Phật tử Phạm Thị Yến - Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hoà chia sẻ với các Phật tử trong CLB. Trong Khóa tu mùa hè lần 1 – năm 2018 tại chùa Ba Vàng, cô Phạm Thị Yến – chủ nhiệm CLB Cúc Vàng – Tập Tu Lục Hòa đã có buổi giao lưu với các bạn khóa sinh theo chủ đề: “Tâm linh – tâm lý học đường”.
Đồng thời, trong buổi giao lưu, có rất nhiều các bạn khóa sinh gửi những câu hỏi và các vấn đề nan giải trong cuộc sống nhờ cô giải đáp. Nhưng vì thời lượng chương trình có hạn nên những câu hỏi ấy chưa được trả lời hết.
Để các bạn gửi câu hỏi về có thêm những bài học và hướng giải quyết một cách có lợi ích cho mình, cô Phạm Thị Yến đã có hai buổi trả lời trực tuyến các câu hỏi của các bạn khóa sinh trong Khóa tu mùa hè lần 1 năm 2018 chùa Ba Vàng.
Câu hỏi 1 (bắt đầu từ 0:43): Làm gì để lấy lại lòng tin từ cha mẹ?
Con thưa cô, từ khi con cắt tóc từ mái tóc dài ngang lưng trở thành một cô gái có mái tóc tém như một cậu con trai, con cảm giác khoảng cách giữa con và bố mẹ dần xa cách rất nhiều. Đặc biệt là bố con, con biết con làm như vậy là sai.
Ra ngoài đường, con bị mọi người bàn tán rất nhiều. Con biết bố và mẹ đã nhận từ mọi người xung quanh rất nhiều lời nói không hay về con. Bố mẹ chắc chắn là đau từng khúc ruột vì đứa con mình sinh ra 17 năm nay chỉ để nhận lại những câu không hay là: “Con ông bà bị pê-đê à?”… Thậm chí bố con còn hỏi con là: “Mày bị pê-đê à?”, “Bà bầu đẻ năm sáu đứa, mười phần mày không bằng ba phần”.
Con tổn thương lắm! Con chỉ biết đắm mình vào chiếc điện thoại cả ngày, thậm chí một ngày con chỉ được chạm mặt bố một lần. Con chỉ biết chui rúc trong phòng đến khi mẹ con lên phòng gọi con. Con đang cố gắng nuôi mái tóc dài. Con muốn mình làm nhiều việc hơn để bố mẹ hài lòng về con hơn thay vì nói những lời hứa suông mà không làm. Cô giúp con, cho con những lời khuyên được không ạ?
Câu hỏi 2 (bắt đầu từ 8:01): Làm sao để biết người tình ở bên mình tới cuối đời?
Con đang yêu một người hơn con 3 tuổi. Cả 2 chúng con đều đến với nhau thực sự là một cái duyên. Nhưng lúc đầu cả hai chúng con đều trải qua rất nhiều khó khăn từ bên gia đình rồi bạn bè của người bạn trai con. Nhưng đến bây giờ cả hai chúng con vẫn bên nhau. Dù cãi nhau rất nhiều, nhưng con thấy chúng con vẫn hợp nhau trong tất cả mọi chuyện. Con xin được hỏi cô là đó có phải người sẽ bên con đến cuối đời không ạ? Con xin cảm ơn cô!
Câu hỏi 3 (bắt đầu từ 17:24) Những điều gì cần tránh sau khóa tu mùa hè?
Cháu bạch Cô, cháu có một vấn đề mong Cô giải đáp cho cháu và mọi người được hiểu rõ ạ.
Cháu bạch Cô, khóa tu mùa hè là một môi trường rất tốt để các bạn trẻ có thể tìm hiểu và kết bạn với nhau. Thế nhưng bên cạnh đó, cháu thấy vẫn còn xuất hiện tình trạng bêu xấu, trêu ghẹo nhau, đặc biệt là cách các bạn đối xử một số bạn khóa sinh không được bình thường về thần kinh hay rơi vào trường hợp bị hương linh làm hại theo quan điểm của đạo Phật.
Kết thúc khóa tu, cháu nhìn thấy trên mạng xã hội Facebook, có rất nhiều các bạn khóa sinh chia sẻ những hình ảnh của một số bạn khóa sinh không được bình thường khác, với mục đích rêu rao, bêu xấu, nói đểu và thậm chí là dùng những lời lẽ không hay để bình luận về bạn này. Và rất nhiều bạn khác thấy như thế, cũng a dua vào bình luận và đánh giá một cách mù quáng.
Cháu bạch Cô, theo như cháu tìm hiểu về Pháp luật của nước Việt Nam, hành vi này đã phạm vào việc xúc phạm danh dự và nhân phẩm của người khác. Còn theo quan điểm của đạo Phật như thế nào, cháu mong Cô hãy phân tích cho chúng cháu được hiểu nhân duyên và quả báo của các bạn khóa sinh này ạ? Và đối với những lời nói hay hành động các bạn ấy đã làm, thì bây giờ các bạn ấy nên làm gì để có thể tránh được quả báo sau này ạ?
Câu hỏi 4 (bắt đầu từ 24:54): Điều lưu ý khi chơi bạn bộ ba
Cháu thưa cô! Nhóm cháu có ba người chơi với nhau, nhiều lúc hai bạn ấy chỉ nói chuyện và đi với nhau không để ý đến cháu. Cháu cũng đã có lần nói thẳng với các bạn ấy nhưng mà chỉ được lúc ấy còn sau đó mọi chuyện đâu lại vào đấy. Cháu mong cô có thể cho cháu một lời khuyên để cháu không cảm thấy khó chịu khi hai bạn ấy luôn đi và nói chuyện với nhau không ạ?
Câu hỏi 5 (bắt đầu từ 29:34): Bí ẩn hiện tượng người giống nhau dù không phải họ hàng
Con thưa cô, nếu có 2 người không cùng cha mẹ mà có duyên gặp nhau ở chùa Ba Vàng. Hai người giống nhau từ nốt ruồi tới chỉ tay bên trái, có gương mặt khá giống nhau và kể cả giọng nói. Con xin hỏi chúng con có liên quan nhau gì ở kiếp trước không? Con xin cảm ơn cô ạ!
Câu hỏi 6 (bắt đầu từ 33:40): Khi nào thì nên xin giảm áp lực về học?
Cháu có một câu hỏi là: cháu là một học sinh chuyên Toán của một trường chuyên ở Nam Định. Ngày trước cháu có đam mê học rất lớn nhưng khi vào học chuyên sâu, cháu đã quá bị áp lực trong học tập nên cháu xin bố mẹ cho về quê học để về với ông bà. Chủ yếu là cho chương trình đỡ nặng. Cô cho cháu hỏi việc làm của cháu có phải là đúng không ạ? Cháu xin cảm ơn cô ạ!
Câu hỏi 7 (bắt đầu từ 38:02): Cách để cha mẹ và con hiểu nhau
Từ hồi con đi học, bố mẹ nói gì con cũng vâng, dạ. Nhưng từ lúc bước sang lớp bảy, con bắt đầu a dua theo bạn bè, không nghe lời cha mẹ, học hành sa sút, thường xuyên bị thầy cô gọi phụ huynh. Và mỗi lần như thế thì con lại bị cha mẹ quát mắng to tiếng. Con cảm thấy bố mẹ con không hiểu tâm lý con. Bây giờ con lên lớp 11 rồi nhưng chưa một lần con được bố mẹ tâm sự nói chuyện riêng tử tế. Và con thường không nghe những lời bố mẹ nói. Con mong cô giúp đỡ con trong việc này ạ.
Câu hỏi 8 (bắt đầu từ 46:50): Học sinh làm gì để tránh sự áp đặt của cha mẹ?
Thưa cô, bố con là người sống rất gia trưởng và bảo thủ, là người sống rất áp đặt với con, không cho con đi theo đam mê của mình, chỉ được sống theo con đường mà bố đã đặt ra. Dù con đã nhiều lần lên ý kiến nhưng bố lại trách mắng. Vậy con nên làm thế nào trước áp lực bị bố áp đặt ra cho con ạ? Con xin cảm ơn cô.
Câu hỏi 9 (bắt đầu từ 51:39): Trong lớp nên sống hòa đồng với ai?
Con chào cô, con có một câu hỏi muốn nhờ cô giải đáp giúp cho con ạ. Ở lớp con rất trầm, hầu như không nói chuyện với các bạn trong lớp, các bạn trong lớp con chơi với nhau theo nhóm nên con gần như bị cô lập ở trong lớp. Các bạn không quan tâm hay để ý tới con. Nhưng cứ đến giờ kiểm tra thì các bạn lại quay ra nói chuyện với con rất ngọt ngào hay thân thiện để con giúp các bạn làm bài. Đến khi kiểm tra xong thì các bạn lại chơi với nhau theo nhóm như lúc đầu.
Con xin hỏi cô là con phải làm gì để hòa đồng được với các bạn và không bị các bạn lợi dụng lòng tốt của mình ạ? Con xin cảm ơn cô.
Câu hỏi 10 (bắt đầu từ 59:17): Làm thế nào để rèn luyện trí nhớ tốt?
Con chào cô ạ! Con có một vấn đề trong học tập muốn xin ý kiến của cô. Trước đây con học rất tốt, nhưng dần dần vào năm nay, khả năng học của con kém dần đi. Đặc biệt là trí nhớ của con. Con đã rất cố gắng để nhớ kiến thức nhưng chỉ đến vài hôm sau là con quên sạch, thậm chí là vài giờ sau khi học. Bây giờ con không thể nào học tốt lại như trước được nữa cho dù con có cố gắng thế nào đi chăng nữa. Cô cho con hỏi nguyên nhân là do đâu ạ? Con xin cảm ơn cô nhiều ạ!
Câu hỏi 11 (bắt đầu từ 1:04:16): Cách thiết lập một tình bạn tốt
Con bị người khác nói xấu sau lưng và con rất tức giận. Và con lại phải đối diện trực tiếp với họ nữa, con lại càng cảm thấy ghét họ nhiều hơn. Các cụ có câu là “giận quá mất khôn” ạ. Cô cho hỏi làm sao để kiềm chế cảm xúc của mình khi gặp người như vậy không ạ?
Và thường khi con người ta vấp ngã, bị phản bội rồi mới nhận ra mình đã tin tưởng nhầm người. Khi bị bạn mình quay lưng lại, ta mới biết mình đã chọn nhầm bạn. Vậy cô ơi, làm sao để tìm được một người bạn tốt với mình ạ?
Câu hỏi 12 (bắt đầu từ 1:13:03): Giúp tôi với! Tôi muốn cống hiến cho xã hội
Cô có thể cho con biết con cần làm gì để giúp đỡ được nhiều người hơn không ạ? Ba mẹ con thường bảo con hay mơ mộng viển vông, chỉ cần con sống tốt là được rồi. Con cũng yêu đất nước này lắm cô ạ. Con không có khả năng như những người hùng biện. Càng lớn con càng không tin tưởng vào chính quyền lãnh đạo. Lúc nào bọn con cũng được học nhà nước “Vì dân, do dân” nhưng những ý kiến của một đứa trẻ như bọn con không được lắng nghe. Và khi thấy người khác gặp khó khăn, trong tâm con rất thương họ và muốn giúp đỡ họ nhưng lại hay bị bảo là lo chuyện bao đồng. Đã 17 tuổi rồi nhưng chính con cũng không thể hiểu hết được bản thân mình. Con không thấy rõ được đam mê của con lòng con rối như mớ tơ vậy.
Câu hỏi 13 (bắt đầu từ 1:22:42): Tính cách khác biệt bị cô lập nên làm gì?
Thưa cô, con là Uyên đến từ nhóm Thiết Mộc Lan. Con xin hỏi suy nghĩ của cô về sự khác biệt trong suy nghĩ về học tập ở trên lớp cũng như ở ngoài đời sống. Con cảm thấy con luôn khác biệt với mọi người về mọi mặt, nhiều khi vì thế mà họ xa lánh con. Những khi con suy sụp do bị áp lực, con cần một vòng tay, con cần một sự quan tâm chia sẻ. Và con luôn cảm thấy cô độc và sợ cái cảm giác chia sẻ với họ mà họ không hiểu con hoặc họ không muốn nghe con chia sẻ. Vì vậy mà con luôn ngại chia sẻ với mọi người, ngay cả với bố mẹ gia đình. Con phải làm sao? Con xin cảm ơn cô đã nghe câu chuyện của con.
Câu hỏi 14 (bắt đầu từ 1:28:53): Bóng đè
Con tên là Như Ngọc. Cô cho con hỏi tại sao lại thường xuyên bị gặp bóng đè. Làm sao để không bị bóng đè?
Con xin chào Cô! Con muốn hỏi cô một câu hỏi ạ! Đó là có một thời gian khi con nằm ngủ thì người cảm thấy rất nặng và lúc hơi mở mắt ra thì người không cử động được. Con có hỏi người lớn thì có vài người nói rằng con bị bóng đè. Con cảm thấy hơi sợ và có tìm hiểu trên mạng thì là do tinh thần, cảm thấy mệt mỏi, sinh hoạt không điều độ thì nó gây ra hiện tượng đó. Con rất mong cô giải thích cho con rõ hơn. Con cảm ơn cô.
Thưa cô, con muốn hỏi là: Mỗi khi con đi ngủ con thường xuyên bị bóng đè. Con cảm thấy khó thở, hay nhìn thấy những hình ảnh và nghe những âm thanh kinh dị và không bình thường. Con đã cố làm theo các cách trên mạng như cử động ngón tay, xoay đầu, để dao đầu giường... nhưng vẫn không và ngày càng nặng thêm. Con rất sợ con sẽ chết khi bị bóng đè. Cô có thể chỉ cho con cách để tĩnh tâm và thoát khỏi bóng đè nhanh nhất. Và tại sao lại càng ngày càng nhiều và thường xuyên như vậy ạ? Con xin cảm ơn cô!
Có nhiều lần con bị nhiều đêm liên tiếp bị bóng đè và rất khó thở. Mẹ con là người theo Phật và bảo mỗi lần bị bóng đè thì niệm 3 lần “Nam Mô A Di Phật”. Con có thử và có bớt nhưng vẫn còn bị bóng đè nhiều đêm và không thấy giảm nhiều, chỉ thấy giảm một ít. Vậy mong cô cho con lời khuyên ạ?
Câu hỏi 15 (bắt đầu từ 1:30:37): Hộ Pháp ở chùa hay là ma?
Con chào cô, đôi khi con nhìn thấy người cõi âm, nó chỉ mờ mờ như cái bóng thôi ạ. Con nghĩ con bị ảo giác hoặc là tự mình dọa mình. Xin cô giải đáp giúp con ạ.
Cháu bạch cô, hôm kết khóa Khóa tu mùa hè, cháu gặp một sự việc mà cháu hoang mang quá ạ. Hôm đó, vào khoảng 2h sáng, cháu xuống nhà vệ sinh ở Thiền đường tầng một cùng hai bạn nam khác thì bất chợt cháu nghe thấy tiếng xả nước ở phòng vệ sinh bên cạnh. Lúc đó nghe thấy tiếng xả nước, cháu thấy sợ, cháu liền cúi xuống, nhìn qua khe trống dưới chân giữa hai nhà vệ sinh xem có thấy chân của ai ở phòng bên cạnh không thì không thấy ai. Thế là cháu sợ quá, cháu chạy đi gọi các bạn xuống cùng xem thế nào, thì lại tiếp tục như thế, nhà vệ sinh đó lại tự động xả nước, chúng cháu mở cửa phòng đó ra thì không có người nào cả. Chúng cháu sợ quá cô ạ. Chúng cháu nghĩ đó là ma làm có phải không ạ? Và sao ở chùa lại có nhiều ma thế ạ, còn bị ma trêu nữa? Nếu mà bị hương linh trêu đùa thì nương tựa Tam Bảo có hết bị hương linh trêu đùa không ạ?
Câu hỏi 16 (bắt đầu từ 1:38:11): Cảm giác khi bị vong nhập như thế nào?
Con là Thùy Anh nhóm Trắc Bách Diệp. Con xin hỏi là: Khi bị vong nhập thì mình cảm thấy như thế nào hay mình có biết mình bị vong nhập không ạ? Và sau khi bị vong nhập mình có nhớ khi bị vong nhập mình đã làm gì hay nói gì không ạ?
Câu hỏi 17 (bắt đầu từ 1:43:47): Thế nào là sám hối hồi hướng công đức đúng Pháp?
Con thưa cô! Con có điều muốn hỏi cô ạ: Làm thế nào để sám hối tội lỗi và hồi hướng công đức đúng cách ạ? Khi đến chùa, con phải khấn như thế nào mới đúng ạ? Con xin cảm ơn cô!
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.