Chọn Thầy để học như thế nào cho đúng?

Kính thưa quý đạo hữu! 
Phật tử chúng ta tu tập Phật Pháp là để mong cầu hiểu được về nhân, về quả. Nếu ở đâu không có Sư Thầy dạy cho chúng ta thì chúng ta phải đi tìm ở nơi chùa có Sư Thầy dạy cho chúng ta. Đi tu tập thì chúng ta phải bình đẳng và phải hiểu rằng chúng ta giải thoát cái gì, cần giải thoát cái gì? Khi Đức Phật ra đời, Ngài chỉ dạy cho chúng ta về nhân về quả. Những suy nghĩ ác, lời nói ác, việc làm ác thì sẽ có quả báo ác; những suy nghĩ thiện, lời nói thiện, việc làm thiện thì sẽ có quả báo thiện.

Chúng ta đến với đạo Phật để chúng ta học: Thế nào là suy nghĩ thiện? Thế nào là lời nói thiện? Thế nào là việc làm thiện để cho chúng ta có được phước báo? Khi chúng ta xác định được như vậy thì chúng ta sẽ tìm được vị Thầy có những lời nói lành thiện, việc làm lành thiện và dạy cho chúng ta những điều lành thiện, dạy chúng ta: không sát sinh, quả báo của việc sát sinh và phước báo của việc không sát sinh; không trộm cắp, quả báo của việc trộm cắp và phước báo của việc không trộm cắp; không nói dối, quả báo của việc nói dối và phước báo của việc không nói dối; không tà dâm, quả báo của việc tà dâm và phước báo của việc không tà dâm; không say sưa nghiện ngập, quả báo của việc say sưa nghiện ngập và phước báo của việc không say sưa nghiện ngập. Vị Thầy dạy cho chúng ta những điều đấy thì có thể làm Thầy của Phật tử chúng ta và dạy cho chúng ta tu học.

Thứ nữa, chúng ta phải tìm một vị Thầy không chấp trước, không chấp tôi, không bảo thủ, tức là vị Thầy học hành mở mang kiến thức rồi cho Phật tử chúng ta học hỏi thêm ở những người Thầy tốt, ở những người bạn lành. Người Thầy này đang thực hành vô ngã, hy sinh tất cả vì những đệ tử có duyên với mình. Với những người Thầy như vậy, mình phải phụng sự, học hỏi và hộ trì để cho việc hoằng Pháp của Thầy được phát triển. Mình làm đệ tử của Thầy, hằng ngày mình tu học thấy tâm mình có tăng thượng, ngày càng trở nên lành thiện, giới luật ngày càng giữ được trọn vẹn.

Khi có một vị Thầy như vậy, chúng ta mà bỏ Thầy để đi thì phải biết rằng chúng ta đang bỏ chỗ tốt đi sang chỗ xấu, trong nhà Phật gọi là “từ sáng đi sang tối”. Sáng có nghĩa là nơi đây có giáo Pháp của Phật, có người Thầy dẫn đường cho mình để mình rèn sửa tâm tính, để cho mình được thiện lành; mà mình lại rời bỏ người Thầy đó đi đến chỗ vị Thầy khác, cho dù vị Thầy khác có giỏi hơn, dạy mình tốt hơn thì như vậy vẫn chưa đúng. Bởi vì mình là đệ tử Phật, Thầy đã dạy cho mình đủ năm giới, nên nếu có vị Thầy nào tốt hơn thì mình xin phép và đến cả hai nơi, thế mới đúng. Bởi vì mình đến chỗ mới, có những người bạn mới tu hành tinh tấn hơn thì mình sẽ học hỏi được nhiều hơn; học hỏi nhiều thì mình sẽ về hộ trì cho Thầy mình được nhiều hơn. Khi một người Phật tử làm như vậy thì người Phật tử có phúc lành, có công đức hộ trì và làm cánh tay phải để cho vị Thầy hoằng dương giáo Pháp.

Người Phật tử mình tu ở đâu thì mình phải nhận biết được ở đó tu đúng hay tu sai. Nếu tu sai thì mình được phép rời đi chỗ khác để tìm Thầy học đạo mà không có lỗi gì với Thầy. Mình bạch rằng: “Con bạch Thầy, con xin phép con không tu ở đây nữa, con đi đến chỗ khác con tu. Với Thầy, con vẫn một niệm cung kính, nhưng những điều con học không thỏa đáng với con”. Khi mình đến chỗ mới, mình không cần nói rằng “Chính vị Thầy này…”, mà mình có thể nói rằng: “Ở chỗ tôi tu học trước đây có những điều không đúng Pháp, là thế này, thế này (ví dụ như: “Ở nơi đó còn sát sinh, còn hại mạng, không dạy cho tôi Chính Pháp nên tôi bỏ và tôi đi lên). Nhưng cũng vì người Thầy không Chính Pháp đó mà tôi cũng được từ đó đi lên, tôi vẫn cảm ơn”.

Qua đây, Yến cũng mong mỏi các đạo hữu mình tư duy về nơi mình đang tu học, xem giới đức của Thầy thế nào, những điều Thầy dạy mình ra sao, và mình sẽ phụng sự thế nào. Còn việc đi học thêm, Thầy không cấm; nhưng mình đi học thêm rồi mang kiến thức đó về trình Thầy, không phải học thêm để vượt mặt Thầy mà đi dạy mọi người. Chúng ta phải: “Con bạch Thầy, con học được chỗ này để sách tấn với chị em. Con xin Thầy cho con được chia sẻ với đại chúng ạ!”. Ví dụ: “Con bạch Thầy, con đi đến chỗ kia không thấy cãi nhau. Khi họ mâu thuẫn thì họ giải quyết như thế này… Con bạch Thầy, con xin Thầy cho con chia sẻ với huynh đệ của con để con sách tấn huynh đệ làm sao ra chùa cho đúng Pháp, cho được vui vẻ, hòa hợp với nhau để có được niềm vui”. Chắc chắn, Thầy sẽ rất hoan hỷ, bởi vì trong Phật Pháp, các vị Thầy đi tu phải đúng như tính chất cha mẹ mình: mong muốn cho con tiến bộ, mong muốn cho anh em hòa hợp với nhau, mong muốn cho anh em bảo ban nhau cùng tiến bộ!
Chúc các đạo hữu luôn luôn tinh tấn!

_Phạm Thị Yến (Tâm Chiếu Hoàn Quán)_


Các bài nên xem:
Mọi sự đều do nhân duyên
Tinh tấn trong các duyên làm phận sự được lợi ích gì?
Quán nhân duyên như thế nào khi chọn hội chúng tu tập

Ý nghĩa tu tại gia - tu chợ - tu chùa?

Chọn Thầy để học như thế nào cho đúng?

-
aa
+
156 lượt xem
15/08/2019

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. Ban quản trị

    28/06/2024
    Ban Quản trị và Chủ sở hữu Website Phạm Thị Yến tuyên bố nghiêm cấm và miễn trừ trách nhiệm đối với mọi bình luận, hình ảnh liên quan đến:
    - Chủ quyền của đất nước;
    - Các vấn đề về chính trị;
    - Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
    - Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
    Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.