Người lãnh đạo là một trong những nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của một bộ phận, tập thể. Để trở thành lãnh đạo giỏi, được nhiều người kính nể, tôn trọng thì người lãnh đạo không chỉ nỗ lực, phấn đấu mà còn phải biết ứng xử đối với cấp trên và cấp dưới của mình. Vậy làm sao để trở thành một lãnh đạo giỏi?
Xin mời quý bạn đọc cùng theo dõi bài viết “Bí quyết trở thành người lãnh đạo giỏi thông qua tu tập Phật Pháp” từ những lời chia sẻ quý báu của Cô Phạm Thị Yến (Pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán) - Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa.
Mục lục [Hiển thị]
- Nhân duyên gì để được trở thành người lãnh đạo?
- Cách ứng xử với nhân viên của người lãnh đạo giỏi
- #1 Sẵn sàng chia sẻ, chỉ dạy cho cấp dưới những kinh nghiệm mà bản thân đã tích lũy được
- #2 Tạo môi trường thuận lợi để nhân viên được phát huy khả năng làm việc
- #3 Cùng nhân viên làm những việc thiện
- #4 Biết quan tâm, động viên, thăm hỏi nhân viên
- Cách ứng xử của người lãnh đạo giỏi đối với cấp trên
- #1 Đồng tâm hiệp lực với người lãnh đạo cấp trên
- #2 Khởi tâm tri ân tới người lãnh đạo cấp trên
- Người lãnh đạo nên làm gì để gìn giữ tài sản và tăng trưởng phước báu?
Nhân duyên gì để được trở thành người lãnh đạo?
Đã bao giờ bạn tự hỏi, tại sao bản thân có tài năng, có kinh nghiệm trình độ học vấn,... nhưng vị trí lãnh đạo lại không thuộc về mình? Và có bao giờ bạn cảm thấy bất công khi vị trí lãnh đạo không thuộc về mình? Để trả lời vấn đề này, Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Đức Phật dạy rằng, hai người đồng đẳng về giới, đồng đẳng về trí nhưng một người có bố thí thì danh xưng vượt trội, tức là chúng ta làm ở vị trí cao hơn, làm người quản lý. Ngoài ra, người đó còn có dung sắc hơn, tài sản hơn (vì khi làm người quản lý thì tài sản sẽ cao hơn)”.
Từ những chia sẻ của Cô Yến, chúng ta thấy gieo nhân khác nhau (người có bố thí và người không có bố thí) thì quả phước khác nhau. Chính quả phước mình gieo sẽ tạo nên địa vị, danh xưng, tài sản của mình. Và những người có nhân duyên trở thành người lãnh đạo thì chứng tỏ họ đã gieo nhân bố thí từ trước.
Cách ứng xử với nhân viên của người lãnh đạo giỏi
Người lãnh đạo giỏi không chỉ thể hiện qua cách quản lý, điều hành công việc mà còn trong cách ứng xử với nhân viên. Người lãnh đạo muốn có nhân viên tốt, trung thành thì cần có tâm yêu thương, quan tâm nhân viên. Bởi yêu thương, quan tâm, tha thứ là sợi dây gắn kết giữa người với người. Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Tâm chúng ta có yêu thương, tha thứ thì người khác muốn đến gần chúng ta, chúng ta sẽ có thêm bạn và bớt thù. Chúng ta tha thứ cho họ, có thể ngay lập tức họ chưa gần chúng ta, nhưng dần dần, họ sẽ đến với chúng ta”. Dưới đây là một số cách Cô Phạm Thị Yến chia sẻ để người lãnh đạo có thể áp dụng trong cách ứng xử của mình với nhân viên.
#1 Sẵn sàng chia sẻ, chỉ dạy cho cấp dưới những kinh nghiệm mà bản thân đã tích lũy được
Cô Phạm Thị Yến gợi ý: “Khi chúng ta chỉ bảo cho con cái, chúng ta rất ân cần. Vậy thì, trong công việc, chúng ta hãy so sánh xem chúng ta hướng dẫn cho đồng nghiệp, cho cấp dưới có được như khi dạy con không. Khi chúng ta để tâm cân bằng, chúng ta sẽ có một đội ngũ bên dưới tốt với mình, còn người không tốt sẽ bị đào thải. Đó là nhân quả, vì người khác sẽ nương tựa vào tâm của chúng ta, tức là chúng ta đang bồi dưỡng nguồn tâm khiến người khác nương tựa vào”.
Cô Yến cũng chia sẻ thêm: “Nếu chúng ta có tư duy giấu nghề, không dạy cho ai vì sợ người ta bằng chúng ta, sẽ chiếm chỗ của chúng ta,... đó là một tư duy sai lầm, không nằm trong nhân quả. Khi chúng ta hướng dẫn cho càng nhiều người thì phước của chúng ta càng tăng lên. Nếu vị trí hiện tại không đủ chứa đức của chúng ta thì ta sẽ dời lên chỗ cao hơn”.
Qua lời chia sẻ của Cô chủ nhiệm, chúng ta thấy rằng muốn trở thành người lãnh đạo giỏi cần phải bồi dưỡng tâm biết yêu thương, tha thứ, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho người khác, không giấu diếm.
#2 Tạo môi trường thuận lợi để nhân viên được phát huy khả năng làm việc
Tiếp đó, theo góc nhìn nhân quả của đạo Phật, Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Chúng ta càng làm lãnh đạo cao thì càng phải dạy cho nhiều người. Vì vậy, muốn gieo cho mình nhân làm lãnh đạo lâu dài thì chúng ta phải biết cách bảo vệ đại chúng của mình. Tức là những điều gì đại chúng còn chưa tốt thì phải biết dạy họ cho thật tốt và đừng sai xử, quát nạt, vì sai xử, quát nạt sẽ khiến phước của chúng ta giảm và không có ai nương vào tâm của chúng ta. Khi đó, chúng ta sẽ không lên được chỗ tốt”.
Đồng thời, người lãnh đạo cũng nên tạo môi trường bình đẳng để tất cả nhân viên cùng được học hỏi, phát triển. Như Cô chủ nhiệm chia sẻ: “Đức Phật dạy: Tâm bình đẳng là tâm lớn. Ở đâu có bình đẳng ở đó có an vui nhiều hơn nơi có áp đặt. Nếu chúng ta lãnh đạo với tâm áp đặt thì phước sẽ giảm và chính chúng ta không phát triển được. Cho nên, chúng ta phải khởi ra những điều bình đẳng ở phía sâu trong tâm mình”.
#3 Cùng nhân viên làm những việc thiện
Trong buổi Pháp thoại về chủ đề: “Công đức tu tập Bát quan trai giới”, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh giảng giải: “Phúc là một năng lượng rất đặc biệt. Nó có tính chất bảo hộ chúng ta, giúp chúng ta được những điều tốt lành, an vui, hạnh phúc. Như chữ “hạnh phúc” chính là phải có phúc thì mới hạnh phúc, không có phúc thì không có hạnh phúc. Cho nên, phúc báu rất cần thiết trong cuộc đời chúng ta. Không ai muốn cuộc đời mình thiếu may mắn, bất hạnh, mà đều muốn mình được may mắn, hạnh phúc, an vui. Muốn được như vậy, chúng ta phải làm phúc”.
Đó cũng là lời khuyên thứ ba của Cô Phạm Thị Yến đối với người làm lãnh đạo: “Chúng ta chăm cội phúc của mình, tâm tốt thì phước tăng lên. Ví dụ: Giám đốc thỉnh thoảng tổ chức cho nhân viên đi phóng sinh; dù nhiều dù ít cũng là tâm yêu thương. Khi đó, tất cả cùng chung một nguồn tâm giải thoát thì công việc sẽ hanh thông. Bởi vì, tất cả cùng nhau cứu mạng sinh mạng thì nhân duyên đó khiến chúng ta thoát khỏi khó khăn”.
Nếu người lãnh đạo và nhân viên cùng chăm tu bồi cội phúc của mình, gieo những nhân thiện lành như phóng sinh, bố thí, cúng dường Tam Bảo,... thì quả báo tốt đẹp sẽ đến. Tuy chỉ là những việc làm nhỏ nhưng điều này cũng giúp công việc của công ty, xí nghiệp được hanh thông, thuận lợi.
#4 Biết quan tâm, động viên, thăm hỏi nhân viên
Bên cạnh việc sát sao trong công việc, người lãnh đạo cũng nên thăm hỏi, giúp đỡ, chăm lo đời sống cho nhân viên. Với nhân viên có hoàn cảnh khó khăn, lãnh đạo cần tạo điều kiện, khích lệ để họ có thể vượt lên hoàn cảnh. Cô Chủ nhiệm chia sẻ thêm: “Chủ phải biết chăm lo cho người làm. Ví dụ: mỗi khi người làm ốm đau, chủ phải hỏi han. Nhiều người làm lãnh đạo rất ít khi làm điều đó, còn hời hợt, không để tâm đến. Chúng ta đối với nhân viên như với con mình, nên hãy hỏi han xem người làm có khỏe không, gia đình có gì khó khăn, có giúp được gì không,... Nếu chúng ta thật tâm thì nhân duyên ấy khiến chúng ta luôn được người khác quan tâm và chúng ta có thể được thăng chức”.
Những lời sách tấn của Cô Chủ nhiệm đã giúp chúng ta nhận ra rằng, chính sự cho đi, tâm yêu thương, quan tâm chân thật là cầu nối giữa người lãnh đạo và nhân viên. Và đặc biệt người lãnh đạo nếu biết thực hành lời Phật dạy thì chắc chắn họ sẽ đạt được những thành tựu trong công việc và cuộc sống.
Cách ứng xử của người lãnh đạo giỏi đối với cấp trên
Ngoài việc quan tâm, chia sẻ với cấp dưới thì người lãnh đạo cũng cần biết cách ứng xử đối với cấp trên của mình. Dưới đây là một số chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến.
#1 Đồng tâm hiệp lực với người lãnh đạo cấp trên
Cấp trên của mình là người lo lắng bao quát toàn bộ công việc, nhân sự của công ty, xí nghiệp, đội nhóm, trong đó có mình. Cho nên, việc người lãnh đạo nên làm là trở thành “cánh tay phải”, người phụ tá đắc lực cho cấp trên. Cô Phạm Thị Yến đưa ra lời khuyên: “Chúng ta phải biết lo toan công việc, biết làm người phụ tá giỏi thì theo nhân quả sẽ có người phụ tá chúng ta. Chúng ta phải tu được nhân này thì chúng ta mới có nhân làm sếp”. Khi chúng ta biết hỗ trợ cấp trên giải quyết công việc cũng là chúng ta góp phần vào thành công của họ, giúp cho công việc của công ty được phát triển thuận lợi. Chúng ta sẽ được cấp trên tin tưởng và gieo cho mình nhân duyên được thăng tiến trong công việc.
#2 Khởi tâm tri ân tới người lãnh đạo cấp trên
Cô Yến lý giải: “Xét về phước, phước của người phó không bằng người trưởng. Bởi vì, người trưởng lo cho 10 người, còn người phó chỉ lo cho 9 người, thiếu một người ở phía trên mình. Cho nên, nếu biết tri ân thì chúng ta sẽ được ân”.
Dù đã là lãnh đạo, nhưng đối với cấp trên, mình nên cung kính, tôn trọng như một người thầy, một bậc tiền bối. Cô Phạm Thị Yến hướng dẫn: “Thứ nhất, chúng ta phải rót nước cho sếp uống, vì họ là bậc tiền bối, chúng ta còn nhiều điều cần học ở người ta, cho nên, đây là nghĩa thầy trò. Thứ hai, có thể đến sớm lau ghế cho sếp, vì đây là bậc tiền bối, mình cần học hỏi kinh nghiệm và cần sự nâng đỡ. Cao hơn nữa là chúng ta có lễ nghi, phép tắc và chúng ta thành tựu lễ nghi, phép tắc của mình”.
Bên cạnh đó, người lãnh đạo cũng nên quan tâm tới người thân của cấp trên một cách thật tâm, chân thành thay vì chỉ là hình thức. Cô Chủ nhiệm lý giải nếu không có cha mẹ của cấp trên thì không có cấp trên và mình không có duyên được làm cấp dưới của họ, được làm trong công ty này.
Người lãnh đạo nên làm gì để gìn giữ tài sản và tăng trưởng phước báu?
Để giữ gìn tài sản và tăng trưởng phước báu, Cô Yến đã chia sẻ lời Phật dạy: “Trong bài kinh “Làm giàu”, Đức Phật dạy rằng: người đệ tử Phật khi làm ra tài sản phải chia ra làm các phần, trong đó có một phần lo cho cha mẹ, phần cho vợ, phần cho con, phần dành khi ốm đau, phần tái tạo sản xuất, phần lo bạn bè thân hữu, phần cho tổ tiên đã mất và một phần để cúng dường tới các bậc Sa-môn để thọ hưởng phước báu. Cho nên, đồng tiền chúng ta làm ra hãy hướng đến những việc như lời Phật dạy thì chúng ta kiếm tiền sẽ dễ dàng hơn, không vất vả nhiều”.
Từ những lời khuyên của Cô Phạm Thị Yến, có thể thấy rằng tất cả mọi việc đều từ tâm, do tâm mà thành. Vì vậy để trở thành người lãnh đạo giỏi chúng ta cần tập quản trị tâm của mình thông qua việc tu học Phật Pháp. Mong rằng những ai đang học tập để trở thành những người lãnh đạo có thể áp dụng lời chia sẻ của Cô Chủ nhiệm để trở thành một người có tâm, có tầm, được nhân viên tin kính, được cấp trên coi trọng; từ đó góp phần xây dựng và làm giàu cho đất nước.
Hạnh Từ
Các bài nên xem:
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.