Tôi nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Phật ở tại cung trời Đao Lợi, ngự trên tòa bạch ngọc cùng với vô lượng chúng đại Tỳ Kheo, chúng đại Bồ Tát và Thiên chủ cõi trời ấy hội đủ.
Bấy giờ, có Đại Phạm Thiên vương, trời Na La Diên, trời Đại Tự Tại và năm loại Càn Thát Bà vương… cùng các quyến thuộc, đều vân tập đến chỗ Đức Phật. Họ muốn hỏi Như Lai về phương pháp tạo dựng tháp và số lượng công đức do tạo dựng tháp mà đạt được. Lúc này trong chúng hội có Bồ Tát Quán Thế Âm, biết ý của chư Thiên, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai bên phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật bạch:
– Bạch Thế Tôn! Nay có các chư Thiên, Càn Thát Bà…, đã đến nơi đây, muốn thỉnh Như Lai giảng nói phương pháp tạo dựng tháp và số lượng công đức do tạo dựng tháp mà có được. Xin Thế Tôn vì họ mà giảng nói rõ cho hết thảy vô lượng chúng sinh được lợi ích.
Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Quán Thế Âm:
– Này Thiện nam! Nếu chư Thiên, hiện tại ấy và hết thảy chúng sinh ở đời vị lai, tùy địa điểm nào chưa có tháp thì có thể tạo dựng tháp ở nơi đó. Chiều cao của tháp vượt quá ba cõi, cho đến nhỏ nhất thì bằng quả Am-la, đỉnh tháp cao vút tới cõi trời Phạm Thiên cho đến nhỏ nhất thì như kim khâu. Vòm che của tháp trùm che khắp đại thiên, cho đến nhỏ nhất thì như lá táo. Trong tháp cung trí xá lợi của Như Lai như tóc, răng, râu, móng tay, nhỏ nhất là một phân, hoặc đặt để mười hai bộ kinh thuộc Pháp tạng của Như Lai, cho đến ít nhất là một bài kệ bốn câu, thì công đức của người tạo dựng ấy ngang bằng công đức trời Phạm Thiên. Sau khi mạng chung sinh, lên cõi Phạm Thế, hết thọ mạng thì sinh vào cõi trời Ngũ Tịnh Cư, cùng các chư Thiên nơi cõi ấy không khác.
Này thiện nam! Sự việc ta vừa giảng nói như vậy là nhân duyên về lượng công đức của việc tạo tháp. Ông cùng chư Thiên phải nên tu học.
Bồ Tát Quán Thế Âm lại bạch:
– Bạch Thế Tôn! Như lời Như Lai giảng nói về việc bày biện xá lợi và pháp tạng, con đã thọ trì, nhưng con không hiểu ý nghĩa nơi bốn câu kệ của Như Lai đã nêu. Xin Như Lai vì con mà phân biệt giảng nói rõ.
Đức Thế Tôn nói kệ:
Nhân duyên sinh các pháp
Ta nói là nhân duyên
Nhân duyên hết nên diệt
Ta đã nói như thế.
Này Thiện nam! Ý nghĩa của bài kệ như thế gọi là Pháp thân của Phật. Ông nên ghi chép trong tháp ấy. Vì sao? Vì hết thảy là nhân duyên và chính nơi ấy sinh ra pháp tánh vắng lặng, do đó ta nói là Pháp thân. Nếu có chúng sinh nào hiểu rõ về ý nghĩa của nhân duyên như thế, nên biết người ấy tức là thấy Phật.
Bấy giờ, Bồ Tát Quán Thế m, chư Thiên, hết thảy đại chúng, Càn Thát Bà…, nghe Đức Phật giảng nói đều rất hoan hỷ, tín thọ và phụng hành.
(Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Địa-bà-ha-la, tức Nhật Chiếu, người Trung Ấn Độ)
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.