1. Bậc hiền trí thần cây
Tiền thân Phật Thích Ca
Dạy nên sống hòa hợp
Bài kinh: Luật cây rừng
“Lành thay, nhiều bà con,
Như cây sanh từ rừng,
Gió thổi ngã những cây
Ðứng một mình riêng lẻ.
Các bà con cần sống
Với nhau trong hòa hợp
Hòa thuận và hoan hỷ
Luôn ái kính lẫn nhau.
Đạt được sự an lành”.
2. “Kẻ ngu si vô trí
Bất kính bậc hiền trí
Thường gây chuyện tranh cãi
Là nguồn gốc diệt vong”
Đó là ý Phật dạy
Kinh Chuyện Sống Hòa Hợp
3. Bài kinh A-nan-da
Đức Phật dạy nên nhớ
“Kẻ phá hòa hợp Tăng,
Bị rơi vào đọa xứ,
Bị rơi vào địa ngục,
Kéo dài đến một kiếp,
Ưa thích sự bất hòa,
An trú trên phi pháp,
An ổn các khổ ách,
Lại xa lìa, từ bỏ,
Ai phá sự hòa hợp,
Của Tăng chúng Tỷ-kheo,
Trong một kiếp, người ấy,
Bị địa ngục nung nấu.”
Hỡi đệ tử Thích Ca
Lắng nghe khéo chế ngự
Không gây ác nghiệp tà.
4. “Sống an lạc là người,
Làm hòa hợp chúng Tăng;
Sống an lạc là người,
Giúp chúng Tăng hòa hợp;
Ưa thích sự hòa hợp,
An trú trên chánh Pháp.
Ai khiến cho chúng Tăng,
Ðược sống trong hòa hợp,
Trong một kiếp, người ấy
Sống hoan hỷ Thiên giới.”
Bài kinh A-nan-da
Đức Phật đã dạy rõ
Hỡi đệ tử Thích Ca
Lắng nghe chăm thực hành.
5. “Tỷ-kheo sống hòa hợp
Hoan hỷ, không luận tranh
Như nước hòa với sữa
Ái kính dành cho nhau
Lúc ấy, các Tỷ-kheo,
Tạo được nhiều công đức
Lúc ấy, các Tỷ-kheo,
Sống phạm trú an lành.
Hỷ, khinh an, lạc thọ
Định tĩnh được giải thoát”
Đó hội chúng hòa hợp
Được Như Lai tán dương
Ý bài kinh Hội Chúng
Đệ tử đấng Thiện Thệ
Lắng nghe chăm thực hành.
6. Đối với bậc Sư trưởng
Không tôn trọng tôn thờ
Không cúng dường phụng sự
Nên không thấy được pháp
Quán pháp chánh thành tà
Quán pháp tà thành chánh
Gây nhiều sự tranh chấp
Trời người không lợi ích
Sanh phiền não khổ đau
Nên tu pháp lục hòa
Thường kính bậc Sư trưởng
Đức Phật dạy bài kinh
“Chấm Dứt Sự Tranh Chấp.”
Đệ tử đấng Như Lai
Hãy vâng chăm thực hành
Cung kính và Biết ơn
Vâng lời bậc Sư trưởng
Chăm chỉ thực hành pháp.
7. Nên học theo tôn giả
Nan-đề, Kim-tì-la
Và A-na-luật-đà
Trong hội chúng lục hòa
Với bậc đồng phạm hạnh
Khởi lên từ thân nghiệp,
Trước mặt và sau lưng;
Khởi lên từ khẩu nghiệp,
Trước mặt và sau lưng;
Khởi lên từ ý nghiệp,
Trước mặt và sau lưng.
Nghĩ hành theo đúng pháp
“Ta từ bỏ tâm mình
Sống thuận tâm cao quý
Của các bậc phạm hạnh”
“Lành thay” Đức Phật khen
“Ác ma, hay Phạm Thiên,
Sa-môn, Bà-la-môn,
Chư Thiên và loài người
Nhớ đến các Tôn giả
Với tâm niệm hoan hỷ,
Thì sẽ được an lạc,
Hạnh phúc mãi dài lâu"
Đệ tử đấng Như Lai
Học theo các tôn giả
“Hãy từ bỏ tâm mình
Thuận tâm bậc phạm hạnh
Thân khẩu ý hành Từ”
Lợi ích cho chúng sinh.
Đó là lời Phật dạy
Tiểu kinh Rừng Sừng Bò.
8. “Thuyết phi pháp là pháp;
Thuyết pháp là phi pháp;
Thuyết phi luật là luật;
Thuyết luật là phi luật;
Điều Như Lai không nói,
Điều Như Lai không thuyết,
Lại nói Như Lai nói,
Lại nói Như Lai thuyết;
Điều Như Lai có nói,
Điều Như Lai có thuyết,
Nói Như Lai không nói,
Nói Như Lai không thuyết;
Như Lai không sở hành
Nói Như Lai sở hành…
Như Lai có sở hành
Nói thành không sở hành
Điều Như Lai chế đặt
Nói thành không chế đặt”
Đó là các dấu hiệu
Của phá hòa hợp Tăng
Trong bài kinh Hòa Hợp
Và Phá Hòa Hợp Tăng
Đệ tử đấng Như Lai
Nhớ tránh khi thuyết Pháp
Làm phá hòa hợp Tăng.
9. Sáu pháp nhiều thành quả
Sáu pháp cần phải tu,
Sáu pháp cần phải biết,
Sáu pháp cần chứng ngộ.
Đó là sáu trọng pháp.
Thân khẩu ý hành Từ
Phạm hạnh tâm nhân ái
Thường giúp đỡ lẫn nhau
Tiến tu không xen tạp
Không hủy phạm, nhiễm ô,
Được người trí khen ngợi,
Khéo léo giữ gìn giới
Thành tựu Kiến giải thoát
Bình đẳng của Hiền Thánh,
Hoàn toàn hết khổ đau”.
Kinh Tăng Nhất Phật dạy
Nên nhớ nên thực hành.
10. "Thân khẩu ý hành Từ
Cấm giới không hư, bại,
Được người trí kính quý.
Lại muốn cho giới này
Bủa khắp cho mọi người
Khiến đồng mùi vị này.
Chánh kiến Hiền Thánh được
Muốn cho các phạm hạnh
Cùng được đồng pháp này,
Nếu được đồ lợi dưỡng,
Thường nhớ phân phát đều,
Không khởi vọng tưởng tham.
Như thế, các Tỷ-kheo
Nên học theo điều này.
Đáng trọng đáng kính quý
Giữ gìn chớ để quên.”
Đây lời kinh Phật dạy
Phẩm Lục trọng - Tăng Nhất.
11. Giải Ưu Kinh - Phật dạy
“Luân hồi vô lượng kiếp
Mỗi hạt mỗi cha mẹ
Số cha mẹ nhiều hơn
Số hạt đất địa cầu
Ái luyến quyến thuộc kia
Tạo nhiều vô số nghiệp
Bị luân hồi trói buộc.
Giống như loài voi rừng
Sa vào hố bùn lầy,
Không thể thoát ra được.
Lại nữa, quyến thuộc kia
Nhiều như cát sông Hằng.
Cha mẹ nuôi dưỡng nhau
Kiếp sau tùy quả báo
Mà không đồng đẳng nhau,
Hoặc phải làm đầy tớ,
Hoặc lại thành oan gia,
Sân hận và đánh đập,
Nhục mạ làm khổ nhau,
Hoặc lại tình hàng xóm,
Hoặc lại giết hại nhau.”
Kinh Tương Ưng Vô Thỉ
Đức Phật đã chỉ rõ
“Kiếp luân hồi vô tận
Số kiếp trong một loài
Ta đã từng đọa sinh
Hoặc là Bò là Trâu
Hoặc là Nai là Lợn
Gia cầm muôn loài thú
Hoặc là mang thân người
Ở trong mỗi một loài
Chịu đau đớn đánh đập
Chỉ tính riêng thương tích
Bị đánh đập nơi đầu
Máu nhiều hơn bốn biển”
Đệ tử đấng Như Lai
Hãy giác ngộ luân hồi
Khổ đau luôn thiêu đốt
Hãy dũng mãnh từ bỏ
Tiến tu thoát luân hồi.
12. Lục hòa pháp tối thắng
Là con thuyền vững chắc
Không bị rò bị rỉ
Đưa tất cả chúng sinh
Dù ác nghiệp nặng nề
Cũng vượt bờ bên kia
Dứt hẳn luân hồi khổ
Thành tựu bậc Chánh Giác.
13. Công đức pháp lục hòa
Làm thiện pháp sinh sôi
Lợi ích cho muôn loài
Kinh Bát Nê Hoàn dạy
Công đức pháp lục hòa
Làm cho chánh Pháp Phật
Trụ lâu ở thế gian.
Tiểu kinh Rừng Sừng Bò,
Chấm Dứt Sự Tranh Luận
Đức Phật đã dạy rõ:
Thực hành sáu pháp kính,
Đông, Tây hay Nam, Bắc,
Theo chốn nơi đi đến,
Đều đạt được an lạc
Xa lìa các tranh chấp.
Khi Như Lai nhập diệt
Thực hành sáu pháp kính
Thì cũng như Như Lai
Ở hiện đời thuyết Pháp
Giáo hóa các chúng sinh.
Kinh Đại Bảo Tích dạy:
An trụ sáu kính pháp
Thực hành sáu trọng pháp.
Người như vậy mới gọi
Là Sa-môn chân chánh."
Kinh Quán Di Lặc, Kinh Đại Tập dạy:
Tu sáu pháp hòa kính
Sẽ làm Thầy dẫn đường
Kinh Tiểu bộ, Kinh Quán Di Lặc dạy:
Tu sáu pháp hòa kính
Đem đến hạnh phúc lớn
Cho chư Thiên và Người
Được gặp tất cả Phật.
Tu sáu pháp hòa kính, đem đến lợi ích lớn, quả báo lớn, làm lợi ích cho nhân thiên và muôn loài như vậy, đệ tử chúng con nguyện tinh tấn phụng hành.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!
(Trích soạn từ các bài kinh Đức Phật dạy về sáu pháp hòa kính - Phạm Thị Yến (Tâm Chiếu Hoàn Quán))
Bình luận (10)
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.
Lê Thị Mai
Lê Thị Mai
Lê Thị Mai
Nguyễn văn sự
Nguyễn Thị Mai