuất gia, tu hành đắc quả, nhờ nguyện để thực hành Bồ Tát đạo, được giải thoát; sau đó chúng ta quay trở lại trần gian nhưng không bị nhiễm ái dục, không bị phiền não bởi tham, sân, si của người đời. Đi vào thế gian như vậy, chúng ta sẽ có hữu duyên độ cho thân bằng quyến thuộc của mình.
Vậy chúng ta sẽ quán chiếu lại sự khổ đau của người thân để từ nơi cội nguồn chân như như vậy, từ nơi học Pháp như vậy; chúng ta sẽ khởi lên nguồn tâm cao thượng, trụ ở nơi tâm Bồ Tát, trong nguyện Bồ Đề.
Quán chiếu sự đau khổ của người thân để khởi lên nguồn tâm cao thượng
Quán chiếu sự đau khổ của người thân để khởi lên nguồn tâm cao thượng

3. Quán chiếu giúp vượt qua sợ hãi trong thực hành lục hòa để kiên cố tâm Bồ đề

Muốn trụ được ở nơi tâm Bồ đề, chúng ta cần phải thực hành đầy đủ các pháp lục hòa. Khi đó, nguyện và hạnh mới tạo cho chúng ta nhân Bồ đề, nhân Bồ Tát. Nếu chúng ta có nguyện, mà không có hạnh, tức là chỉ mong cầu mà không thực hành, thì mong cầu đó không thành tựu.
Hiện nay, CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa đang sách tấn nhau thực hiện pháp lục hòa trong câu lạc bộ. Các thành viên cần thực hành để giữ gìn và tăng trưởng lục hòa như sau: Đối với những việc chân thật, chúng ta dám nói lên sự thật. Nếu thấy có việc gì không đúng Pháp, chúng ta phải nói ra để xây dựng đạo tràng, giúp mọi người thực hành pháp lục hòa. Như vậy là giúp mọi người giác ngộ và giải thoát. Đó chính là hạnh của Bồ Tát.
Nếu chúng ta còn ngăn ngại thì đó là yêu quý bản ngã, yêu quý mình, sợ tổn hại đến mình. Điều này không phù hợp với người đã phát nguyện Bồ đề - những người đi trên con đường nguyện cầu được thực hành Bồ Tát đạo.
Chính vì vậy, các thành viên trong câu lạc bộ không được nuôi dưỡng ngũ dục, sợ hãi, chấp ngã. Chúng ta phải thực hành nói lên sự thật với tâm thiện, quán chiếu để biết được sự thật này sẽ mang lại lợi ích cho mình và cho chúng sinh.
Đặc biệt chúng ta phải nói lên sự thật về Phật - Pháp - Tăng: Phật là bậc giác ngộ, là bậc duy nhất có thể giúp cho chúng sinh ra khỏi luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc. Pháp của Phật là phương pháp duy nhất khiến cho chúng sinh thoát khổ nếu thực hành. Hạnh của chư Tăng cao quý, làm lợi ích cho nhân, thiên. Chúng ta phải nói lên sự tu tập, chuyển hóa của mình để cho mọi người thực hành Pháp.
CLB Cúc Vàng thực hành pháp lục hòa dẹp trừ bản ngã để kiên cố tâm Bồ Đề
CLB Cúc Vàng thực hành pháp lục hòa dẹp trừ bản ngã để kiên cố tâm Bồ Đề
Bên cạnh đó, người thực hành tâm Bồ đề, phải tu tâm nhẫn nhục để tinh tấn, thực hành tâm bình đẳng trong đạo, luôn lấy ý kiến xây dựng từ người khác. Trong câu lạc bộ, dù mọi người có ngang bướng thế nào, chúng ta cũng phải khéo léo, uyển chuyển để khuyến tấn, khiến họ hoan hỷ tu tập. Chúng ta phải để các đạo tràng viên cùng đưa ra ý kiến và thống nhất để làm thỏa mãn tất cả mọi người theo chính Pháp của Phật. Khi gia đình nhà ai có việc muốn nhờ vào Phật Pháp, chúng ta phải giúp đỡ hết mình khiến họ lợi ích. Nếu họ muốn tu tập, chúng ta phải tạo điều kiện, sách tấn họ hết mức. Thấy ai trì trệ, chúng ta phải làm gương để đồng hành, sách tấn cho họ. Như vậy là chúng ta đang thực hành đập tan bản ngã của mình vì lợi ích cho người. 
Qua những hướng dẫn của Cô Phạm Thị Yến, hy vọng các đạo hữu hãy vì lợi ích chúng hữu tình mà phát Bồ đề tâm, hành Bồ đề hạnh. Khi chúng ta tư duy, quán sát và thực hành được như vậy thì chúng ta được kiên cố Bồ đề hạnh trong nhiều đời, giáo Pháp của Đức Phật vẫn tiếp tục trụ ở thế gian mà độ chúng sinh. Chúc quý đạo hữu tinh tấn!

Các bài nên xem:
-
aa
+
2,346 lượt xem
29/07/2021

Bình luận (1)

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. Ban quản trị

    28/06/2024
    Ban Quản trị và Chủ sở hữu Website Phạm Thị Yến tuyên bố nghiêm cấm và miễn trừ trách nhiệm đối với mọi bình luận, hình ảnh liên quan đến:
    - Chủ quyền của đất nước;
    - Các vấn đề về chính trị;
    - Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
    - Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
    Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.
  2. N
    N

    Nguyễn thị Minh Tú

    15/09/2024
    Chúng con thật hạnh phúc khi được Cô cn sách tấn chỉ dạy hướng đến Bồ Đề tâm nguyện và tinh tấn thực hành Bồ Đề tâm hạnh, mong cho chánh Pháp trụ lâu dài ở thế gian, chúng sinh được hạnh phúc.