Thuở xưa, có một ông trưởng lão Bà-la-môn tên Tát-giá-ni-kiền, thông minh tài giỏi vào bậc nhất trong nước. Ông có năm trăm người đệ tử thường xuyên theo học. Ông do vậy cống cao tự đại xem thiên hạ không ra gì. Ông thường lấy lá sắt mỏng quấn quanh bụng, người ta thấy lạ hỏi, ông đáp:
- Tôi sợ trí tuệ tràn ra ngoài nên mới làm như thế!
Một hôm, ông nghe có Phật ra đời, việc hóa đạo hết sức thành công, nên sinh tâm đố kỵ, ngủ nghỉ không yên, ông nói với các đệ tử:
- Ta nghe Sa môn Cù Đàm tự xưng là Phật, nay ta sẽ đến đó hỏi những việc sâu xa vi diệu, khiến ông ta bối rối không biết đường trả lời.
Nói xong, ông cùng chúng đệ tử đến tinh xá Kỳ-hoàn, đứng ở ngoài cổng. Từ xa, trông thấy từ dung Thế Tôn rực rỡ uy nghiêm như vầng mặt trời mới mọc, ông bỗng sinh tâm hoan hỉ xen lẫn kính sợ, liền rẽ đám đông đi thẳng đến trước Phật làm lễ. Đức Phật bảo ông ngồi. Ngồi xong, ông thưa với Phật rằng:
- Cái gì gọi là đạo? Điều gì gọi là trí? Sao gọi là trưởng lão? Sao gọi là đoan chính? Sao gọi là Sa-môn? Sao gọi là Tỳ-kheo? Sao gọi là hiển minh? Sao gọi là có đạo? Sao gọi vâng giữ giới? Nếu như Ngài trả lời được, tôi nguyện làm đệ tử.
Bấy giờ, đức Thế Tôn xét theo căn cơ của ông, dùng kệ đáp rằng:
Thường từ mẫn, hiếu học
Tâm chân chính tu hành
Chỉ gìn giữ tuệ báu
Đây chính gọi là đạo.
Gọi là người có trí
Không cần biện luận chi
Ai tự tại vô úy
Làm lành là bậc trí.
Gọi là bậc trưởng lão
Không phải do tuổi cao
Thân già và tóc bạc
Hạng xuẩn ngu khác nào.
Ai noi theo chính pháp
Từ bi, đạo đức cao
Sáng suốt lại thanh tịnh
Xứng trưởng lão biết bao.
Người gọi là đoan chính
Không phải đẹp như hoa
Trong tham lam, tật đố
Nói và làm trái xa.
Ai bỏ được điều ác
Dứt tận đến nguồn cơn
Trí tuệ, không giận hờn
Mới là người đoan chính.
Gọi là bậc Sa-môn
Không phải do cạo tóc
Nếu vọng ngữ tham lam
Khác chi hạng tục phàm?
Ai dứt được điều ác
Mở rộng đạo nhiệm mầu
Tâm ý không vọng tưởng
Chính thật bậc Sa-môn.
Gọi là bậc Tỳ-kheo
Không phải đi khất thực
Tà hạnh mong cúng thí
Chỉ là cầu danh suông.
Ai dứt bỏ nghiệp tội
Thanh tịnh tu phạm hạnh
Trí tuệ phá được ác
Chính thật bậc Tỳ-kheo.
Gọi là bậc hiền minh
Chẳng phải im không nói
Nếu dụng tâm không khéo
Làm dáng bên ngoài thôi.
Ai lòng giữ vô vi
Hạnh thanh tịnh vô chấp
Tâm bỉ thử vắng lặng
Chính thật bậc hiền minh.
Gọi là bậc có đạo
Không riêng cứu một ai
Cứu giúp cho tất cả
Không hại kẻ vô đạo.
Người phụng trì chính pháp
Không phải tụng nói nhiều
Tuy rằng nghe học ít
Song y pháp hành trì
Giữ đạo không quên lãng
Là phụng trì pháp tạng.
Tát-giá-ni-kiền và năm trăm đệ tử nghe kệ xong, tâm hoan hỉ khai ngộ, không còn kiêu mạn đều xuất gia làm Sa-môn. Riêng Ni-kiền phát tâm Bồ-tát, còn năm trăm đệ tử đều chứng quả A-la-hán.
(Trích soạn từ: Kinh Pháp cú thí dụ, Quyển Thứ Ba, Phẩm Phụng Trì Thứ 29, Thí dụ 53, tr.240-246, Việt dịch: Thích Minh Quang, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012)
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.