Những điều cần biết khi kinh doanh tượng Phật để không bị mất phúc báu

Ngày nay, thực trạng tượng Phật được bày bán, kinh doanh ở các hình thức khác nhau đang dần trở nên phổ biến. Tuy nhiên, người kinh doanh đã thật sự hiểu rõ về giá trị tâm linh của tượng Phật? Và liệu rằng việc kinh doanh tượng Phật, đồ trang trí mỹ thuật Phật giáo có liên quan đến nhân duyên, nghiệp báo? Mời quý Phật tử cùng đón đọc những lời chia sẻ của Phật tử Phạm Thị Yến (Pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán) qua bài viết dưới đây.

kinh-doanh-tuong-phat-lieu-co-lien-quan-den-nhan-duyen-nghiep-bao
Hiện nay, nhiều cửa hàng kinh doanh bày bán rất nhiều hình tượng Phật

Câu hỏi từ một người kinh doanh tượng Phật

Trong một chương trình trả lời câu hỏi, một bạn đã đặt câu hỏi thỉnh Cô Yến như sau: “Cháu chào Cô. Thưa Cô, vợ chồng cháu đang kinh doanh đồ gỗ, những mặt hàng liên quan đến tượng Phật, thần tài, 12 con giáp và những tràng hạt trầm hương tại phố Đinh Liệt, Hà Nội. Từ khi vợ chồng cháu mở cửa hàng, chúng cháu gặp nhiều chuyện không hay trong gia đình. Anh em làm chung với gia đình cháu thì tranh cãi, từ mặt nhau; con trai cháu từ khi sinh ra luôn có bệnh; ban đầu, việc kinh doanh rất thuận lợi, nhưng về sau lại ế ẩm. Cô ơi, gia đình con bị như vậy có liên quan tới việc kinh doanh tượng Phật không ạ? Vợ chồng con có nên tiếp tục kinh doanh cửa hàng không? Và nếu kinh doanh thì chúng con phải làm thế nào cho đúng ạ?
Con xin tri ân công đức của Cô!”.

Tượng Phật ra đời khi nào?

Trước khi giải đáp những thắc mắc về lý nhân duyên quả trong việc kinh doanh tượng Phật, chúng ta cùng tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ của tượng Phật qua câu chuyện trong kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân. Thời Đức Phật tại thế có vị vua Ưu Đà Diên rất kính quý Phật. Sau đó, trong khoảng ba tháng Đức Phật lên cung Trời thuyết Pháp, ông không được gặp Ngài nên vua Ưu Đà sinh ra nhớ thương, phiền não, bỏ bê cả việc triều chính.

duc-phat-len-cung-troi-thuyet-phap-1
Đức Phật lên cung trời thuyết Pháp (ảnh minh họa)

Vì không biết làm cách nào gặp được Đức Phật nên ông bèn nghĩ đến cách tạo tượng của Phật. Nhà vua ban lệnh tìm người tạc tượng nhưng không ai dám nhận lời, bởi vẻ đẹp trang nghiêm và hảo tướng của Ngài. Bấy giờ, có vị chư Thiên thấy được tâm ý quý kính của vua Ưu Đà nên đã hóa thân xuống giúp đỡ. Chỉ trong một ngày, tôn tượng Phật làm từ gỗ chiên đàn đã được hoàn thành. Mọi người ai nhìn thấy cũng khởi tâm cung kính. Các vị vua nước khác như Ba Tư Nặc, vua A Xà Thế hay tin pho tượng có hình tướng tương đối giống Phật nên đã đến đảnh lễ tượng Phật. Qua câu chuyện trên, chúng ta biết được nhân duyên tượng Phật ra đời là bắt nguồn từ chính tâm ái mộ, quý kính Đức Phật của vua Ưu Đà Diên.

Nhân duyên kinh doanh tượng Phật

Trong bài giảng có nội dung “Kinh doanh tượng Phật nhân quả như thế nào?”, Cô Chủ nhiệm từng nói kinh doanh chân thật thì có phúc báo nhưng kinh doanh tranh ảnh, tượng Phật trong Phật giáo thì thành tựu ở tâm. Tuy nhiên, nếu tiền kiếp chúng ta tạo duyên xấu thì quả báo kiếp này có thể dẫn dắt chúng ta đặt sai tâm. Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Do nghiệp báo từ trước không tốt nên dẫn dắt chúng ta kinh doanh tượng Phật mà không hiểu rõ, không chính tâm. Chúng ta lại kinh doanh thêm cả ông Thần Tài, thậm chí có người kinh doanh cả những đồ mê tín như bùa chú,... Đây là hành động dẫn người từ chỗ sáng vào chỗ tối”.
Chúng ta biết rằng tất cả sự vật, sự việc trong pháp giới này đều nằm trong quy luật nhân quả. Việc kinh doanh cũng vậy, hôm nay chúng ta kinh doanh chưa chính tâm, kinh doanh những điều tà kiến, không hướng được điều thiện tới khách hàng một phần là do chúng ta đang chịu ảnh hưởng của nghiệp báo không tốt từ kiếp trước.

Nhân quả khi Kinh doanh tượng Phật với mục đích lợi dụng

Tượng Phật xuất hiện từ tâm quý kính của vua Ưu Đà Diên, tuy nhiên thực tế phản ánh nhiều cơ sở kinh doanh vì lợi ích cá nhân mà bỏ qua giá trị linh thiêng đó. Không ít người kinh doanh đã lợi dụng những khách hàng giàu có để giao bán pho tượng Phật với giá gấp đôi, gấp ba so với giá trị thực tế bình thường. Nói tới nhân quả việc lợi dụng Phật Pháp để kinh doanh lấy lãi cao, Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Việc làm không khơi dậy tâm thiện lành cho người khác mà lợi dụng vào Phật làm giàu có quả báo hiện tại, không có phúc báo và nhiều kiếp sau mình bị người khác lợi dụng uy tín làm điều bất thiện khiến mình bị liên lụy. Việc lợi dụng Phật Pháp, kinh doanh lấy lãi quá nhiều không thể đem lại phúc báo về kinh doanh cho mình”.
Như vậy, vì lòng tham mà lợi dụng hình ảnh cao quý của Đức Phật để kiếm lời cao là việc không nên làm để tránh tổn hao phước báu.

co-chu-nhiem-trong-buoi-chia-se-phat-phap-voi-clb-cuc-vang
Cô Phạm Thị Yến chia sẻ về nhân quả khi Kinh doanh tượng Phật với mục đích lợi dụng

Cách kinh doanh tượng Phật để được phước báu?

Từ những chia sẻ về sai lầm, nhân quả trong việc kinh doanh tượng Phật, Cô Chủ nhiệm đã đưa ra một số phương cách để chủ doanh nghiệp có thể áp dụng như sau:

tam-chinh-la-yeu-to-quyet-dinh-den-viec-kinh-doanh-tuong-phat
“Tâm” chính là yếu tố quyết định đến sự thành tựu trong việc kinh doanh

#1 Kinh doanh với mức giá phù hợp

Người kinh doanh văn hóa phẩm Phật giáo nên biết vừa đủ để cân bằng cuộc sống, không quá tham lam thì sẽ có phước báo. Cô Phạm Thị Yến lý giải: “Vì chúng ta còn cuộc sống sinh nhai nên khi kinh doanh tượng Phật, chúng ta chỉ dành một phần lãi vừa phải để nuôi sống gia đình. Tương tự với việc kinh doanh tràng hạt, cũng mong rằng mỗi lần mọi người lần tràng hạt đều chú tâm để có lợi ích. Chúng ta kinh doanh với mong muốn ai ai cũng được kết duyên với Phật Pháp thì ngay trong hiện tại mình sẽ có phước báo”.

#2 Kinh doanh tượng Phật với tâm thanh tịnh

Bên cạnh đó, Cô Phạm Thị Yến cũng chia sẻ thêm về tâm của chủ doanh nghiệp khi buôn bán hình tượng Phật: “Trong cuộc sống này, nếu không có trang phục Phật tử, không có tràng hạt vì không có người bố thí thì không có đồ dùng để tu tập. Nếu không có ai sản xuất tượng Phật và chuyển tượng Phật đến nơi những người mong mỏi không thể thờ vì không có ai bố thí. Vậy nên, nếu như có nơi tạc tượng Phật để cúng dường cho tất cả mọi người thì khi ấy mới không có kinh doanh; còn nếu chưa có thì chúng ta phải nhờ những người kinh doanh. Nhưng khi kinh doanh, chúng ta chính tâm thì được phước báu thiện, nếu không chính tâm thì không có phước báu thiện”. Từ những lời khuyên Cô Phạm Thị Yến chia sẻ, chúng ta thấy rằng tâm chính là yếu tố quyết định đến sự thành tựu trong kinh doanh.
Hy vọng những ai đã, đang và sẽ kinh doanh tượng Phật sẽ luôn có được tâm thành kính, thanh tịnh, giảm tham lam để có được những thành công trong kinh doanh. Chúc cho người làm kinh doanh nói riêng và văn hóa phẩm Phật giáo nói chung sẽ nắm bắt được cơ hội đưa Phật Pháp tới gần với đời sống xã hội và tăng trưởng công đức, phước báu từ chính công việc của mình; nhờ đó mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân và những người xung quanh.
Các bài nên xem:

-
aa
+
4,347 lượt xem
04/07/2020

Bình luận (1)

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. N
    N

    Nguyễn Lụa

    05/11/2023
    Cảm ơn cô đã chia sẻ ạ. Con mong được hữu duyên học hỏi cô thêm nữa.