Cúng ông Công ông Táo thế nào để có nhiều phước?

Ngày 23 tháng Chạp, hàng năm là ngày nhiều gia đình Việt Nam làm lễ cúng tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời, và đây cũng là ngày lễ đã trở thành tục lệ lâu đời của người dân Việt Nam vào mỗi dịp Tết đến. Ngày này hằng năm, hầu hết các gia đình đều lo sửa soạn, bày trí lễ mâm lễ với mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình mình. Vậy cúng ông công, ông táo thực chất có ý nghĩa gì? Và nó mang lại phước báu gì đối với mọi người theo cách nhìn của đạo Phật? Mời quý Phật tử theo dõi bài viết sau đây để biết thêm nhiều kiến thức cho ngày Tết ông Công, ông Táo!
 
Câu hỏi: Cháu chào Cô Yến! Cháu tên là Hà Anh, lấy chồng ở Hà Nội. Hằng năm đến ngày ông Công, ông Táo, nhà cháu có mua ba bộ mũ áo, ba con cá chép vàng, cúng xong thì mang ra sông thả trước 12h trưa. Năm nay, cháu mới theo đạo Phật, Cô giúp cháu xem cúng thế nào cho có phước hả Cô?
Lễ vật để dâng cúng Ông Công Ông Táo thường thấy trong các gia đình ngày 23 tháng Chạp
Lễ vật để dâng cúng Ông Công Ông Táo thường thấy trong các gia đình ngày 23 tháng Chạp

Chuyện hóa vàng cho ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp
Cô Phạm Thị Yến trả lời: Kính thưa quý đạo hữu! Theo quan niệm dân gian của chúng ta, ngày 23 tháng chạp là ngày ông Công, ông Táo về trời. Chúng ta cúng lễ cho các ông ấy để các ông báo cáo tốt về gia đình mình khiến trời ban phước cho gia đình. Thế nhưng, chúng ta hãy tư duy rằng: Mình phải cúng con cá cho ông Công, ông Táo thì các ông mới có cái bay về trời, thế thì các ông làm gì có chút thần thông nào? Quần áo mình cũng cho mới có cái mặc thì các ông làm gì có phúc, rất nghèo khổ nên mới không có cái mặc?

Đức Phật ra đời mở cho chúng ta ánh sáng trí tuệ. Cho dù chúng ta chưa đọc đến kinh Phật, nhưng chúng ta cũng có thể tư duy được rằng: Ông quan phải có quyền chức thì mới giúp mình được, còn nếu ông quan không có quyền chức thì mình còn to hơn ông ấy thì làm sao ông ấy cho mình được cái gì? Ông Công, ông Táo chẳng qua là tên mình đặt cho vị thần linh thôi, còn khi chúng ta cúng khấn thì phải hướng tâm tới chư thiên, chư thần. Vậy chư thiên, chư thần hồi hướng phước cho chúng ta như thế nào? Người nào mới nhận được phước của chư thiên, chư thần? Còn người như thế nào thì không nhận được, mà người ta cũng không cho được? Người nào cúng cho chư thiên, chư thần thì được phước; còn người nào cúng cho chư thiên, chư thần thì sinh họa.

Lời Phật Dạy  Kinh Tiểu Bộ 6 - Đại Tạng Kinh Việt Nam
Lời Phật Dạy
Kinh Tiểu Bộ 6 - Đại Tạng Kinh Việt Nam
Yến xin trích bài kinh Chuyện Thiên Hoa Kakkàru thuộc kinh Tiểu Bộ 6 - Đại Tạng Kinh Việt Nam:
“Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên, cách Ðề-bà-đạt-đa đã gây ra sự ly gián trong Giáo đoàn như thế nào, rồi sau đó bỏ đi với các đệ tử trưởng của ông, và khi đám này tan rã, ông hộc ra một dòng máu nóng.
 
Các Tỷ-kheo đem chuyện ấy bàn trong Pháp đường và bảo rằng Ðề-bà-đạt-đa đã dùng vọng ngôn gây nên sự ly gián kia, sau đó mang bệnh, và chịu bao nhiêu đau đớn. Bậc Ðạo Sư bước vào hỏi các Tỷ-kheo đang họp nhau ngồi bàn tán chuyện gì. Sau khi nghe kể lại, Ngài dạy:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ mà từ xưa kia, ông ta cũng đã là một kẻ nói dối; và không phải chỉ bây giờ mà từ xưa kia, ông ta cũng đã phải chịu khổ đau vì nói dối. Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
 
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-lai-nại, Bồ-tát là một vị thần ở cõi trời Ba mươi ba. Bấy giờ có một cuộc lễ lớn tại Ba-la-nại, Một đám đông rắn thần Nàga và chim Kim sí điểu Garuda cùng các địa thần đến dự lễ. Và bốn Thiên thần từ cõi trời Ba mươi ba mỗi vị mang một tràng thiên hoa Kakkàru cũng đến dự lễ. Suốt trong khoảng mười hai dặm của thành phố đều sực nước hương thơm của các hoa ấy. Mọi người đều xôn xao, tự hỏi không biết các vị mang các bông hoa ấy là ai. Các Thần nói:
- Họ đang nhìn chúng ta đấy.
Rồi từ sân điện bay lên và dùng thần lực đứng ngay trên không. Ðám đông tụ tập lại, vua cùng các hoàng tử theo vua đến hỏi các vị thần ấy từ cõi nào đến:
- Chúng ta từ cõi trời Ba mươi ba đến .
- Các ngài định đến đây để làm gì?
- Ðể dự lễ.
- Các hoa này là hoa gì thế?
- Thưa các ngài, ở thế giới thiên thần,các ngài có thể đeo hoa khác. Hãy cho chúng tôi hoa này đi.
Các thần trả lời:
- Các hoa này chỉ xứng với những vị thần có đại lực; còn đối với hạng thấp kém, những kẻ ngu si, tội lỗi trong cõi người thì hoa này không xứng hợp. Nhưng những ai trong cõi người có được những đức hạnh như thế ... như thế... thì những bông hoa này xứng hợp với họ.
Rồi vị trưởng các Thần ấy đọc lên bài kệ đầu:
Kẻ nào giữ mình không trộm cắp.
Miệng lưỡi luôn tránh tật dối lời
Ðạt nên danh vọng cao vời.
Giữ tâm yên ổn - xứng đòi hoa đây.
Nghe thế, một vị giáo sĩ hoàng gia tự nghĩ: "Ta chẳng có một đức tính nào trong các đức tính nói trên, nhưng ta sẽ nói dối để có được những bông hoa này. Ðược như thế mọi người sẽ tin rằng ta có các tính hạnh ấy". Rồi ông ta nói:
- Tôi có đủ những đức tính ấy.
Thế là ông ta được trao hoa để mang. Rồi ông ta đến xin vị thần thứ hai, vị này đọc bài kệ thứ hai:
Kẻ nào kiếm tiền tài chân thật
Tránh gian manh để đạt giàu sang
Thú vui quá độ, tránh luôn,
Xứng phần được đóa thiên hương đây này.
Giáo sĩ nói:
- Tôi đầy đủ những đức tính ấy.
Và thế là ông ta được trao hoa để mang. Rồi ông đến xin vị thần thứ ba, vị này đọc bài kệ thứ ba:
Kẻ nào chẳng lệch xa mục đích,
Và lòng tin bất dịch chẳng rời,
Thức ăn ngon chẳng đoái hoài,
Chánh chân đòi hỏi hoa trời này đây.
Vị giáo sĩ nói:
- Tôi đầy đủ những đức tính ấy.
Thế là ông ta được trao hoa để mang. Rồi ông đến xin vị thần thứ tư, vì này đọc bài kệ thứ tư:
Kẻ nào chẳng phê bình người tốt
Dù sau lưng hay trước mặt người
Làm tròn việc đúng như lời,
Xứng đòi phần thưởng hoa trời này đây.
Giáo sĩ nói:
- Tôi đầy đủ các đức tính này.
Và ông được trao hoa để mang.
Như vậy các vị Thần tặng bốn tràng hoa cho giáo sĩ rồi quay về cõi trời. Khi các Thần vừa ra đi, giáo sĩ bị một cơn đau khốc liệt tấn công, ở trong đầu như có mũi nhọn đâm và như có đồ vật bằng sắt đập vào. Cuồng trí vì đau đớn, ông lăn lộn vật vã và kêu la ầm ĩ. Khi mọi người hỏi:
- Thế này là sao?
- Tôi tự xưng có những đức hạnh mà tôi vốn không có. Tôi đã nói dối để xin các Thần ấy những bông hoa này, hãy gỡ hoa ra khỏi đầu tôi.
Họ liền gỡ hoa ra nhưng không được vì hoa đã gắn chặt như một vành sắt. Thế rồi họ đỡ ông ta lên và đưa ông về nhà. Vua bảo các cận thần:
- Bà-la-môn ác hạnh kia sắp chết, ta nên làm gì đây?
- Tâu Ðại vương - các quan đáp - chúng ta hãy tổ chức một lễ hội. Các Thiên Thần sẽ trở lại.
Vua liền tổ chức một lễ hội và các Thiên Tử ấy trở lại và làm ngập tràn thành phố với hương thơm của các bông hoa kia, họ đứng tại chỗ cũ trong sân chầu. Dân chúng tụ tập và mang Bà-la-môn ác hạnh kia, đặt nằm sấp xuống trước các Thiên thần. Ông ta van xin các Thần:
- Kính lạy các ngài, xin hãy tha mạng cho tôi.
Các Thần bảo:
- Các bông hoa này không thích hợp với một kẻ độc ác xấu xa. Trong tâm, ông đã định lừa dối chúng ta và ông đã phải nhận lấy hậu quả của những lời ông nói dối.
Sau khi quở trách ông ta trước mọi người, các Thần gỡ tràng hoa khỏi đầu ông, khuyến dụ mọi người rồi quay về trú xứ riêng của họ.
Khi bậc Ðạo Sư thuyết giảng xong. Ngài nhận diện Tiền thân:
 
- Bấy giờ, Ðề-bà-đạt-đa là Bà-la-môn ấy, Ca-diếp là một trong các Thiên thần, Mục-kiền-liên là vị Thần thứ hai, Xá-lợi-phất là vị Thần thứ ba, còn ta là vị Thần Trưởng chúng.”
Cúng ông Công ông Táo - Người có tâm chân thật sẽ nhận được sự gia hộ
Kính thưa quý đạo hữu! Theo bài kinh trên, chúng ta hãy xem mình đã có những đức tính nào: Thứ nhất là không trộm cắp, không nói dối; thứ hai là kiếm tiền chân thật, không lừa gạt người khác và tránh đi những cái vui quá độ, dẫn đến làm khổ gia đình; thứ ba là giữ việc tu tập, không biếng trễ, không vì ham ăn, ham ngũ dục mà xa rời việc tu đạo của mình; thứ tư là không phê bình người tốt và phải hay giữ đúng lời hứa. Nếu người nào làm được như vậy thì khi khấn cầu các vị chư thiên, chư thần sẽ được ứng. Đó cũng là từ trong nhân quả của mình mà họ phát tâm bố thí cho mình. Nhân ngay thẳng, trung trực, giữ giới thì quả báo được phước của chính mình và xin sự gia hộ của chư thiên, chư thần.
Cho nên, đến ngày 23 là ngày ông Công, ông Táo lên trời thì chúng ta cúng khấn rằng: “Hôm nay là ngày dân tộc Việt Nam làm lễ tri ân chư thiên, chư thần. Hôm nay con chân thật một năm qua thực hành Bát quan trai giới, chúng con thường nghe Thầy giảng kinh, thuyết Pháp và đang dần từ bỏ các tâm cấu uế. Nay con xin thỉnh các vị hộ trì cho gia đình con để cho con của con xa rời bạn dữ, gần gũi bạn lành; để cho chồng con xa rời các ác duyên mà về đây chung thủy với con.
Xin các vị hộ trì cho gia đình con để cho chúng con có được sức khỏe, gặp được nhiều thuận duyên”.
Cúng ông Công ông Táo như thế nào để nhận được sự gia hộ?
Cúng ông Công ông Táo như thế nào để nhận được sự gia hộ?

Nếu chúng ta thường biết cúng dường, hồi hướng phúc lành cho chư thiên, chư thần, mong cho họ được tu hành trong giáo Pháp của Phật và mong rằng họ sẽ hộ trì cho mình có được nhiều thuận duyên để tu tập. Vì thế, chúng ta lấy Pháp bố thí này để làm công đức, để thỉnh họ hộ trì cho mình. Chính ngày ông Công, ông Táo về trời là ngày chúng ta thỉnh chư thiên, chư thần hồi hướng gia hộ cho chúng ta. Cho nên, chúng ta sẽ báo cáo về những ngày chúng ta tu học Bát quan trai: “Chúng con là người năng nghe Pháp giải thoát của Phật được giảng từ Sư Phụ cùng chư Tăng chùa Ba Vàng. Chúng con nay phát tâm tu học tại chùa Ba Vàng, chúng con phát tâm trì giới, tuy rằng trong tu tâm còn biếng trễ nhưng tâm chúng con có hướng về việc tu tập. Chúng con xin thỉnh các vị chư thiên, chư thần hãy hộ trì cho chúng con”.

Ngoài ra, chúng ta chuẩn bị bát cơm, chén nước để cúng lễ cho các vị; không nên cúng theo kiểu mang một bộ quần áo cho ông Công, ông Táo, vì các vị ấy không mặc được những bộ quần áo giấy, các vị có rất nhiều phước nên mình không cần cúng những thứ đó cho các vị ấy đâu.

Các bài nên xem:
Tại sao cúng dường Tam Bảo được nhiều phước báu?
Mộ kết là gì? Bí ẩn đằng sau những ngôi mộ kết…
Ý nghĩa của việc thả cá chép trong ngày tết ông Công, ông Táo


-
aa
+
1,416 lượt xem
08/01/2021

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. Ban quản trị

    28/06/2024
    Ban Quản trị và Chủ sở hữu Website Phạm Thị Yến tuyên bố nghiêm cấm và miễn trừ trách nhiệm đối với mọi bình luận, hình ảnh liên quan đến:
    - Chủ quyền của đất nước;
    - Các vấn đề về chính trị;
    - Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
    - Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
    Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.