Bài kinh: Nát Rã Thân Thể Làm Xá Lợi - Lòng Từ Của Đức Phật

Như vậy, tôi nghe: Một lúc nọ, đức Thích Ca Mâu Ni Phật ở tại rừng Ta La Song Thọ nơi thành Câu Thi Na, cùng với tám mươi ức trăm ngàn vị đại Tỳ Kheo.

Bấy giờ nhằm ngày rằm tháng hai vào lúc sáng sớm sắp nhập Niết Bàn, đức Phật dùng thần lực vang ra tiếng lớn thấu khắp các nơi, suốt đến trời Hữu Đảnh theo từng ngôn ngữ của mỗi loài mà bảo rằng:
“Đức Như Lai Vô Thượng Đẳng, Chánh Giác thương mến che chở chúng sanh, là ngôi nhà to rộng cho chúng sanh về nương, xem chúng sanh đồng như La Hầu La.
Đấng Đại Giác Thế Tôn sắp nhập Niết Bàn, tất cả chúng sanh nếu có chỗ nghi nay đều nên bạch hỏi, cũng là lần hỏi cuối cùng!”.

…Sư Tử Hống Bồ Tát bạch rằng: “Thế Tôn! Nếu cho rằng Như Lai bất sanh bất diệt là thậm thâm đó, thời tất cả chúng sanh có bốn loài sanh: noãn, thai, thấp, hóa. Trong bốn loài sanh này thời loài người có đủ, như Tỳ Kheo Thi Bà La, Tỳ Kheo Ưu Bà Thi Bà La, mẹ của Trưởng giả Di Ca La, mẹ của Trưởng giả Ni Câu Đà, mẹ của Trưởng giả Bán Xà La, mỗi người đều sanh năm trăm con trai đồng là noãn sanh. Do đây nên biết rằng trong loài người cũng có noãn sanh.

Trong loài người mà thấp sanh, như Phật từng nói rằng: Thuở trước lúc ta tu hạnh Bồ Tát làm Đảnh Sanh Vương và Thủ Sanh Vương, và như nay cô gái Am La, cô gái Ca Bất Ba, nên biết rằng trong loài người cũng có thấp sanh.

Thuở kiếp sơ tất cả chúng sanh đều là hóa sanh.

Đức Thế Tôn đã được tám thứ tự tại, do nhơn duyên gì mà chẳng hóa sanh?”.

Phật nói: “Này Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh từ nơi bốn loài sanh mà sanh ra, khi đã được Thánh pháp thời chẳng được noãn sanh và thấp sanh như trước.

Này Thiện nam tử! Chúng sanh thuở kiếp sơ, thảy đều hóa sanh, trong thời kỳ đó, không có Phật ra đời.

Này Thiện nam tử! Nếu có chúng sanh lúc mang bịnh khổ thời cần thầy, cần thuốc, thuở kiếp sơ chúng sanh đều hóa sanh dầu có phiền não nhưng bịnh phiền não chưa phát, do đây nên đức Như Lai chẳng hiện ra đời. Lại chúng sanh thuở kiếp sơ, thân tâm của họ chẳng phải pháp khí, nên đức Như Lai chẳng hiện ra trong thời kỳ đó.

Này Thiện nam tử! Phàm tất cả sự nghiệp của đức Như Lai đều hơn chúng sanh, như dòng họ, quyến thuộc, cha mẹ. Do hơn chúng sanh, nên chỗ thuyết pháp của Như Lai mọi người đều tin thọ. Do đây nên đức Như Lai chẳng hóa sanh.

Này Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh, hoặc là cha làm theo nghề nghiệp của con, hoặc là con làm theo nghề nghiệp của cha. Đức Như Lai nếu hóa sanh thời không có cha mẹ, nếu không có cha mẹ thời làm sao khiến tất cả chúng thật hành những nghiệp lành. Do đây đức Như Lai chẳng hóa sanh.

Này Thiện nam tử! Trong chánh pháp của Phật có hai thứ hộ trì: Một là nội, hai là ngoại. Nội hộ là giới cấm. Ngoại hộ là thân tộc, quyến thuộc. Nếu đức Như Lai hóa sanh thời không ngoại hộ. Do đây nên đức Như Lai chẳng hóa sanh.Này Thiện nam tử! Có người ỷ dòng họ mà sanh kiêu mạn. Vì phá sự kiêu mạn như vậy, nên đức Như Lai giáng sanh trong dòng họ cao sang, mà chẳng hóa sanh.

Này Thiện nam tử! Đức Như Lai có cha mẹ thật, cha là Vua Tịnh Phạn, mẹ là Hoàng hậu Ma Da, mà còn có chúng sanh nói rằng Như Lai là người huyễn hóa, như thế thời đâu nên hóa sanh.

Này Thiện nam tử! Nếu Như Lai hóa sanh, thời làm thế nào có thân thể nát ra thành Xá Lợi. Đức Như Lai vì muốn cho chúng sanh tăng trưởng phước đức, nên nát rã thân thể mình thành Xá Lợi để cho chúng sanh cúng dường. Do đây nên đức Như Lai chẳng hóa sanh.

Này Thiện nam tử! Tất cả chư Phật đều không hóa sanh, thời làm sao ta lại riêng mình hóa sanh”.

Sư Tử Hống Bồ Tát liền quỳ chấp tay nói kệ tán thán Phật:

Như Lai có vô lượng công đức
Tôi chẳng thể trình bày đủ hết
Nay vì chúng sanh nói một phần
Xin Phật xót thương cho tôi nói:
Chúng sanh đi trong tối vô minh
Chịu đủ vô biên trăm thứ khổ
Phật có thể khiến họ xa lìa
Nên đời gọi Phật là đại bi.
Chúng sanh đi trên dây sanh tử
Phóng dật mê hoang không an vui.
Phật có thể ban cho an vui,
Do đây dứt hẳn dây sanh tử.
Vì Phật cho chúng sanh an vui
Nên chẳng tham đắm vui của mình
Phật vì chúng sanh tu khổ hạnh
Nên trong đời đều cúng dường Phật.
Thấy người chịu khổ thân run rẩy
Nên ở địa ngục chẳng biết đau
Phật vì chúng sanh chịu khổ nhiều
Nên là vô lượng không ai hơn.
Phật vì chúng sanh tu khổ hạnh
Đầy đủ sáu môn Ba la mật
Ở trong gió tà tâm chẳng động
Nên hơn được Đại sĩ trong đời.
Chúng sanh thường muốn được an vui
Mà chẳng biết tu nhơn an vui
Phật có thể dạy bảo tu tập
Dường như cha lành thương con một.
Phật thấy chúng sanh khổ phiền não
Lòng khổ như mẹ lo con bịnh
Thường nghĩ những phương tiện lìa bịnh
Nên thân Phật hệ thuộc nơi người.
Tất cả chúng sanh làm điều khổ
Lòng họ điên đảo cho là vui
Phật diễn nói khổ vui chơn thật
Nên đời gọi Phật là đại bi.
Đời đều ở trong vỏ vô minh
Không có mỏ trí mổ lủng được
Mỏ trí của Phật mổ lủng được
Nên gọi Phật là mẹ lớn nhứt.
Chẳng bị nhiếp trì trong ba đời
Không có danh tự và hiệu giả
Hiểu biết nghĩa sâu của Niết Bàn
Nên gọi Phật là bực Đại giác.
Ba cõi xoay chuyển nhận chúng sanh
Vô minh mù lòa chẳng biết ra
Phật tự độ mình độ được người
Nên gọi Phật là đại Thuyền sư.
Biết rõ được tất cả nhơn quả
Cũng lại thông đạt đạo tịch diệt
Thường ban pháp dược cho chúng sanh
Nên đời gọi Phật là Y vương.
Ngoại đạo tà kiến nói khổ hạnh
Nhơn hạnh này được vui Vô thượng
Đức Phật diễn nói hạnh chơn lạc
Làm cho chúng sanh hưởng an vui
Như Lai Thế Tôn phá đạo tà
Chỉ dạy chúng sanh đường chơn chánh.
Ai đi đường này được an vui
Nên đời gọi Phật là Đạo sư.
Chẳng phải mình và người làm ra
Chẳng phải chung làm vô nhơn làm
Đức Phật giảng nói những sự khổ
Đúng thật không như các ngoại đạo.
Thành tựu đầy đủ giới định huệ
Cũng đem pháp này dạy chúng sanh
Đem pháp bố thí không lẫn tiếc
Phật hiệu là Đấng vô duyên từ.
Không tạo tác cũng không nhơn duyên
Chứng đặng báo không nhơn không quả
Do đây tất cả bực trí giả
Khen nói đức Phật chẳng cầu báo.
Thường cùng thế gian hành phóng dật
Mà thân chẳng làm phóng dật hạnh
Nên gọi Phật là bất tư nghì
Tám pháp thế gian chẳng nhiễm ô.
Như Lai Thế Tôn không thân thù
Nên tâm của Phật thường bình đẳng
Tôi Sư Tử Hống, tán thán Phật
Rống như vô lượng sư tử rống.

(Trích soạn từ: Kinh Đại Bát Niết Bàn - Tập 2, Phẩm Sư Tử Hống Bồ Tát thứ XXIII, tr.411-416, Dịch giả: Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, PL: 2555 - DL: 2012)

-
aa
+
9,626 lượt xem
26/12/2023

Bình luận (1)

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. L
    L

    Lã thi thỏa

    03/01/2024
    Con xin đảnh lễ xá lợi Phật và tri ân công đức của Sư phụ và các chư Tăng chùa Ba Vàng