Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu: Ai đúng? Ai sai?

Từ xưa đến nay, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu vẫn luôn là đề tài muôn thuở. Mâu thuẫn ấy có thể là một trong những yếu tố dẫn đến tan vỡ hôn nhân - gia đình.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu? Nếu rơi vào tình huống này, chúng ta nên giải quyết thế nào? Câu trả lời sẽ được Cô Phạm Thị Yến (Tâm Chiếu Hoàn Quán) chia sẻ trong bài viết dưới đây.

Tâm sự từ người con dâu gặp vướng mắc trong mối quan hệ với mẹ chồng nàng dâu

Trong chương trình “Tâm sự cùng Cô Phạm Thị Yến số 1’’, một bạn thính giả gửi đến Cô câu hỏi như sau: “Con chào Cô Yến ạ! Thưa Cô, gia đình con đang ở với mẹ chồng (bố chồng con đã mất). Vợ chồng con đi làm, ít khi ở nhà nên hai cháu là do bà nội chăm sóc. Từ ngày biết đến Phật Pháp, con rất biết ơn bà. Nhưng mỗi khi đi làm về, con thường nghe những câu chửi thậm tệ của bà. Con biết, đó là do con nên bà mới bức xúc. Nhưng con thấy khó chịu, bức xúc khi nhìn thấy bà rủ các cháu chơi cờ bạc và nói với chúng về những chuyện nhạy cảm, không nên nói. Bởi vậy, cứ về tới nhà là con có cảm giác rất khó chịu. Con xin Cô cho con lời khuyên. Con thành kính tri ân công đức của Cô”.

co-pham-thi-yen-giai-dap-thac-mac-trong-nhom-tam-su-ve-me-chong-nang-dau
Cô Phạm Thị Yến lắng nghe và chia sẻ giúp tháo gỡ được những thắc mắc trong cuộc sống trong chương trình “Tâm sự cùng Cô Phạm Thị Yến số 1”Caption

Nguyên nhân của mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu

#1 Chỉ nhìn lỗi người mà không nhìn lại lỗi mình

Để giúp quý đạo hữu có góc nhìn đa chiều và sự đánh giá khách quan Cô Phạm Thị Yến đã đặt câu hỏi lật ngược tình huống từ phía của mẹ chồng: “Tôi có một cô con dâu. Ở nhà, tôi làm hết mọi việc cho nó, nào là trông hai con cho nó, rồi cơm nước, nhà cửa cho nó,... không khác gì một đứa ô sin. Thế mà về đến nhà nó còn khó chịu, sưng mặt với tôi. Bây giờ, tôi phải làm gì với nó hả Cô?”.
Đứng từ góc nhìn của người lắng nghe và nhìn nhận, Cô phân tích mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, mẹ chồng dành cho con dâu rất nhiều: Sinh ra chồng mình, nuôi dạy chồng mình nên người, cho mình một mái ấm để quay về sau mỗi giờ làm việc mệt mỏi, bà trông nom, chăm sóc con cái để mình an tâm đi làm,... Hơn nữa, về đến nhà bà đã dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, cơm nước tinh tươm,...
Cô Phạm Thị Yến chia sẻ vì chúng ta không đặt mình vào hoàn cảnh của người khác nên không thể đánh giá chính xác những gì đang được hưởng.

mau-thuan-me-chong-nang-dau
Do chưa hiểu nhau nên mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu gặp nhiều mâu thuẫn (ảnh minh họa) 

Cô Chủ nhiệm phân tích: “Mẹ mình làm cho mình nhiều thế mà mình còn sưng mặt thì làm sao bà vui với mình được. Chẳng nhẽ khi về đến nhà, mẹ lại đon đả: “Con ơi, con đã về nhà rồi đấy à? Con có mệt không? Mẹ lấy nước uống cho con nhé?”. Như vậy là không được. Đó gọi là chỉ muốn sửa lỗi người mà chẳng muốn sửa lỗi mình. Từ ngày lấy chồng, có bao nhiêu lần mình tắm cho mẹ và bao nhiêu lần mẹ tắm con mình rồi? Thử cân đối mới thấy chúng ta quá đáng”. Do đó, người con dâu nên nhìn nhận, tư duy về những việc mẹ chồng đã giúp đỡ mình chứ không nên khởi tâm khó chịu, tức tối khi mọi việc không như ý.

#2 Do tâm mong cầu của chính mình

Cô Phạm Thị Yến chia sẻ về sự thật của thế gian này: “Chúng ta có một điểm yếu là muốn cả thế gian này theo ý của mình mà không hiểu rằng: Trong thế gian này, ai cũng muốn người khác theo ý của mình. Cho nên mới gọi: Thế gian là khổ”. Từ đây, Cô chia sẻ rằng nếu chúng ta luôn đòi mọi người theo ý mình mà họ không thể đáp ứng thì chúng ta phải chịu rất nhiều khổ não. Như vậy, chúng ta cần thay đổi bản thân trước để hòa hợp với người khác. Đặc biệt, trong quan hệ với mẹ chồng, mỗi nàng dâu nên thay đổi hành vi, thái độ đối với cha mẹ sao cho đúng mực, tròn bổn phận làm con.

Cách giải quyết mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu

#1 Nhận thức rõ việc dạy dỗ con cái là trách nhiệm của bậc làm cha mẹ

Cô Phạm Thị Yến khẳng định, nuôi dạy con cái là trách nhiệm của mỗi ông bố bà mẹ. Vì vậy, những người làm cha mẹ cần thấu đáo, sáng suốt để nuôi dạy con cái cho tốt, không nên đổ lỗi cho ông bà. Cô gửi lời khuyên tới bậc làm cha mẹ: “Phật tử chúng ta thấy con mình có hiện tượng thì có thể đoán ra nghiệp của chúng và chúng ta nỗ lực tu tập, dạy bảo con để cho chúng có nhận thức tốt và chuyển hóa của chúng. Đó là trách nhiệm của mình, chứ đừng đổ vạ cho bà. Trên thực tế chúng ta thấy, có những đứa trẻ thiện, dù dạy nó làm ác nó cũng không làm được”.

trach-nhiem-cua-con-dau
Tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với gia đình, con cái thì chúng ta sẽ có những hành vi ứng xử đúng đắn hơn

Trong phần giải đáp, Cô cũng lấy dẫn chứng về cách nuôi dạy con cái khi Cô còn sống tại gia. Cô đã giáo dục con mình biết hiếu thuận với ông bà bằng cách khi Cô mua được món đồ gì, Cô đều bảo con mình mang lên biếu bà. Lâu dần điều đó trở thành thói quen đối với con trẻ. Khi Cô cho con tiền ăn sáng, con Cô đã nhịn để dành tiền mua quà cho bà. Biết được điều đó, Cô rất hạnh phúc vì đã huân tập được cho con thói quen tốt, dạy cho con trở thành người con, người cháu hiếu thuận. Cô chia sẻ rằng, nếu như bố mẹ cứ luôn oán trách ông bà thì những đứa con không thể hiếu thuận được, bởi chính bố mẹ đang vô ơn với người sinh thành ra mình. Vì vậy, trách nhiệm của những bậc làm cha làm mẹ là thay đổi để trở thành người con có hiếu, phải là tấm gương tốt để con cái noi theo.

#2 Thấu hiểu để cùng chia sẻ

Mở rộng lòng mình để đặt mình vào vị trí của người khác là cách tốt nhất để thấu hiểu và xây dựng một mối quan hệ hòa thuận. Cô Phạm Thị Yến chia sẻ khi sinh con, Cô cũng được mẹ chồng hỗ trợ trông con. Do đi làm cả ngày nên mệt, mặc dù được mẹ chồng trông con giúp nhưng Cô vẫn cảm thấy không vui. Tuy nhiên, Cô đã xoay tâm, đặt mình vào hoàn cảnh của mẹ. Cô nhận thấy trông một đứa trẻ cả ngày vô cùng vất vả. Dù có đi làm những công việc tay chân nặng nhọc như gánh đất, gánh đá cũng không mệt bằng trông con trẻ. Bởi chúng không ngồi yên, chúng thường trêu đùa nhau, cãi nhau, thậm chí quấy khóc,... Khi tư duy như vậy rồi, Cô thấy rất thương mẹ chồng. Vì vậy, không có lý do gì để Cô giận hờn mẹ chồng khi đã săn sóc hai con thay Cô.
Cô chia sẻ thêm về trường hợp nàng dâu gửi câu hỏi: “Khi bà trông con cho mình, bà biết cái gì thì rủ con mình làm như thế cho con vui, chứ không phải bà có ác tâm gì. Ví dụ: bà không biết nhảy múa mà chỉ biết đánh bạc, đánh tú thì bà rủ con mình đánh bạc, đánh tú cho vui, cho nó đỡ nghịch”. Cô chia sẻ về nỗi vất vả, cực nhọc của ông bà khi chăm con cháu: “Bà trông con cho chúng ta, thức hôm, thức khuya, mệt mỏi còng lưng mà chẳng thấy chúng ta kể ra được gì cả. Cho nên, chúng ta mới thực sự là người xấu”.
Bên cạnh đó, Cô giảng giải: “Do tâm chúng ta chưa phải là tâm hiếu, chưa phải là tâm thiện, cho nên, chúng ta luôn luôn nghĩ các việc không thiện, không nghĩ được đúng sự thật mà toàn thổi phồng vấn đề lên. Bởi vì trong tâm còn ác tâm, cho nên tư duy của mình trở thành ác ý". Từ đó, Cô khuyên các nàng dâu hãy coi mẹ chồng mình như là mẹ ruột của mình, ghi nhận tình thương của cha mẹ dành cho con cháu; nếu không tư duy được như vậy thì hạt giống vô ơn trong tâm của chúng ta sẽ ngày càng tăng.

moi-quan-he-me-chong-nang-dau-2
Biết đặt mình vào vị trí của người khác và khéo léo trong việc cư xử để mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu trở nên tốt hơn (ảnh minh họa)

Qua lời chia sẻ, sách tấn của Cô Phạm Thị Yến, chúng ta hiểu rằng tình cảm của ông bà, cha mẹ đối với con cháu là tình cảm chân thành và trọn vẹn. Vì thế, chúng ta hãy gắng xoay tâm tư duy về những khó khăn, vất vả cũng như tình yêu thương con cháu của cha mẹ để gieo trồng những hạt giống biết ơn nơi tâm mình.

#3 Ý thức phục vụ cha mẹ chứ đừng bao giờ ý thức cha mẹ phải phục vụ mình

Học theo tâm hiếu hạnh của Đức Phật, Cô khuyên rằng: “Chúng ta sẽ chỉnh sửa hành vi qua nhận thức đúng đắn về cha mẹ mình, cha mẹ chồng của mình. Cho nên, chính mình phải có ý thức nuôi con, nuôi cha mẹ. Đấy là ý thức của người con có hiếu. Còn cha mẹ cho cái gì, dù nhỏ nhất, chúng ta hãy hình thành trong đầu là: “Đời đời mang ơn, đời đời trả ơn. Trả ơn cho đến bao giờ cứu mẹ vào con đường Phật Pháp, cứu mẹ thoát ly luân hồi sinh tử mới thôi”. Cha mẹ cho một chút, chúng ta phải đền ơn bằng phát nguyện, bằng thiện tâm như vậy trong hiện đời này và nối liền trong các cuộc đời về sau”. Từ lời sách tấn của Cô Phạm Thị Yến, chúng ta cần ghi nhớ rằng “tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Cho nên, việc điều chỉnh hành động của mình đối với cha mẹ là điều hết sức cần thiết.
Cuối cùng, Cô chia sẻ với các nàng dâu: “Chúng ta cần nhận diện về mình và chỉnh sửa mình, chứ không phải chỉnh sửa mẹ chồng. Tâm Chiếu Hoàn Quán tin rằng: Nếu chúng ta tự chỉnh sửa bản thân thì với tấm lòng yêu thương con của mẹ chồng thì mẹ chồng sẽ rất quý chúng ta. Bà trông con cho chúng ta, hy sinh cho chúng ta, cho nên, thật lòng bà rất quý chúng ta, quý cháu. Nhưng vì cách hành xử của mình chưa đúng đạo nên khiến cho bà giận, chửi bậy, chửi tục”.

con-dau-quan-tam-me-chong
Quan tâm, chia sẻ với mẹ chồng bằng tâm chân thật của mình thì mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu sẽ trở nên tốt đẹp hơn

Qua những chia sẻ thấu tình đạt lý của Cô chủ nhiệm, những người con dâu cần hiểu rằng, nếu muốn thay đổi cách hành xử của cha mẹ chồng đối với mình, thì trước hết mình phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với cha mẹ. Đặc biệt là người đệ tử Phật, chúng ta phải có trách nhiệm giúp cha mẹ sớm kết duyên với Phật Pháp, với Tam Bảo, giải thoát sinh tử luân hồi. Đó là cách báo hiếu thù thắng nhất.
Hy vọng qua lời chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến, các nàng dâu sẽ biết cách nhìn nhận đúng vấn đề, rèn sửa mình để có được cuộc sống tốt đẹp hơn, được hai bên nội ngoại tin tưởng, yêu quý.

Hạnh Thuận
Các bài nên xem: 

-
aa
+
2,179 lượt xem
18/09/2020

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ