Quy y Tam Bảo là việc đầu tiên chúng ta cần làm nếu muốn trở thành người đệ tử Phật, đi trên con đường tiến tới giải thoát giác ngộ. Người Phật tử sau khi quy y cũng nhận được rất nhiều lợi ích thù thắng.
Kính mời quý bạn đọc cùng tìm hiểu về quy y Tam Bảo cũng như lợi ích và cách đăng ký quy y tại chùa Ba Vàng qua bài viết sau đây!
Mục lục [Hiển thị]
Quy y Tam Bảo là gì?
1. Quy y là gì?
“Quy” là quay về, “y” là nương tựa. “Quy y” là quay về nương tựa.
2. Tam Bảo là gì?
“Tam” là ba, “Bảo” là quý báu. “Tam Bảo” được hiểu là “ba ngôi báu”, bao gồm Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo.
- Phật là bậc giác ngộ tối thượng. Đức Phật ra đời với một mục đích duy nhất là khai ngộ tri kiến cho chúng sinh, đưa cho chúng sinh sự hiểu biết đúng đắn về chân lý. Cho nên Phật rất quý báu.
- Pháp là lời dạy của Đức Phật, đưa mọi chúng sinh đến chỗ hạnh phúc, an vui. Dựa vào giáo Pháp, chúng ta có thể tu học, thực hành giúp chúng ta đến sự giác ngộ, giải thoát, chấm dứt mọi khổ đau. Cho nên, Pháp của Phật được tôn xưng là ngôi báu thứ hai.
- Tăng là đoàn thể những người đã xuất gia và thực hành lời Phật dạy để thành tựu tâm giải thoát, giác ngộ; khiến cho mình và chúng sinh được đến chỗ hạnh phúc, an vui, chấm dứt đau khổ. Cho nên đó là những con người đáng quý.
3. Định nghĩa quy y Tam Bảo
"Quy y Tam Bảo" là quay về nương tựa nơi Tam Bảo, nương tựa nơi bậc giác ngộ là Đức Phật, nơi giáo Pháp cứu khổ và nơi các vị Tăng tu hành theo giáo Pháp của Đức Phật. Nương tựa Tam Bảo giúp cho chúng ta được thực hành các Pháp khiến cho mình giảm bớt khổ đau.
Lợi ích của quy y Tam Bảo
Tam Bảo như nguồn ánh sáng trong đêm tối của người đi tìm đường. Quy y Tam Bảo, nương tựa nơi Phật, Pháp, Tăng không chỉ mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích trong cuộc sống thực tại mà còn hướng ta đạt đến giác ngộ, đạt được an vui hạnh phúc tuyệt đối.
1. Chuyển hóa nghiệp khổ và được hạnh phúc, an vui
Nương tựa Tam Bảo là chúng ta:
- Nương tựa vào Đức Phật - người đã giác ngộ, tức chúng ta chọn Ngài là Thầy của mình.
- Nương tựa vào Pháp là hiểu rõ Pháp Phật, áp dụng lời dạy của Đức Phật vào đời sống khiến chuyển hóa khổ đau. Pháp Phật nói về sự khổ của thế gian, nguyên nhân và cách giải quyết các sự khổ đó, khai mở cho chúng ta một hướng đi mới. Chính hiểu biết như vậy thì sẽ chuyển hóa được nghiệp lực.
- Nương tựa vào Tăng là tìm một Tăng đoàn tu tập nghiêm trì giới luật và dạy cho chúng ta cách tu tập để đoạn trừ tham ái, tham dục, tham sân. Khi nương tựa vào Tăng đoàn - những vị Thầy dẫn đường cho mình thì nhiều kiếp chúng ta sẽ được hạnh phúc, an vui.
Do đó, trong mọi việc, nếu chúng ta đều nương tựa Tam Bảo, nương tựa vào giáo Pháp của Phật, đều đi đến nơi các bậc chân tu để được giảng giải về lời Phật dạy, từ đó thực hành theo thì sẽ được chuyển hóa; được an vui.
2. Được vào dòng giải thoát
Trong kinh Pháp Cú Thí Dụ, có câu chuyện quy y Tam Bảo của ông trời Đế Thích. Khi ông Đế Thích thấy mình bỗng nhiên mất đi năm đức tướng nên tự biết thọ mạng của mình sắp hết. Vị Đế Thích cũng biết sau khi chết sẽ đọa làm thân con lừa ở nhà một người thợ làm gốm nên hết sức buồn lo.
Đế Thích suy nghĩ rằng trong ba cõi chỉ có Phật mới cứu độ được khổ ách cho chúng sinh nên vội tìm đến chỗ Đức Phật đảnh lễ, chí tâm quy y Phật, Pháp, Tăng. Trong khoảng thời gian cúi mình làm lễ thì ông bị mạng chung, thần thức tái sinh nhập vào thai con lừa.
Nhưng do phước báu của ông tăng trưởng sau khi phát nguyện quy y khiến con lừa không thể chứa nổi phước của ông nên nó giật mình, chạy loạn làm hỏng số đồ gốm chưa nung. Người chủ nổi giận, đuổi đánh làm con lừa bị sảy thai.
Thần thức vua Đế Thích do đó liền thoát khỏi thân lừa, quay về thân cũ, trở thành Đế Thích như xưa. Khi ấy, Đức Phật liền tán thán: “Lành thay, này Thiên Đế! Ông có thể đến lúc sắp mạng chung biết quy y Tam Bảo, tội nghiệp đã trả xong, không còn thọ khổ báo nữa”. Bấy giờ Đức Thế Tôn nói kệ xong, Đế Thích nghe liền giác ngộ lẽ vô thường, hoan hỷ phụng trì Chánh Pháp, đắc quả Tu Đà Hoàn. Ông vào dòng giải thoát, không bao giờ phải chịu khổ đau nữa.
Qua câu chuyện chúng ta thấy rằng, những người nhất tâm nương tựa Tam Bảo, phát nguyện từ nay trở đi không tin ai ngoài Phật, không làm việc gì ngoài Giáo Pháp của Phật, không hỏi ai ngoài Tăng đoàn, không hộ trì ai ngoài hộ trì Tăng đoàn thì sẽ được vào dòng giải thoát (quả Tu Đà Hoàn). Họ sẽ chỉ còn 7 kiếp lai sinh rồi tịnh diệt Niết bàn. Trong 7 kiếp đó, khi xuống cõi người, nếu làm kinh doanh thì sẽ rất giàu có, không thì sẽ làm cho thế gian bớt khổ đau.
3. Dứt trừ nghiệp tà kiến
Quy y Tam Bảo tức chúng ta giác ngộ được rằng, Phật là bậc tối thượng nên từ nay chúng ta không đi tìm sự giác ngộ ở đâu khác nữa. Chúng ta bỏ tất cả các vị thầy tà kiến từ trước ngày quy y cho đến vô thủy kiếp trước. Chúng ta chỉ duy nhất nương tựa nơi Phật, Pháp, Tăng thôi thì sẽ dứt được nghiệp tà kiến này và sẽ có những việc làm đúng với chính Pháp.
Ngoài ra, nếu người nào trọn đời luôn chánh niệm, nhớ rõ niệm quy y thì sẽ có những lợi ích to lớn sau đây:
- Đến đâu cũng được chư Thiên, thiện Thần, Hộ Pháp bảo hộ.
- Không phát sinh ra nhân duyên để làm việc ác mà thường có duyên được dẫn dắt làm các việc lành, khiến từ đó chuyển hóa các nghiệp.
- Trước khi bỏ báo thân, sẽ có các vị Hộ Pháp đến hộ duyên cho chúng ta.
- Khi bỏ báo thân, sẽ được tái sinh về nơi tiếp tục được tu học Phật Pháp, về nơi cõi lành như cõi Trời, cõi Người.
Hướng dẫn cách đăng ký quy y Tam Bảo tại chùa Ba Vàng
Quý vị vui lòng truy cập đường link dưới đây để được hướng dẫn chi tiết: Hướng dẫn nhân dân, Phật tử đăng ký quy y Tam Bảo tại chùa Ba Vàng
------
Mong rằng, quý bạn đọc sẽ có thêm kiến thức trong bước đầu học Phật, để từ đó có thêm niềm tin vững chắc nơi Tam Bảo tôn quý, đạt được nhiều lợi ích trong tu tập Phật Pháp.
Các bài nên xem:
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.