Sự thật về 2 hiện tượng đặc biệt khi Đức Phật đản sanh

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người có nhân cách và trí tuệ siêu phàm, có một không hai trong lịch sử nhân loại. Cuộc đời Ngài gắn liền với những sự kiện vi diệu chỉ xuất hiện ở bậc vĩ nhân. Ngay khi vừa sinh ra, Thái tử Tất Đạt Đa (chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau này) liền đi bảy bước, mỗi bước đều có hoa sen nở đỡ chân và tuyên bố: “Thiên thượng, thiên hạ duy ngã độc tôn”. Đối với một đứa trẻ bình thường khi mới sanh, đây là hiện tượng đặc biệt và khó tin.

Vậy việc ngay khi Đức Phật đản sanh, Ngài liền biết đi và biết nói có thật không? Ý nghĩa của 2 hiện tượng đặc biệt này là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu qua chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến – Pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán trong bài viết sau.

Duc-phat-dan-sinh-hoa-sen-do-chan
Khi vừa đản sanh, Thái tử liền đi bảy bước, mỗi bước nở ra một đóa sen đỡ chân

Hiện tượng 1: Thái tử đi 7 bước, mỗi bước nở ra một đóa sen đỡ chân

Thực hư về việc đi 7 bước khi mới sinh

Hiện tượng trẻ em biết đi khi mới sinh rất hiếm gặp, nhiều người cho rằng việc đó không thể xảy ra. Mãi đến sau này, vào cuối tháng 5/2017, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại hình ảnh một bé gái sinh tại bệnh viện Santa Cruz thành phố Rio Grande do Sul miền Nam Brazil. Khi em bé vừa lọt lòng mẹ, chuẩn bị được đưa đi tắm thì bé níu tay người y tá như thể muốn đứng dậy. Sau đó, em bé đã bám vào cánh tay của người y tá và bước đi trước sự kinh ngạc của những người chứng kiến. Clip dài chưa đầy 1 phút này đã khẳng định việc trẻ sơ sinh biết đi tuy rất hiếm nhưng không phải không thể xảy ra.

Lý giải về hiện tượng trên của Thái tử, Cô Phạm Thị Yến cũng lấy ví dụ: Thực tế có rất nhiều loài có thể biết đi ngay sau khi sinh ra như hươu, nai,… Đặc biệt, Đức Phật là bậc đại trí, đại phước, Ngài có phước báo bao trùm lên phước báo của tất cả chúng sinh. Cho nên, ở Ngài hội tụ những hiện tượng, sự việc không phải chỉ có ở con người mà có cả ở những chúng sinh khác.

Tức là, Đức Phật là một hiện tượng nằm trong tất cả các hiện tượng của thế gian, nhưng Ngài vượt cao hơn tất cả trong các loài chúng sinh do công đức Ba La Mật của Ngài đã tích lũy từ nhiều kiếp. Cho nên, người ta thường ví tiếng của Đức Phật như tiếng sư tử hống, nghĩa là tất cả những gì cao tốt nhất của chúng sinh đều hội tụ ở nơi Ngài. Vì vậy, hiện tượng khi Đức Phật vừa đản sanh đã đi được là hiện tượng hội tụ ở những loài chúng sinh vừa sinh ra đều có được.

Ý nghĩa 7 bước hoa sen

Hiện tượng Đức Phật bước đi 7 bước khi mới sinh ra là hiện tượng rất đặc biệt và có ý nghĩa lớn lao, không nằm ngoài sự giáo hóa chúng sinh mà bậc trí tuệ toàn giác như Ngài thị hiện. Tất cả chúng sinh đều theo nghiệp lực mà trôi lăn trong lục đạo luân hồi, cho nên việc Đức Phật bước đi sáu bước chân, tới bước thứ bảy thì đứng lại có nghĩa là Ngài đản sanh về cõi Sa Bà để dẫn dắt chúng sinh ra khỏi lục đạo luân hồi, thoát khỏi sự khổ đau.

Đặc biệt khi Thái tử bước đi thì cả 7 bước chân Ngài đều có hoa sen hóa hiện. Cô Chủ nhiệm giải thích đây cũng là hiện tượng hy hữu kỳ diệu chỉ xuất hiện ở người có đầy đủ các công đức phước báo. Đức Phật đã có vô lượng kiếp hành Bồ Tát đạo, thực hành Ba La Mật và thành tựu được bảy phần đạo Bồ đề (bảy pháp giác chi); cho nên ở Ngài hội tụ rất nhiều điều kỳ diệu. Việc hoa sen hóa hiện đỡ chân Ngài là “hình tướng” để thể hiện công đức, chí nguyện của Ngài; Ngài bước đến đâu hình tướng hoa sen xuất hiện đến đó.

chap-tay-danh-le-duc-phat-dan-sinh
Đức Phật có công đức Ba La Mật và thành tựu bảy Pháp giác chi trong nhiều kiếp, cho nên ở Ngài hội tụ rất nhiều điều kỳ diệu

Mặt khác, chúng ta lại được biết rằng, hoa sen là biểu tượng của sự thanh cao, vô nhiễm. Ý nghĩa của bảy bước hoa sen là dấu hiệu của sự không nhiễm ô, đi ra khỏi lục đạo luân hồi và chứng đắc giải thoát, nói lên rằng đây là kiếp cuối cùng của Ngài. Điều đó có được là do công đức mà Ngài đã tích lũy khi hành Bồ Tát đạo và thành tựu được thất Bồ Đề phần (tức là bảy đạo Bồ Đề).
Qua đó, chúng ta hiểu được rằng, từ hiện tượng bảy bước chân trên hoa sen, Ngài thị hiện cho chúng sinh thấy tuy Ngài đản sanh cõi Sa Bà nhưng không đắm nhiễm dục lạc và tham ái. Ngài đản sanh nơi đời để dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi lục đạo luân hồi.

Hiện tượng 2: Thái tử tuyên bố: “Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn”

Cũng từ công đức Ba La Mật và thành tựu bảy pháp giác chi, hiện tượng Thái tử tuyên bố: “Thiên thượng, thiên hạ; duy ngã độc tôn” khi mới sinh cũng là điều kỳ diệu có thật. Câu nói trên có nghĩa rằng: “Trên trời, dưới đất; chỉ có ta là tôn quý nhất”.
Đạo Phật là đạo vô ngã, tuy nhiên với câu nói đó, nhiều người cho rằng Đức Phật đề cao bản ngã của mình. Để các đạo hữu có chính kiến đúng đắn, trước hết chúng ta cần hiểu rõ về “vô ngã” trong đạo Phật.

Thế nào là vô ngã?

Đạo Phật khẳng định: Tất cả các Pháp đều là vô ngã, không có điều gì là duy nhất, là riêng một mình, mà đều từ ít nhất hai nhân duyên mà thành.
Để giải thích rõ hơn, chúng ta tư duy ví dụ: Mưa được tạo thành sẽ phải liên quan đến nhiều nhân duyên như gió, áp suất, hơi nước,… Cũng vậy, mỗi sự vật, hiện tượng đều được tạo thành từ nhiều nhân duyên. Không có bất kỳ điều gì tự mình mà tạo ra cả. Đó là bản chất của “vô ngã” trong đạo Phật.

Sự thật câu nói “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”

Vậy câu nói: “Trên trời, dưới đất, chỉ có ta là tôn quý nhất” chính là câu nói đúng sự thật. Bởi vì từ khi Đức Phật sinh ra tới lúc Ngài nhập Niết bàn, chỉ có duy nhất Ngài là chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề. Điều đó không phải là ngã mạn, cũng không nằm trong vô ngã của đạo Phật, bởi ngã mạn là chỉ cái tôi, còn vô ngã là chỉ sự vật, hiện tượng.
Qua đó, chúng ta thấy rằng Đức Phật không đề cao bản ngã của mình mà Ngài chỉ tuyên bố sự thật. Ngài là người hành Bồ Tát đạo, thành tựu các công đức Ba La Mật cho nên những lời nói này thuộc về chân lý. Đức Phật quả thực là bậc tối tôn tối quý trên thế gian, là thầy của Trời người. Bởi trong kiếp sống của Ngài, chưa một ai có thể chứng đắc quả vị Chính đẳng Chính giác, đưa ra được phương pháp cứu khổ cho muôn loài chúng sinh như Ngài.

duc-phat-dan-sinh-va-buoc-di-bay-buoc
Đi đến bước thứ bảy, Thái tử một tay chỉ trời, một tay chỉ đất và tuyên bố: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”

Bài học từ 2 sự kiện đặc biệt khi Đức Phật đản sanh

Từ hai hiện tượng đặc biệt khi đản sanh của Đức Phật, Ngài cũng thị hiện cho chúng sinh thấy những bài học quý báu.

1. Học Đức Phật bước đi bảy bước bằng giới luật

Đối với người đệ tử Phật, được bước đi trên con đường giải thoát và đạt đến giải thoát là mục đích tối hậu. Qua việc tìm hiểu bảy bước hoa sen, mong rằng người đệ tử Phật cần rút ra những bài học cho mình: Chúng ta – những người đệ tử Phật cũng đi theo bảy bước của Ngài, từ bỏ sáu bước mà chúng ta đã đi quen từ vô thủy kiếp để hướng sang bước thứ bảy, là bước thoát tục, thoát ra khỏi những tâm cấu uế, phiền não và những tri kiến mê lầm để bước đi trên con đường giác ngộ, giải thoát khỏi khổ đau. Tâm chúng ta không đắm nhiễm vào những tham lam, sân giận, bất thiện, cũng như Ngài đang dẫn chúng ta bước trên hoa sen. Tuy rằng ở đời sống tại gia, nhưng chúng ta hướng tâm bước dần ra, không lún sâu, không nhiễm những thói hư và tâm bất thiện của chúng sinh, mà hướng tới bước đi bằng giới luật.

2. Nghe và tư duy Pháp để hướng đến chứng đắc Bồ đề

Đức Phật đã thực hành các pháp Ba La Mật, thành tựu bảy pháp giác chi mà có được công đức phước báu vô lượng ở kiếp cuối cùng, thoát khỏi luân hồi, đạt được giác ngộ. Người đệ tử Phật cũng cần noi gương Ngài để đạt giác ngộ giải thoát.
Bảy pháp giác chi sẽ dẫn chúng sinh tới giác ngộ. Đó là niệm giác chi, trạch Pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, và xả giác chi.

Trong đó, trạch Pháp giác chi chính là việc các đạo tràng thường sinh hoạt trạch Pháp. Trạch Pháp là tuyển chọn, phân tích Pháp để hiểu rõ Pháp. Người tu phải giản trạch để hiểu, không giản trạch thì không hiểu Pháp, không hiểu Pháp thì không thực hành được. Khi hiểu Pháp rồi, chúng ta bắt đầu tinh tấn; tinh tấn rồi, chúng ta sẽ có niềm vui, gọi là hỷ; có hỷ rồi, chúng ta sẽ có khinh an, nhẹ nhàng,… Đó là lộ trình tu tập của tâm mà Đức Phật dạy.

Chính vì vậy, hy vọng các đạo hữu thường nên nghe Pháp, tư duy Pháp, trạch Pháp về sáu pháp hòa kính, thực hành sáu pháp hòa kính thì sẽ có được công đức Ba La Mật trong bảy pháp giác chi. Đó là tư lương giúp cho người đệ tử Phật được sinh ra và chứng đắc Vô thượng Bồ đề ở kiếp cuối cùng.

pham-thi-yen-trach-phap-1
Các Phật tử trong CLB Cúc Vàng – Tập Tu Lục Hòa chùa Ba vàng thường nghe Pháp, tư duy Pháp để có được công đức Ba La Mật trong bảy pháp giác chi

Hai hiện tượng đặc biệt của Đức Phật khi đản sanh đó là bước bảy bước trên hoa sen và tuyên bố: “Thiên thượng, thiên hạ duy ngã độc tôn” là điều có thật xuất hiện ở bậc vĩ nhân. Mong rằng qua sự thị hiện đản sanh của đấng Tôn Sư vĩ đại, người đệ tử Phật thấy được sự cao quý, thiêng liêng mà giáo Pháp Phật mang lại cho chúng sinh để từ đó tinh tấn trên hộ trì Tam Bảo, hướng tới con đường giải thoát.

Các bài nên xem:

-
aa
+
3,119 lượt xem
11/04/2022

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ