5 điều cần biết về khất thực - Một trong 13 Pháp hạnh đầu đà mà Đức Phật chỉ dạy 

Khất thực là truyền thống quý báu của mười phương ba đời tất cả chư Phật. Đây là cách nuôi thân mạng chân chính và cũng là một trong 13 Pháp hạnh đầu đà mà Đức Phật truyền dạy. 

Vậy khất thực nghĩa là gì, hình thức và cách khất thực đối với người xuất gia như thế nào? Xin mời quý vị cùng tìm hiểu lời Đức Phật dạy trong bài viết dưới đây!

1. Khất thực nghĩa là gì?

Trong Kinh Đại Thừa Bản sinh Tâm Địa quán (quyển V, phẩm 4), Đức Phật nói kệ khen ngợi hạnh khất thực của người xuất gia tu hành:

“Như Lai ba đời đều khen ngợi

Công đức khất thực có mười lợi:

Riêng gọi hạnh này là tối thắng

Ra vào tự tại không ràng buộc”

Khất thực có nghĩa là xin ăn. Đối với người đệ tử Phật xuất gia, ngoài việc xin ăn thì tất cả các lĩnh vực phục vụ đời sống (nằm trong tứ sự: chỗ ở, y áo, vật dụng, đồ ăn, thức uống, thuốc men trị bệnh) đều khất thực (xin) từ sự bố thí, cúng dường của đàn na tín thí.

Như ở kinh Mi Tiên Vấn Đáp, câu 116 - Đức Phật thuyết về bố thí là để nhận được cúng dường?, trang 413 - 414 có ghi: 

“Đức vua Mi-lan-đà hỏi Đại đức Na-tiên: Thế nào là khẩu cử động không tội?

- Khi thí chủ yêu cầu chư Tăng cho biết những nhu cầu về tứ sự, ví dụ: Các ngài cần thuốc men gì, vật thực gì,... trường hợp ấy gọi là thọ dụng do yêu cầu của thí chủ - thì không có tội! Tỳ-khưu đau ốm thực sự, mở miệng xin thuốc men ở chỗ thí chủ hoan hỷ và sẵn sàng dâng cúng cũng là khẩu cử động vô tội, tâu đại vương”. 

Người xuất gia sống bằng hạnh khất thực để trừ tâm ngã mạn, trừ duyên Sinh Y (tạo tác các duyên trong luân hồi). Ngoài ra, việc khất thực còn để gieo duyên cho chúng sinh với người nhận khất thực.

Chư Tôn đức Tăng khất thực, gieo duyên lành cho người dân xung quanh Pháp viện Minh Đăng Quang, TP. Hồ Chí Minh

Chư Tôn đức Tăng khất thực, gieo duyên lành cho người dân xung quanh Pháp viện Minh Đăng Quang, TP. Hồ Chí Minh

2. Hình thức khất thực

Chư Tăng trì bình khất thực gồm các hình thức như sau:

2.1. Tự đi vào làng khất thực (tự đi vào khu dân cư để khất thực). Như trong Đại tạng Kinh Việt Nam, Tiểu Bộ kinh tập 1, kinh Tập, chương Hai: Tiểu Phẩm (Cullavagga) - kinh Dhammika, trang 105 có ghi: 

“Tỷ-kheo chớ ra ngoài 

Trong thời gian phi thời

Hãy vào làng khất thực,

Ðúng thời, thì hãy đi,

Ai đi đứng phi thời,

Bị bẫy sập trói buộc”. 

2.2. Tín thí (người dân) mời đến tư gia, cung điện, cơ quan,… thọ nhận đồ ăn, vật phẩm,...

2.3. Tín thí mang đến chùa, tinh xá,… cúng dường vật thực chuẩn bị sẵn.

2.4. Tín thí mang thực phẩm tới chùa, tinh xá,… nấu để cúng dường. 

2.5. Tín thí mang thực phẩm đến chùa, tinh xá cúng dường và các Sư tự nấu.

Tất cả các hình thức trên vẫn đảm bảo ý nghĩa của khất thực (trừ tâm ngã mạn, trừ duyên Sinh Y).

Nhân dân, Phật tử đặt bát cúng dường chư Tăng

Nhân dân, Phật tử đặt bát cúng dường chư Tăng

3. Số lượng vật thực, vật phẩm được khất thực

Chư Tăng khất thực tuần tự, không phân biệt đồ cúng dường đó là gì, không chọn lựa đồ ăn (trừ trường hợp bị bệnh thì được chọn đồ khất thực phù hợp với bệnh). 

Quy định này đã được ghi lại trong kinh điển như sau: 

- Ở Đại tạng Kinh Việt Nam, Tiểu Bộ kinh tập 1, kinh Tập, chương Ba: Đại Phẩm - kinh Xuất Gia, trang 111:

“Khất thực, từng nhà một,

Các căn được hộ trì,

Bình bát được mau đầy,

Tỉnh giác và chánh niệm”

- Ở Đại tạng Kinh Việt Nam, Tiểu Bộ kinh tập 1, kinh Tập, chương Một: Phẩm Rắn - kinh Con Tê Ngưu Một Sừng, trang 23:

“Không tham đắm các vị,

Không tác động, không tham,

Không nhờ ai nuôi dưỡng,

Chỉ khất thực từng nhà” 

4. Cách ăn bằng bình bát đối với người tu hạnh đầu đà

4.1. Nơi thọ trai

Đối với người thực hành hạnh đầu đà, sau khi khất thực xong, chư Tăng phải trở về nơi yên tĩnh, vắng vẻ (nơi không có người, không huyên náo) như: khu rừng, nghĩa địa, nhà hoang, bãi đất trống,... 

Điều này đã được ghi lại trong Đại tạng Kinh Việt Nam, Tiểu Bộ kinh tập 1, kinh Tập, chương Ba: Đại Phẩm - kinh Kinh Nālaka, trang 170 như sau:

“Sau khi đi khất thực, 

Ẩn sĩ vào rừng sâu,

Đi đến dưới gốc cây,

Sửa soạn ngồi thanh tịnh”

Sau khi khất thực xong, chư Tăng phải trở về nơi yên tĩnh, vắng vẻ

Sau khi khất thực xong, chư Tăng phải trở về nơi yên tĩnh, vắng vẻ

4.2. Tư thế và chánh niệm

Ngồi kiết già, lưng thẳng, đặt niệm trước mặt: chánh niệm về thân trong từng cử chỉ, chánh niệm về cảm thọ để nhận biết và đoạn trừ tham về số lượng, tham đắm vị, hướng tới đoạn trừ tham ái. Tư thế ngồi không bắt buộc mà tùy vào sức khoẻ, nhưng cần trang nghiêm. 

Về việc chánh niệm để đoạn trừ tham khi thọ thực, Đức Phật đã chỉ dạy cho Tăng chúng thực hành và được lưu lại trong kinh điển như sau: 

- Ở Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Tăng Nhất A Hàm tập 3, phẩm Phóng ngưu (Chăn trâu), trang 443: 

“Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: Các Thầy cũng phải học pháp khất thực. Thế nào là Tỳ-kheo học pháp khất thực? Khi Tỳ-kheo chỉ vì mạng sống thì xin được thức ăn cũng không vui, không được cũng không lo. Nếu khi được thức ăn, tư duy quán tưởng mà ăn, không có tâm tham đắm, chỉ muốn thân này được sống, trừ được bệnh cũ lại không tạo mới, khiến cho khí lực đầy đủ. Như thế, này các Tỳ-kheo, gọi là khất thực”. 

- Ở kinh Mi Tiên Vấn Đáp, câu 179 - Về Con Gà, trang 766: 

“Điểm thứ ba, khi ăn vật thực, gà rất chăm chú, rất cảnh giác. Nó lấy chân khều vật thực, bươi vật thực ra rồi mới ăn; ngon cũng ăn, dở cũng ăn, nhưng chỗ này một chút, chỗ kia một chút. Vị Tỳ-khưu cũng như thế nào có khác gì? 

Khi ăn cũng phải chánh niệm, tỉnh giác. Ngon cũng ăn mà dở cũng ăn. Vật thực kiếm được chỗ này một ít, chỗ kia một ít. Khi ăn cũng phải “khều”, phải “bươi” vật thực ra mà quán tưởng: “Vật thực này có gì đâu, nó là đất, nước, lửa, gió đấy thôi; thích thú mà làm gì, thỏa mãn mà làm gì! Ta ăn là để duy trì sức khỏe và sự sống mà tu hành; chẳng nên ăn để trang điểm cái thân, dưỡng cái thân cho mập mạp; chẳng nên ăn để mà chơi, để nô đùa, lêu lổng… Ăn để giảm trừ thọ khổ do đói gây nên, để khỏi ảnh hưởng đến việc tu tập”. 

4.3. Cách ăn thức ăn

Thức ăn để nguyên trong bình bát, theo thứ lớp tuần tự của người cúng dường. Chư Tăng phải ăn tuần tự từ phía trên phần miệng của bình bát xuống phía dưới của bình bát, không bới để làm lộn đồ ăn trong bình bát, không lựa chọn theo khẩu vị để ăn trước, ăn sau.

Như trong Tạng luật, Phân tích Giới Tỳ khưu tập 1 có ghi: 

“Điều học thứ nhì

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư lựa chọn chỗ này chỗ kia rồi thọ dụng đồ khất thực. ―(như trên)―

"'Ta sẽ thọ dụng đồ khất thực theo tuần tự' là việc học tập nên được  thực hành.

2. Nên thọ dụng đồ khất thực theo tuần tự. Vị nào lựa chọn chỗ này chỗ kia khi thọ dụng đồ khất thực do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa”. 

5. Hạnh ăn một bữa 

Trong 13 hạnh đầu đà mà Đức Phật chỉ dạy có hạnh ngồi ăn một bữa.

- Ý nghĩa: Đức Phật là bậc Điều Ngự Trượng Phu, tức là "Người đã chế ngự được bản ngã và nhân loại”. Vì vậy Ngài thông suốt cách thực hành phạm hạnh theo Pháp trung đạo đưa đến giải thoát. 

Với thức ăn đoàn thực, ngày ăn một bữa đủ nuôi dưỡng cơ thể cho người tu sĩ, phù hợp với việc tu tập và hành thiền. Do đó, Tỳ kheo chỉ ăn một bữa và có thể tùy duyên có hoặc không phát nguyện thêm “ăn một lần”. 

Như trong Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Tăng Nhất A Hàm tập 3, phẩm Phóng ngưu (Chăn trâu), trang 439 - 442 có ghi: “Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

- Ta thường ngồi ăn một bữa, thân thể nhẹ nhàng, khí lực mạnh mẽ. Tỳ-kheo các Thầy cũng nên ăn một bữa, thân thể nhẹ nhàng khí lực mạnh mẽ, dễ tu Phạm hạnh. 

- Các đức Phật ở đời quá khứ lâu xa đều ăn một bữa. Các hàng Thanh văn cũng ăn một bữa. Các Đức Phật tương lai và chúng đệ tử cũng sẽ chỉ ăn một bữa. Vì sao thế? Đó là pháp yếu để hành đạo, nên ăn một bữa. Nếu có thể ăn một bữa, thân thể nhẹ nhàng, tâm được khai mở. Tâm đã mở bèn được các căn lành. Đã được căn lành liền được chánh định. Đã được chánh định thì biết đúng như thật. Thế nào gọi là biết đúng như thật? Nghĩa là Khổ đế, biết như thật là Khổ đế; Khổ tập đế, biết như thật là Khổ tập đế; Khổ tận đế biết như thật là Khổ tận đế; Khổ xuất yếu đế (Đạo đế) biết như thật là Khổ xuất yếu đế”.

- Quy định về giờ khất thực: Tỳ kheo chỉ đi khất thực không quá giờ Ngọ. Như trong Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Tăng Nhất A Hàm tập 3, phẩm Phóng ngưu (Chăn trâu), trang 443 có ghi: “Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

- Ta chỉ ăn một bữa, các Thầy cũng nên ăn một bữa. Nay các Thầy ăn vào giờ Ngọ, không được ăn quá thời”. 

Quy định trên có được vì các lý do sau:

+ Dễ dàng khất thực được đồ ăn: Sau giờ Ngọ, người dân đã ăn xong nên có thể chư Tăng sẽ không khất thực được đồ ăn nữa. 

+ Không làm phiền thiện tín cư sĩ: Có thể sau giờ Ngọ, gia đình đã ăn cơm xong. Nếu thấy vị Tỳ kheo đi khất thực, thiện tín cư sĩ sẽ sinh tâm áy náy hoặc có thể đi nấu đồ ăn để cúng dường chư Tăng. 

+ Tránh phóng dật: Không đi khất thực quá sớm, không đi lang thang vào làng sau thời gian quy định được đi khất thực. Thời gian sáng sớm, thời gian còn lại sau giờ Ngọ, chiều và tối đêm là thời gian chư Tăng phải học, tu tập hành thiền.

Như trong Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Trung A - Hàm - Tập 1, phẩm Xá-Lê Tử Tương Ưng, kinh Cù-Ni-Sư, trang 283 - 284 có ghi: 

“Này chư Hiền, Tỳ kheo vô sự sống ở nơi vô sự, nên học biết thời và đúng thời, không đi vào thôn để khất thực quá sớm, cũng chẳng trở về quá trễ. Này chư Hiền, nếu Tỳ kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà vào thôn ấp để khất thực quá sớm và trở về trễ, thì bị các Tỳ kheo quở trách, cật vấn: “Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự nhưng đi vào thôn ấp để khất thực quá sớm, lại còn trở về trễ”. Nếu vị ấy đến ở giữa đại chúng cũng thường bị các Tỳ kheo quở trách, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ kheo vô sự sống ở nơi vô sự, nên học biết thời và đúng thời”. 

Theo lời Đức Phật dạy, chư Tăng chỉ đi khất thực không quá giờ Ngọ

Theo lời Đức Phật dạy, chư Tăng chỉ đi khất thực không quá giờ Ngọ

Ngoài ra, ngoài giờ đi khất thực, hầu hết thời gian chư Tăng sẽ cần an trú nơi trú xứ vắng vẻ, an tịnh: Rừng núi, đất trống, nhà hoang, mồ mả,… để thực hành thiền định.

Điều này đã được Đức Phật chỉ dạy và được lưu lại trong kinh điển như sau: 

- Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Trường A-Hàm, tập 2, kinh A Ma Trú, trang 36 - 37: 

“Tỳ kheo có Thánh giới như vậy, nếu được các Thánh căn, chỉ ăn vừa đủ, đầu đêm cuối đêm tinh cần tỉnh giác, thường niệm nhất tâm, không có tán loạn, thích ở nơi vắng vẻ, hoặc dưới gốc cây, hoặc bãi tha ma, hoặc trong hang núi, hoặc giữa đồng trống, hay tại đống rơm, đến giờ thì đi khất thực, ăn xong rửa sạch tay chân, thâu xếp y bát, bèn ngồi kiết-già, thân ngay thẳng, ý chân chánh, giữ niệm trước mặt, loại bỏ xan tham, tâm không bị ràng buộc, dứt trừ tâm sân hận, không có oán kết, trụ tâm thanh tịnh, thường đem lòng thương xót chúng sanh, loại trừ sự ngủ nghỉ, giữ cho ý tưởng luôn sáng suốt và niệm không tán loạn, dứt trừ, trạo hối, tâm không bị ràng buộc, nội hành tịch diệt, dứt trừ tâm trạo hối, đoạn trừ nghi hoặc để dứt lưới nghi, tâm phải chuyên nhất với các thiện pháp”. 

- Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Trung A-Hàm, tập 1, phẩm Vị Tằng Hữu, kinh Thị Giả, trang 427 - 428:

“Này A-nan, nếu Thầy Tỳ kheo trụ nơi thôn ấp, sau một đêm đến sáng hôm sau, khoác y, ôm bát, đi vào thôn khất thực, khéo hộ trì thân thể, nhiếp thủ các căn, trụ nơi chánh niệm. Vị ấy từ thôn ấp khất thực xong, xếp y, cất bát, rửa sạch tay chân, vắt ni-sư-đàn lên vai, đi đến chỗ rừng vắng, hoặc đến dưới bóng cây, hoặc vào trong nhà trống, hoặc kinh hành, hoặc tọa thiền, tịnh trừ những điều chướng ngại trong tâm, ban ngày, hoặc kinh hành, hoặc tọa thiền để tịnh trừ những điều chướng ngại trong tâm rồi, vào đầu hôm, hoặc kinh hành, hoặc tọa thiền để tịnh trừ những điều chướng ngại trong tâm, sau khi hoặc kinh hành hoặc tọa thiền để tịnh trừ những điều chướng ngại trong tâm vào lúc đầu hôm rồi, đến nửa đêm, đi vào tịnh thất để nằm, xếp làm tư ưu-đa-la-tăng, trải lên giường, gấp y tăng-già-lê là gối, nằm xuống phía hông bên phải, hai chân xếp chồng lên nhau, ý buộc vào minh tưởng chánh niệm, chánh trí, hằng hướng tâm niệm đến ý tưởng sẽ ngồi dậy, sau đêm ấy, liền mau đứng dậy, hoặc kinh hành, hoặc tọa thiền, để tịnh trừ những pháp chướng ngại trong tâm. Như thế là cách nằm như sư tử của Thầy Tỳ kheo”. 

Thời gian còn lại sau giờ Ngọ, chiều và tối đêm là thời gian chư Tăng học và tu tập hành thiền

Thời gian còn lại sau giờ Ngọ, chiều và tối đêm là thời gian chư Tăng học và tu tập hành thiền

Tuy nhiên, nếu có việc cần phải làm và việc khất thực không làm phiền đến thiện tín cư sĩ, chư Tăng vẫn có thể được khất thực và ăn sau giờ Ngọ.

-----------------

Trên đây là những chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến (Pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán) - Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa theo lời Đức Phật chỉ dạy về hạnh khất thực của người tu hạnh đầu đà. 

Quý vị có thể tìm hiểu thêm về pháp hạnh đầu đà qua các bài viết dưới đây: 

-
aa
+
339 lượt xem
17/06/2024

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. Ban quản trị

    28/06/2024
    Ban Quản trị và Chủ sở hữu Website Phạm Thị Yến tuyên bố nghiêm cấm và miễn trừ trách nhiệm đối với mọi bình luận, hình ảnh liên quan đến:
    - Chủ quyền của đất nước;
    - Các vấn đề về chính trị;
    - Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
    - Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
    Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.