Có những việc làm dù biết là vô vọng, nhưng không hề vô nghĩa

(NGUỒN: INTERNET)

Có những người, trong một số sự việc, ngay từ khi chưa bắt đầu, họ đã biết trước kết quả không như mong muốn, không cứu vãn được. Nhưng họ vẫn lựa chọn cố gắng, quyết tâm đến cùng để đeo đuổi sự việc đó. Nhiều người cho rằng họ ngu ngốc, nhưng lại ít ai hiểu được ý nghĩa lớn lao trong việc làm của họ.

Trong kinh điển Phật giáo, có câu chuyện kể rằng:
“Xưa, có oanh vũ bay nhóm ở một núi khác. Chim chóc súc thú trong núi trở nên thương kính, không còn tàn hại nhau. Oanh vũ tự nghĩ: “Tuy vậy không thể ở lâu, nên phải trở về”. Rồi bèn đi.

Sau đó vài tháng núi lớn thất hỏa, bốn bề đều cháy. Oanh vũ xa thấy, bèn bay vào sông, dùng lông mình lấy nước bay lên không trung, dùng lông mình rũ nước tưới lên, ý muốn diệt lửa lớn. Như thế cứ bay đi bay lại, bay đi bay lại.

Thiên thần nói: “Hỡi oanh vũ, ngươi sao ngu thế. Lửa ngàn dặm, há vì nước đôi cánh ngươi mà dập được sao?” Oanh vũ nói: “Tôi cũng biết là không dập tắt được. Nhưng tôi đã từng ở trọ trong núi đó. Chim chóc súc thú trong núi đều hiền lành, thảy là anh em. Tôi không nỡ thấy chúng chết cháy”. Thiên thần cảm lòng chí thành, bèn làm mưa dập tắt lửa”.

Con chim oanh vũ đó chính là tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong một kiếp hành Bồ Tát đạo.
Hành động dùng lông mình lấy nước để dập tắt lửa lớn trong núi của chim oanh vũ là một việc làm phi thực tế, phi kết quả - ai cũng biết rõ điều đó; và chính nó cũng biết rằng một chút nước trên lông mình chẳng thể nào “chiến thắng” được ngọn lửa dữ đang thiêu cháy cả ngọn núi lớn. Thế nhưng, vì nghĩa tình, vì tâm biết ơn, không nỡ thấy “anh em” mình chết cháy mà chim oanh vũ đã làm hết sức trong khả năng của mình. Và đó cũng là việc cần phải làm để thành tựu tâm từ bi, tâm vô chướng ngại trên con đường hành Bồ Tát đạo của tiền thân Đức Phật Thích Ca, các việc làm đó dù rằng biết trước với sức với duyên của mình, thì tướng của sự việc cũng không thể thành công theo thiện ý của mình.

Cũng vậy, đối với người đệ tử Phật khi phát nguyện thực hành công hạnh Bồ Đề cầu đạo Vô Thượng, cần phải vượt qua các chướng nạn từ bên ngoài để thành tựu tâm. Trong chướng nạn ấy, có những sự việc họ biết trước rằng, dù cho có lên tiếng hay quyết tâm làm đến cùng, kết quả không khả quan, cũng giống như việc “lấy trứng chọi đá”, dù có dùng một ngàn một vạn quả trứng cũng chẳng có cái kết tốt đẹp - nhưng họ vẫn làm. Vì mục đích ban đầu của họ không phải là để chiến thắng, mà là để làm lợi ích cho chúng sinh trong chính nhân duyên, có thể trong duyên này mà được thông tỏ, giác ngộ và cao hơn nữa là có thể tránh được báo nghiệp sau này.
Giống như chim oanh vũ, kết quả qua việc làm vô vọng của nó chính là cảm ứng được thiện thần tạo mưa lớn, dập tắt được lửa. Còn với người thực hành công hạnh Bồ Đề, kết quả qua việc làm của họ đó chính là khiến cho chúng sinh phải cẩn thận hơn trong các phát ngôn, việc làm của mình trong bổn phận chức trách, không gây khổ cho mọi người và có thể lần sau không tạo nên điều sai quấy, phạm phải Tam Bảo, phạm vào những người tu hành, để tránh những nhân quả đau khổ. Tất cả đều xuất phát từ tình yêu thương trong nhân quả mà ra.

Cho nên, người thực hành công hạnh Bồ Đề sẽ tùy nhân duyên để làm lợi ích chúng sinh, đã rời xa sự thắng - thua đối đãi ở thế gian, vốn dĩ họ đã giác ngộ “không ai có thể ra khỏi nhân quả của các việc làm thiện - ác của chính mình”, các việc tự phàm phu chúng ta đánh giá, vốn chẳng quan trọng. Với nhân quả thì không phải cứ được công nhận chiến thắng thì gọi là chiến thắng, bởi lẽ chiến thắng đó chắc gì đã vẻ vang, huy hoàng, đem đến an lạc, hạnh phúc. Nếu chiến thắng đó xuất phát từ điều bất thiện, dùng thủ đoạn để đạt được thì cái kết cuối cùng chính là khổ đau trong nhân quả. Niềm vui chiến thắng chỉ thỏa mãn trong giây lát, nhưng nỗi đau khổ lại kéo dài từ kiếp này đến kiếp khác, cứ như vậy mà trôi lăn trong luân hồi, cho đến khi nào trả hết quả báo mới thôi.

Cho nên, người phàm phu “chiến thắng” chớ vội đắc ý, vì đoạn đường phía trước còn rất dài! Và chúng ta cũng đừng vội chê bai người mà chúng ta nghĩ là thua cuộc, vì họ chưa chắc đã thua, mà có thể họ đã hoàn thành được sứ mệnh trong hoàn cảnh đó của họ rồi…

Đối với người phát tâm Bồ Đề, không một việc làm nào của họ lại là vô nghĩa, tất cả các việc làm của họ đều là vì lợi ích của chúng hữu tình và vì sự thành tựu quả vị Phật.

 

 

-
aa
+
3,764 lượt xem
04/04/2021

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ