Hướng dẫn thực hành Bồ đề tâm nguyện theo 10 hạnh nguyện của Đức Phổ Hiền Bồ Tát

Ngày 19/6 âm lịch hàng năm, hàng vạn Phật tử chùa Ba Vàng được dũng mãnh phát tâm Bồ đề, đây là hy hữu duyên vô cùng thù thắng trên con đường cầu đạo của mỗi người đệ tử Phật. Tuy nhiên, để thành tựu Vô thượng Bồ đề, người Phật tử không chỉ dừng lại ở việc phát Bồ đề tâm nguyện mà phải thực hành Bồ đề công hạnh. Muốn vậy, chúng ta phải tu học Phật Pháp, hành Bồ Tát đạo, trợ duyên cho người khác tu hành, phát tâm quảng đại cứu độ muôn loài chúng sinh.

Để làm được điều đó, Cô Phạm Thị Yến - Pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán đã hướng dẫn các đạo hữu thực hành công hạnh Bồ đề theo 10 hạnh nguyện của Đức Phổ Hiền Bồ Tát như sau.

Hơn 25 ngàn Phật tử tham gia đại lễ phát Bồ đề tâm năm 2019 tại chùa Ba Vàng

Hơn 25 ngàn Phật tử tham gia đại lễ phát Bồ đề tâm năm 2019 tại chùa Ba Vàng

1. Kính lễ chư Phật

Chư Phật là những bậc đã giác ngộ. Biết được điều đó, cho nên chúng ta kính lễ chư Phật bằng cách luôn luôn chuyên chú đến việc giác ngộ của mình. Chúng ta phải đặt tâm học Pháp cầu giác ngộ lên hàng đầu. Tức là phải lập nguyện đi tu học, nếu ở xa thì lập ra chương trình học ở nhà, không được để xao nhãng.
Ví dụ, chùa Ba Vàng có tổ chức cho các Phật tử tu Bát quan trai giới vào ngày mùng 8 âm lịch hàng tháng để cầu nhân giải thoát. Đã lập chí nguyện tu học hàng tháng thì chúng ta phải chuyên chú bảo tồn nó, tạo mọi điều kiện để tu tập định kỳ, không được bỏ. Chúng ta phải thực hành nghiêm trì, miên mật như vậy thì mới có năng lực của nguyện (gọi là nguyện lực), giúp chúng ta vượt qua mọi duyên, mọi chướng ngại; giúp chiết phục tất cả các khổ nạn, chiết phục chính mình và chiết phục chúng sinh.

Tuy không thể về chùa tu Bát quan trai trong mùa dịch Covid - 19 nhưng các Phật tử vẫn tinh tấn tu học tại nhà

Tuy không thể về chùa tu Bát quan trai trong mùa dịch Covid - 19 nhưng các Phật tử vẫn tinh tấn tu học tại nhà

2. Xưng tán Như Lai

“Như Lai” tức là chúng ta lấy tâm chân thật của mình làm gốc, “xưng tán Như Lai” tức là chúng ta xưng tán tâm chân thật của mình. Ví dụ khi chúng ta có lỗi và được người khác chỉ lỗi với mong muốn mang lại lợi ích cho mình. Tuy nhiên, do tập nghiệp nhiều kiếp vong ơn bội nghĩa, chúng ta sẽ cảm thấy rất khó chịu với những người, những điều làm lợi ích cho mình.
Khi đó, chúng ta nên chân thật đối diện với sự khó chịu của mình, tức là định tâm, quan sát được tất cả sự khó chịu, nói ra với người đã chỉ lỗi cho mình. Từ đó mới có duyên để người chỉ lỗi cho mình giải thích thì mình sẽ cắt đứt được phiền não. Đó chính là xưng tán tâm chân thật của mình. Chúng ta có thể thực hành dần từ một tâm niệm chân thật mỗi ngày.

3. Rộng tu cúng dường

Rộng tu cúng dường nghĩa là: xả tham, đoạn bản ngã trong việc cúng dường. Thế nào là tham? Đó là không có tâm cúng dường một cách vô tư mà rất keo rít, cân nhắc lên xuống, khó khăn. Vậy chúng ta nên xả tâm tham này đi.
Thứ nữa, các Phật tử cũng cần chú ý đến bản ngã của mình. Nếu khi cúng dường, mình có tâm mong muốn gặp được Thầy, Thầy phải biết mình cúng dường nhiều và Thầy phải chứng minh; nhưng đến khi gia đình có việc, mình cảm thấy Thầy không quan tâm đầy đủ đến đàn lễ như mình mong muốn thì sinh tâm giận Thầy. Đó chính là bản ngã. 
Để đoạn được bản ngã trong việc cúng dường này, chúng ta tập xả tâm mình bằng cách cúng dường vào hòm công đức mà không có chấp thủ, không mong Thầy phải biết.
Trong CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa, các Phật tử đang thực hành cúng dường, bố thí Ba La Mật - là bố thí không thấy người nhận, không thấy vật thí và không thấy người bố thí, tức là tâm mình không còn dính mắc khi bố thí. Phật tử cùng nhau cúng dường vào câu lạc bộ mà không phân biệt nhiều ít, không phân biệt người cúng; đó cũng chính là đang thực hành rộng tu cúng dường, đoạn bản ngã trong việc cúng dường.

Xả tham, đoạn bản ngã khi cúng dường là điều mà Phật tử nên làm

Xả tham, đoạn bản ngã khi cúng dường là điều mà Phật tử nên làm

4. Sám hối nghiệp chướng

Phật tử phải hiểu rõ, không phải chỉ có bệnh tật hay nghiệp khổ về gia đình (đau chân, con hư, mất tài sản,...) mới là nghiệp chướng. Hiểu như vậy là hiểu nông. “Nghiệp chướng” chính là những gì chướng ngại đạo cho mình. Ví dụ khi có người khen, tâm mình khởi lên niềm vui thích, nhìn ai cũng thấy vui. Tuy nhiên phải quán xét kỹ, nếu mình còn cảm thấy vui sướng khi thọ nhận lời khen thì sẽ thấy buồn khi bị chê. Như vậy, lời khen đó là chướng ngại đạo của mình. Vậy nên, chúng ta phải xả được sự khen và tự tại với sự khen.
Người Phật tử thực hành Bồ đề công hạnh phải nên làm việc vì lợi ích số đông mà không ngại khen chê, thêu dệt. Khi đó, chúng ta không buồn khi bị chê và cũng không vui khi được khen. Như vậy, không còn gì chướng ngại trên con đường đạo của mình. Đó chính là sám hối nghiệp chướng.

Người đệ tử Phật phải xả được những chướng ngại trên con đường đạo của mình

Người đệ tử Phật phải xả được những chướng ngại trên con đường đạo của mình

5. Tùy hỷ công đức

Người đệ tử Phật nên nhớ, tùy hỷ công đức không phải chỉ tùy hỷ bằng miệng, mà sẽ phải tu tâm tùy hỷ trong hai thời điểm sau: 
- Một là khi tâm đố kỵ nổi lên trước thành công của người. Lúc này, chúng ta cần phải tu được tâm tùy hỷ, hoan hỷ khi thấy người khác thành công. 
- Hai là khi chúng ta làm việc để thành tựu danh vị cho người, tức là phụ giúp cho người thành công, làm mà vô ngã.
Tùy hỷ công đức không chỉ dừng lại ở lời nói. Ví dụ khi thấy người nào đang đẩy một chiếc xe nặng, mình phải vào đẩy giúp người đó cho đỡ nặng. Đó mới gọi là tùy hỷ. Tức là phải xả tâm mình, giải thoát tâm cho mình và làm lợi ích cho chúng sinh. Đó là tự lợi, lợi tha và như vậy mới nằm được trong tâm Bồ Đề này.

Hoan hỷ trước thành công của người khác

Hoan hỷ trước thành công của người khác

6. Thỉnh Phật thuyết Pháp

Chúng ta phải đi học Pháp và khuyến tấn mọi người đi học Pháp, khi đó Thầy mới giảng Pháp và Pháp của Phật sẽ được lưu truyền do các Thầy thuyết lại. Đó chính là thỉnh Phật thuyết Pháp. Nếu chúng ta không đi tu học thì Pháp của Phật không được thuyết. Cho nên thỉnh Phật thuyết Pháp chính là tự thân mình đến nơi để nghe Pháp.
Trong tâm nguyện Bồ đề, chúng ta phải lập nguyện thật kiên cố đối với việc về chùa nghe Pháp. “Kính lễ chư Phật” là chúng ta có thể ở xa nghe Pháp của Phật, đặt trí giác ngộ lên hàng đầu; còn “thỉnh Phật thuyết Pháp” là chúng ta phải đến hội chúng để lắng nghe Thầy thuyết Pháp của Phật, như vậy điều đó mới nằm trong công đức “thỉnh Phật thuyết Pháp”. Chúng ta nên tùy duyên phát nguyện và thực hiện nguyện của mình cho thành tựu.

Phải lập nguyện kiên cố trong việc về chùa nghe Pháp cùng hội chúng

Phải lập nguyện kiên cố trong việc về chùa nghe Pháp cùng hội chúng

7. Thỉnh Phật trụ thế

Thỉnh Phật trụ thế tức là hàng ngày phải tư duy về các điều giác ngộ, thực hành điều giác ngộ và khuyến tấn người khác tu tập trong các việc khiến cho người ta giác ngộ, tin có nhân quả, có kiếp trước, kiếp sau để họ bỏ ác làm lành. Như vậy, Pháp của Phật được trụ ở thế gian, làm lợi ích cho thế gian.

Tư duy và thực hành các điều giác ngộ rồi khuyến tấn người khác tu tập để giác ngộ

Tư duy và thực hành các điều giác ngộ rồi khuyến tấn người khác tu tập để giác ngộ

8. Thường theo học Phật

Sau khi thực hành 7 hạnh nguyện trên: Kính lễ chư Phật, xưng tán Như Lai, rộng tu cúng dường, sám hối nghiệp chướng, tùy hỷ công đức, thỉnh Phật thuyết Pháp, thỉnh Phật trụ thế thì sẽ thành tựu được hạnh nguyện thứ tám là “Thường theo học Phật”. Chúng ta không phải đi tìm Phật để theo học mà chỉ cần luôn tâm niệm tu hành theo các hạnh nguyện trên thì nguyện này sẽ tự thành tựu được. Đó chính là mình tự pháp hành.

Thực hành 7 hạnh nguyện trên sẽ thành tựu nguyện thứ 8: Thường theo học Phật

Thực hành 7 hạnh nguyện trên sẽ thành tựu nguyện thứ 8: Thường theo học Phật

9. Tùy thuận chúng sinh

Tùy thuận chúng sinh là chúng ta sẽ thông cảm và tùy thuận vào căn cơ nghiệp của mỗi người để mang Pháp đến cho họ. Ví dụ, đối với những người đang hành nghề sát sinh, chưa giữ được giới “không sát sinh” của người Phật tử tại gia; chúng ta vẫn nên khuyến tấn họ quy y Tam Bảo. Tức là giúp họ giữ được giới nào thì họ được công đức và giải thoát nghiệp ở giới đó. Giới nào chưa giữ được thì cầu Phật gia hộ cho mình đầy đủ nhân duyên giữ được. Có như vậy, họ mới có được nhân duyên gặp minh sư, thiện hữu tri thức dẫn dắt cho họ tu hành.
Người Phật tử muốn tùy thuận chúng sinh thì phải học để giác ngộ, hiểu biết và đầy đủ phương tiện, đầy đủ tình thương. Khi đó mình mới tư duy được các pháp để tùy thuận chúng sinh.

Tu học Phật Pháp để mình giác ngộ thì mới có thể tùy thuận chúng sinh

Tu học Phật Pháp để mình giác ngộ thì mới có thể tùy thuận chúng sinh

10. Hồi hướng khắp tất cả

Khi chúng ta thực hành các công hạnh Bồ đề thì sẽ phát sinh trí tuệ, công đức, phước báu để hồi hướng cho khắp pháp giới, gặp ai cũng làm lợi ích cho họ. Đó chính là hạnh nguyện thứ mười. 
Nếu như chỉ đọc tụng kinh mà không giác ngộ thì chưa thể hồi hướng được cho chúng sinh, bởi đọc tụng như vậy cũng chưa mang được lợi ích cho chính mình.
Cõi người làm được lợi ích gì thì đi một bước cũng có chúng sinh theo cầu cứu một bước. Khi đó tâm niệm của mình giác ngộ thì theo chấp chước của chúng sinh mà chúng đồng được thác sinh. Như vậy, người giác ngộ độ sinh rất dễ. Nếu mình luôn luôn sống với tâm niệm bất thiện thì có chúng sinh nào bên cạnh mình, họ sẽ bất thiện thêm, tức là mình làm khổ chúng sinh. Chính vì vậy, người Phật tử phải giác ngộ mới phát được tâm quảng đại, độ chúng sinh trong từng niệm, từng giây phút và trong tất cả các hoàn cảnh.
Mong rằng qua những chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến, quý đạo hữu biết cách thực hành các công hạnh Bồ đề, biến hạnh nguyện của Đức Phổ Hiền thành hạnh nguyện của mình. Từ đó tinh tấn trong từng tâm niệm để mang lại lợi ích cho mình, lợi ích cho chúng sinh trên con đường cầu đạo Vô thượng Bồ đề.

Các bài nên xem:

-
aa
+
2,661 lượt xem
25/07/2021

Bình luận (1)

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. N
    N

    Nguyễn Thị Sửu

    24/08/2023

    Bài hướng dẫn thực hành Bồ đề tâm nguyện theo 10 hạnh nguyện của Đức Phổ Hiền Bồ Tát của cô thật hay và sâu sắc quá! Con xin tri ân cô Chủ Nhiệm ạ.